Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"MONG SAO CHO BÁC...LÊN ĐƯỜNG NGHỈ HƯU"

Bùi Hoang Tám
Thứ bẩy ngày 12 tháng 9 năm 2015 9:20 PM


(Dân trí) - Có lẽ nên dần khép lại số phận của loa phường, để cho nó được… ra đi thanh thản, trước mắt là ở các thị xã, thành phố. Đã đến lúc “Loa phường ơi hỡi loa phường – Mong sao cho bác lên đường… nghỉ hưu”, phải không các bạn?!

>> Loa phường: Người than điếc tai, người khen hữu ích!

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Số phận chiếc loa phường lại tiếp tục là đề tài bàn luận trên nhiều diễn đàn báo chí những ngày qua.

Có lẽ hiếm có nước nào mà đến nay vẫn tồn tại một loại hình truyền thông rất độc đáo: Hệ thống phát thanh cấp phường, xã (gọi chung là loa phường).

Công bằng mà nói, hệ thống thông tin này đã từng một thời được coi là sự sáng tạo của truyền thông. Vào những năm 60-70 và cả 80 của thế kỉ trước, hệ thống loa truyền thanh xã phường là người bạn không thể thiếu của người dân Việt Nam cả nông thôn, thành thị.

Ngày đó, do điều kiện kinh tế, khoa học và chiến tranh, chiếc loa phường (xã) đã từng là công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với từng người dân. Nó cũng là công cụ hữu hiệu để nâng cao dân trí và là diễn đàn truyền bá, nuôi dưỡng văn học nghệ thuật đồng thời phát đi những bài ca sục sôi lòng yêu nước.

Đặc biệt vào thời điểm cuộc leo thang của Mỹ ở miền Bắc, loa phường còn là công cụ để báo động rất hữu hiệu mỗi khi có máy bay đến oanh tạc, giúp người dân kịp thời sơ tán đồng thời hỗ trợ cho lực lượng phòng không kịp thời đánh trả. Có lẽ trong tâm trí của những người sống ở thời kỳ dó vẫn chưa quên câu nói quen thuộc từ loa phát thanh “Đồng bào chú ý! Đông bào chú ý! Máy bay Mỹ đang...”

Thế nhưng đến nay, nhiều ý kiến cho rằng chiếc loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của mình và nên đưa vào lịch sử.

Lý do mà những người không đồng tình là bởi hiện nay, trình độ khoa học đã tiến bộ rất nhiều, điều kiện kinh tế cũng tăng lên đáng kể.

Về khoa học, hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông như ti vi, mạng Internet, báo chí các loại và nhất là hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng liên tục 24/24 giờ, phủ đến mọi ngõ ngách từ nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi.

Về kinh tế, việc sắm một chiếc ti vi, nối mạng intenet hay mua một chiếc đài bán dẫn là điều dễ dàng với đa số người dân.

Trong khi đó, hệ thống truyền thông phường xã càng ngày càng tỏ ra bất cập bởi thông tin nghèo nàn, không có chiều sâu, hệ thống phát thanh thì cũ kỹ, âm thanh rè và điều quan trọng là nó gây ra không ít phiền toái cho cộng đồng.

Hệ thống âm thanh này thường phát theo một giờ cố định, với tần suất âm thanh lớn và càng phản cảm hơn nếu một khi trong nhà có tin buồn mà chiếc loa ngay đầu ngõ lại phát đi những bản nhạc tưng bừng, rộn rã và ngược lại, khi nhà có tin vui thì nó lại cất lên những bản nhạc não nề, u ám.

Rồi đang giấc ngủ say của các em thơ, của người thợ làm ca đêm… chiếc loa bỗng kêu ré lên nhưng bi kịch là không có nút tắt hoặc chí ít là giảm âm lượng.

Đã từng lưu truyền trong nhân dân một “bài ca” về hệ thống loa phường: “Phố tôi có cái loa phường – Nói thì đã chán lại thường... nói to – Phát thành vừa “phát” vừa ho – Kỹ thuật vừa… ngáp, vừa dò âm thanh – Trời mưa thì bảo trời xanh – Riêng việc thông báo họp hành thì hay…”.

Đó là chưa kể một nguồn kinh phí không nhỏ để nuôi dưỡng cho hệ thống này

Tuy nhiên, những người ủng hộ thì cho rằng hệ thống truyền thông này vẫn hiệu quả bởi nó thông tin những vấn đề của nội bộ một cộng đồng nhỏ như thông báo tuyển quân, yêu cầu đóng các loại thuế phí, lịch phát lương hưu, thực hiện quyên góp và một số thông tin khác. Ở nông thôn, nó còn có nhiệm vụ thông tin về nông nghiệp như lịch trồng cấy hay tưới tiêu thủy lợi, thu hoạch lúa màu...

Về cá nhân, theo mình nên bỏ phương tiện truyền thông này vì nó nghèo nàn về thông tin, lạc hậu về thể loại và đặc biệt nó ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng. Hãy tôn trọng tự do nhưng tự do của người (hoặc nhóm) này không được làm mất tự do của người khác (hoặc nhóm), đó mới là tôn trọng tự do đích thực.

Có lẽ nên dần khép lại số phận của loa phường, để cho nó được… ra đi thanh thản, trước mắt là ở các thị xã, thành phố. Đã đến lúc “Loa phường ơi hỡi loa phường – Mong sao cho bác lên đường… nghỉ hưu”, phải không các bạn?!

Bùi Hoàng Tám