Sau sự kiện chiến tranh biên giới Trung - Việt (17-02-1979), Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã xuất bản không ít tài liệu phê phán tư tưởng bành trướng bá quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc qua các thời kỳ. Về nghiên cứu văn học, năm 1981, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản một công trình bề thế có nhan đề là Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược do Viện Văn học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam chủ trì biên soạn. Tập sách này đã cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về tinh thần chống phong kiến Trung Hoa xâm lược của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ. Và cũng trong công trình này, PGS Trương Chính, một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam trung cận đại, đã có bài viết công phu Nguyễn Du và chuyện Trung Quốc, khám phá nhiều khía cạnh quan trọng về tinh thần dân tộc và nhận thức của Nguyễn Du về đất nước và con người Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục. Ở phần kết luận, học giả Trương Chính viết: "Nhà thơ không triền miên ngây ngất trước những danh lam thắng cảnh. Ông chú ý nhiều nhất đến con người và cuộc đời trên đất nước Trung Hoa. Và lúc nào cũng xuất phát từ lập trường dân tộc đúng đắn và chủ nghĩa nhân đạo chân thành. Chính vì vậy, mà trong tình hình ngày nay, đọc lại Bắc hành tạp lục chúng ta tìm ra được những điều đáng nói."(1).
Tuy nhiên, trong "những điều đáng nói" về tập thơ, có một “điều” mà vị học giả đáng kính chưa chỉ ra (hoặc chưa tiện chỉ ra) là chủ nghĩa phân biệt, kỳ thị dân tộc của các tập đoàn phong kiến Trung Hoa mà Nguyễn Du đã đề cập đến trong tập thơ với một tinh thần phê phán sâu sắc, mạnh mẽ. Trong lịch sử nhân loại, tư tưởng nước lớn, mưu đồ bành trướng và lối ứng xử “cá lớn nuốt cá bé” xuất hiện ở nhiều quốc gia, dân tộc tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Điều tệ hại nhất là các thế lực cầm quyền đầy tham vọng trên đất nước Trung Hoa, qua các đời, đã gieo rắc trong các tầng lớp nhân dân của họ một tư tưởng tự tôn quá khích và tư tưởng kỳ thị dân tộc cực kỳ phản động. Theo GS Trần Đình Sử, ở Trung Hoa, quan điểm kỳ thị dân tộc xuất hiện từ thời cổ đại, qua các đời, đã ăn sâu trong tiềm thức của các giai cấp thống trị và nhiều tầng lớp xã hội: “Gần đây vào mạng, tôi thấy người Trung Quốc rất tự hào với quan điểm sặc mùi tự kỉ trung tâm luận và kì thị chủng tộc cổ lỗ sĩ là phân biệt “Hoa Di”(Hoa Di chi biện), trong đó Trung Quốc được xem là trung tâm của thiên hạ, các dân tộc xung quanh bị miệt thị là “tứ di”. Tứ Di ấy gồm: Đông Di là Nhật Bản, Triều Tiên, Di châu; Bắc Địch gồm Hung Nô, Tiên Tỳ, Khiết Đan, Mông Cổ; Nam Man là An Nam; Tây Nhung là các tộc người phía Tây Hoa Hạ. Một quan điểm từ thời cổ đại mà theo nhãn quan văn hóa hiện đại, theo hiến chương Liên hiệp quốc thì đã phải vứt vào sọt rác từ lâu rồi, thế mà nhiều người đang ra sức làm sống dậy.”(2). Từ thời Hạ Vũ, người Trung Quốc đã gọi các tộc người xung quanh là “Tứ Di”, tức là những giống người man di mọi rợ, chưa có “văn hóa” (sic!) như người Hoa. Từ đó về sau, các nhà tư tưởng Trung Hoa không đời nào mà không có người phát ngôn cho thứ quan điểm thiển cận và nguy hiểm đó. Thậm chí, họ coi người Di không bằng cầm thú.(3) Cũng với tư tưởng tương tự, vào nửa đầu thế kỷ XX, Hitler đã đã phát động chủ nghĩa phát-xít ở nước Đức và đẩy nhân loại vào cuộc đại tàn sát chiến tranh thế giới thứ II, giết chết hàng trăm triệu sinh mạng nhân loại, đẩy nhiều dân tộc đến bờ vực của sự diệt vong. Chính từ tư tưởng phản động này, các thế lực cầm quyền ở Trung Hoa các đời đã đẩy lên thành chủ nghĩa bành trướng, phát động nhiều cuộc xâm lăng đẫm máu với các lân bang. Và dân tộc Việt Nam, từ trước công nguyên và suốt trong trường kỳ lịch sử hàng ngàn năm lập quốc đã trở thành nạn nhân của cái chủ nghĩa quái gở, tàn độc đó. Tháng 2 năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Điện học sĩ rồi có chỉ sai làm Chánh sứ tuế cống (lễ cống hàng năm) cùng với các ông Đàm Ân hầu, Thiêm sự bộ Lại và Phong Đăng hầu, Thiêm sự bộ Lễ đi sứ Trung Quốc.(4) Trên đường đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du lại có dịp thăm lại Thăng Long. Bạn bè ở Thăng Long mở tiệc đưa tiễn ở dinh Tuyên Phủ, có gọi mấy chục Nữ nhạc đến giúp vui. Trong đám nữ nhạc, Nguyễn Du nhận ra một người mà 20 năm trước, khi ông từ Thái Bình lên thăm ông anh Nguyễn Nễ đang làm quan cho nhà Tây Sơn ở Thăng Long, ông đã dược nghe người đó đã hát hầu cho quan quân Tây Sơn. Bây giờ thấy người ca nữ tài sắc năm xưa dung nhan tiều tuỵ, ông chạnh lòng nghĩ tới việc thế sự đổi thay, buồn bã thốt lên: "Than ôi! Sao người ấy đến nỗi thế? Tôi bồi hồi không yên, ngẩng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa nay". Ông còn đau lòng hơn khi đi qua dinh thự nhà mình tại phường Bích Câu. Nhà cũ không còn, Cung vua, Phủ chúa đã thành đường cái quan. Những cô gái đẹp mà mình quen biết đã đi lấy chồng, những bạn trai chơi thân ngày trước thì đã thành các ông già. Chứng kiến cảnh cũ, ông thấy tiếc thương, đau xót cho sự biến đổi của cuộc đời. Ông đã phổ lòng cảm thương vô hạn trước cảnh vật đổi sao dời vào 3 bài thơ về Thăng Long: Long thành cầm giả ca, Thăng Long (nhị thủ) và Ngộ gia đệ cựu ca cơ.
