Trần Tư Tề
(Nghiên cứu sinh Trung văn, Đại học Đông Hải, Đài Loan)
1- LLời đầu
Thơ “Vô đề” do Lý Thương Ẩn sáng tác thường rất khó hiểu nhưng lại vô cùng hấp dẫn các thế hệ độc giả. Đối với thể loại thơ này, Lý Thương Ẩn từng giải thích: “Sở vũ hàm tình câu hữu thác” (Mưa Sở ẩn chứa cái tình đều có sự ký thác). Từ những nét lớn trên mà xét, thơ của ông nằm trong số ít, riêng biệt có sự ký thác, phần lớn đều lấy tình yêu nam nữ làm đề tài, diễn tả tình ý triền miên, hình ảnh sinh động, khiến độc giả mọi thời đại đều nhiệt tình tán thưởng.
Có thể nói, thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn thuộc dòng bác học tuyệt mỹ, phong cách riêng biệt, xứng đáng là một trường phái trong dòng thơ tình yêu cổ đại Trung Hoa.(1) Lưu Đại Kiệt cũng nhân xét: “Thơ ‘Vô đề’ của Lý Thương Ẩn thuộc thể loại trữ tình, nghệ thuật diễn đạt đặc sắc, được truyền bá rộng rãi, có ảnh hưởng lớn đối với hậu nhân. Đọc những bài thơ này, chúng ta càng hiểu, Lý Thương Ẩn miêu tả tình yêu bằng thủ pháp kỳ diệu. Ông có sở trường nghiêm túc mà không khinh bạc, trong sáng mà không nông cạn, có tình cảm chân thực trong sự thể nghiệm chân thực, trữ tình mà sâu sắc, ý tứ tinh tế mà thâm viễn”.(2)
Những bài thơ này luôn diễn tả thứ tình cảm chân thành, ai oán, buồn thảm, không chỉ làm xúc động lòng người bằng thi luật tinh xảo, cảnh ngộ u sầu mà còn ở âm điệu hòa hợp, khiến người đọc “nhất xướng tam thán”. Đồng thời, cùng một lúc, lại có sự hòa điệu, khiến người đọc nhận được sự giao cảm giữa âm điệu và sắc thái. Đó chính là điều làm cho rất nhiều độc giả, qua cả ngàn năm, vui vẻ đón nhận sự kỳ diệu của nó.(3) Nói cách khác, sở dĩ, thơ Lý Thương Ẩn được nhiều người hân hoan đón nhận chính là bởi thể loại “Vô đề”.
Bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi thể loại “Vô đề” với sự tìm hiểu đặc điểm ý tượng, ý cảnh cùng với tình cảm thể hiện trong thơ, hy vọng sẽ tìm ra được những đặc trưng nghệ thuật của họ Lý. Về cơ bản, các nhà thơ thời Đường, mỗi khi sáng tác đều có tập quán tạo mệnh đề để người đọc hiểu được ý tưởng của mình. Cái gọi là “mệnh đề” ấy được phân loại rõ ràng và cụ thể, trong khi đó, “Vô đề” lại có mệnh đề pháp ngoại lệ. Tuy nhiên, “Vô đề” không phải không có đề mục, chỉ là tác giả không nói thẳng ra, cũng có khả năng, do để mất đề mục mà thành chăng? Lâm Hoằng Tác nhận định: “Trước Lý Thương Ẩn chưa từng có thơ “Vô đề”, sau Lý Thương Ẩn cũng không nhà thơ nào viết nhiều “Vô đề” như vậy. Tóm lại, Lý Thương Ẩn là thủy tổ của thơ “Vô đề”, lại là nhà thơ dốc hết tâm lực sáng tác thể thơ này, cho nên, không còn nghi ngờ gì nữa về sự suy tôn ấy”.(4)
2- Giọng điệu và hình ảnh trong thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn
Thơ quý ở hình tượng hàm súc. “Vô đề” của Lý Thương Ẩn mang phong cách độc đáo, hình ảnh mông lung, ý tứ sâu sắc, miên viễn. Hình tượng trong thơ ông luôn làm cho người đọc có cảm giác bàng hoàng, mê mẩn, vì thế đã có người bình luận là “ẩn từ quỷ ký” (từ ngữ giấu kín, ký thác tâm trạng lạ lùng). Nếu nhè nhẹ ngâm đọc một số bài thơ này, nó sẽ làm cho ta có những cảm nhận không giống nhau bởi hàng loạt những hình ảnh xuất hiện, tác động vào tình cảm người đọc một cách tự giác hoặc bất tự giác, khiến ta mê mẩn tận hưởng vẻ đẹp nhiều chiều của hình tượng thơ, khiến dư vị bài thơ như được kéo dài đến vô cùng(5). Bài “Vô đề” dưới đây là một trong số đó:
《無題》(相見時難別亦難)
相見時難別亦難,東風無力百花殘。
春蠶到死絲方盡,蠟炬成灰淚始乾。
曉鏡但愁雲鬢改,夜吟應覺月光寒。
蓬山此去無多路,青鳥殷勤為探看(6)。
Phiên âm:
Vô đề
Tương kiến thời nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng Lai* thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan.
· Có bản là chép “Bồng Sơn”
·
Dịch nghĩa:
Vô đề
Gặp gỡ nhau đã khó, chia tay nhau lại càng khó,
Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa tàn úa.
Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ
Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt.
Buổi sớm soi gương, buồn cho tóc mây đã thay đổi,
Ngâm thơ ban đêm chợt nhận ra ánh trăng lạnh lẽo.
Đường từ đây tới Bồng Lai dù không xa,
Cũng xin nhờ chim xanh vì ta mà thăm dò giúp.
Mở đầu bài thơ là một khung cảnh chia ly. Tình cảm sâu nặng như thế, hình ảnh mông lùng, mờ ảo như thế, trong khi tâm trạng đau khổ, hoàn cảnh cô đơn, tất cả đều được biểu đạt bằng hình thức “ý tại ngôn ngoại”(7). Nếu căn cứ vào ý tứ các con chữ, xem nó là một dạng cấu trúc ngôn ngữ biểu đạt nội hàm, thì, cái mà tác giả ký thác vào thơ chính là sự nhẫn nhịn, sự chịu đựng và mối tình ly hận. Cuối cùng chỉ còn lại những “truy ức” không thay đổi với nhiều nỗi đau thương, tình cảm chân thành cảm động lòng người:
“Xuân tàm đáo tử ty phương tận/ Lạp cự thành hôi lệ thủy can” (Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ/Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt). Hai câu này tạo ra một hình tượng ngôn ngữ mới, hàm nghĩa, cho dù bể cạn đá mòn tình cảm vẫn không thay đổi, làm xúc động tâm hồn độc giả đến thiên thu vạn đại(8).
Các câu 1 và 2 chủ yếu diễn tả mối quan hệ của hai nhân vật trữ tình trong một hoàn cảnh khá éo le, khó có thể cứu vãn phần nào tình yêu đang dần tan vỡ. Ở câu 1, chữ “thời” là chỉ thời gian; chữ “nan” là làm không được, (hoặc không dễ); chữ “biệt” chỉ sự phân ly. Câu 2, chữ “đông phong” chỉ gió xuân; chữ “vô lực” chỉ “không còn khả năng”; chữ “bách hoa” ý chỉ mối quan hệ vốn từng tốt đẹp giữa hai người; chữ “tàn” ngụ ý tình cảm bị thương tổn.
Câu 3 và 4, chủ yếu là lời tự bạch của tác giả. Chữ “ty” trong câu 3 là hài âm tả ý của chữ “tư”; chữ “cự” trong câu 4 chỉ bó đuốc; còn “lệ thủy can” chỉ tình cảm trong lòng bị thương tổn, do vậy cũng có thể hiểu thêm một bước, “tằm xuân nhả hết tơ” là hình ảnh biểu thị tình yêu sâu nặng để so sánh với “trái tim ngọn nến” (bấc) cháy đến tận cùng nước mắt (nhựa nến) mới cạn. Câu 5 và 6 diễn tả tâm trạng của nhà thơ trọn một ngày, trong đó chữ “hiểu” chỉ buổi sáng; chữ “đãn” là đại từ chỉ thị; chữ “sầu” để chỉ nội tâm vật vã; còn ba chữ “vân mấn cải” là hình dung mái tóc dần dần chuyển sang bạc. Chữ “dạ” trong câu 6 chỉ đêm đã tàn; chữ “ngâm” chỉ sự rên rỉ, âm vực thấp, trầm lắng ám chỉ trong lòng bị dày vò, dằn vặt khi mà không gian lạnh lẽo “hàn”. Câu 7 và 8 chủ yếu để chỉ tác giả rất quan tâm đến đối phương. Hai chữ “Bồng Lai” (Bồng Sơn) trong câu 7 là để chỉ nơi ở của các vị thần tiên. Chữ “thử” là đại từ chỉ thị; chữ “khứ” chỉ đi về phía trước; chữ “vô đa” là không nhiều, không xa, còn hai chữ “thanh điểu” trong câu 8 chỉ con chim nhỏ bên cạnh Tây Vương Mẫu chuyên việc đưa đón tin tức. Hai chữ “ân cần” chỉ sự quan tâm (chú ý, cẩn thận), còn chữ “thám” chỉ sự thăm hỏi, tìm hiểu.
