(Đọc Đốt trúc, tiểu thuyết của Nguyễn Đắc Như, NXB Hội Nhà văn, 2014)
Cái tựa đề: “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng” (Nguyễn Trãi) đã phát lộ chủ đề tác phẩm. Nhưng tiểu thuyết sẽ chỉ là một mớ triết lí suông, thậm chí là triết lí vặt, nếu như thiếu hơi thở đời sống, thiếu nhân vật, và sẽ trở nên nhợt nhạt khi thiếu đi những chi tiết ròng ròng sự sống. Đốt trúc đã tìm được lối đi ngắn nhất đến với độc giả bằng việc miêu tả con đường đau khổ của những nhân vật có khát vọng đi tìm chân lý. Họ đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh để thực hiện được mục đích sống tốt đẹp của mình - đó là Hoàng Hữu Nguyên, Huỳnh Minh Cường, Kiều Oanh, Lan, Ngọc Hoa. Năm nhân vật chính này (tôi gọi là “ngũ vị hương” của tác phẩm) xoắn xuýt vào nhau qua nhiều biến thiên của lịch sử, qua nhiều trạng huống của nhân tình thế thái. Đặc biệt, cấu trúc của tiểu thuyết cũng nương theo hai nhân vật chính: Hoàng Hữu Nguyên, Huỳnh Minh Cường (mỗi nhân vật ứng với một phần của tiểu thuyết).
Tiểu thuyết được mở đầu bằng một tình huống kịch tính: Cuộc gặp gỡ có tính chất định mệnh giữa hai nhân vật Hoàng Hữu Nguyên và Huỳnh Minh Cường trong một hoàn cảnh éo le. Một bên là người tù vừa được trả tự do về địa phương Hoàng Hữu Nguyên, một bên là tên trộm bất đắc dĩ Huỳnh Minh Cường. Tên trộm này cần một món tiền để đi vào Nam tìm người bố đã bỏ rơi con trai (và là người chồng đã bỏ rơi vợ). Tình huống này rất mở đối với câu chuyện được kể tiếp, mở với cả cấu trúc của tiểu thuyết khi Huỳnh Minh Cường nhờ đó mà đóng vai chính suốt cả phần thứ hai. Mỗi nhân vật đều được nhà văn dựng cho một lai lịch, lý lịch đầy đủ bao hàm trong đó cả những tham sân si, ái ố hỉ nộ của đời người. Hiển hiện những kiếp người với bao nhiêu đa đoan, bĩ cực, thăng trầm. Với Hoàng Hữu Nguyên, tác giả dùng bi kịch, với Huỳnh Minh Cường dùng chính kịch, mỗi người sắm một vai trong những tấn trò đời.
260 trang phần thứ nhất tiểu thuyết đã vẽ nên khá đầy đủ nhân vật số một, Hoàng Hữu Nguyên. Trước hết đó là một con người luôn phân thân, thường khi một nửa luôn “bay lên” trong niềm phấn khích với những say mê lí tưởng, hạnh phúc, cái đẹp, cái hoàn mỹ. Nửa này tạo nên cái khí chất lãng mạn của nhân vật. Một nửa của con người này là những tục lụy của cuộc đời luôn níu kéo, giằng dứ ông nơi cõi trần - cõi tạm với bao chông gai, thác ghềnh, nếm mật nằm gai. Tất cả là những trải nghiệm đớn đau nhưng bổ ích cho việc kiên định lẽ sống. Ông là một con người có tấm lòng thẳng trong, có lẽ vì thế mà nhiều khi hiểm nguy đến tính mạng mà vẫn cứ an nhiên trong tâm hồn. Cuộc đời làm bầm dập, thậm chí “lên voi xuống chó” mà ông vẫn thoát ra được khỏi cái bẫy của sự hận thù để khoan dung, hòa hiếu với đời, với người. Ông có một niềm tin vững vàng vào lẽ phải và chính nghĩa. Phải coi đấy là một chiến công của con người này trong cuộc đời. Đó đích thực là con người có sức mạnh của thiên lương và phẩm hạnh cao quý. Biết bao nhiêu là oan khuất, biết bao nhiêu là tủi hờn đắng cay nghiệt ngã, nhưng tiết tháo kẻ sỹ đã giúp ông phân biệt trắng đen, bạn thù, chính nghĩa và phi nghĩa, vinh và nhục, thù hận và khoan dung. Sau những năm tháng bị lưu đày oan