Từ giã Thăng Long với bao kỷ niệm bi thương về một thời, Nguyễn Du cùng sứ đoàn đặt chân lên vùng biên ải giữa hai nước. Tại đây, ông bắt gặp ngay bóng dáng của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Đó là Mã Viện, kẻ đã dìm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (tháng 3 năm 40 – tháng 2 năm 43 sau Công nguyên) trong biển máu và cũng chính vì hắn mà dân tộc Việt Nam đã phải kéo dài thêm gần 900 năm nô lệ phong kiến Trung Hoa. Hai bên cửa ải Trấn Nam quan, có không ít dấu tích ghi tội ác của y.
Dấu tích đầu tiên của Mã Viện mà Nguyễn Du bắt gặp là miếu thờ hắn ở Giáp Thành. Giáp Thành có tên Nôm là thành Kép, ở phía nam ải Chi Lăng. Nhà thơ làm bài Giáp Thành Mã Phục Ba miếu là để châm biếm cái thói hung hãn, khát máu và tham danh của Mã. Năm hắn đã 60 tuổi, gân cốt đã suy, đáng lẽ nên yên hưởng tuổi già vui vầy cùng con cháu sau bao nhiêu năm trận mạc, nhưng hắn vẫn xăng xái xin vua đi đánh dẹp người Di ở xứ Man Động (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Trong bài Giáp Thành Mã Phục Ba miếu, Nguyễn Du kể rằng: vua Hán thương hại không cho Mã Viện đi đánh nhau, nhưng hắn vẫn mặc giáp nhảy lên ngựa để chứng tỏ mình còn khoẻ, để “chuốc lấy nụ cười của nhà vua ở sân điện” với lời khen: “Quắc thước tai thị ông” (Ông này còn quắc thước lắm). Trong khi gắng sức tàn để mua lấy cái danh hão thì hắn “Đâu biết nỗi xót thương của anh em ở xóm làng”. Em họ Viện là Thiếu Du từng khuyên hắn rằng: “Kẻ sĩ chỉ cần lo cơm áo cho đủ, làm người tốt ở trong làng mà giữ mồ mã, vườn tược, không cần phải vất vả đi kiếm công danh mà khổ thân; ngoài cơm áo ra là thừa cả”. Tuy thế, Mã Viện chỉ là một tên tướng võ biền, đầu óc xám xịt tư tưởng kỳ thị dân tộc, suốt đời mê muội vì công danh, sẵn sàng “lấy da ngựa bọc thây” (câu nói nổi tiếng lúc bình sinh của Mã) để làm công cụ đắc lực cho tập đoàn bành trướng xâm lược nhà Hán. Nguyễn Du không chỉ coi thường hắn mà còn chế nhạo một cách sâu cay sự ngạo mạn đáng ghét của hắn (một biểu hiện của tư tưởng kỳ thị) qua việc hắn cho dựng cột đồng ở biên giới Trung-Việt và khắc hàng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, nước Giao Chỉ sẽ bị diệt). Rốt cuộc, cột đồng và lời nguyền của hắn cũng “chỉ có thể lừa được đàn bà con gái Việt”. Giao Chỉ không bị diệt, cột đồng bị dân Việt ném đá chôn lấp và Mã Viện thì chết không có đất chôn. Số là, khi Mã đi đánh Giao Chỉ về có chở theo mấy xe hạt ý dĩ để làm thuốc chống phù thũng (căn bệnh do lam chướng xứ Lĩnh Nam gây ra), có kẻ ghét hắn, tố cáo với vua rằng hắn chở giấu ngọc trai về làm của riêng nên vua Hán Quang Vũ nổi giận đòi trị tội. Bởi vậy, khi hắn chết trận, vợ con không dám đem xác về quê, đành phải vùi lấp sơ sài ở phía tây Giáp Thành. Kết thúc bài thơ, người đọc ngỡ như nhà thơ đang đứng trước miếu mà hỏi vong hồn hắn một cách xách mé: “Tính danh hợp thướng Vân Đài hoạ/Do hướng Nam trung sách tuế thì” (Họ tên ông chỉ đáng được ghi ở gác Vân Đài/Cớ sao lại đòi nước Nam hằng năm cúng tế). Thì ra, hắn là một vong hồn bơ vơ. Tuy có nhiều công trạng với Hán triều, nhưng do Mã có con gái làm hoàng hậu nên để tránh tiếng, vua không cho vẽ hình, ghi tên hắn ở gác Vân Đài (nơi đặt chân dung và ghi tên 28 công thần nhà Hán). Người Hán đã không tôn thờ Mã Viện thì lẽ nào người Việt lại đi cúng tế một kẻ thù như hắn? Ngoài cái ý vị mỉa mai, chua chát, bài thơ này còn là một tiếng nói cảnh tỉnh với người dân Việt: chớ có mê tín mà đi cúng tế vong hồn của một kẻ cướp nước! Bước chân vào cửa ải, Nguyễn Du có ngay bài thơ Quỷ môn quan. Quỷ môn quan là tên người Trung Quốc dùng để gọi Trấn Nam quan (người Việt gọi là ải Chi Lăng), một cửa ải hiểm yếu ở phía Nam núi Đầu Quỷ. Sở dĩ người Trung Quốc gọi như vậy vì đây là nơi từng xảy ra nhiều trận chiến khốc liệt, gây chết chóc rùng rợn, lắm ma nhiều quỷ, khiến họ phải hãi hùng ta thán: “Quỷ môn quan, Quỷ môn quan/Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ môn quan, Quỷ môn quan/Mười người qua, chỉ có một người trở lại). Nguyễn Du cũng không chỉ lần đầu tới đây. Mùa đông năm Quý Hợi (1803), ông đã từng vâng mệnh lên Quỷ môn quan đón sứ nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long. Và nhà thơ đã ghi lại cảm xúc của mình về cửa ải này trong bài Quỷ môn đạo trung (Trên đường qua Quỷ môn) bằng những câu thơ nghe rất thê lương:
Đường khe đá ở Quỷ môn từ chân mây mà ra,
Khách đi đường xa về nam như muốn đứt hồn.
