Trong các tập bản thảo và sách báo của cố nhà văn Tạ Hữu Thiện để lại có một tờ tạp chí Trăm Hoa số Một, phát hành tháng 6, năm 1957, cỡ 20x ,27cm, 16 trang cả bìa, chỉ nhỉnh hơn quyển vở học sinh chút ít. Giấy mầu ênh ênh vàng. Không rõ vì nguyên liệu và công nghệ sản xuất thời đó còn kém, hay do thời gian đã làm cho giấy trắng ngả sang màu vàng.
Trong đó in truyền ngắn “ Ngoại tình” của Tạ Hữu Thiện, ba bài thơ của: Văn Tôn, HBC, Mai Hạnh. Ngoài ra còn một thông báo kết quả cuộc thi câu đố, câu đối và 39 ô quảng cáo là vừa hết 16 trang.
Đây là tờ Trăm Hoa mới, tờ báo tư nhân cuối cùng còn tồn tại do nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.
Trên mạng Internet cho biết: Thời gian đó ở miền Bắc nước ta báo chí và xuất bản tư nhân còn được phép hoạt động. Trước tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính, đã có tờ Trăm Hoa của Nguyễn Mạnh Phác (tức Trúc Đường) làm Chủ nhiệm, cũng là báo tư nhân.
Phải mua giấy giá cao hơn so với giá cung cấp cho báo chí Nhà nước. Hệ thống phát hành báo chí là các ‘Hiệu sách nhân dân’ cũng không nhận phát hành báo chí tư nhân. Ngoài ra, còn một trở ngại rất đáng kể là cán bộ chính quyền đoàn thể các ngành, các cấp thường gây khó khăn trở ngại cho phóng viên và người phát hành báo chí tư nhân. Cho nên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Mạnh Phác bị ‘ chết’ vì lỗi vốn. Ít lâu sau Nguyễn Bính đứng ra tục bản thành tờ Trăm Hoa mới nhưng rồi cũng ‘chết’ vì lỗ vốn như tờ Trăm Hoa cũ.
Thực ra không hoàn toàn đúng như vậy. Ngoài những kho khăn kể trên, tờ Trăm Hoa mới còn vấp phải một trở ngại to lớn hơn nhiều.
Đó là chuyện báo vừa ra được 5 số thì bọn ‘côn đồ’ đến đâp phá toà soạn, nhà thơ Nguyễn Bính phải bỏ chạy. Cuộc hành hung đó như một tiếng pháo lệnh, sáng hôm sau tát cả các báo, đài đều có bài phê phán tạp chí Trăm Hoa. Rồi sau đó chính quyền ra lệnh cấm báo chí tư nhân không được phép kinh doanh nữa. Và từ ngày ấy đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Nhà nước vẫn độc quyền kinh doanh báo chí, xuất bản, Thế là Trăm Hoa mới nở được có 5 bông đã bị lụi tàn.
(Về chuyện tạp chí Trăm Hoa bị hành hung trước đây khi viết bài ‘ Tai nạn nghề nghiệp’, chúng tôi đã kể về chuyện đó rồi - Bài này đã in trong tập ‘ Kiếp luân hồi’ NXB Văn học - 2011- nhưng do biên tập sơ suất nên đã viết là ‘... tờ báo chỉ ra được hai số...’ Sự thật là năm số . Nhân đây chúng tôi xin chân thành cáo lỗi cùng quý vị độc giả).
*
* *
Các nhà văn thường cho in tác phẩm của mình trên mặt báo trước, rồi sau mới tập hợp lại in thành sách. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy, vì nhiều lý do... Nhà văn Ta Hữu Thiên qua đời năm 1969, khi mới ngoài 50 tuổi , những tác phẩm thơ , văn lẻ đã in báo của ông không có cơ hội in thành tập nữa, thật đáng tiếc!