Xét đến cùng, bài thơ tình ái, tương tư độc đáo này có hay không có ngụ ý? Từ xưa đến nay đã có nhiều cách lý giải khác nhau. Có người bảo, đối tượng để nhà thơ Vãn Đường này ngày nhớ đêm mong chính là Linh Cô Đào, còn “Bồng Lai” (Bồng Sơn) để chỉ nơi ở của nàng. Cụm từ “đông phong vô lực” là có ý nói Linh Cô bất lực không giúp gì được mình, còn “bách hoa tàn” thì tượng trưng bản thân luân lạc, mà cuối cùng “chim xanh thăm hỏi” hàm ý gửi niềm hy vọng vào việc Linh Cô hồi tâm chuyển ý.
Lại cũng có người suy đoán, đối tượng tương tư là Lý Đức Dụ; “Bồng Lai” (Bồng Sơn) ám chỉ lúc ấy Lý bị lưu đày đến Nhai Châu; “đông phong vô lực” có ý ngầm chỉ triều chính suy vi, rối loạn, còn “bách hoa tàn” chính là hình ảnh ẩn dụ bản thân tác giả đang bị biếm truất. Cuối cùng, “thanh điểu… thám khan” (chim xanh…thăm dò) có thể là sự hoài niệm và hy vọng của Lý(9) về một thời chưa xa.
Sở dĩ người viết bài này đưa ra hai cách nhận diện khác nhau về bài “Vô đề” (Tương kiến thời nan biệt diệc nan) là để cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều. Đương nhiên, trong số này, cũng có những trường hợp áp đặt khiên cưỡng hoặc cố ý xuyên tạc, nhưng, nhìn chung, ngoài sự lý giải thiên về quan điểm chính trị, hầu hết người đọc đều cảm nhận bài thơ độc nhất vô nhị này dưới góc độ tình yêu. Những người từng trải qua cuộc tình tan vỡ thường có xu hướng tán thưởng, ý tứ và hình tượng cũng như những tín hiệu từ trái tim, bỗng nhiên khơi dậy trong lòng họ những đau khổ, dằn vặt dẫn đến sự đồng cảm. Do vậy, có thể thấy, hình tượng bài thơ là một thể thống nhất, cùng với lớp từ ngữ giầu sắc thái biểu cảm đã tạo nên một văn bản nghệ thuật đạt đến cảnh giới của sự hàm súc, mông lung, mơ hồ.
Hơn thế nữa, thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn còn nổi bật dưới nhiều góc độ, nhiều tầng nghĩa qua phương pháp ám thị, xử lý hình tượng chủ quan và sự vật khách quan, dưới lớp vỏ hiện thực bi kịch ái tình. Sự mông lung mờ ảo trong thơ chính là hiệu quả của thủ pháp trên.
Trong thơ “Vô đề”, Lý Thương Ẩn thường hay sử dụng bút pháp hội họa để miêu tả hoàn cảnh, thời gian, không gian, sắc thái, khứu giác, vị giác…dưới nhiều góc độ, nhiều trình tự, như những tín hiệu nghệ thuật. Bởi vậy, những người yêu thích thơ ông, trong suy nghĩ của mình thường nảy sinh ám thị(10), như bài “Vô đề” (Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong) dưới đây:
《無題二首》之一(昨夜星辰昨夜風)
昨夜星辰昨夜風,畫樓西畔桂堂東。
身無綵鳯雙飛翼,心有靈犀一點通。
隔坐送鈎春酒暖,分曹射覆蠟燈紅。
嗟余聽鼓應官去,走馬蘭臺類斷蓬(11)。
Phiên âm:
Vô đề (Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong)
Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong,
Hoạ lâu tây bạn quế đường đông.
Thân vô thái phượng song phi dực,
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
Cách toạ tống câu xuân tửu noãn,
Phân tào xạ phúc lạp đăng hồng.
Ta dư thính cổ ưng quan khứ,
Tẩu mã lan đài loại chuyển bồng.
Dịch nghĩa:
Đêm qua sao đầy trời, đêm qua gió nổi,
Bên tây lầu họa, phía đông nhà quế.
Thân ta không có đôi cánh phượng bay cao,
Nhưng trong lòng có sừng tê để cảm thông.
Ngồi xa nhau chuốc chén xuân ấm áp,
Cùng vui trò "xạ phúc" dưới ánh nến hồng.
Ôi, nghe tiếng trống giục đi việc quan
Ruổi ngựa tới lan đài như ngọn cỏ bồng.
Từ câu 1 và 2 của bài thơ này ta có thể nhận ra, trong một đêm không trăng, tác giả cùng nhóm nam nữ tham gia cuộc vui chơi do một thành viên có địa vị xã hội đứng ra tổ chức. Câu 3 và 4 chỉ “ta”, hy vọng linh hồn “ta” có thể biến thành phượng hoàng bay đến bên nàng, tuy “ta” không thể làm được nhưng “ta” biết trái tim nàng và trái tim “ta” cùng chung nhịp đập. Chữ “thân” của câu 3 chỉ sinh mệnh, linh hồn, còn “phương” là chỉ đối tượng nam; chữ “tâm” trong câu 4 là để chỉ tư tưởng; chữ “hữu” chỉ giống như, tự hồ; “linh tê” chính là “thông tê”, ngầm chỉ sừng tê linh thiêng; còn “nhất điểm” hàm ý chỉ chữ “tâm”. Hai chữ “cách tọa” trong câu 5 rõ ràng là chỉ nam nữ chia ra ngồi hai bên bàn; chữ “tống câu” có nghĩa là “tàng câu”; “xuân tửu” chỉ cuộc vui chơi mùa xuân. Chữ “tào” trong câu 6 chỉ hai nhóm nam nữ ngồi đối nhau; chữ “xạ phúc” chỉ một trò chơi đố chữ trong tiệc rượu; còn chữ “hồng” cõ lẽ là ám chỉ lửa bùng cháy. Câu 7 và 8 có thể hiểu , nhà thơ lúc ấy đang ở kinh thành, sau đêm vui chơi, nghe thấy tiếng trống phải vội vã chạy đến công đường, trong tâm trí luôn trăn trở một điều là mình không tự quyết định được vận mệnh của mình.
Có học giả cho rằng, bài thơ này là sự liên kết của bốn loại thi liệu, trong đó có nhắc đến thời gian và địa điểm nơi dạ hội. Trong một đêm trời sắp sáng, muôn ngàn sao lung linh, tại phòng quế tỏa hương thơm u nhã, nhà thơ ôm ấp mối tình sâu nặng, chờ đợi cùng người đẹp tương ngộ. Hai câu thơ “Thân vô thái phượng song phi dực/ Tâm hữu linh tê nhất điểm thông” giãi bày với ý trung nhân tình cảm vô bờ bến, đồng thời cũng ngầm chỉ ra lý tưởng chính trị của mình(12).
Nhà thơ Cảnh Liên đã cung cấp cho độc giả hình ảnh của hai bức tranh vui vẻ “Xuân tiểu noãn”. Khi thời tiết ấm áp thì phóng bút còn “lạp đăng hồng” lại dùng màu sắc để diễn tả. Chữ “noãn”, chữ “hồng” tạo nên không khí ấm áp, vui vẻ. Phần trước miêu tả đậm nét không khí ôn hòa, an dật, phần sau là không khí sôi nổi , phấn khích. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh được miêu tả , trái lại, việc tốt khó thành. Sự tan hợp trong cuộc đời là khôn lường, cuối cùng, cái còn lại chỉ là những hoài niệm. Trong bài thơ, ta không hề thấy tác giả miêu tả dung mạo, tính cách, ngôn ngữ cũng như đặc điểm của nữ chủ nhân. Tuy nhiên từ những tín hiệu sơ sài đầy tính ước lệ qua sự ám thị của nhà thơ, ta có thể dự đoán, chủ nhân phải là một tiểu thư cực kỳ xinh đẹp(13).