Gió đông qua những hàng cây thổi vào ngựa tiễn,
Trăng lặn xuống sau dãy núi, đêm nghe tiếng vượn kêu…
Dẫu đã có trải nghiệm 10 năm trước, nhưng lần này qua ải Quỷ môn, Nguyễn Du vẫn không tránh khỏi tâm trạng thảng thốt, ám ảnh về một cảnh tượng còn đầy vết tích chinh chiến, chết chóc. Phần đầu bài thơ Quỷ môn quan, nhà thơ ghi lại cái cảm giác rợn ngợp, bi thương về chốn tử địa truyền đời:
Núi liền nhau đỉnh cao vút tận mây xanh,
Đầu cửa ải này là nơi phân ranh giới Bắc Nam.
Chốn này có tiếng hiểm nguy như thế,
Đáng thương cho vô số người vẫn phải qua lại.
Bụi rậm lấp đường, rắn cọp ẩn nấp,
Khí lam chướng đầy đồng, quỷ thần nhóm họp.
Kết thúc bài thơ, tác giả lại hỏi một cách mỉa mai: “Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt/Kỳ công hà thủ Hán tướng quân?” (Từ xưa gió lạnh thổi xương trắng/Tướng nhà Hán lấy gì để được tiếng là lập kỳ công?). Tướng nhà Hán mà Nguyễn Du nói ở đây chính là Mã Viện. Qua cái cửa ải “mười người đi chỉ một người trở lại”, quân lính phơi xương trắng dưới gió lạnh sương sa đã nghìn năm thì sự đại thắng xưa kia của Mã, dưới mắt Nguyễn Du, thực ra là đại bại. Tuy câu thơ của Nguyễn Du có mượn ý từ một câu thơ cổ “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Sự thành công của một ông tướng đổi bằng hàng vạn bộ xương khô) nhưng cảm xúc bi phẫn của ông thì lại được dấy lên từ thực tế của vùng đất chết Quỷ môn quan. Có lẽ, những ám ảnh thực tế này đã góp phần giúp Nguyễn Du viết nên câu thơ bất hủ trong kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh: “Gió mưa sấm sét đùng đùng/Giải thây trăm họ làm công một người”.
Qua ải Quỷ môn, tưởng đã dứt khỏi ám ảnh về tên giặc già họ Mã, nào ngờ lúc qua ghềnh Đại Than trên đoạn sông Ninh Minh ở phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, nhà thơ lại tiếp tục bị hắn ám. Vẫn với giọng điệu mỉa mai, châm biếm, ông lại tạc tiếp cho Mã một tấm “bia miệng” Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu (Đề miếu Mã Phục Ba ở Đại Than). Bốn câu đầu bài thơ, thi hào nhấn mạnh rằng: cái công khuyển mã đi bình định cõi Nam của hắn theo lẽ thường thì cũng bằng thừa, chỉ mua được sự đàm tiếu của đương thời và hậu thế. Ở bốn câu tiếp theo, sự châm biếm của tác giả đã được nâng lên một tầm khác, không phải là mỉa mai nữa mà là sự nhiếc móc sâu cay:
…Sóng gió ở Đại Than còn lưu “công trạng” ngày trước,
Cây tùng cây sam cạnh ngôi miếu cổ cách xa quê nhà.
Chiều tà, dưới lớp gai góc phía tây thành,
Chẳng hay, lời hối xưa ở hồ Dâm Đàm như thế nào rồi?