Một cái truyện hay một bài thơ, đối với một nền văn học cũng chỉ như một chiếc lá của rừng cây. Nhưng lá rụng còn thành mùn - đất giúp cho cây tái sinh lá mới. Còn tác phẩm văn học nếu rụng rời vào quên lãng thì chẳng ích lợi gì. Với ý nghỉ đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: dưới đây truyện ngắn ‘ Ngoại tình’ của nhà văn Tạ Hữu Thiện, tác phẩm này hơn nửa thế kỷ trước đã in trên tạp chí Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Bính:
Uông Bí, ngày 29/10/2015
NGOẠI TÌNH
Truyện ngắn của Tạ Hữu Thiện
Hoài nằm giải tấm thân cao giầy gần chấm hết chiều dài chiếc gường tre ở quân y viện. Hoài gầy đến nỗi nếu chỉ kéo chiếc chăn bông phủ kín đầu. Không để hở ra đôi mắt tháo láo nhìn lên mái nữa, không để lộ ra mớ tóc đen láy làm cho khuôn mặt trái xoan hốc hác xanh xao thì người ta có thể ngờ trên gường chỉ có chiếc chăn bông chưa gấp. Gió cuối đông đem cái rét căm căm từ núi rừng ngút ngàn của Việt Bắc thổi về khu rừng heo hút này. Gió tạt qua phên nửa, lùa vào phòng bệnh, thấm qua chăn bông thấm vào da thịt Hoài làm chị buốt tê. buốt đến nỗi cơ hồ không cảm giác được nữa. Tuy thế cái giá lạnh ghê gớm nay vẫn kém xa cái ghê lạnh chán chường của Khang - chồng chị - đối với chị là một hình phạt sâu cay đến cái độ mà chị đã không thể hình dung nổi khi dấn thân vào hành vi tội lỗi .Ngoại tình.
Hoài ốm liệt giường gần một năm nay từ sau khi ở cữ đứa con thữ tư , hậu quả của cuộc tình duyên vụng trộm. Chưa một lần nào Khang đến bên gường chị. Việc đưa chị, một người không phải là quân nhân vào điều trị ở quân y viện này cũng là do sự sắp xếp của cơ quan Khang mà thôi. Khang còn ngăn cấm Nhân, Nghĩa và Đạo ba đứa con chung của Khang và Hoài- về thăm mẹ nó. Con người độc ác đến thế là cùng . Mà nào chỗ chị nằm có cách cơ quan của Khang làm việc là bao. Đã nhiều lần Hoài tự hỏi: Có phải Khang giam hãm mình trong cái cô đơn ghê gớm này là cố tình đẩy mình đến cái chết không thể tránh khỏi chăng?
*
* *
Khang là một cán bộ trung cấp, anh đang phụ trách tờ báo của một tổ chức kháng chiến. Anh rất say sưa công tác. Nhưng anh tỏ ra nghiêm kkắc và lạnh nhạt đối với mọi người, đối với Hoài anh cũng tỏ ra nhàn nhạt, trầm trầm. Từ cơ quan của khang đến xã Đoàn Kết thuộc tỉnh Thái Nguyên là nơi Hoài ở tăng gia nếu đi bộ chỉ mất một ngày. Là thủ trưởng một cơ quan, Khang có ngựa và một xe đạp, nhưng hoạ huân có công tác qua địa phương vợ ở anh mới tạt về nhà thăm vợ. Đã tạt về thì anh không thể ở nhà lâu, thường thường chỉ sau một đêm ngủ vùi vì hành trình mệt nhọc, anh lại lên đường công tác.