Lý Thương Ẩn thường mượn những hình ảnh cụ thể của cảnh vật tự nhiên, đem thứ tình cảm trừu tượng không thể nói ra ký gửi vào, tạo nên hình tượng đa nghĩa, nội hàm bài thơ phong phú, tình cảm chân thành mà mãnh liệt. Đó chính là thủ pháp lấy vật để tỏ lòng, nói cái này nhưng ý lại là cái kia. Với đặc điểm này, Lý Thương Ẩn đã tạo cho thơ “Vô đề” của mình một cách diễn đạt mông lung, mờ ảo, làm người đọc tiếp nhận với những cách khác nhau:
“Vô đề”, hai bài; bài 2 (Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường)
無題(重帷深下莫愁堂)
重帷深下莫愁堂,
臥後清宵細細長。
神女生涯原是夢,
小姑居處本無郎。
風波不信菱枝弱,
月露誰教桂葉香?
直道相思了無益,
未妨惆悵是清狂(14)。
Phiên âm:
Vô đề (Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường)
Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường,
Ngoạ hậu thanh tiêu tế tế trường.
Thần nữ sinh nhai nguyên thị mộng,
Tiểu cô cư xứ bản vô lang.
Phong ba bất tín lăng chi nhược,
Nguyệt lộ thuỳ giao quế diệp hương.
Trực đáo tương tư liễu vô ích,
Vị phương trù trướng thị thanh cuồng.
Dịch nghĩa:
Bức màn trong nhà Mạc Sầu tối âm u,
Sau khi đi nằm, thanh âm của đêm yên ả mãi.
Vách núi nơi thần nữ ở, cũng chỉ là giấc mơ,
Nơi Tiểu cô ở vốn không có đàn ông.
Trong sóng gió, không tin cành ấu mềm yếu,
Dưới trăng sương, ai khiến lá quế thơm.
Biết người nói tương tư là vô ích,
Nên chưa đem nỗi đau đổi lấy tiếng cuồng điên.
Bài thơ mượn hoàn cảnh của người con gái chưa thành thân thổ lộ hết tâm trạng đau khổ, bày tỏ sự cảm khái về hoài bão chính trị không được thuận buồm xuôi gió của tác giả. “Thần nữ sinh nhai” chính là tỷ dụ cuộc đời từng trải với bao thăng trầm mộng ảo; “tiểu cô… vô lang” ngụ ý chỉ hoàn cảnh hiện tại bị cô lập không nơi nhờ cậy; “phong ba” ý nói mình xuất thân hàn vi lại gặp phải cảnh bị đè nén nơi chính trường hiểm ác; “nguyệt lộ” (giọt móc dưới ánh trăng) hàm ý bản thân dù có chút tài năng nhưng không được chăm sóc bồi dưỡng thì khó mà phát triển. Phần cuối bài thơ, cho dù đã biết rõ “tương tư …vô ích” cũng vẫn kiên trì lý tưởng không hề thay đổi của mình(15). Ở đây, nhà thơ đem cái không có trong hiện thực khách quan, cũng như không tồn tại một thứ “sinh tử luyến” của hiện thực đời sống, lồng trong cảm hứng chủ quan của mình, tạo nên một khung cảnh giao hòa, âm điệu du dương, tiết tấu linh hoạt, say đắm lòng người. Từ đó có thể thấy, Lý Thương Ẩn là nhà thơ độc đáo bởi “Vô đề” có nội hàm phong phú, nghệ thuật phong phú, tình điệu du dương, nhưng rất khó diễn đạt thành lời. Hình tượng thơ ẩn chứa nỗi niềm tâm sự của tình yêu cháy bỏng nhưng đau khổ đến tận cùng làm hầu hết người đọc đều có thái độ đồng cảm(16).
Về mặt giọng điệu biểu hiện, cái gọi là “giọng điệu”, tức là dùng hình thức bên ngoài để nói cái bên trong hoặc ngược lại, trong đó, cái “tượng” có được là bởi cái “ý”. Nói cách khác, “tượng” là vật dẫn và “phù hiệu” của “ý”, “ý là nội hàm của “tượng”. Trong khi ấy, “tượng” vốn là để chỉ đối tượng của “hướng”(17). Tuy nhiên, trong “Vô đề” Lý Thương Ẩn, thường vận dụng khá thành công những hình ảnh không hoàn chỉnh (khiếm khuyết) cũng như các khoảng trống nghệ thuật để diễn tả vô số cung bậc của ái tình tuyệt vọng, tạo nên nhiều cảnh ngộ độc đáo không thể giải thích mà chỉ có thể cảm nhận. Cuộc đời Lý Thương Ẩn từng gặp nhiều trắc trở với những cuộc tình tan vỡ, tâm hồn bị thương tổn nặng nề, do vậy, thơ ông tràn đầy sắc thái bi kịch của kiếp nhân sinh(18)...
Trong thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn, hình ảnh “my” được xem là khá điển hình:
“Vô đề” (Bát tuế thâu chiếu kính)
無題(八歲偷照鏡)
八歲偷照鏡,
長眉已能畫。
十歲去踏青,
芙蓉作裙釵。
十二學彈箏,
銀甲不曾卸。
十四藏六親,
懸知猶未嫁。
十五泣春風,
背面鞦韆下(19)。
Phiên âm:
Vô đề (Bát tuế thâu chiếu kính)
Bát tuế thâu chiếu kính,
Trường my dĩ năng hoạ.
Thập tuế khứ đạp thanh,
Phù dung tác quần thoa.
Thập nhị học đàn tranh,
Ngân giáp bất tằng tá.
Thập tứ tàng lục thân,
Huyền tri do vị giá.
Thập ngũ khấp xuân phong,
Bối diện thu thiên hạ.
Dịch nghĩa:
Tám tuổi trộm soi gương,
Mày dài đã biết vẽ.
Mười tuổi đi hội Đạp thanh,
Biết dùng hoa phù dung trang điểm trên mái tóc.
Mười hai tuổi học chơi đàn,
Móng bạc gẩy đàn chưa từng tháo rời tay.
Mười bốn tuổi ở trong phòng khuê,
Cha mẹ vẫn chưa hứa gả cho ai.
Mười lăm tuổi khóc thầm cùng gió xuân,
Úp mặt buồn tủi dưới xích đu.
Đọc bài thơ này, Diệp Tỷ Kỳ nhân xét: “Kỳ thực, đây bất quá chỉ là tự bảo, người thiếu nữ tài hoa phải sống mãi trong cảnh cô đơn mà thôi. Mười tám mười chín tuổi có thể làm…, hai mươi đến hai mươi tám tuổi cũng có thể làm….”.(20) Trong bài thơ, hai chữ “trường my” thực chất là để chỉ văn chương, phong cách, khí chất hoặc giả phẩm cách của thi nhân(21). Qua bài thơ, ta có thể hiểu, tác giả ngầm bảo, tuổi trẻ của mình giống như cô thiếu nữ tài hoa sớm trưởng thành như một ẩn dụ. Chữ “thâu” trong câu 1 chắc chắm ám chỉ hiện tượng này. Câu thứ hai chỉ sự tự mình trang điểm. Từ “đạp thanh” trong câu 3 chỉ việc người con gái rời khuê phòng đi chơi hội; hoa “phù dung” trong câu 4 chính là hoa sen, còn “quần thoa” chỉ y phục và trang điểm phụ nữ. Câu thứ năm ngụ ý mình có nhiều tài năng; câu thứ sáu chỉ móng bạc lồng vào ngón tay để gẩy đàn, cũng gọi là “nghĩa giáp” chưa bao giờ tháo ra, hình dung đặc biệt chăm chỉ tập luyện. Chữ “tàng” trong câu 7 chỉ thiếu nữ đóng cửa phòng the. Chữ “huyền” trong câu 8 chỉ “không”, không có có tác dụng; chữ “do” có nghĩa là còn, chỉ y nguyên như cũ. Chữ “khấp” (khóc) trong câu 9 chỉ sự buồn bã; khóc có tiếng mà không nước mắt là khóc nhỏ máu vậy. Chữ “bối diện” chỉ không có người khác nhìn thấy; chữ “thu thiên” (bàn đu dây) chỉ người con gái thời xưa không ra khỏi nhà, lấy cái bàn đu dây làm trò tiêu khiển. Vì vậy, theo nội dung bài thơ cùng với những hình ảnh ẩn dụ mà xét, người đọc hình dung được, tác giả ôm trong lòng hoài bão lớn, tài năng bộc lộ sớm nhưng không gặp thời.