Cây tùng, cây sam cạnh miếu Viện là những vật tượng trưng cho danh vọng, uy nghi. Người Trung Hoa trước Viện là Hạng Vũ từng nói “Giàu sang mà không về làng cũ thì cũng như mặc áo gấm đi đêm”. Viện chẳng những không được triều đình vinh danh mà đến nắm xương tàn cũng không đem được về bản quán, vong hồn bơ vơ nơi đất khách, cách quê hàng vạn dặm. Thật không có nỗi nhục nào hơn. Bởi vậy, tác giả mới hỏi “móc” vong hồn Viện về lời “di hối” năm xưa. Nguyên lúc Viện đem quân sang Lĩnh Nam đánh quân Hai Bà mãi mà không được, bèn lui về đóng ở hồ Lãng Bạc (tức là hồ Dâm Đàm), một vùng đất trũng ngập nước ở khoảng dưới chân núi Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi trông thấy lam chướng bốc lên ngùn ngụt trên mặt hồ, khiến cho những con diều hâu bay lượn trên hồ nhiễm phải mà rơi xuống chết tươi thì Viện nhớ lại lời khuyên “…ngoài cơm áo ra là thừa cả” của người em họ và y lấy làm hối hận nói: “Nay nghĩ lại lời Thiếu Du mới thấy đúng nhưng không làm sao được nữa”.
Kết cục của Mã Viện cũng là kết cục thảm hại của những kẻ coi thường Di, Địch, đem quân vào chốn trọng địa nước người. Tác giả hỏi về lời “di hối” của Mã Viện dường như không chỉ nhằm nhiếc móc hắn mà còn cảnh cáo những tên theo chủ nghĩa kỳ thị đang nuôi mưu đồ xâm lược nước ta về sau. Ngoài ba bài thơ trực tiếp châm biếm, đả kích Mã Viện nói trên, nhà thơ còn có hai bài gián tiếp ám chỉ tên tướng này trong sự kiện xuống thác Đại Than. Đó là bài Vãn há Đại Than tân lạo bạo trướng chư hiểm câu thất (Chiều xuống thác Đại Than, lũ mới tràn về, tất cả các quảng nguy hiểm đều ngập nước) và bài Hạ than hỷ phú (Thơ mừng khi xuống khỏi thác). Đại Than là một thác dữ trên sông Ninh Minh, lại do mưa lụt tràn về nên các quãng nguy hiểm bị ngập, nước càng chảy xiết, do đó không biết đâu mà tránh, nguy hiểm lại tăng thêm gấp bội. Đi qua thác vào thời điểm ấy, tác giả tỏ ra hoang mang, tuyệt vọng:
Đêm qua, nước sông ngân từ trên trời đổ xuống,
Sông nước mênh mông, bờ sông ngập bằng.
Không tin quỷ thần có thể cứu giúp,
Đến cả rồng cọp cũng mất hết linh thiêng…
Trước sông nước, ghềnh thác hiểm dữ ở Đại Than, nhà thơ than thở, hối hận:
Bình cư bất hội giảng trung tín
Đáo xứ vô phương tề tử sinh.
(Ngày thường không biết nói chuyện “trung tín”,
Thì đến chổ hiểm nguy cũng đành coi sống chết như nhau)
Câu thơ này Nguyễn Du lấy ý từ câu thơ của nhà thơ Đường Giới đời Tống: “Bình sinh thượng trung tín/Kim nhật nhiệm phong ba” (Ngày thường coi trung tín là trên hết/Hôm nay dẫu sóng to gió lớn cũng không sợ) nhưng dùng với nghĩa ngược lại. Có thật lúc “bình cư” nhà thơ không nói chuyện “trung tín” không? Chắc là không. Ở bài thơ Ninh Minh giang chu hành (Đi thuyền trên sông Ninh Minh) làm trước đó, ông từng tâm sự “Trung tín đáo đầu vô túc thị/Bất tín xuất môn giai uý đồ/Thí vọng thao thao thử giang thuỷ” (Giữ trung tín nhưng rốt cuộc không đủ cậy nhờ/Nếu không tin câu “ra khỏi cửa đều là con đường nguy hiểm”/Thì hãy thử nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy này). Như thế là đã rõ. Lòng “trung tín” của Nguyễn Du chỉ có giá trị ở quê hương, đất nước mình chứ không có tác dụng gì ở xứ người. Vả lại, quỷ thần ở nơi thác dữ này lại là Mã Viện, kẻ thù của dân nước mình, hắn không thể phù hộ cho ông, một người đã từng biếm trích hắn. Cũng với ý ngược đó, ông đẩy suy nghĩ của mình xa hơn: “Cánh hữu hiểm hy nhiêu thập bội/Ngô tương hà dĩ khấu thần minh?” (Vẫn còn có chổ hiểm nguy gấp mười lần/Ta lấy gì để xin với thần minh). Nghĩ thông như vậy, nên ông chẳng còn sợ nữa, cứ phó mặc số phận, xem sống chết như nhau, không vì cầu sống mà đi xin với loại “thần minh” như Mã Viện. Khi đã an toàn qua khỏi thác, ông viết bài Hạ than hỷ phú (Thơ mừng xuống khỏi thác) để giải bày tâm trạng sau khi thoát hiểm. Bản thân nhà thơ thì không tin, nhưng vì để động viên sứ đoàn nên ông vẫn phải: “Tâm hương bái đảo tướng quân từ” (Lòng thành dâng hương cầu khấn trước đền tướng quân). Thâm tâm ông vẫn là bất chấp, phó mặc cho số phận: “Nhất trạo trung lưu tứ sở chi” (Một mái chèo giữa dòng mặc cho nó trôi đi). Nhưng khi đã qua khỏi thác, ông mới biết “xà hổ bất thị uy” (rắn cọp không ra oai) được là nhờ “Vạn chu tùng thụ tăng nhân ốc” (Chổ muôn cụm tùng kia là nơi nhà sư ở). Tức là phía dưới thác có chùa, có Phật. Phật không phải của Trung Hoa, Phật là của thiên hạ, là đấng từ bi hỷ xả cứu người chứ không phải là “loài xà hổ ra oai”, loại quỷ thần sở tại hại người như Mã Viện. Trong lúc thập tử nhất sinh, tâm thức tác giả vẫn ám ảnh rằng loại người như Mã Viện, lúc sống đã gây tội ác với “Tứ Di”, lúc chết rồi vẫn còn tiếp tục hại người. Như vậy, cả hiển ngôn và hàm ngôn, Nguyễn Du đã dành đến năm bài thơ để châm biếm, đả kích tên tướng xâm lược khát máu Mã Viện, hiện thân của tư tưởng kỳ thị dân tộc và bành trướng xâm lược Trung Hoa.