Cái thời Khang còn là một viên chức ở Hà Nội trước cách mạng tháng tám - Hoài còn là một nữ sinh sinh văn thơ (Chị đã có ít bài đăng trên một vài tờ báo), hai người yêu nhau và láy nhau, cái thời ấy đã xa lạ lắm rồi . Khang và Hoài đã có con và đã đi theo kháng chiến. Mọi gian khổ trên con đường đi theo cách mạng không thể làm cho Hoài đau buồn. Điều làm cho Hoài phải khổ chỉ là thái độ lạnh nhạt của Khang. Trong khi Khang say sưa công tác, vui đời sống tập thể thì Hoài sống cô đơn với đứa con thứ ba thơ dại ở một làng hẻo lánh. cái khái vọng yêu đương ngày càng phát triển ở người thiếu phụ giấu tình cảm, mạc dù chỉ đã có ba con. Giữa khi ấy một người đàn ông đã đến trong chuối ngày tẻ lạnh của Hoài. Người ấy là đại đội phó kim .Anh là một cán bộ quân sư trẻ tuổi, thắng thắn và rất yêu đời .Đơn vị anh đong ở địa phương Hoài. Anh đang theo đuổi Thanh, một có nhân viên đánh máy chữ ở một cơ quan. Hoài có quan hệ với Thanh nên Kim nhờ Hoài tìn đi mối lại với Thanh giúp mình. Việc manh mối nay kéo dài ra gần một năm. Thanh là cô gái không đẹp, nhưng vì ở núi rừng những người con gái xuất thân thành thị không nhiều lắm, Thanh trở thành đối tượng được nhiều cán bộ cùng xuất thân thành thị chú ý. Hoàn cảnh ấy tạo cho Thanh đỏng đảnh, kiêu kỳ và cuối cùng Thanh hứa hôn với một trung đoàn trưởng.
Cái hôm Hoài đem tin dữ này báo cho Kim biết chính là lần đầu tiên Hoài thấy trong người rộn lên tình thương xót đối với Kim. Phải, Kim chưa quá ba mươi tuổi nhưng ở trong quân đội anh không có điều kiện thuận tiện để tìm hiểu phụ nữ. Hàng năm cứ thu đông Kim đi chiến dịch, hè về anh lại chúi vào chỉnh huấn. Đối với Hoài, Kim là một cô gái “cấm cung lối mới”, khao khát tình yêu hơn ai hết.
Sau khi nghe lời truyền đạt của Hoài về việc Thanh đã nhận lời lấy người khác, Kim lặng đi như người sắp ngất. Hoài nhìn Kim bằng đôi mắt long lanh, đầy xúc cảm. Thực là Hoài muốn đến bên Kim, muốn đỡ lấy người anh bằng đôi cánh tây dài và mềm mại của mình, ấp ủ đầu anh bằng bộ ngực rộn ràng thương cảm của mình. Hoài càng xót xa cho Kim bao nhiêu, chị càng thấm thía nỗi cô đơn lãnh lẽo của mình bấy nhiêu. Kim sống cuộc đời chiến đấu gian khổ như thế. mất công theo duổi một mối tình như thế, để đi đến một kết quả như thế… Còn Hoài, chị cũng chưa đầy ba mươi tuổi, mặc dù chị đã có chồng có con, chị cũng đang khao khát yêu đương. “Anh Kim tôi hiểu anh lắm... tôi ... thương anh lắm. Dù sao anh cũng đi lại đây như trước... anh còn trẻ lắm, anh sẽ gặp một người biết yêu và người đó sẽ yêu anh’.
Rồi Hoài bộc lộ với Kim hết nỗi lòng mình. Tâm sự của Hoài làm cho Kim nhẹ bớt xót xa, vì anh thấy bên cạnh mình có một người đàn bà cũng đang đau khổ. Mặc dầu đã có ba con. Hoài vẫn còn trẻ lắm. Điều này mãi đến bây giờ Kim mới nhận ra. Nhưng trước đây Kim chỉ coi Hoài như một người chị. Thực thà nhưng khi tiếp xúc với Hoài - Vì chỉ có hai người - chưa bao giờ Kim thoáng thấy một ý đen tối nào. Bây giờ khác trước, Hoài là người thiếu phụ thèm khát yêu đương. Còn anh, anh vừa thất tình xong, anh đang cần một chút gì vào trái tim trống rỗng.