“Vô đề” hai bài, bài 1 (Trường my họa liễu tú liêm khai)
《無題二首》其一(長眉畫了繡簾開)
長眉畫了繡簾開,
碧玉行收白玉臺。
爲問翠釵釵上鳳,
不知香頸爲誰迴?(22)
Phiên âm:
Vô đề (Trường my hoạ liễu tú liêm khai)
Trường my hoạ liễu tú liêm khai,
Bích Ngọc hành thu bạch ngọc đài.
Vị vấn thuý thoa thoa thượng phượng,
Bất tri hương cảnh vị thuỳ hồi?
Dịch nghĩa:
Vẽ xong nét mày dài, vén rèm lụa lên,
Tì nữ thu dọn đài gương ngọc trắng.
Hỏi thử cánh phượng trên chiếc thoa cài đầu,
Không biết cổ người đẹp thơm vì ai?
“Vô đề” hai bài, bài 2 (Thọ Dương công chua giá thời trang)
《無題二首》其二(壽陽公主嫁時粧)
壽陽公主嫁時粧,
八字宮眉捧額黃。
見我佯羞頻照影,
不知身屬冶遊郎。(23)
Phiên âm:
Vô đề (Thọ Dương công chúa giá thời trang)
Thọ Dương công chúa giá thời trang,
Bát tự cung my phủng ngạch hoàng.
Kiến ngã dương tu tần chiếu ảnh,
Bất tri thân thuộc dã du lang.
Dịch nghĩa:
Người đẹp trang điểm như công chúa Thọ Dương lúc xuất giá,
Mày vẽ hình chữ bát, tô sống mũi màu vàng.
Gặp ta thẹn thò, cứ luôn nhìn bóng,
Không biết thân mình thuộc về khách làng chơi.
Hai bài thơ này kỳ thực tác giả ký thác tâm sự. Hai câu đầu của bài 1 ẩn dụ cởi áo xuất sĩ; hai câu dưới là sự cân nhắc như một câu hỏi nhưng thực tế lại không biết ai là người đồng cảm.
Bài thứ hai, tác giả dùng hình ảnh Thọ Dương công chúa mới lấy chồng, dùng từ “quan my” để tỷ dụ việc mình mới ra làm quan. Hai chữ “kiến ngã” của câu 3, không thể đứng dưới bùn mà nhìn nhận sự việc, ám chỉ mình thực sự có tài nhưng chẳng được trọng dụng. Hai câu cuối ngầm ký thác phẩm giá cao đẹp của mình.
Cũng có thể nói, hai bài thơ trên, phần hiển ngôn chỉ là hư tả, phần ẩn ngôn mới là thực tả. Phần hiển ngôn tả “trường my”, trang sức mũ phượng, thoa vàng “bát tự cung my” (vẽ lông mày hình chữ bát)…mà bỗng nhiên, kẻ hồng nhan lại không biết đến một sự thực là, có tài thao lược mà không nơi thi thố, vì thế tỏ nỗi bất bình.
“Vô đề” (Cận tri danh A Hầu)
無題(近知名阿侯)
近知名阿侯,
住處小江流。
腰細不勝舞,
眉長惟是愁。
黃金堪作屋,
何不作重樓(24)。
Phiên âm:
Vô đề (Cận tri danh A Hầu)
Cận tri danh A Hầu,
Trú xứ tiểu giang lưu.
Tế yêu bất thăng vũ,
Mi trường duy thị sầu.
Hoàng kim kham tác ốc,
Hà bất tác trùng lâu?
Dịch nghĩa:
Gần đây nghe tiếng A Hầu,
Chỗ ở có dòng sông nhỏ chảy qua.
Eo thon nhưng không thể múa,
Nét mày dài chỉ có nỗi buồn.
Đã chịu làm nhà vàng cho ở,
Sao không làm cả lầu cao?
Qua bài thơ, ta có thể nhận xét, tình cảm và tâm thế trong quá trình sáng tác của họ Lý vô cùng phức tạp. Các chữ “my”, “yêu”… là những hình ảnh tượng trưng hòa vào hình tượng thơ như một chỉnh thể. Có người lại cho rằng, lý tưởng, ái tình, quan điểm nhân sinh và những vấn nạn xã hội quán xuyến toàn bộ bài thơ chính là tập hợp của nhiều đối tượng, nhiều dạng cảm xúc. Vì vậy, với những hình ảnh “yêu tế”, “my trường” chỉ được nhận thức như là vẻ đẹp của người con gái thì e rằng không thỏa đáng, không chỉ ra được mục đích của tác giả. Ít ra, Diệp Tỷ Kỳ cũng cho rằng “Sự ẩn dụ về một kẻ sĩ biết tôn trọng lễ nghĩa, thói thường, tất nhiên sẽ được sự hỗ trợ tối đa, vậy vì sao mà cuối cùng (nhà thơ) vẫn không được tiến cử?”.(25)
“Vô đề” (Chiếu lương sơ hữu tình)
無題(照梁初有情)
照梁初有情,
出水舊知名。
裙衩芙蓉小,
釵茸翡翠輕。
錦長書鄭重,
眉細恨分明。
莫近彈棋局,
中心最不平(26)。
Phiên âm:
Vô đề (Chiếu lương sơ hữu tình)
Chiếu lương sơ hữu tình,
Xuất thuỷ cựu tri danh.
Quần xái phù dung tiểu,
Thoa nhung phỉ thuý khinh.
Cẩm trường thư trịnh trọng,
Mi tế hận phân minh.
Mạc cận đàn kỳ cục,
Trung tâm tối bất bình.
Dịch nghĩa:
Hữu tình như ánh bình minh chiếu vào rường nhà,
Xinh đẹp như đoá sen ló khỏi mặt nước.
Chéo quần thêu cánh phù dung nhỏ,
Đầu cài trâm phỉ thuý nhẹ xinh.
Bao lần dệt bức thư dài gởi người,
Nỗi sầu hiện rõ trên nét mày thanh mảnh.
Khuyên người chớ lại gần cuộc cờ,
Trong lòng sẽ buồn khi thấy chuyện bất bình.
Bài thơ này không khó nhận xét, vì nó cũng là một dạng tự so sánh, trong đó, tác giả tỏ nỗi bất bình một cách sâu sắc, mãnh liệt, có sự tương đồng về giọng điệu với bốn câu đầu của bài “Vô đề” (Bát tuế thâu chiếu kính), mà trong đó “tế my”, “truyền hận” (Mạc cận đàn kỳ cục/ Trung tâm tối bất bình) là so sánh nỗi cảm khái và bi thương, còn “Thập ngũ khấp xuân phong/ Bối diện thu thiên hạ” lại càng giống nhau, còn “Thập ngũ khấp xuân phong” hàm ý là sự thương cảm, dự đoán những trở ngại trong tương lai. Những bài thơ thuộc dạng này thường là ký thác tâm trạng nhà thơ về hiện thực xã hội với vô số biến hóa, trong đó những bi kịch chính trị dần dần được hé lộ.
Qua sự tìm hiểu đặc điểm một số bài thơ “Vô đề”, ta có thể tạm nhận xét, giọng điệu chủ đạo của tác giả là sự tượng trưng về phẩm chất và tài năng của thi nhân, nhưng phẩm chất và tài năng ấy đều không đắc dụng, từ đó dẫn đến tình trạng tâm lý mất cân bằng. Cũng có thể thấy rõ giọng điệu và tâm thế sáng tác của nhà thơ trước sau luôn thống nhất.
Ngoài ra, việc tạo dựng hình tượng cũng là vấn đề cốt yếu, vì thế, đối tượng thẩm mỹ của chúng được cấu trúc như là một chỉnh thể, làm người đọc nhận thức đầy đủ hơn và cảm thụ sâu sắc hơn.(27) Hiển nhiên, thơ của ông không giống với Đỗ Phủ chủ yếu là phản ánh hiện thực; cũng không giống với Lý Bạch, chủ yếu là khuynh hướng lãng mạn. Lý Thương Ẩn là nhà thơ đặc biệt, sáng tác loại hình thơ cũng đặc biệt, phản ánh thế giới nội tâm, giàu chất trữ tình. Với thành tựu của cả hai phương diện này, Lý Thương Ẩn xứng đáng là tay cự phách trong làng thơ “Vô đề” thời Vãn Đường.