Trên đường đi sứ, Nguyễn Du thăm mồ mả, viếng đền miếu nhiều trung thần nghĩa sĩ, văn nhân Trung Hoa. Nhưng đặc biệt, ông có để lại một bài thơ viếng mộ một con vật, bài Kỳ lân mộ (Mộ kỳ lân). Viếng mộ một con vật nhưng nhà thơ đã dùng một bài thơ dài 29 câu viết theo lối cổ phong trường thiên. Đây là thể thơ không bị bó buộc bởi niêm luật và số câu. Chọn thể thơ này, tác giả dễ nói được hết cảm xúc, suy nghĩ của mình. Theo truyền thuyết Trung Hoa, kỳ lân là con thú nhân nghĩa, nó xuất hiện là báo hiệu điềm lành, thiên hạ thái bình thịnh trị. Khi qua tỉnh Hà Bắc để lên Yên Kinh, nhà thơ bắt gặp mộ bia con kỳ lân. Hỏi ra, ông mới biết rằng, vào năm Vĩnh Lạc thứ tư đời Minh Thành Tổ, có người bắt được con kỳ lân đem lên kinh dâng vua nhưng dọc đường con thú bị chết, quan chức địa phương sai chôn cất tử tế và lập bia mộ. Nghe chuyện, nhà thơ cảm khái:
Ôi kỳ lân! Tìm đâu thấy mày?
Ôi kỳ lân! mày là giống vật báo điềm lành ở trên trời,
Mà nay thịt xương mặc cho sâu kiến đục khoét.
Ôi kỳ lân! Thân mày sao khổ thế?
Nhà thơ than khóc cho con kỳ lân vì nó xuất hiện không đúng nơi, đúng lúc để đến nỗi chết uổng. Bởi thái bình thịnh trị là thứ ước mơ xa xỉ ở Trung Hoa vào thời Minh Thành Tổ cầm quyền. Minh Thành Tổ có tên là Chu Đệ, con trai thứ sáu của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người đã lãnh đạo nhân dân Trung Hoa đánh đổ ách thống trị Nguyên-Mông. Chu Đệ vốn được phong vương ở đất Yên, thường gọi là Yên vương Đệ. Hắn là kẻ vô cùng nham hiểm, tội ác chồng chất. Hắn cướp ngôi của cháu, tiêu diệt hàng vạn người chống đối, sau đó đã gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược ngoại bang, đẩy hàng trăm vạn người dân vào chổ dầu sôi lửa bỏng. Chính hắn đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, nô dịch dân tộc ta hai mươi năm. Theo sử sách đương thời, hắn đã lệnh cho đội quân xâm lược tàn sát, cướp bóc dân ta một cách dã man, huỷ hoại nền văn hoá nước ta, huỷ hoại cả môi trường sống của dân tộc ta(5). Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tố cáo tội ác của “quân cuồng Minh” là “Bại nghĩa thương luân càn khôn cơ hồ dục tức” (Làm bại hoại nhân nghĩa, tổn thương luân lý đến mức trời đất không thể chuyển vần được nữa). Bằng một giọng điệu đầy phẫn nộ, Nguyễn Du đã dành sáu câu thơ để lên án những tội ác nói trên của Yên vương Chu Đệ:
Huống nữa Yên Đệ là người thế nào,
Cướp ngôi của cháu để tự lập làm vua, y không phải là vua nhân từ.
Để hả một cơn giận y giết cả mười họ người ta,
Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu vạc dầu lớn.
Trong năm mươi năm giết trên trăm vạn mạng người,
Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu.
Từ sự căm hận tên bạo chúa, nhà thơ lên án cả con kỳ lân:
Nếu mày vì kẻ ấy mà hiện ra,
Thì mày cũng chỉ là đồ yêu quái có gì đáng quý?
Dường như, nhà thơ cảm thấy kết tội linh vật như thế thì oan cho nó, nên ông suy nghĩ theo hướng khác:
Hay là mày không nỡ sống để trông thấy cảnh chém giết,
Nên đến chốn này mày đã bỏ mình trước. Và Nguyễn Du đã kết bài thơ bằng hai ý rất sâu sắc:
Than ôi! Kỳ lân là loài thú có đức nhân,
Trên đời chẳng thấy nên cho là điềm lành.
Thấy rồi chẳng qua cũng như loài chó dê.