Sau khi nghe rô tâm sự của Hoài, Kim ngước nhìn Hoài, anh bắt gặp cặp mắt long lanh đầy quyến rũ của Hoài. Ý nghĩ bất chính bắt đầu xuất hiện trong người kim.
Từ đấy Kim thường đến nói chuyện với Hoài. Hai người an ủi lẫn nhau bằng những chuyện thầm kín nhất.
Chẳng bao lâu đơn vị Kim lên đường đi chiến dịch. Xa địa phương cũ, Kim thường nghĩ đến Hoài. Hình ảnh thắm thiết của người thiếu phụ đa cảm ấy luôn luôn xuất hiện trong tâm trí Kim . Nhưng những cuộc hành quân và chiến đấu liên miên đã làm cho anh phải gác lại tất cả những gì không quan hệ bằng sự sống chết, sự thắng bại của cả một lớp người. Trong khi ấy ở hậu phương Hoài mang trong lòng hình ảnh khoẻ mạnh, chân tình, chất phác của Kim, và hình ảnh ấy ngày càng lớn lên trong lòng Hoài, choán hết bóng dáng của người chồng già trước tuổi. Suốt mùa chiến dịch đó Khang cũng không về thăm Hoài đến một lần. Ví như anh có về đi chăng nữa thì sự có mặt chớp nhoáng và sự lạnh nhạt của anh cũng chẳng đủ sức mạnh xoá được hình ảnh rực rờ của Kim trong tâm trí Hoài.
Một hôm trong cái tưng bừng của chiến thắng Cao - Lạng, Kim đeo ba lô về nhà Hoài. Chiến đấu và hành quân bộ đã làm cho người anh xấu và gầy đi nhiều. Nhưng cặp mắt của anh nhìn Hoài lần này có một sức truyền cảm khác thường. Chiến trường đã làm cho anh rắn thêm lên, nhưng nó cũng làm cho tâm hồn anh càng xáo đọng tình thương yêu mà anh rất khát khao. Kim tặng Hoài mấy thứ chiến lợi phẩm và những món quà anh mua khi tạt qua thị xã Lạng Sơn vừa giải phóng. Anh nói cho Hoài rõ: Đơn vị anh đang trên đường hồi quân, nhưng anh đã tranh thù một mình ngày đêm đi cấp tốc về dây để gặp Hoài. Điều này làm cho Hoài rất xúc động, vì hiểu rằng sau cuộc chiến đấu sức khoẻ của Kim đã hao mòn đi nhiều, thế mà anh vẫn vượt qua gian nan vất vả để tìm đến với Hoài.
Điều này thực khác xa thái độ hờ hứng của Khang chỉ ở cách chỗ Hoài một ngày đường bộ mà thôi.
Hoài làm cơm chiều cho Kim ăn và tối đó chị dọn gường riêng cho Kim đi ngủ sớm. Đi xa về, Kim mệt mỏi nên vừa nằm xuống anh đã ngủ thiếp đi ngay. Còn Hoài chị không tài nào ngủ được. Chị thấy gian nhà vắng vẻ bống trở nên ấm áp lạ thường. Nghe tiếng ngáy đều đều của Kim, chị tưởng như nghe rõ được cả tiếng đáp của trái tim mình. Trong bóng tối của ban đêm chị thấy sáng rực lên của cuọc tình duuyên vụng trộm giữa chị và Kim. Sức tưởng tượng quá mạnh làm cho người chị rộn lên và chị chỉ thấy đó là cuộc yêu đương hợp lý như mọi cuộc tình duyên khác.