3-Những biểu hiện tình cảm trong thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn
Tình cảm là trung tâm và động lực trong nghệ thuật sáng tác. Thi ca là thể loại văn học trữ tình, trữ tình chính là đặc điểm cơ bản của thể loại này. Muốn biết việc miêu tả yếu tố trữ tình có thành công hay không cần phải xem xét giá trị biểu hiện và sức truyền cảm thẩm mỹ của nó. Xưa nay đã có không ít những bài thơ nổi tiếng được phổ biến rộng rãi lấy phương thức trữ tình làm cơ sở diễn đạt.(28) Lý Thương Ẩn rất giỏi dùng ngôn ngữ ái tình trong thể loại thơ “Vô đề” làm đặc trưng căn bản. Tình cảm chân thành trong thơ “Vô đề” thông qua ngôn ngữ uyển chuyển, cùng việc tạo dựng hình ảnh mông lung, mờ ảo luôn tô đậm được không khí bi thương bởi tình yêu trắc trở, cho nên, nó như một thứ ma lực, luôn mê hoặc độc giả một cách kỳ lạ.
“Vô đề”, hầu hết đều lấy chuyện trai gái yêu thương nhau làm đề tài. Nó phản ánh các dạng thức tình cảm, diễn tả những cung bậc ái tình, tương tư phức tạp của các đối tượng nam nữ. Tình yêu ấy lại thường xuyên bị ngăn trở, mâu thuẫn với khát vọng tự do yêu đương đã tạo nên những sắc thái bi kịch, vì thế, dẫn đến tình trạng có nhiều cách cảm nhận khác nhau.
Thơ “Vô đề” thường diễn tả sự ly biệt và trắc trở của tình yêu nam nữ. Sự chờ đợi và thất vọng, sự cố chấp và câu nệ, hoan lạc và bi phẫn trong thơ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trữ tình. Đó chính là nguyên nhân làm nhiều thế hệ độc giả say mê. Ta hãy xem lại bài “Vô đề” (Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong) để thấy cái tài của nhà thơ họ Lý trong việc vận dụng ngôn từ mềm mại, uyển chuyển để diễn đạt tình yêu nam nữ. Ở bài thơ này, tác giả lấy hình ảnh gió xuân của đêm hôm trước để chỉ sự xa cách ý trung nhân trong nỗi nhớ thương da diết. Lòng say đắm đến si mê của người con trai bởi tình cảm sâu nặng với người con gái được diễn tả bằng những hình ảnh ẩn dụ nhuốm màu buồn bã, thê lương, mà thiếu nó hẳn là sẽ mất đi sự hấp dẫn. Rốt cuộc, hai tính chất thị giác và sự mẫn cảm nghệ thuật chính là đặc trưng thẩm mỹ trong sở trường của Lý Thương Ẩn.
Thơ “Vô đề” của họ Lý, bất luận là hương vị khác lạ của trình tự tình ái hay những diễn biến tâm lý sắc sảo dưới dạng ngụ ý, xét đến cùng đều được quy chiếu vào dạng bi kịch tình yêu bằng thứ ngôn ngữ đặc thù, mông lung, khó hiểu. Cho nên giải thích thấu đáo thơ ông là điều rất khó đối với người đọc.
a/ Phương thức trữ tình, diễn đạt uyển chuyển
Với thể loại “Vô đề”, Lý Thương Ẩn rất ít khi sử dụng ngôn ngữ miêu tả trực tiếp đối tượng, mà thường là diễn đạt bằng hình ảnh trữ tình qua lớp từ giàu sắc thái biểu cảm, mềm mại, linh hoạt để chuyển tải một thông điệp nghệ thuật nào đó. Một trong những bài “Vô đề” thành công nhất về bút pháp của ông trong lĩnh vực này là “Vô đề”(Tương kiến thời nam biệt diệc nan). Ngay câu mở đầu bài thơ, tác giả đã tả sự đau khổ của cảnh biệt ly cũng như lúc sum họp: “gặp nhau đã khó khăn, biệt ly càng khó khăn gấp bội”. Đây quả là một hiện tượng lạ trong cấu trúc thơ Đường vốn chỉ thiên về sự ước lệ và điển cố. Tiếp đó tác giả lại dùng hai chữ “xuân tàm”(tằm mùa xuân) hình dung cảnh ly biệt của đôi nam nữ. Sự so sánh này ẩn dụ nỗi tương tư diễn ra triền miên, dịu dàng thành khẩn mà như có ngọn lửa bùng cháy trong lòng. Bài thơ tả cảnh tương tư ly biệt nhưng không biết thời hạn của hoàn cảnh ly biệt, đồng thời cũng nêu được những mâu thuẫn trong diễn biến tâm lý cảm động lòng người. Những tình cảm chân thực, sâu lắng, triền miên đau khổ cũng như hoài vọng này, chỉ gói gọn trong 56 chữ mà không biết đã làm bao nhiêu người đọc rơi lệ. Về mặt thi pháp, ta có thể nhận ra, Lý Thương Ẩn vừa tả tình vừa tả ý gắn liền với cảm xúc nội tâm vô cùng tinh tế: “Đông phong vô lực bách hoa tàn/ Xuân tàm đáo tử ti phương tận/ Lạp cự thành hôi lệ thủy can”, bề ngoài là tả hình ảnh khách quan, nhưng thực tế, đó chính là hình tượng tinh thần nội tâm nhà thơ, mà chỉ thông qua chúng, mới có sức biểu hiện mãnh liệt. Đó là lý do vì sao, bài thơ trở thành văn bản nghệ thuật đỉnh cao viết về tình yêu thời cổ đại(29).
b/ Giọng điệu mông lung, diễn tả tình cảm chân thành
Đem những chi tiết của sự mâu thuẫn phức tạp kết hợp với nỗi u buồn tâm tư làm nảy sinh hình tượng kỳ diệu tạo thành một không gian nghệ thuật mông lung, mờ ảo, đó chính là mục tiêu luôn được tìm tòi trong “Vô đề” của Lý Thương Ẩn. Sự cảm thụ mông lung, miên viễn… chính là một trong những đặc điểm quan trọng của tình yêu nam nữ, vì thế, tác giả triệt để sử dụng thủ pháp tượng trưng và mượn điển tích thần thoại, huyền thoại để tô đậm ý tưởng. Phương pháp “chuyển tình nhập cảnh” có ý nghĩa làm nổi bật tâm trạng, tạo ra giọng điệu man mác, thủ pháp này có giá trị biểu cảm gấp nhiều lần nếu chỉ miêu tả như một sự kiện xã hội. Bài “Vô đề” dưới đây có thể xem là một dẫn chứng:
“Vô đề”, 4 bài, bài 1(Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung):
無題四首其一(來是空言去絕蹤)
來是空言去絕蹤,
月斜樓上五更鐘。
夢為遠別啼難喚,
書被催成墨未濃。
蠟照半籠金翡翠,
麝薰微度繡芙蓉。
劉郎已恨蓬山遠,
更隔蓬山一萬重(30)。
Phiên âm:
Vô đề tứ thủ kỳ 1 (Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung)
Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung,
Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung.
Mộng vi viễn biệt đề nan hoán,
Thư bị thôi thành mặc vị nùng.
Lạp chiếu bán lung kim phỉ thuý,
Xạ huân vi độ tú phù dung.
Lưu Lang dĩ hận Bồng Sơn viễn,
Cánh cách Bồng Sơn nhất vạn trùng.
Dịch nghĩa:
Hẹn đến chỉ là nói suông, mà đi rồi thì mất tăm tích,
Trăng xế trên lầu vẳng tiếng chuông lúc canh năm.
Mộng thấy xa cách nhau cố kêu lên nhưng không thành tiếng,
Bức thư buộc phải viết xong, mực còn nhạt.
Ánh nến soi một nửa tấm chăn thêu chỉ vàng hình chim phỉ thuý,
Mùi hương xạ thoảng qua bức màn thêu hoa phù dung.
Chàng Lưu đã hận Bồng Sơn xa xôi,
(Mà mình) lại ở cách Bồng Sơn đến vạn trùng.