Nếu bảo kỳ lân là do thánh nhân mà hiện ra,
Thì thời ấy sao không sang dạo chơi ở phương Nam? Thì ra, trong suy nghĩ của nhà thơ, “kỳ lân” chỉ là biểu tượng hão huyền về điềm lành thái bình thịnh trị mà bọn phong kiến Trung Hoa đưa ra để loè bịp dân chúng. Nếu có một linh vật như thế thì sao lại hiện ra ở cái đất nước luôn động loạn, tàn sát lẫn nhau như đất nước Trung Hoa? Trong khi ở phương Nam thời ấy có bậc thánh nhân là Lê Lợi ra đời để cứu chúng sinh khỏi tay bọn “cuồng Minh” vô đạo mà nó không xuất hiện? Nhà thơ đã đứng trên lập trường dân tộc và nhân đạo để phê phán một cách sâu sắc, mạnh mẽ một trong những kẻ độc tài, tàn bạo và thâm hiểm nhất của Trung Hoa, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc chính đáng của mình. Ngoài hai kẻ xâm lược điển hình của chủ nghĩa kỳ thị dân tộc, chủ nghĩa bành trướng mà Nguyễn Du đã tập trung vạch mặt này, trong tập thơ, còn nhiều chổ ông khéo léo đả phá tư tưởng “Hoa Di chi biện”. Ở bài Tam Giang khẩu đường dạ bạc (Đêm đậu thuyền ở cửa sông Tam Giang), giữa sông núi điệp trùng, hiểm trở vùng Tây Việt (Quảng Tây), tác giả thấy ấm lòng trước cảnh “Đồng chu Hồ Việt các tương thân” (Cùng thuyền, người Hồ và người Việt đều thân nhau). Trong cảnh mưa chiều ở Thương Ngô, nhà thơ lại cảm thấy “Chiếc thuyền nhỏ hẹp khó qua được miền Hoa Hạ/Tóc để búi to, dài tự biết mình là người Di”. Càng đi sâu vào đất nước Trung Hoa, Nguyễn Du càng thấy lạ lẫm. Cảnh lạ, y phục, phong tục khác biệt đã khiến ông liên hệ đến cái tư tưởng “Hoa Di chi biện” mà ông từng biết qua sách vở cũng như sự đối xử của họ đối với dân tộc mình trong trường kỳ lịch sử. Đi thuyền trên sông Ninh Minh (Ninh Minh giang chu hành), trải qua nhiều ghềnh thác hiểm nguy khiến những suy ngẫm về con người và đất nước “thiên triều” của nhà thơ “quánh” lại thành một mặc cảm:
Mọi người đều nói đường trên Trung Hoa bằng phẳng,
Hóa ra đường Trung Hoa là thế này!
Sâu hiểm quanh co giống lòng người,
Nguy vong nghiêng đổ đều do ý trời.
Không chỉ một lần nhà thơ thấy bất ngờ khi chứng kiến những cảnh tượng trái ngược với những gì mình từng biết, từng hình dung về đất nước của “thiên tử”. Cũng trong dịp đi qua tỉnh Quảng Tây, Nguyễn Du nhìn thấy tận mắt thảm cảnh hai ông cháu người hát rong xin ăn ở phủ Thái Bình, ông tự hỏi một cách chua chát: “Thường chỉ nghe Trung Hoa ai cũng no ấm/ Ngờ đâu Trung Hoa cũng có người như thế này?”. Cảnh bốn mẹ con người ăn xin mà ông chứng kiến và mô tả lại trong bài thơ Sở kiến hành lại còn thê thảm gấp bội. Bên cạnh những nghịch cảnh nhân sinh mà ông đã chứng kiến và lên tiếng tố cáo, còn có những nghịch lý về văn hóa mà ông cũng rất bất ngờ và bất bình. Ở Quế Lâm, nhà thơ viếng ông Các bộ họ Cù (Thúc Trĩ), một trung thần nhà Minh đã tuẫn tiết khi thành Quế Lâm, nơi ông này được giao trấn giữ, bị quân Thanh đánh hạ. Nhìn cảnh khói tàn hương lạnh nơi di tích vị trung thần, tác giả không nén nỗi xót thương, chua chát hỏi: “Ai bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/Sao ở đây hương khói lại vắng tanh thế này?” (Quế Lâm Cù Các bộ). Một đất nước mà cuộc sống người dân như thế, lễ nghĩa, văn hóa như thế, kẻ cầm quyền cường bạo như thế, liệu có phải là trung tâm văn hiến, tinh hoa của thiên hạ như bọn cầm quyền ở đó từng rêu rao một cách cao ngạo hay không? Về sự phê phán trực diện chủ nghĩa kỳ thị dân tộc, bài thơ bộc lộ rõ nhất quan điểm phê phán của Nguyễn Du là bài Quản Trọng Tam Quy đài. Quản Trọng là tể tướng nước Tề thời Xuân Thu, có công làm cho nước Tề giàu mạnh, chín lần họp chư hầu, làm bá chủ thiên hạ. Ông ta được Tề Hoàn Công tôn làm Thượng phụ, về già xây đài Tam Quy. Về chính sự, Quản Trọng bị Khổng Tử phê phán là khí độ nhỏ nhen, xa xỉ và vô lễ; Á thánh Mạnh Tử chê là sự nghiệp tầm thường. Tuy nhiên, chủ trương “Tôn Hoa nhương Di” (Đề cao Hoa hạ, bài xích tứ Di) của Quản lại được Khổng Khâu hết lời khen ngợi. Tất cả những điều này, đều được tác giả Bắc hành tạp lục gợi nhắc lại trong bài thơ Quản Trọng Tam Quy đài với một giọng điệu mỉa mai:
Đài cũ chìm lấp, cỏ mọc tràn lan
(Ông) đã từng giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá một thời.
Trong các quận huyện không còn chín lần họp chư hầu nữa,
Trên đá phủ rêu còn ghi chữ “Tam Quy”.
Ở triều đình khéo hợp lòng vua,
Chết rồi, rốt cuộc bị chê là tể tướng tầm thường….