Chị muốn đến thẳng bên giường Kim, vén màn lên, ôm ghì lấy anh, bắt anh phải tỉnh giấc, bắt anh phải nói cho chị nghe thực tình anh đã nghĩ thế nào về chị. Nhưng chị vẫn nằm tại chỗ, nước mắt trào ra vì đau khổ. Chị cố nhớ lại xem từ lục Kim về đây trông thấy chị, sắc mặt Kim thế nào, qua bữa cơm chiều thái độ Kim thế nào. Nhưng chị chưa thấy điểm gì ở Kim bộc lộ ra rằng Kim yêu chị. Hoài nghĩ: Khó mà có một người đàn ông chưa vợ lại yêu một người đàn bà đã có 3 con nhất là người đàn ông đó lại là cán bộ quân sự. Bỗng Hoài có ý oan ghét cái đạo đức mà hàng ngày người ta đem ra làm cái thước đo phẩm chất con người. Có thể Kim không yêu chị. Kim tìm về đây với chị chỉ với một tình thương. Hoài thấy cái đen tối ban đêm dày đặc, nó đè dì người chị xuống đất đen, tưởng như không bao giờ chị có thể ngóc đầu lên được nữa. Tiếng ngáy của Kim bỗng trở thành xa lạ dị kì và quái ác.
Đêm đã khuya lắm rồi có lẽ gần về sáng – không, không thể nào cứ để cho cái đêm dày đặc a tòng cùng nỗi cô đơn nặng như tảng đá đè dí người mình xuống tận đất đen mãi được. Phải vật vả với chúng. Phải cựa mình mà xua đuổi chúng đi. Hoài vùng dậy. Chị đánh lửa châm ngọn đèn dầu ở đầu giường. Vừa lúc ấy tiếng ngáy của Kim cũng tắt. Hoài hồi hộp lắng nghe động tĩnh bên giường Kim. Hình như Kim có cựa mình nhè nhẹ rồi anh lại nằm im. Hình như Kim đã tỉnh vì không thấy anh ngáy nữa. Hoài vẫn ngồi im bên ngọn đèn. Đầu óc chị quay cuồng như chiếc chong chóng đang hướng cánh ra trước gió. Thực ra chị cũng không biết mình ngồi như thế để làm gì. Rồi như một cái xác khôn hồn, Hoài từ tù đến bên gương Kim ... Như con ma đói khát rạc rài đã đến lúc phải hiện nguyên hình bóp cổ người không cúng vái nó. Hoài hất mạnh cánh màn của Kim lên. Kim nằm thẳng mở to đôi mắt nhìn lên đỉnh màn, khẩu súng lục để một bên gối. Bỗng dưng Hoài chột dạ. Hoài đứng im một tích tắc rồi bất ngờ như một cây gỗ mất thăng bằng, Hoài lao người xuống, gục đầu vào ngực Kim, Hoài không khóc. Hoài không nói. Hoài không còn là người mẹ đã có ba con. Hoài chỉ là người đàn bà đâu khổ quá nhiều rồi, trống trải quá nhiều rồi…
*
* *
Sau cái đêm ghê gớm và ma quái ấy cuộc tình duyện vụng trộm dưới ngọn đèn dầu đã biến chuyển cả tâm hồn và cơ thể của người thiếu phụ. Không phải là tội lỗi nó vồ xé con người Hoài mà chính là mối tình lang chạ đã hun nóng con tim lá phổi của Hoài. Hoài thấy yêu đời hơn bao giờ hết. Hoài thấy mình có đủ can đảm đương đầu với mọi tội lỗi mà đạo đức của người đời sẽ không thể nào tha thứ được. Thực là thể chất của Hoài tốt đẹp hơn lên. Hoài cảm thấy mình trẻ đẹp như thuở dậy thì.
Chiến dịch Quang Trung tiếp theo ngay chiến dịch Cao – Lạng. Kim lại lên đường ra mặt trận. Công tác của Khang cũng dồn dập theo hai chiến dịch kế tiếp nhau sát nút. Điều đó càng làm cho Khang không nghĩ đến Hoài.