Chữ “thị” trong câu thứ nhất của bài thơ không có ý nghĩa; chữ “khứ” chỉ ly khai, ly biệt; chữ “tung” chỉ tung tích, tin tức. Chữ “nguyệt” ở câu thứ hai chỉ trăng tròn (nguyệt viên, nguyệt mãn); từ “lâu thượng” chỉ gian phòng trên lầu; “ngũ canh chung” hình dung đên đã tàn sắp sang ngày mới. Từ “bán lung” trong câu thứ năm hàm ý chỉ ánh nến chiếu sáng phần lớn gian phòng; còn “kim phỉ thúy” có lẽ là hình con chim phỉ thúy thêu bằng chỉ vàng trên vỏ chăn hoặc lồng đèn. Trong câu 6, hình ảnh “xạ hương” ám chỉ mùi hương trên thân thể người thiếu nữ; chữ “vi” chỉ một chút, một chút; chữ “độ” có thể hiểu là bay qua, vượt qua. Trong câu 6, “tú phù dung” cũng là hình thêu hoa trên tấm màn che. Mấy chữ “Bồng Sơn viễn” có thể hiểu là tình cảm hai người bị chia cắt; còn “cách vạn trùng” chính là sự cách trở vạn dặm, hàm ý mình giống như Lưu Lang, càng đau khổ.
Bài thơ toàn thác lời người con gái miêu tả diễn biến tâm trạng đau khổ triền miên trong một không gian cô tịch với ánh trăng suông, tiếng chuông rền rĩ báo sáng, ánh nến và bức thư nhạt nhòa màu mực. Rõ ràng, đây là một khung cảnh lãng đãng, mờ ảo với những trầm tư về mối tình tuyệt vọng. Lý Thương Ẩn đã lấy cảnh chuyển vào tình, mượn cảnh tỏ tình, tình cảnh lồng vào nhau tạo nên hình tượng tâm trạng của người đang yêu nhưng bị phân ly, cách trở.
c/ Tình cảm chân thực của thơ “Vô đề” được diễn đạt bởi không khí bi kịch và thương cảm, chứng tỏ bút pháp độc đáo trong khi miêu tả thế giới ái tình…
“Vô đề” 4 bài, bài 2 (Táp táp đông phong tế vũ lai):
無題四首其二(颯颯東風細雨來)
颯颯東風細雨來,
芙蓉塘外有輕雷。
金蟾嚙鎖燒香入,
玉虎牽絲汲井回。
賈氏窺簾韓掾少,
宓妃留枕魏王才。
春心莫共花爭發,
一寸相思一寸灰(31)。
Phiên âm:
“Vô đề” tứ thủ kỳ 2 (Táp táp đông phong tế vũ lai)
Táp táp đông phong tế vũ lai,
Phù dung đường ngoại hữu khinh lôi.
Kim thiềm niết toả thiêu hương nhập,
Ngọc hổ khiên ty cấp tỉnh hồi.
Giả thị khuy liêm Hàn duyện thiếu,
Mật phi lưu chẩm Nguỵ vương tài.
Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát,
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi.
Dịch nghĩa:
Gió đông ào ạt, mưa phùn đến,
Ngoài ao sen, tiếng sấm nhè nhẹ.
Đốt hương bay qua chiếc khoá hình cóc vàng,
Múc nước từ giếng có hình hổ trên ròng rọc.
Họ Giả nhìn chàng quan huyện Hàn trẻ qua rèm ,
Mật phi (Chân phi) trao gối lại cho Nguỵ vương (Tào Thực).
Lòng xuân thôi đừng cùng hoa tranh nở,
Một tấc tương tư là một tấc tro.
Câu 1 và 2 của bài thơ chỉ một ngày xuân mưa gió có sấm nhẹ, không phải là ngày đẹp trời nhưng người con trai đến, có thể thấy tình cảm của chàng sâu nặng như thế nào. Câu 3 và 4 chỉ chàng trai chưa có đủ dũng khí vượt qua hoàn cảnh khó khăn trắc trở nên không thực hiện được lời hứa của mình mà chỉ gửi mùi hương qua lỗ khóa. Giá như nàng ra mặt nhờ múc nước, nhất định chàng sẽ cầm lấy dây gầu, từ đó, ta có thể thấy, lúc này Lý Thương Ẩn đã chán ghét tình yêu khi mà trong đời đã gặp những mối tình tan vỡ. Câu 5 và 6 chủ yếu ám chỉ tình yêu chân chính, là thứ “sinh tử luyến” vượt qua lễ giáo. Hai câu kết, lần thứ ba, Lý Thương Ẩn đứng trên lập trường của mình bình luận về câu chuyện này. Tác giả cho rằng, người con trai thực ra không phải không đến, mà bởi vì, trong lòng cô gái kia không có sự rung động của tình yêu đích thực nên chàng trai tuyệt vọng.
Từ bài thơ trên ta có thể thấy, Lý Thương Ẩn luôn chau chuốt từ ngữ, sáng tạo nên những hình ảnh đột xuất, giàu cảm xúc, ví như hai câu “Kim thiềm niết tỏa thiêu hương nhập/ Ngọc hổ khiên ti cấp tỉnh hồi”; mặt khác, ông giỏi sử dụng từ loại, nhất là động từ như “niết”, “khiên” dẫn dụ người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh ly biệt, trắc trở. Lý cũng rất thành công trong kết hợp giữa phó từ và động từ một cách hiệu quả trong câu “Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát”, chứng tỏ, thơ “Vô đề” của ông biến hóa khôn lường bởi sự cộng hưởng của nhiều thủ pháp nghệ thuật.
d/ Dùng từ ngữ diễm lệ, mềm mại làm gia tăng sắc thái biểu cảm.
Thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn rất coi trọng nghệ thuật, sự cân đối, hài hòa. Thơ ông cũng ngầm ký thác tình cảm bị thương tổn, lấy hiện thực tình yêu như tấm áo phủ ngoài nhằm làm nổi bật bi kịch nội tâm. Bài thơ dưới đây thể hiện khá rõ nhận xét trên:
“Vô đề” (Tử phủ tiên sơn hiệu bảo đăng)
《無題》(紫府仙人號寶燈)
紫府仙人號寶燈,雲漿未飲結成冰。
如何雪月交光夜,更在瑤臺十二層(33)。
Phiên âm:
Tử phủ tiên nhân hiệu Bảo đăng,
Vân tương vị ẩm kết thành băng.
Như hà tuyết nguyệt giao quang dạ,
Cánh tại Dao đài tập nhị tằng.
Dịch nghĩa:
Tử Phủ , nơi tiên ở gọi là “Bảo đăng”
Rượu tiên chưa kịp uống đã kết thành băng
Ước hẹn gặp nhau nơi ánh tuyết, ánh trăng giao hòa trong đêm như thế nào?
Trên tầng cao Dao Đài (mà nàng) không đến.
Đọc bài thơ này, Diệp Tỷ Kỳ nhận xét “Đây là bài thơ mỉa mai, châm chọc thơ cầu tiên của Vũ tông Lý Viêm”(34), nhưng từ văn bản mà xét, bài thơ có những hình ảnh đẹp với “tử phủ” lấp lánh kim quang của người tiên, có ráng chiều rực rỡ, tuyết trắng tinh khiết và ánh trăng huyền ảo. Bài thơ được tạo hình bởi một khung cảnh cực kỳ tráng lệ, ngầm ký thác nỗi buồn của kẻ sĩ quân tử không thực hiện được lý tưởng cao đẹp của mình.
e/ Dùng từ ngữ nhẹ nhàng diễn tả trạng thái hư không và vô thường của ái tình.
Các từ ngữ mềm mại, uyển chuyển và say đắm nồng nàn luôn được Lý Thương Ẩn vận dụng vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau làm hình tượng thơ thoát ra khỏi sự bó buộc của ngôn từ ước lệ, tạo sức sống mới khi viết về tình yêu với hai đặc trưng “hư không” và “vô thường”. Thơ tình Lý Thương Ẩn khá phức tạp, ở một số bài có sự “thể ngộ” đến ký ức một thời, nhà thơ quan niệm, ký ức ấy chẳng qua cũng giống như ánh hào quang tạm thời lóe lên trước khi vụt tắt mà thôi:
“Vô đề” hai bài, bài 1 (Phượng vĩ hương la bạc kỷ trùng”
《無題二首》其一(鳳尾香羅薄幾重)
鳳尾香羅薄幾重,碧文圓頂夜深縫。
扇裁月魄羞難掩,車走雷聲語未通。
曾是寂寥金燼暗,斷無消息石榴紅。
斑騅只繫垂楊岸,何處西南待好風(36)。
Phiên âm:
Phượng vĩ hương la bạc kỷ trùng,
Bích văn viên đính dạ thâm phùng.
Phiến tài nguyệt phách tu nan yểm,
Xa tẩu lôi thanh ngữ vị thông.
Tằng thị tịch liêu kim tẫn ám,
Đoạn vô tiêu tức thạch lựu hồng.
Ban chuy chỉ hệ thuỳ dương ngạn,
Hà xứ tây nam nhiệm hảo phong.