Điều đáng lưu ý là trong sáu câu thơ nói về Quản Trọng trong phần đầu bài thơ, tác giả kết cấu theo lối tương phản: xưa nay, trước sau. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh hoang phế của đài Tam Quy. Theo sách Đông Chu liệt quốc, khi Tề Hoàn Công đã chinh phục, đánh đuổi được các nước Di Địch, làm bá chủ chư hầu thì trở nên kiêu ngạo, xây dựng cung điện nguy nga, món gì cũng sang trọng như đồ dùng thiên tử nhà Chu. Thấy vậy, Quản Trọng cũng tự mình đắp đài Tam Quy với ý nghĩa là ba thứ quy thuận mình: dân quy, chư hầu quy và mọi rợ quy. Lại còn dựng tắc môn che cửa, lập phạn điếm để tiếp sứ thần các nước. Thấy chướng mắt, Bão Thúc Nha, một hiền thần của Tề Hoàn Công và là bạn thân của Quản Trọng, nghi hoặc hỏi: “Vua xa xỉ, mình cũng xa xỉ, vua tiếm phạm, mình cũng tiếm phạm sao phải?”. Quản Trọng bèn xảo biện để lấp liếm rằng: làm như vậy là để chia bớt tiếng xấu của vua. Nhưng thực chất là ông ta hùa theo chủ mình và tỏ ra đắc chí về sự thành công của chủ trương “Tôn Hoa nhương Di”. Song cái sự nghiệp “Tằng dĩ Hoàn Công bá nhất thì” (Từng giúp Tề Hoàn Công làm bá chủ một thời) đó chỉ còn “Cựu đài nhân một thảo ly ly” (Đài cũ chìm lấp cỏ mọc tràn lan). Tương tự, cái vẻ vang “chín lần họp chư hầu” mà sử sách Trung Hoa từng tự hào nhắc đến, giờ cũng chỉ còn lại một chữ “tam quy” lờ mờ dưới làn rêu phủ xanh trên đá. Chính cái việc “khéo hợp lòng vua”, hùa theo vua tiếm phạm của Quản đã khiến bạn thân là Bão Thúc Nha không phục và bị người đời sau chê là “tể tướng tầm thường”. Nguyễn Du nhắc lại câu chuyện này không chỉ để phê phán sự tiếm phạm của Quản mà kết hợp với hình ảnh hoang tàn của đài Tam Quy để đả kích sự bá đạo của vua tôi Hoàn Công đã gây chiến tranh xâm lược làm khổ các nước chư hầu và Di, Địch. Nhưng sự đả kích sâu cay, thâm thuý nhất đối với quan điểm kỳ thị dân tộc của các triều đại phong kiến Trung Hoa là ở hai câu kết bài thơ:
…Hỷ trị thánh triều công phú đảo
Vãng lai đài hạ tạp Hoa Di. (Mừng gặp thánh triều che chở chung thiên hạ,
`Nên dưới đài, người Hoa, người Di qua lại tấp nập)
“Thánh triều” mà Nguyễn Du nói đến ở đây là triều đại nhà Thanh. Mỉa mai thay, “thánh triều” thống trị Trung Hoa rộng lớn lúc bấy giờ lại là người Mãn Châu, một trong Tứ Di mà xưa kia Quản Trọng từng nỗ lực giúp chúa mình đánh đuổi. Dưới sự che chở của “thánh triều”, không chỉ “Vãng lai đài hạ tạp Hoa Di” mà dân tộc Hán, tộc người mà Quản Di Ngô và các triều đại Trung Hoa trước đây từng đề cao, đã phải cạo đầu, gióc tóc thay đổi cả “áo mũ ngàn năm”, tha hoá trên mọi phương diện cuộc sống xã hội. Lịch sử Trung Hoa không chỉ có một lần bị Tứ Di cai trị. Thế mà họ vẫn không biết nhục cứ khăng khăng và ngạo ngược trương ra cái thuyết “Hoa Di chi biện”. Không rõ trên đường đi sứ qua Khúc Phụ (Sơn Đông), Nguyễn Du có viếng thăm Khổng miếu không, nhưng ông đã không có bài thơ nào viết về ông tổ của Nho gia. Trong khi đó, ông lại đến thăm đền thờ Mạnh Tử ở Trâu Thành (Sơn Đông) và có bài thơ Mạnh tử từ cổ liễu (Cây liễu cổ ở đền Mạnh Tử) hết lời ca ngợi vị á thánh này. Phải chăng vì Mạnh Tử là người đã coi “dân là quý” hơn cả xã tắc, vua chúa và hơn thế, ông còn là người chê Quản Trọng là kẻ bá đạo, là tể tướng tầm thường, trong khi bậc “đại thành chí thánh” lại khen cái tư tưởng “tôn Hoa nhương Di” hủ lậu, phản động của Quản? Trong bài Kê Khang cầm đài (Đài gảy đàn của kê Khang), cùng một cái ý mỉa mai những kẻ không biết nhục vì đã từng bị xâm lược, bị Di hoá không ít lần mà vẫn dương dương tự đắc cho mình là trung tâm thiên hạ, nhưng được nhà thơ thể hiện một cách kín đáo, thâm thúy. Kê Khang (223-262), người đời Tấn, là một trong Trúc lâm thất hiền và là nhà văn, nhà sáng tác nhạc. Ông có khúc đàn Quảng Lăng nổi tiếng mà Nguyễn Du đã một lần nhắc đến trong Truyện Kiều. Bài thơ cũng nói tới một cái đài, đài gảy đàn của Kê Khang, với cảm khái về sự mai một của một người nghệ sĩ nổi tiếng “người chết, đàn mất, đài cũng bỏ hoang”; sự nghiệp của cha con nhà Tư Mã, những kẻ đã sát hại ông, cũng không còn dấu tích. Trong hai câu kết, sau khi than tiếc: “Than ôi, sau khi tiếng đàn Quảng Lăng đã dứt”, giọng điệu của nhà thơ Việt chuyển ngay sang chua chát: “Thì những bản tỳ bà mới phần lớn là theo điệu Hồ Khương”. Điệu Hồ Khương tức là điệu nhạc của người Hồ và người Khương, những tộc người Di từng bị người Hán khinh bĩ, đánh chiếm và họ cũng từng đánh chiếm và cai trị Trung Hoa. Rõ ràng, chủ âm của bài thơ này vẫn là giọng điệu mỉa mai cái nhục bị xâm lược, bị Di hoá của người Hán.