uổng, ông trở về với đời thường, làm một con người bình thường chứ không tầm thường. Cả cuộc đời là tận hiến theo tinh thần nhà Phật, nhưng không ham hố tận hưởng nên có nét gì đó khắc kỷ. Gắn với cuộc đời phiêu lưu và lắm khổ ải của Hoàng Hữu Nguyên là hai người phụ nữ, mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Kiều Oanh, con nhà lành, tiểu thư khuê các, đẹp và giàu sang như là “người tình trăm năm” của Hoàng Hữu Nguyên. Đúng là “tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Mối tình của Kiều Oanh và Hoàng Hữu Nguyên dang dở vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, bất khả kháng với mỗi người. Nhưng họ giữ gìn những hình ảnh, tình cảm, ký ức đẹp nhất về nhau trong suốt cuộc đời. Mối tình của họ (có tình yêu nhưng không có hôn nhân) phảng phất hương vị của mối tình giữa một giai nhân và một hiệp sĩ. Sau này khi lấy bà Lan (mẹ của Huỳnh Minh cường) làm vợ, Hoàng Hữu Nguyên đã sống bằng cái nghĩa tình của con người với nhau. Đó là nhân nghĩa, là nhân ái, nhân văn. Đó cũng là cách hóa giải những mâu thuẫn đời sống bằng sự vị tha, bằng năng lực tự thuần hóa những nỗi đau do hoàn cảnh đổ lây. Đây là phần đời thực, có hậu của Hoàng Hữu Nguyên so với phần đời ảo mộng trước đó. Con đường từ “tối” ra “sáng” của Hoàng Hữu Nguyên sau này được chuyển hóa qua nhân vật Huỳnh Minh Cường (trải rộng trong 260 trang phần thứ hai của tiểu thuyết). Sau lần đối mặt với Hoàng Hữu Nguyên ở phần mở đầu tiểu thuyết, anh được giác ngộ, đã “cải tà quy chính”. Anh sau đó nhập ngũ, có mặt trong đoàn quân Việt Nam trên chiến trường Campuchia, rồi xuất ngũ, rồi lao vào thương trường để đổi đời. Rồi lấy vợ (vợ anh là Ngọc Hoa, con gái bà Kiều Oanh). Đúng là trái đất tròn. Kết thúc tiểu thuyết là cảnh đại đoàn viên gia đình - một cái kết có hậu theo tâm lý truyền thống của người Việt. Chương cuối tiểu thuyết có tên “Giũ chiếu đứng dậy”, tôi muốn thay bằng câu thơ khoáng đạt hơn “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như vì thế có cái phong vị của một cuốn tiểu thuyết luận đề về cõi người, kiếp người trong dòng chảy vô cùng tận của đời sống; về cái lẽ “được” và “mất”, “cho” và “nhận” theo tinh thần “nhân - quả” của đạo Phật. Hoàng Hữu Nguyên là con người của thiên lương, Huỳnh Minh Cường là con người của hoàn lương.
*
Tôi muốn nói đến những vấn đề về kỹ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Đắc Như trong Đốt trúc. Đây cũng là vấn đề quan trọng đáng bàn như nội dung tác phẩm vậy. Những hồi cố được kết tinh lại thành ký ức, những ký ức lương thiện đã làm phục hưng phẩm hạnh con người chân chính. Nhưng con người tỉnh táo không bao giờ để ký ức lôi tuột, nhấn chìm. Trái lại phải sống với hiện tại theo cảm quan hiện sinh. Cái đang tồn tại (ở dạng chưa hoàn tất) mới đáng quan tâm, đáng sống. Với nhãn quan đó Hoàng Hữu Nguyên, như chúng ta thấy, đã vượt qua được những mặc cảm, ám ảnh, thậm chí có sức thôi miên của quá khứ. Ký ức trong trường hợp này đóng vai trò là một “chất keo” kết dính các chương, đoạn của tiểu thuyết. Tỷ lệ giữa quá khứ và hiện tại, theo cách tái hiện của tác giả, tương quan tỷ lệ 1-1. Nhờ tỷ lệ này mà tính chất nghiền ngẫm thế sự được chung đúc, tỏa rạng.