Dịch nghĩa:
Màn hương đuôi phượng rủ nhiều tầng,
Canh khuya may chiếc khăn màu xanh biếc để phủ trreen đỉnh trướng.
Quạt tròn, thẹn không che được khuôn mặt dưới trăng,
Xe như tiếng sấm ran, át cả lời nói.
Từng ngồi trong cô tịch với ánh đèn tàn,
Không rõ tin tức, hoa thạch lựu hông đã nở.
Chỉ buộc ngựa Ban truy bên cây thuỳ dương
Nơi nào ở tây nam đợi cơn gió lành?
Bài thơ diễn tả tâm trạng của người con gái sau khi lấy chồng, trong đó có hình ảnh tro của ngọn đèn tàn, hoa thạch lựu đỏ đã nở (ám chỉ mùa xuân đã qua), đợi gió lành, che mặt xấu hổ dưới ánh trăng, xe chạy lời nói nghe không rõ…, tất cả là nỗi buồn khôn nguôi.
Giọng điệu thi ca trong thơ Lý Thương Ẩn thật dị biệt, ông không mấy coi trọng cấu trúc hình thức nhưng lại chú ý nhiều đến cấu trúc hình tượng trong mối tương quan logic tổng thể. Ông đả phá cách lập ý, lập tứ và trình tự diễn biến bài thơ theo phương pháp cổ điển mà trong đó người đọc đã nắm được quy luật, nghĩa là lấy ý làm chủ, biến đổi tình cảm đối với nhu cầu tự nhiên, lấy tâm trạng của nhà thơ làm trung tâm với sự hỗ trợ của giọng điệu(37). Mặt khác, Lý Thương Ẩn thông qua sự miêu tả tình cảm chân thành của chủ thể trữ tình, dùng ngôn từ diễm lệ hàm ý đề cao phẩm cách kẻ sĩ, cung cấp cho độc giả một văn bản nghệ thuật khác lạ, đó chính là sự đóng góp của ông cho thể loại thơ “Vô đề”.
Trong qua trình miêu tả diễn biến tâm trạng, Lý Thương Ẩn luôn vận dụng “hứng thú pháp” để tạo nên khung cảnh mông lung mờ ảo nhằm tô dậm không khí bi kịch. Thủ pháp nghệ thuật này có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ nhà thơ sau này (38). Cũng chính bởi tình cảm trong thơ “Vô đề” thường khái quát, cô đọng, lại bị giới hạn bởi số lượng chữ nhất định, nên, dù muốn hay không, nó cũng làm yếu đi tính đặc thù của thi ca trong sự phản ánh hiện thực lịch sử và những bất đồng thời đại qua diễn biến tâm trạng. Trường hợp Lý Thương Ẩn được xem như đi trước thời đại. Với ông, mỗi khi cần diễn đạt một tình yêu tan vỡ hoặc đau khổ bởi sự xa cách, chia ly ngoài ý muốn, là lập tức có ngay những vần thơ đầy tâm trạng làm cảm động lòng người. Xét đến cùng, bản chất chữ “tình” không bao giờ chịu sự chi phối của thời đại. Lý Thương Ẩn hình như hiểu rõ điều này nên thơ “Vô đề” của ông luôn sống mãi với các thế hệ độc giả hôm nay và cả ngày mai.
4 - Tiểu kết
Qua việc tìm hiểu thơ “Vô đề”, người đọc không khó nhận ra, Lý Thương Ẩn luôn vận dụng thủ pháp nghệ thuật độc đáo để diễn tả tình cảm chân thành. Đó cũng chính là nguyên nhân là cho thơ của ông có sức sống lâu bền mà không bị mai một bởi nghệ thuật diễn ngôn. Thơ “Vô đề” không chỉ có sự hấp dẫn về hình thức, mà hình tượng thơ còn độc đáo, từ ngữ diễm lệ, vần điệu tinh vi. Có người nhận xét, khó mà hiểu hết được ẩn ý của tác giả, nhưng lại có thể cảm được sự đa dạng của cuộc sống trong những hoàn cảnh đặc biệt nếu căn cứ vào cách diễn đạt độc đáo trong thơ ông.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ bối cảnh thời đại, Lý Thương Ẩn là nhân vật của thơ ca ngâm vịnh cách ngày nay đã khá xa, vậy vì sao, thơ ông vẫn có sức cảm hóa, vẫn gần gũi, thân thiết với chúng ta? Đơn giản là bởi nghệ thuật biểu đạt tạo được sự cộng hưởng với tâm hồn con người. Vì vậy, thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn có giá trị bất hủ. Tuy nhiên, nhận xét về Lý Thương Ẩn, Trần bá Hải lại có nhận định khác “Thơ ‘vô đề’, do sự ngụ ý quá hư không cũng vô tình tạo ra cho người đọc cảm giác mông lung, mờ ảo, khó có thể phán đoán đâu là vấn đề cốt lõi, hơn nữa, tác giả lại hay dùng điển cố, tầng tầng lớp lớp từ ngữ ẩn dụ, biến hóa linh hoạt với lớp từ tinh luyện, chọn lọc có chủ ý, làm cho tác phẩm càng thêm khó hiểu, khó phân tích, lý giải theo logic thông thường. Mà phong cách bí hiểm ấy, tất nhiên dẫn đến tình trạng “vọng ngôn” và so sánh khập khiễng, phương pháp phân tích ám chỉ, lâu dài sẽ rất ảnh hưởng đến nhận thức của độc giả.
Tuy vậy, thơ “Vô đề” cũng không thể loại bỏ những hạn chế của nó(39). Đối với thể tài này, họ Trần tỏ ý, tùy vào khả năng nhận thức của mỗi người, nhưng xét đến cùng, nó cũng không hoàn toàn giải thích được nguyên nhân khó hiểu đối với thơ Lý Thương Ẩn. Bởi lẽ, không một nhà thơ nào sáng tác mà cố ý để cho người đọc không hiểu. Cái điều mà người đời sau không giải thích được, có thể là do tư liệu sưu tầm chưa đầy đủ, hoặc là sức học của tiền nhân quá chênh lệch với chúng ta, lại giải thích theo lối “vọng gia”, dẫn đến tình trạng các học giả đời sau chỉ hiểu một cách nửa vời chăng? Vì vậy, đối với thơ “Vô đề”, không nên chỉ giải thích từng bộ phận mà phải có cái nhìn bao quát trong một tổng thể nghệ thuật, mới hy vọng giải mã được bí mật ẩn tàng sau những câu chữ mông lung, mờ ảo của nó.
T.T.T.
Thư mục tham khảo
I/ Sách chuyên đề (xuất bản theo trình tự thời gian):
1- Trần Vĩnh Chính tuyển chọn và chủ giải: “Lý Thương Ẩn thi tuyển”, NXB Mộc Đạc, Đài Bắc, 1987.
2- Hoàng Thịnh Hùng: “Lý Nghĩa Sơn thi nghiên cứu”, NXB Văn sử triết, Đài Bắc, 1987.
3- Ngô Điệu Công: “Lý Thương Ẩn nghiên cứu”, Minh Văn thư cục, Đài Bắc, 1988.
4- Lưu Học Khải, Vương Mông, chủ biên: “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, Quế Lâm, 1998.
5- Diệp Tỷ Kỳ sơ chú: “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1998.
6- Lưu Đại Kiệt: “Trung Quốc văn học phát triển sử”, Hoa Chính thư cục hữu hạn công ty”, Đài Bắc, 1999.
II/ Báo, tạp chí, luận văn:
1- Tôn Cầm An: “Dã đàm Lý Thương Ẩn cập kỳ vô đề thi”, tạp chí của Học viện Sư phạm Đường sắt, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, kỳ 2, 1995.
2- Liêu Mỹ Liên: “Ngôn hữu tận nhi ý vô cùng - Lý Thương Ẩn vô đề thi ý cảnh mỹ thiền tích”, tạp chí của Đại học Sư phạm Lệ Thủy, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, kỳ 1, 1996.
3- Trần Kiến Nhiệm: “Ngôn tình đích nghệ thuật luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích tình cảm cập trữ tình phương thức”, tạp chí của Đại học Trung Sơn, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, kỳ 1, 1997.
4- Tôn Kim Vinh: “Tiềm trầm đích khuếch trương đích ẩn dụ - Lý Thương Ẩn vô đề thi ý tượng đích chủ yếu biểu hiện phương thức”, tạp chí Tề Lỗ (tạp chí của Đại học Sư phạm Khúc Phụ Sơn Đông), kỳ 2, 1997.