Nhưng sau chiến dịch Quang Trung Hoài đã nhận thấy chắc chẵn rằng mình đã có thai với Kim. Phải làm gì để đói phó với tình thế này đây? Tìm đến chồng để rồi qua một đêm ân ái, người đàn bà sẽ đánh lộn sòng cái hậu quả của cuộc tình duyên lang chạ thành ra cái kết quả chính thức chăng? Không không thể làm thế được. Hoài không thể lừa một người đàn ông đến hai lần. Nếu đã coi việc ngoài tình và vụng trộm là bất chính thì càng không thể làm cho bất chính cả cuộc chung cha với người chồng chính thức được. Nếu như thế Hoài sẽ không còn là người nữa. Hoài sẽ là một con khốn nạn tới mức chính mình cũng không thể tha thứ cho mình được nữa. Huống chi những cuộc tình ân ái của Hoài với Kim không phải là nhằm trả thù người chồng hững hờ phụ bạc, và cũng không phải vì lòng thương xót anh chiến sỹ thiếu thốn tình yêu đôi lứa, mà chính là Hoài đã tự nguyện, đã nghe theo tiếng gọi thổn thức của lòng mình. Đến than khóc mà thú tội với chồng chăng. Càng không thể được. làm sao mà khóc kia chứ. Mỗi khi ôn lại cuộc tình duyên vụng trộm kia, Hoài còn thấy nổi lên trong lòng mình mối cảm xúc sung sướng đến tột đỉnh. Giả vợ khóc để xin người ta tha thứ cho cái điều mà chính mình không cho là tội lỗi thì hoạ có là một kẻ không còn một chút tâm hồn trong trắng nào mới có thể làm được.
Hoài chỉ bình thản trước cái thai ngày một lớn lên. Những người hàng xóm của Hoài và bè bạn của Khang cũng đều biết rằng gần một năm nay Hoài và Khang không hề gặp nhau. Những tin đồn không hay về Hoài phải đến tai Khang.
Một hôm Khang thắng ngựa về thăm nhà, Hoài vẫn ân cần chăm sóc anh như thường lệ. Chị sẵn sàng chịo đựng mọi hành động phũ phàng cùa chồng. Nhưng Khang chỉ hỏi thăm công việc làm ăn như tăng gia hoa mầu, nuôi gà lợn… Sau bữa cơm chiều lạnh nhạt, vào lúc lên đèn Khang lấy áo ra đi. Mấy hôm sau Khang cho người đến nhà Hoài đón đứa con thứ ba lên cơ quan anh. Hai đứa lớn đã cho đi học xa rồi. Hoài chỉ còn một đứa con nhỏ. Nay Khang đem nó đi nốt là anh cố tình đẩy Hoài vào chỗ cô đơn trống rỗng. Chính là bàn tay tần tảo của chị làm ra tiền ra gạo để nuôi lũ con từ khi Khang tham gia cách mạng. Thế mà nay nghiễm nhiên người ta đến bắt hết chúng đi. Hoài thừa hiểu đây là hành vi trả thù độc ác của Khang đỗi với chị. Còn đối với mọi ngưởi chắc chắn Khang sẽ che đậy dã tâm của mình bằng lý do không muốn để đứa trẻ trong trắng sống với người mẹ đã trở thành hư hỏng. Hoải rất có thể và có quyền giữ đứa con lại, cũng như Hoài có quyền ly dị Khang để lấy Kim. Nhưng Hoài không muồn giữ lại đứa con là kết quả của cuộc tình duyên công thức với người chồng không thực sự yêu mình. Chỉ mấy tháng nữa Hoài sẽ có một đứa con, kết quả của cuộc tình rừng rực như lửa cháy giữa rừng hoang. Hoài sẽ ly dị Khang và sẽ công khai yêu Kim. Hoài biết chắc chắn rằng Kim yêu chị lắm. Đó là điều chị đã không thể nào dự đoán trước được. Từ sau cái đêm như điên như dại ấy, Kim đã yêu Hoài một cách say mê đắm đuối như một kẻ si tình mù quáng. Mỗi khi vượt mọi khó khăn để đến với Hoài thì hình như đôi tay rắn chắc của Kim không lúc nào muốn rời ra khỏi người Hoài nữa. Còn Hoài thì đã thầm thương trộm nhớ Kim từ trước khi Kim biết cái tin mình bị thất tùnh. Hoài yêu Kim với tất cả sức mạnh đầy đủ nhất, sâu nặng nhất và nồng cháy còn hơn cả tình yêu của tuổi dậy thì. Tuy nhiên hai người chưa hề bàn đến chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Đến khi Hoài quả quyết tìm Kim để bàn chuyện ly dị chồng và xây dựng hạnh phúc lâu dài với nhau thì Kim đang ở tình thế kiểm thảo. anh không thể ra ngoài khu vực trú quân.
