Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌC ĐƯỢC GÌ VỀ CÁCH DẠY SỬ CỦA NGƯỜI MỸ ?

Trần Quốc Thường
Thứ năm ngày 26 tháng 11 năm 2015 9:43 PM



Ở Mỹ khi học World History ( Lịch sử thế giới), đến chương chiến tranh thế giới thứ II, thầy giáo lịch sử vào lớp đưa ra tên 8 nhân vật và 3 câu hỏi như sau:

I/- Tám nhân vật nổi tiếng là:

1/ Hitler.

2/ Josep Stalin.

3/ Nhật Hoàng.

4/ Franklin D. Roosevelt.

5/ Churchill

6/ Harry S. Truman

7/ De Gaule

8/ Mussolini

II/-
Thầy giáo nêu 3 câu hỏi:

1/ Những người này có vai trò và quyết sách nào đúng, quyết sách nào sai trong chiến tranh thế giới thứ II?

2/ Nguyên nhân và kết quả của chiến tranh thế giới thứ II?

3/ Tổng thống Harry S. Truman quyết định thả 2 quả bom nguyên tử tại hai hòn đảo ở Nhật đúng sai? Tại sao?

Giáo viên cho mỗi em làm một đề cương trả lời về một nhân vật lịch sử. Cả lớp chia làm 2 nhóm đối lập soạn thảo 2 câu hỏi 2 và 3 để trình bày và chia sẻ. Hai nhóm được chia làm 2 phe: Phát xit và Đồng minh để tranh luận.

1. Nhận xét của con BS Hồ Hải ( HS học THPT tại Mỹ):

Học sinh chúng con không cần nhớ ngày tháng năm gì cả, vì thầy bảo cái đó có trong sách nếu cần thì mở ra đọc, cái cần cho tụi con biết là quan điểm và chính sách đúng sai của từng nhân vật lịch sử cũng như nguyên nhân tại sao có những quyết định đó?

Con học được rất nhiều. Vì chỉ 1 chương mà biết hầu hết tư tưởng của 8 vị lãnh tụ có tham gia vào tạo ra chiến tranh thế giới thứ II và những yếu tố kinh tế thời ấy tạo ra.

Nhờ đó mà kiến thức của mỗi đứa rất phong phú và đầy đủ các lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn trong lịch sử. Mỗi lần làm project và presentation như vậy thì ôi thôi moi cả tàng kinh các kiến thức nhân loại về các sự kiện, nhân vật lịch sử. Thời gian chuẩn bị khoảng 1-2 tuần cho vấn đề, mỗi ngày đọc cũng từ 100 đến 200 trang tài liệu để thực hiện cho giờ học. Tụi con không bị áp đặt, không cần phải theo đúng như sách giáo khoa, miễn sao tụi con chứng minh có logic và trung thực, có tài liệu tham khảo rõ ràng là được điểm cao. Có những ý kiến mà sách giáo khoa không có, được lấy từ internet, thư viện... để làm tài liệu tham khảo. Nhưng bài nào nếu viết lập luận logic và có vấn đề mới là bài đó được điểm cao."
"Tụi con được học lịch sử theo kiểu đánh giá sự kiện, chứng minh đúng sai theo từng giai đoạn lịch sử có làm project và presentation để bảo vệ luận điểm chứ học không phải học thuộc bài theo sách giáo khoa. Vào giờ học lịch sử, ông thầy Giallombardo Scott của con vào đưa ra chủ đề, nhân vật lịch sử, phân công mỗi đứa làm một project và 1 presentation để trình bày trước lớp và trước thầy, thầy là người đánh giá sự vững chắc và tính logic của từng đứa mà cho điểm.

2. Nhận xét của phụ huynh (BS Hồ Hải):

Tôi thấy cách học này không những làm cho trẻ con có được critical thinking tốt mà còn làm chúng say mê thích thú môn lịch sử nữa. Một người yêu nước chân chính không thể không yêu và nắm vững sử nước nhà. Có phải vì thế mà tụi Âu Mỹ nó có nhiều phát minh đem lại cho đời tốt hơn không? Và có phải vì thế mà tuy tụi nó không ép học sinh học như ta, nhưng lòng yêu nước của dân nó rất mãnh liệt và đúng chỗ, rạch ròi không?

3. Nhận xét, ý kiến của thầy Trần Quốc Thường:

Qua trao việc giới thiệu ngắn gọn cách dạy và nhận xét của học sinh trực tiếp học và một phụ huynh ở trên tôi thấy:

a. Phương pháp dạy.

Giáo viên dạy học Lịch sử ở Mỹ họ cung cấp sự kiện, nhân vật rồi yêu cầu học sinh đánh giá, nhân vật, sự kiện đã nêu rút ra bài học lịch sử. Họ dạy và học tinh giản, nắm kiến thức trọng tâm, phát huy tư duy tích cực, tự học của học sinh. Học sinh phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho quan điểm của mình. Giáo viên không áp đặt, không bắt buộc ghi nhớ máy móc ngày tháng sự kiện mà tôn trọng học sinh, khích lệ, yêu cầu các em có chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện.