5- Tôn Kim Vinh: “Trùng phúc ý tượng dữ sáng tác tâm thái – Lý Thương Ẩn vô đề thi ý tượng đặc trưng phân tích”, tạp chí Tề Lỗ (tạp chí của Đại học Sư phạm Khúc Phụ Sơn Đông), kỳ 4, 1997.
6- Trình Hoằng Lượng: “Thí luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích cảm thương tình điệu”, tạp chí của Học viện Giáo dục An Huy, quyển 19, kỳ 4, tháng 7, 2001.
7- Dương Tiêu: “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý tượng sơ thám”, tạp chí của Học viện Giáo dục Cam Túc, số chuyên đề Khoa học xã hội, quyển 17, 2001.
8- Khương Thái Quân: “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý cảnh mỹ”, tạp chí của Học viện Công nghiêp, Chức nghiệp, Kỹ thuật Hồ Nam, quyển 2, kỳ 3, 2002.
9- Diêm Hải Linh: “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích tư tưởng nội dung hòa nghệ thuật đặc trưng”, Tạp chí của Học viện Sư phạm Hải Nam, số chuyên đề “Khoa học xã hội nhân văn”, quyển 15, kỳ 3 (tổng số 59 kỳ), 2002.
10- Sử Chí Hoa: “Giải độc Lý Thương Ẩn đích kỷ thủ vô đề thi”, tạp chí của Học viện Giáo dục Từ Châu, quyển 17, kỳ 4, 2002.
Chú thích
(1)- Xem Sử Chí Hoa “Giải độc Lý Thương Ẩn đích kỷ thủ vô đề thi”, tạp chí của Học viện Giáo dục Từ Châu, quyển 17, kỳ 4, trang 26, 2002.
(2)- Xem Lưu Đại Kiệt “Trung hoa văn học phát triển sử”, Đài Bắc, Hoa Chính thư cục hữu hạn công ty, trang 553, tháng 8, 1999.
3- Xem Tôn Cầm An “Dã đàm Lý Thương Ẩn cập kỳ vô đề thi”, tạp chí của Học viện Sư phạm Đường sắt, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, trang 5, kỳ 2, 1995.
4- Xem Hoàng Thịnh Hùng “Lý Nghĩa Sơn thi nghiên cứu”, Đài Bắc, NXB Văn sử triết, trang 188,tháng 9, 1987.
5- Xem Khương Thái Quân “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý cảnh mỹ”, tạp chí của Học viện Công nghiệp, Công chức, Kỹ thuật Hồ Nam, trang 37, kỳ 3, quyển 2, 2002.
6- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, Bắc Kinh, NXB Văn học nhân dân, trang 173, tháng 8, 1998.
7- Xem Liêu Mỹ Liên “Ngôn hữu tận ý vô cùng – Lý Thương Ẩn vô đề thi ý cảnh mỹ thiển tích”, tạp chí của Đại học Sư phạm Lệ Thủy, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, trang 24, kỳ 1, 1996.
8- Xem Trần Vĩnh Chính tuyển chọn và chú giải “Lý Thương Ẩn thi tuyển”, Đài Bắc, NXB Mộc Đạc, trang 41, tháng 7, 1987.
9- Xem Trần Bá Hải “Chẩm dạng khán đãi Lý Thương Ẩn đích vô đề thi”, Lưu Học Khải, Vương Mông chủ biên “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, Quế Lâm, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, trang 181, tháng 1/1998.
10- Xem Khương Thái Quân “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý cảnh mỹ”, Học viện công nghiệp, Công chức, Kỹ thuật Hồ Nam”, trang 39, kỳ 3, quyển 2, 2002.
11- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 36.
12- Diệp Tỷ Kỳ cho rằng: “Bài thơ này Lý Thương Ẩn làm vào lúc ông đang giữ chức Bí thư tỉnh hiệu thư lang được bổ nhiệm làm Hoằng nông úy. Lý Thương Ẩn khi mới rời chức “Bí tỉnh” đầy tràn hy vọng, nhưng không lâu sau, bỗng nhiên lại bị điều ra làm quan ngoài, từ đó tâm trạng chán nản, buồn rầu. Nhà thơ không thể nói ra, vì thế mới dùng “Vô đề” ký thác những nỗi bất bình chứa chất trong lòng. Xem “Diệp Tỷ Kỳ sơ chú” : “ Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 137.
13- Xem Khương Thái Quân “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý cảnh mỹ”, tạp chí của Học viện Công nghiệp, Công chức, Kỹ thuật Hồ Nam, trang 39, kỳ 3, quyển 2, 2002.
14- xem “Diệp Tỷ Kỳ sơ chú”: “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 397.
15- Xem Trần Bá Hải “Chẩm dạng khán đãi Lý Thương Ẩn đích vô đề thi”, Lưu Học Khải, Vương Mông chủ biên “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, trang 180.
16- Xem Liêu Mỹ Liên “Ngôn hữu tận nhi ý vô cùng – Lý Thương Ẩn vô đề thi ý cảnh mỹ thiển tích”, tạp chí của Đại học Sư phạm Lệ Thủy, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, trang 25.
17- Xem Tôn Kim Vinh “Tiềm trầm đích khuếch trương đích ẩn dụ - Lý Thương Ẩn vô đề thi ý tượng đích chủ yếu biểu hiện phương thức”, tạp chí Tề Lỗ (tạp chí của Đại học Sư phạm Khúc Phụ Sơn Đông), trang 15, kỳ 2, 1997.
18- Xem Dương Tiêu “Lý Thương Ẩn vô đề thi đích ý tượng sơ thám”, tạp chí của Học viện Giáo dục Cam Túc, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, quyển 17, trang 82, 2001.
19- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 149.
20- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 150.
21- Xem Tôn Kim Vinh “Trùng phúc ý tượng dữ sáng tác tâm thái – Lý Thương Ẩn vô đề thi ý tượng đặc trưng phân tích”, tạp chí Tề Lỗ (tạp chí của Đại học Sư phạm Khúc Phụ Sơn Đông), kỳ 4, trang 4, 1997.
22- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 148.
23- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 148.
24- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 109.
25- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 110.
26- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 145.
27- Xem Đổng Nãi Bân “Lý Thương Ẩn thi đích ngữ tượng – phù hiệu hệ thống phân tích – kiêm luận tác gia linh trí hoạt động đích vật hóa hình thức cập kỳ văn hóa ý nghĩa”, Lưu Học Khải, Vương Mông chủ biên “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, trang 565.
28- Xem Trần Kiến Nhiệm “Ngôn tình đích nghệ thuật luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích tình cảm cập trữ tình phương thức”, tạp chí của Đại học Trung Sơn, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, kỳ 1, 1997, trang 108.
29- Xem Vương Phú Nhân “Tinh thần đích hình tượng dữ vật chất đích hình tượng – Lý Thương Ẩn vô đề thi thưởng tích”, Lưu Học khải, Vương Mông chủ biên “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, trang 667-668.
30- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 139.
31- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 140.
32- Xem Trình Hoằng Lượng “Thí luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích cảm thương tình điệu”, tạp chí của Học viện Giáo dục An Huy, quyển 19, kỳ 4, tháng 7, trang 69, 2001.
33- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 163.
34- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 163.
35- Xem Hoàng Thịnh Hùng “Lý Nghĩa Sơn thi nghiên cứu”, trang 98.
36- Xem Diệp Tỷ Kỳ sơ chú “Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú”, trang 396.
37- Xem Trình Hoằng Lượng “Thí luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích cảm thương tình điệu”, tạp chí của Học viện Giáo dục An Huy, trang 68.
38- Xem Trần Kiến Nhiệm “Ngôn tình đích nghệ thuật luận Lý Thương Ẩn vô đề thi đích tình cảm cập trữ tình phương thức”, tạp chí của Đại học Trung Sơn, số chuyên đề “Khoa học xã hội”, trang 113.
39- Xem Trần Bá Hải “Chẩm dạng khán đãi Lý Thương Ẩn đích vô đề thi”, Lưu Học Khải, Vương Mông chủ biên “Lý Thương Ẩn nghiên cứu luận tập”, trang 189.
Đặng Văn Sinh
Dịch từ nguyên tác “淺談李商隱的幾首無題詩” (Thiển đàm Lý Thương Ẩn đích kỷ thủ vô đề thi” của tác giả Trần Tư Tề.
Nguồn: http://www.lib.thu.edu.tw/newsletter/68-200705/PG05.2.htm