Khảo sát 132 bài thơ của tập Bắc hành tạp lục, chúng tôi nhận thấy: trực tiếp hoặc gián tiếp, số bài thơ thể hiện cảm thức “cảnh giác” với Trung Hoa, mang hơi hướng phê phán, mỉa mai tư tưởng “Hoa di chi biện” ở các mức độ khác nhau, chiếm một tỷ lệ rất lớn, khoảng 80%. Vì vậy, có thể nói, đây là một tập nhật ký – thơ có giá trị như là một tập “bị vong lục”, một cuốn sách “trắng” bằng thơ về đất nước và con người Trung Hoa. Nguyễn Du là một nhà Nho xuất thân chốn cao môn lệnh tộc, từ bé đã được nhào nặn nơi cửa Khổng sân Trình về học vấn và tư tưởng. Nhưng “trải qua một cuộc bể dâu” của giai đoạn phong kiến Việt Nam suy vong, trên cơ sở hiểu sâu, đối sánh, biện biệt tam giáo, ông thấy rõ những giới hạn của Nho giáo nên đã hướng lòng mình về cõi Phật, về những gì tốt đẹp của truyền thống dân tộc Việt. Vì vậy, khác với bao lớp nhà Nho hiển đạt từng đi sứ thực hiện nhiệm vụ “bang giao hảo thoại” mà triều đình phong kiến Việt Nam giao phó, trong đó có cả bố và anh ruột ông, trong thơ ông, không mảy may xuất hiện cái “tôi” của một sứ thần với những ngôn từ xã giao, cũng không hề có trạng thái choáng ngợp, say sưa trước cảnh đẹp của đất nước và con người Trung Hoa như trong thơ đi sứ của các sứ thần đương thời. Trong tập thơ sứ trình đặc biệt của ông, tập Bắc hành tạp lục, bằng cái nhìn lịch sử - cụ thể - khách quan của một đại trí thức Việt Nam, với ý thức tự trọng dân tộc cao và tư tưởng nhân văn sâu sắc, từ “những điều trông thấy” trên đất nước của “thượng quốc”, bộ mặt tham tàn, độc ác của xã hội phong kiến Trung Hoa trong hàng ngàn năm lịch sử đã được Nguyễn Du hơn một lần “chỉ mặt đặt tên” là “Bất lộ trảo nha dữ giác độc/Giải tước nhân nhục cam như di” (Họ che dấu vuốt nanh và nọc độc/Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường – Phản Chiêu hồn). Sau Nguyễn Du khoảng một trăm năm, một người Trung Hoa chân chính là văn hào Lỗ Tấn cũng đã khái quát rằng, cái xã hội đó là “xã hội ăn thịt người”. Các thế lực tàn bạo của xã hội đó, trong thì bóc lột, đày đoạ nhân dân lao động, ngoài thì kỳ thị và xâm lược các nước nhỏ xung quanh, gây nên bao cảnh tang thương cho các dân tộc khác. Và có thể nói thêm rằng, xét kỹ hành trình tư tưởng Nguyễn Du qua “tiếng lòng” (tác phẩm) của ông, trong tiềm thức và cả trong ý thức, như là hệ quả tất yếu của tinh thần phê phán nói trên, chúng ta đã thấy thấp thoáng ở vị đại thi hào Việt Nam một tư tưởng “thoát Hán” được bộc lộ.
-----------------------------------------------------
Chú thích
(1). Viện Văn học, Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, NXB KHXH, HN, 1981, tr.530
(2). Trần Đình Sử, Giải mã chủ nghĩa kỳ thị dân tộc ở Trung Quốc, www.tienphong.vn
(3). Lược ý Trần Đình Sử trong Giải mã chủ nghĩa kỳ thị dân tộc ở Trung Quốc, www.tienphong.vn;
(4). Phạm Quang Ái, Họ Nguyễn Tiên Điền qua gia phả, sử sách và tư liệu điền dã, NXB Nghệ An, 2011, tr.255;
(5). Nguyễn Huệ Chi, Thủ đoạn tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam của Minh Thành Tổ, diendan.org
ĐƯỢC MẤT TỐ NHƯ
Phạm Quang Ái
Ở đời được mất khó lường,
“Mất trinh” lại được Đoạn trường tân thanh.
Cỏ lau sống với “Thi thành…”,
Cung vàng, điện ngọc tan tành bể dâu.
Cái nâng niu có còn đâu?
Cái vứt đi lại sống lâu muôn đời.
Trăm năm vật đổi sao dời,
Sang hèn, quý tiện theo thời nổi nênh.
*Trong bài “Hán Dương vãn diếu”, Nguyễn Du viết: “Thi thành thảo mộc giai thiên cổ” (Bài thơ viết xong rồi, cây cỏ cùng thơ sống đến muôn đời)