Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG NGUYỄN SƠN

Phạm Khang
Thứ năm ngày 26 tháng 11 năm 2015 10:23 AM




Nguyễn Sơn là vị tướng duy nhất ở Việt Nam được phong tướng ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Người ta vẫn gọi ông bằng tất cả sự ngưỡng mộ là vị LƯỠNG TƯỚNG QUỐC! Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về ông như sau: “Anh Nguyễn Sơn lúc 16 tuổi đã tham gia phong trào Thanh niên cách mạng đồng minh hội và được vinh hạnh học tập tại trường Võ bị Hoàng Phố nổi tiếng của Trung Quốc. Khi anh về nước thì quân Pháp đã xâm lược miền Nam nước ta. Trong cuộc họp, Bác Hồ, anh Trường Chinh và tôi yêu cầu anh Nguyễn Sơn vào Nam phụ trách Ủy ban kháng chiến miền Nam (nơi diễn ra chiến sự giữa ta và địch). Đây là một chức vụ cực kỳ quan trọng thể hiện lòng tin của Đảng và Chính phủ đối với anh. Anh Nguyễn Sơn là tướng lĩnh có công với quân đội ta. Đặc biệt, anh đã tham gia cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài ở Trung Quốc. Anh là vị tướng nước ngoài duy nhất của Hồng quân Trung Hoa. Các đồng chí láng giềng khi nhắc đến anh đều có một tình cảm tôn trọng và sâu nặng…Tướng Nguyễn Sơn là một chiến sỹ cộng sản của Trung Quốc và Việt Nam, là người có khí phách dũng cảm, cũng là một vị tướng tài không chỉ ở lĩnh vực quân sự mà còn ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…Sau khi cống hiến hết mình cho miền Nam, mùa hè năm 1950 anh đã nhận công tác của Bác Hồ để đi Bắc Kinh. Trong thời gian kháng Mỹ viện Triều anh đã mang bệnh nặng. Mặc dù đã được Nhà nước Trung Quốc hết lòng cứu chữa, thậm chí gửi sổ y bạ đi hội chẩn ở Liên Xô nhưng bệnh tình anh không thể qua nổi. Đảng đã đón anh về nước để chữa bệnh theo yêu cầu của anh. Anh đã từ trần trong niềm thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè, chiến sỹ trên mảnh đất quê hương mình. Mặc dù mất sớm nhưng anh đã để lại hình ảnh của một người cộng sản suốt đời cung cúc tận tụy cho sự nghiệp cách mạng nước ta và nước bạn. Hình ảnh một đồng chí – một người bạn chiến đấu thân thiết hết sức chân thành vẫn sáng chói. Anh mãi mãi được ghi nhớ trong trang sử cách mạng Việt Nam và khắc sâu trong mỗi trái tim ta.” (Trích đề tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cuốn “Nguyễn Sơn vị tướng huyền thoại” của Minh Quang, Nxb Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2000)

Sự kiện làm người ta nhớ lại tại Lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10/1955 do quân đội tổ chức, Nguyễn Sơn được mời dự đại tiệc chung với các nguyên soái và tướng lĩnh Trung Quốc. Sau phần nghi lễ, Chủ tịch Mao Trạch Đông tiến lại chỗ Hồng Thủy (bí danh của Nguyễn Sơn ở Trung Quốc). Hồng Thủy đứng lên chào. Mao Trạch Đông thân mật hỏi thăm sức khỏe và công tác của ông:

- Hồng Thủy được xếp cấp gì?

Hồng Thủy trả lời Mao Trạch Đông:

- Thưa Chủ tịch cấp sư đoàn.

Mao Chủ tịch nói:

- Như vậy là không công bằng. Hồng Thủy tham gia quân đội từ thời đầu tiên có trường Hoàng Phố với biết bao gian khổ, lập bao công lao. Có thể lên cấp quân đoàn, các đồng chí xem lại có được không?