Thời gian làm việc trên lớp của GV rất ít, họ chỉ nêu vấn đề và hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm việc. Trong buổi học, tiết học các em học sinh phải nổ lực làm việc tích cực, tự giác huy động kiến thức đã có, tài liệu tham khảo để hoàn thành yêu cầu do giáo viên đặt ra. GV sáng tạo chia ra 2 phe khi thảo luận tổ nhóm làm tăng tính phản biện, bảo vệ quan điểm của mình, của phe mình.

Cách dạy của giáo viên ta thiên về học thuộc, ghi nhớ máy móc, nói lại sách giáo khoa, thiếu cho học sinh thảo luận, đánh giá nhân vật, sự kiện, làm các bài luận... đã góp phần làm cho học sinh chán học sử.

b. Sách giáo khoa:

Theo tôi, caí "Trinh" của lịch sử là sự trung thực, khách quan khi nêu sự vật hiện tượng lịch sử và nhận xét đánh giá về nó. GV dạy lịch sử ở Mỹ, họ đã nêu ra sự vật hiện tượng, phản ánh rát khách quan, trung thực lịch sử, đúng tên gọi, đúng bản chất, hiện tượng, nhân vật lịch sử; họ không xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tuyệt đối ở họ không có Văn học minh hoạ cũng như Lịch sử minh hoạ cho chính trị. Ở ta hiện đã có một số nhân vật, sự kiện lịch sử đang có vấn đề, các nhà sử học cần công tâm, trung thực làm sáng tỏ. Nên giải quyết như thế nào về vấn đề này? Để lịch sử ngũ yên, hay cần làm rõ sự thực, trả lại bản chất cho sự vật hiện tượng lịch sử? ( Trường hợp em bé đuốc sống Lê Văn Tám mà GS Phan Huy Lê nêu ra) hay chúng ta tạm cất, sẽ đưa ra ở một thời điểm thích hợp hơn? (Ngày mất của Hồ chủ tịch ngày 3/9 sau 20 năm ngày bác mất mới được đính chính là 2/9),... Thời gian qua, báo chí đưa tin: Sách giáo khoa Lịch sử - lớp 9, lớp 12 - không hề có một câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chẳng lẽ chúng ta quên đại tướng? Nhân vật gắn với sự kiện lịch sử, ai xứng đáng hơn Bác Hồ và Bác Giáp khi nhắc đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ " lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu"? Rồi các sự kiện trên biển Đông các năm 1974, 1988, 2014, cuộc xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía bắc 2/1979 cần được đưa vào sách giáo khoa.( Trung Quốc họ đã đưa vào sách giáo khoa từ lâu, ở nước ta nhiều người đã đặt vấn đề này ra từ 1988, tiếc rằng chúng ta làm chậm quá. Năm học 2013-2014 trong kì thi tốt nghiệp THPT trường THPT Quang Trung ( Hà Nội), THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An) mỗi trường chỉ có 1 em đăng kí thi môn Lịch sử là một nỗi đau không chỉ của riêng ngành giáo dục

Văn học minh họa đã là một sai lầm, còn lịch sử minh họa cho chính trị là 1 việc làm phản khoa học, có tội lớn với hậu thế, với dân tộc. Giáo viên không muốn dạy lịch sử, học sinh không thích học môn lịch sử phải chăng là do cách biên soạn sách lịch sử vừa qua có vấn đề?
c. Kiểm tra đánh giá.

Kiểm tra đánh giá của giáo viên ở Mỹ đối với học sinh không phải là sự ghi nhớ, thuộc vẹt kiến thức mà là ở sự sáng tạo, tư duy tích cực ở người học. Ở ta thiếu câu hỏi nêu vấn đề, kích thích tư duy sáng tạo ở học sinh mà có quá nhiều câu hỏi tái hiện, ghi nhớ máy móc như: Ai giữ chức vụ … ? Ai là … ? Sự kiện .... xẩy ra lúc nào, …? A thành lập ngày tháng năm nào? Ai là chủ tịch ...? …Hãy nêu diễn biến của …. Qua theo dõi tôi biết là dạng câu hỏi đang rất phổ biến hiện nay.

Dạy lịch sử ở Mỹ phần kiến thức của các em, bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, miễn là các em có lập luận lo gic, chặt chẽ, trung thực, có sức thuyết phục và có cái mới trong bài viết. GV tôn trọng chính kiến của cá thể từng học sinh, kích thích tư duy sáng tạo ở các em, dạy các em yêu lẽ phải, làm người hữu ích cho xã hội. Đây là cái chúng ta cần ở người học, là mục tiêu của dạy học.

Nếu chúng ta học cách dạy, cách học này của GV- học sinh ở Mỹ thì cả thầy và trò nước ta sẽ rất hứng thú khi dạy-học, hiệu quả sẽ cao hơn. Các em sẽ rất thích học môn lịch sử. Giáo viên cũng thoải mái, nhẹ nhàng, không vất vả như GV ta hiện nay lên lớp bộ môn này.

Việc xóa môn học lịch sử trong chương trình phổ thông để tích hợp với môn GDCD và GDQP là không nên, cái lợi không bằng cái hại, cần bỏ ngay ý định này.

Trần Quốc Thường

THCS Nguyễn Biểu -Đức Thọ - Hà Tĩnh