Dễ dàng nhận thấy để thúc đẩy mạch truyện, tác giả đã gây dựng rất nhiều tình huống mang tính kịch, bắt đầu từ thời điểm nhân vật xuất hiện, kinh qua các trạng thái tâm lý, các trạng huống ứng xử, các khúc rẽ của đời người. Đó là những tình huống thử thách, bộc lộ tính cách nhân vật vì mỗi tình huống đều được giả định những xung đột tinh thần gây cấn, những lựa chọn sinh tử, và cuối cùng là những kết cục mạng âm hưởng bi kịch hay chính kịch với mỗi nhân vật. Những tình huống ấy được ẩn chứa trong một cốt truyện, nếu có thể nói, đượm tính chất phiêu lưu và tâm lý. Phiêu lưu đi liền với mạo hiểm, hành động và hành động đi liền với tâm lý. Cuộc đời của hai nhân vật nam chính, như cách tái hiện của nhà tiểu thuyết, ứng nghiệm qua rất nhiều “pha” li kỳ, gắn với những tên chương của từng phần (chẳng hạn, với Hoàng Hữu Nguyên thì đó là những “Trở về”, “Nửa đời tài sản”, “Đêm củ mật”, “Lễ nhập trạch trong rừng nguyên thủy”, “Phòng giam số 18”, “Nước mắt trên vai áo tù”, “Lửa cháy hai đầu”,…).
Đọc Đốt trúc, thấy ngôn ngữ tiểu thuyết trong tay Nguyễn Đắc Như có được cái sắc điệu khá ấn tượng. Tôi cứ váng vất khi đọc một lối văn rất “nóng” (nhiều nhiệt hứng), kiểu như: “Trong phút chốc, tâm trí ông như bỗng phân thân làm hai nửa, một nửa phiêu bồng cùng những cảm xúc mê say hạnh phúc như được mách bảo rằng, cuộc trường chinh vạn dặm đầy hi sinh máu lửa của dân tộc tới đây đã về đến đích, giặc ngoại xâm đã bị đánh đuổi, độc lập dân tộc đã giành được trọn vẹn và giang sơn nay đã thu về một mối. Một cảm giác tự hào khó tả rộn rã tận đáy lòng khi ông nghĩ về cuộc cách mạng long trời lở đất mà ông đã đặt trọn niềm tin, đã dấn thân đi theo và thề một lòng sẽ đi theo đến cùng. Phân nửa tâm trí kia lại như muốn lôi ông trở về với khoảng không gian ngập chìm trong nỗi u uất của quá khứ, quá khứ của những năm tháng tù đày nghiệt ngã, quá khứ của những năm tháng luôn mang nặng hội chứng tâm lý về một sự bị ruồng bỏ, bị loại khỏi dòng chảy đời sống cộng đồng, và cuối cùng là bị đẩy hẳn về phía đối nghịch”. Tôi tìm thấy một giọng cảm thương, thống thiết trong văn của Nguyễn Đắc Như. Một lối văn có ấn tượng, mang tinh thần “đại khí” bởi vì nếu không khéo, nhân cơ hội kể câu chuyện về nỗi oan khuất của một con người, có thể tác giả đẩy chính mình và nhân vật vào cái bẫy của sự “trả đũa”. Và như thế là vô tình hay cố ý sa vào cái tinh thần “tiểu khí”. Tinh thần vượt thoát của nhân vật, và của cả tác giả thật đáng trân quý.
Nếu cần nhận xét về một khiếm khuyết của tiểu thuyết này thì có thể nói vắn gọn như sau: Giữa hai phần mới có sự cân đối về liều lượng số trang, nhưng Huỳnh Minh Cường như là trung tâm của phần thứ hai thì chưa thể là “đối trọng” với Hoàng Hữu Nguyên trong phần thứ nhất. Mỗi phần có thể tách ra làm “cốt” cho một cuốn tiểu thuyết ngắn, phù hợp với cơ chế đọc hiện nay trong sự lấn sân của văn hóa nghe - nhìn. Đấy là “nếu như”, mà vì hai chữ này, như người ta nói, đôi khi lịch sử còn thay đổi, huống hồ gì một tác phẩm văn chương./.
Hà Nội, tháng 8 năm 2015
B.V.T