Trong bản nhận xét để phong hàm thiếu tướng cho Nguyễn Sơn – Hồng Thủy của Tổng cục Chính trị quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có đoạn viết: “ Sau đại cách mạng thất bại. Hồng Thủy gia nhập Đảng trong thời kỳ khủng bố trắng, đối với Đảng với nhân dân, trung thành, trong sáng, ý chí cách mạng kiên định. Trong những hoàn cảnh tàn khốc nhất, khó khăn nhất như bạo động Quảng Châu, và trải qua cuộc vạn lý trường chinh trước sau vẫn hăng hái tích cực chiến đấu, luôn luôn đứng vững trên lập trường, đường lối chính sách của Đảng để công tác. Trong khi ở Phương diện quân 4 đã luôn kiên định đường lối của Trung ương. Trong chiến tranh chống Nhật ở Tấn Đông Bắc đã có khả năng độc lập tổ chức quần chúng thành lập đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang. Khi trở về Việt Nam đã lãnh đạo đúng đắn cuộc kháng chiến chống Pháp ở các chiến khu 5,6,4, củng cố căn cứ địa ở các chiến khu đứng vững suốt hơn 7 năm đấu tranh, cuối cùng giành thắng lợi. Trong đấu tranh chống địch và đấu tranh xử lý nội bộ luôn kiên trì và giữ vững nguyên tắc. Đối với sự phân công của Đảng giao cho đều phục tùng và chấp hành nghiêm chỉnh chưa bao giờ có hành động chống quyết định của Đảng, không phục tùng tổ chức. Trong các cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng (chỉnh phong thẩm cán, tam phản, chỉnh Đảng v.v…đều tích cực tham gia, dũng cảm bộc lộ những sai lầm của mình, của người khác và luôn tích cực học tập.” Đó là lời bình xét công bằng và chính xác của Hội đồng tướng lĩnh Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khi xét phong quân hàm Thiếu tướng cho Hồng Thủy – Nguyễn Sơn.

Khi Nguyễn Sơn được phong hàm Thiếu tướng ở Trung Quốc, ngay lập tức các báo lớn ở Trung Quốc đều có nhiều bài đăng ca ngợi vị tướng tài ba lỗi lạc người Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, quên mình cho nước Trung Hoa. Nhân dân Nhật báo ngợi ca: “Trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đây là lần đầu tiên Đảng và Chính quyền đã phong hàm và tặng Huân chương cao quý cho người nước ngoài để tỏ lòng biết ơn và kính trọng sự cống hiến vô tư của những chiến sỹ Quốc tế đã góp phần xây dựng một nước Trung Hoa hùng mạnh. Nhân dân Trung Quốc đời đời ghi nhớ công ơn của một vị tướng Việt Nam cũng là tướng của Trung Quốc.” Lịch sử bắt đầu xuất hiện danh từ Lưỡng Quốc Tướng Quân đối với Nguyễn Sơn bắt đầu từ đây.

Sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng được một thời gian, tướng Nguyễn Sơn mắc chứng bệnh ung thư. Biết mình khó qua khỏi, ông đề nghị với Hội đồng tướng lĩnh Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc xin được về Việt Nam chữa bệnh. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã báo cáo tình hình bệnh nặng của tướng Nguyễn Sơn lên Mao Chủ tịch. Mao Chủ tịch buộc phải liên lạc với Bác Hồ. Ông báo cho Bác biết căn bệnh khó chữa trị của Hồng Thủy và rằng Hồng Thủy không chịu qua chữa trị tại Liên Xô…Bác Hồ vui lòng đón nhận Hồng Thủy về nước để chữa bệnh. Thủ tướng Chu Ân Lai đã cấp cho tướng Nguyễn Sơn 35 vạn Nhân dân tệ để ông về trị bệnh. Đây là số tiền quá lớn. Nguyễn Sơn không chịu nhận, nhưng Chu Ân Lai bắt buộc ông phải nhận. Khi về nước Nguyễn Sơn giao hết số tiền trên cho Nhà nước Việt Nam. Điều này chứng tỏ tướng Nguyễn Sơn đã hiến thân cho cách mạng Trung Hoa vô tư, không màng mảy may danh lợi.

Việc đưa Nguyễn Sơn lên đường về đất mẹ Việt Nam được chính Mao Trạch Đông đích thân sắp xếp chu đáo với nghi thức nhà nước. Ông ra lệnh cho sỹ quan cận vệ dành đặc biệt một toa tàu cấp lãnh đạo và giao cho Bác sỹ Hàn Thủ Văn lo đủ thuốc men để đi theo ông suốt hành trình về Việt Nam.

Sáng ngày 27/9/1956 trời còn mờ sương, Hồng Thủy – Nguyễn Sơn trong bộ quân phục bằng nỉ xanh đậm, ngực đầy huân chương, đã đến sân ga Tiền Môn. Tại đây ông thấy một số sỹ quan sắp hàng ngang đứng đối diện với toa xe. Xe của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh chở theo Bành Đức Hoài, Chu Đức, Hoàng Khắc Thành cùng lúc đi tới. Diệp Kiếm Anh bước lại trước mặt Hồng Thủy giơ tay chào. Hồng Thủy chào lại theo nghi thức quân đội. Các tướng Bành Đức Hoài, Chu Đức và lần lượt mọi người đến bắt tay từ biệt ông. Một hồi còi rú lên, con tàu từ từ lăn bánh đưa ông về với đất mẹ Việt Nam, tạm biệt mảnh đất mà ông đã từng chiến đấu, vào sinh ra tử, chịu đựng gian khổ, khó khăn cho nhân dân Trung Quốc có độc lập, tự do như hôm nay!