Bỗng một đêm khuya tối trời Kim đến nhà Hoài. Anh cho Hoài biết rằng anh đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị hạ chức và thuyên chuyển đi một chiến trường xa lắm.
Được tin đó Hoài ôm mặt khóc nức nở. Thực là Hoài đã không tưởng đến hậu quả tai ác này. Hoài vụt thấy tội lỗi của mình quá lớn: chính vì thèm khát yêu đương, Hoài đã chỉ nghĩ đến mình, mượn bàn tay trong trắng của Kim để thoả mãn dục vọng vô độ của mình, vô hình trung Hoái đã dắt Kim đi vaò con đường tội lỗi, làm ô uế cả bản chất cao quý của một lớp người chiến đấu mà Kim phải là tiêu biểu. Phải rồi! Đúng là thế rồi! Cho nên Kim không đến bên Hoài, không an ủi Hoài. Đúng là Kim đã nhìn Hoài như một con dâm phụ, một kẻ thù ghê tởm, một con rắn độc nhũng loạn tâm hồn và tư tưởng của mình, cản trở bước tiến của mình, phá hoại tiền đồ của mình.
“- Hoài này! Tôi đã kiểm thảo rồi! Tôi rất hối hận…tôi phạm tội…”. À, thế ra Hoài không phải là tội nhân à? Tội lại do Kim gây ra à? Vậy có phải Kim đến đây để thú tội chăng?
“_ Hoài ơi! Cả hai chúng ta đều phạm tội. Nhưng kỷ luật tôi phải chịu, tôi coi vẫn còn là nhẹ, tôi không đau khổ vì mình bị kỷ luật đâu, mà đau khổ vì tôi đã làm cho Hoài đau khổ. Tôi biết rồi đây Hoài sẽ phải đương đầu với mọi khó khăn, chịu đựng mọi nhục nhằn ray rứt… Nhưng tôi không biết làm thế nào… việc đã lỡ rồi!...”.
*
* *
Từ khi Kim xa rồi, Hoài phải sống những ngày tuyệt vọng. Nếu không vì cái thai trong bụng thì chị đã liều thân cho xong cuộc đời dang dở đến hai lần.
Sau khi ở cữ, Hoài bị ốm liệt giường/ Đứa bé phải nhờ một người bạn gái nuôi hộ. Hoài muốn cố bám lấy nó như người sắp chết đuối cố víu lấy một thanh tre nhỏ. Nhưng đau khổ chất chồng tàn phá tinh thần và thể chất chị.
Cho đến khi bệnh của Hoài nguy kịch lắm rồi cơ quan của Khang mới biết và đưa chị vào quân y viện.