Vào một ngày tháng 10 năm 1956, Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: Đồng chí Nguyễn Sơn, Thiếu tướng của quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cũng là Thiếu tướng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về Việt Nam thăm gia đình, bị bệnh nặng nay đã từ trần vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 21 tháng 10 năm 1956. Linh cữu được quàn tại Lễ đường Quân đội, đường Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội.

Sáu giờ sáng ngày 22 tháng 10, Hồ Chủ tịch cùng một phái đoàn gồm Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Phan Kế Toại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu cao cấp của quân dân chính Đảng đến viếng tướng Nguyễn Sơn. Trước đó, Đại sứ Trung Quốc La Qúy Ba là người đầu tiên đến viếng. Bác Hồ động viên, an ủi bà Lê Hoàng Huân vợ tướng Nguyễn Sơn và người thân, rồi thắp hương cắm lên bát hương để viếng tướng Nguyễn Sơn. Bác Hồ đứng lặng hồi lâu và rơm rớm nước mắt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, đồng thời chủ trì lễ truy điệu. Đồng chí Hoàng Anh thay mặt Quân ủy đọc điếu văn khen ngợi công trạng của tướng Nguyễn Sơn đã cống hiến vô tư cho hai nước Việt Nam – Trung Hoa. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng bạn cùng học trường Hoàng Phố với tướng Nguyễn Sơn lên chia buồn cùng gia đình. Nhà thơ Hằng Phương, chị vợ của tướng Nguyễn Sơn bày tỏ sự thương tiếc một nhân tài còn trẻ đã ra đi. Nhà thơ Hữu Loan đã đọc bài thơ: Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn:

Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ

Mang giông tố đại dương đi đến đâu

Không

cho

sóng

ngủ

Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu

Là gây những đám cháy

vòng quanh

Từ Vạn Lý Trường Chinh

Nguyễn Sơn về Liên khu Tư

Những năm đầu kháng chiến

Liên khu Tư của Nghệ Tĩnh lầm lỳ

Và nước Liên khu Tư

Đã biết thế nào là giông bão

Và rừng Liên khu Tư

Đã biết thế nào là cháy rừng

Phải vì đất nhưng vì giường hẹp

Nằm thừa đầu

thừa

chân

Phải vì giường không đầu

Một bước đi vạn lý

Nguyễn Sơn ra đi

không

ai

ngờ

Những thằng đại xu nịnh ngày xưa

trở mặt

Nhưng lịch sử và thời gian

không

bao

giờ

phản trắc

Còn vang dội mãi rừng núi Nưa

tiếng Nguyễn Sơn

một

lần

truyền

hịch

Còn vang dội mãi những tâm hồn

Những o gái Liên khu Tư

Mắt xanh màu Trường Sơn

Mang trong mắt hình ảnh người

Râu hùm hàm én

Gần thì sợ ghê

Nhưng xa thì nói không bao giờ hết chuyện

Những gánh trống chèo

những kèn đồng gươm gỗ

Lỉnh kỉnh

gánh gồng khiêng vác

Những nghệ nhân toàn gia

dìu dắt bế bồng

Không chỗ nào là không tụng ca

Người mê xem văn nghệ

Nguyễn Sơn

Nhưng ngày 21 tháng 10 đọc báo

nhân dân thấy đăng cáo phó

…Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã từ trần!

Thiếu tướng Nguyễn Sơn nào?

Làm gì có mấy Nguyễn Sơn

Đành rằng sống chết con người tại số

Nhưng hình như có bàn tay

định

mệnh

khốc

liệt

nào

Đặt lên cung kiếp Nguyễn Sơn

Một cuộc đời ngắn ngủi

Bao nhiêu là bất thường

Bất thường đến

Bất thường đi

Về bất thường

Chết lại càng

không đúng lúc!

Văn nghệ sĩ bao người đã khóc

Khi đọc báo Nhân dân thấy “Cáo phó Nguyễn Sơn”

Và ngày 22 tháng 10 trên khắp nẻo đường thủ đô

Một đám tang đã diễu hành

Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài

Nấc lên màu huyết

Một đám tang đi

không

bao

giờ

tới

huyệt.

PK. 2015.