Vào độ cuối năm trời giá lạnh lắm, Hoài có linh cảm rằng mình khó lòng sống qua cái tết. Qua những năm kháng chiến vì sinh kế chật vật và vì nhiều khó khăn chồng chất khác. Hoài rất ít làm thơ. Nay trước cái chết đe doạ. Hoài thấy cần sống lại quãng đời son trẻ sính thơ ca ngày trước. Chính là Hoài muốn nói lên khảt vọng về cuộc sống, nói lên mối tình nồng cháy giữa chị và Kim, nói lên lời oán hờn đối với người chồng ghẻ lạnh, phũ phàng. Nhưng không thể được, Hoài thấy bài thơ cuối cùng của mình phải là lời giối giăng cho lũ con thơ dại, cả những đứa trong và đứa ngoài gia thú. Lời giối giăng này kêu gọi chúng nó sẽ thương yêu nhau mãi mãi. Hoài còn muốn công bố lời giăng giối đó lên mặt tờ báo do Khang phụ trách. Để được hợp tình thế, Hoái đã chọn câu chọn chữ có thể nói được chủ ý của mình, tâm tư mình, đồng thời cũng có tác dụng chung với mọi người. Bài thơ đó còn toát lên một tình thương yêu rộng lớn, và đó chính là quan niệm sống của Hoài đã ấp ủ từ khi mới bước vào đời. Bài thơ được ký tên N. N. Đ. Đ. là bốn chữ: Nhân – Nghĩa - Đạo - Đức, tên bốn đứa con của chị.
Hoài đưa bài thơ này cho Vinh - Một người cộng tác với Khang – Vinh đã hiêu thấu nỗi lòng cùa Hoài nên đã cương quyết đấu tranh với toà soạn, nhất là với Khang để bài thơ đó được đăng vào số đầu xuân.
*
* *
Hoài nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, trong cái lạnh buốt của một ngày cuối đông, và trong cái lặng lẽ chán ngắt của khu rừng quân y viện. Bỗng chị nghe thấy chân ngựa và tiếng ngựa hý phía ngoài. Một lát sau Khang và Vinh bước vào phòng chị.
(Họ vừa từ nhà in đi ra. Họ đến nhà in để chữa bản thảo cuối cùng của số báo “Xuân Chiến Thắng”. Dọc đường về Vinh nài ép Khgang ghé thăm Hoài. Cực chẳng đã Khang phải nghe lời Vinh).
Sau mấy câu thăm hỏi Khang đi gặp bác sĩ quân y viện để tìm hiêu thêm về bệnh tình của Hoài. Vinh mở xà cột lấy ra tờ báo “Xuân Chiênd Thắng” đưa cho Hoài và nói: “Vừa chữa bản thảo xong, tôi chờ lấy một số đem biếu chị”. Hoài đưa bàn tay gầy guộc đầy gân xanh đỡ lấy tờ báo. Chị tìm ngay đến bài thơ của mình và đọc vội một lượt, nhưng đến cuối bài thơ thì chỉ thấy ba chữ N. N. Đ.. Người Hoài run lên, mặt càng xanh nhợt thêm. Hoài cố lấy hết hơi tàn để hỏi Vinh: “Làm sao chữ ký cuả tôi lại thiếu một chữ Đ. anh Vinh?”.
Vinh không thể giấu sự thât: “Khi chữa bản thảo cuối cùng anh Khang đã bỏ chữ Đ. đi. Tôi can không được”.
Tờ báo từ từ rơi khỏi tay Hoài. Hoài thở hắt ra một cái nhẹ. đôi mắt chị trợn ngược lên, Vinh cuống quýt gọi: “Chị Khang! Chị Hoài! Chị Hoài! Nhưng Hoài chỉ còn là cái xác không hôn!
Vinh chạy đi tìm Khang, Khang chạy đến ngay cùng bác sĩ quân y viện. Người ta cũng cho bế đứa bé sinh ngoài giá thú đến bên giường người mẹ lỗi lầm của nó.
Khang đưa đôi cánh tay rộng lớn ẵm đứa bè và áp nó vào sát ngực mình (Đó là lần đầu tiên anh ẵm nó). Đôi mắt buồn rầu, Khang nhìn vợ nói bằng một giọng vừa nghẹn ngào vừa trang nghiêm: “Hoài ơi! Xin em tha thứ cho anh! Anh hứa sẽ nuôi dưỡng TẤT CẢ các con của chúng ta khôn lớn thành người hữu ích, TẤT CẢ” ./.
Tháng 12 năm 1956
Tạ Hữu Thiện