(NXB, Hội nhà văn, 2013)
Nhân ngày thơ Việt Nam, 2013 gặp ở Văn Miếu, tác gỉa tặng tôi tập thơ mới ra lò, còn nóng hổi trên tay. Ngoài bìa chỉ ghi mấy chữ đơn giản: “30 bài thơ - Đỗ Trung Lai”. Tôi nhận ra ngay cái nét riêng của anh với rất nhiều nhà thơ khác, không đầu tư thời gian vào việc đặt tên cho tập thơ. Dường như tác giả muốn dành cho chất lượng cuốn sách đảm trách việc gây ấn tượng cho độc giả. Đỗ Trung Lai viết đủ loại: Thơ, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, tạp văn cả soạn sách và dịch thuật…đã cho ra mắt bạn đọc tới 14 cuốn. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc tới anh, trước nhất người ta nghĩ anh là một nhà thơ tình mang cốt cách chiến sỹ. Có được điều đó, cơ bản tác giả nguyên là một sinh viên “xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Tập thơ có tới một phần ba số lượng bài viết về đề tài đất nước và ca ngợi nhân dân anh hùng. Với những bài: Lời Mỵ Châu, Môi dịu dàng ta gọi: “Bắc Giang thu”, Thăng Long, Thơ viết ở nghĩa trang liệt sỹ Plây Cu, Gia Lai,…Những thi phẩm còn lại anh viết về thiên nhiên, về quê hương, gia đình, cha mẹ, anh em và tình yêu đôi lứa…Thơ Đỗ Trung Lai luôn có lối đi riêng. Anh viết rất cẩn trọng. Khác người, đổi mới mình; “Cha ơi ! Cha chọn rể/ Cha đắp luỹ xây thành/ Mà sao khi nước mất/ Cha xử con tội hình?”(Lời Mỵ Châu). Nhà thơ không quanh co, né tránh mà chỉ mặt gọi tên thủ phạm gây nên cảnh nước mất nhà tan là vua cha, người đứng đầu đất nước, có tránh nhiệm trong việc bảo vệ, xây dựng quốc gia độc lập... Ở bài “Môi dịu dàng ta gọi ta gọi: Bắc Giang thu” lại khắc hoạ hình tượng người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám gặp hoàn cảnh “Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng”: “Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay/ Xin cạn với riêng ông bát rượu thứ hai này/ Không phải đâu. Đó là những câu thề/ Đá hoá thạch-“Quyết không làm nô lệ/ Lời thề đá xây thành đắp luỹ/ Vẫn nguyên lành dù đá vỡ thành tan/ Vẫn nguyên sinh trong cỏ nội hoa ngàn/ Rồi sẽ lại gầm lên khi giặc đến…” Trong thực tế lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã thất bại, nhưng bằng tài năng thơ ca và tinh thần yêu nước sâu sắc tác giả đã dựng lại hình ảnh chủ tướng và nghĩa quân vẫn hừng hực tinh thần đá, tiếp sức truyền thống anh hùng, chiến thắng mọi kẻ thù xâm phạm chủ quyền độc lập dân tộc. Nhưng với bài “Thăng Long” thì tình huống lại ở trong hoàn cảnh “thuận”, ca ngợi những chiến công từ đời nhà Trần đến Quang Trung Nguyễn Huệ và gần đây là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy nhiên bất cứ lúc nào anh cũng thể hiện cái mới của mình. “Thăng Long”, gợi lại một kinh đô lịch sử anh hùng. Những dẫn liệu, gợi không khí chiến cuộc. Những hình ảnh bi tráng…chân thực, cảm động, tự hào. Mỗi khổ thơ là hai cặp câu. Cặp đầu là khói lửa, cặp sau là lạc quan, chiến thắng. Mỗi từ, mỗi hình ảnh đầy ắp chất thơ: “Có một Thăng Long lẫm liệt/ “Pháo đài bay” rụng mặt hồ/ Có một Thăng Long răng trắng/ Cắn vào quả sấu đầu thu…”( Thăng Long). Bài “Thơ viết ở nghĩa trang liệt sỹ Plây Cu, Gia lai” vẫn là đề tài tổ quốc nhưng lại ca ngợi dân tộc anh hùng bằng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ: “Chẳng sinh từ một bào thai/ Ôm nhau cốt nhục Đông-Đoài sá chi…”. Đến bài “Đá và cờ ở Đông Văn” lại là tinh thần bảo vệ biên cương, bảo vệ chủ quyền độc lập. Đá được nhà thơ hình tượng hoá thành người: “Đá cũng là dân đất nước tôi…/ Như người giữ nước đổ mồ hôi…” Bằng phương pháp hình tượng hoá kết hợp với bút pháp tả thực, sự biến tấu của ngôn ngữ, tác giả đã đạt hiệu quả tận cùng về tinh thần hy sinh, bất khuất, về truyền thống anh hùng, bảo vệ chủ quyền độc lập trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta Tổ quốc, quê hương, gia đình là những khái niệm, đôi khi hiện lên sự khác biệt về mặt không gian nhưng luôn đan cài, hoà nhập vào nhau, không có sự khác biệt. Quê hương làng quê Việt Nam thưuờng gắn với dòng sông con đò, đồng lúa, con trâu, người đi chợ…Tuy nhiên khi đọc Đỗ Trung Lai ta không nhầm lẫn với thơ người khác. Bằng lối quan sát sắc sảo, giàu kinh nghiệm, cùng với tình yêu quê hương như máu thịt, anh có bài “Chạp này về”. Thi phẩm ra đời trong hoàn cảnh không gian và thời gian tiêu biểu, những ngày giáp tết. Cảnh các bà, các chị đi chợ sớm: “Chạp này về với đường đi chợ/ Đòn tre nhún nhảy đổi hai vai/ Mấy chị quẩy hàng xuôi chợ sớm/ Cỏ đầy tơ nhện sương ngọc trai”. Cảnh “rửa lá dong” của “đám gái làng” bên dòng sông Đáy lúc chiều về: “Chạp này về với chiều sông Đáy/ Rửa lá dong xanh đám gái làng/ Dìu dịu như ngà như nếp trắng…” Sau chuẩn bị nguyên vật liệu là cảnh luộc bánh: “ Chạp này về với thời niên thiếu/ Bánh chưng bắc bếp luộc trong nhà/ Anh em trải chiếu nằm bên lửa…” Hồn quê chắp cánh theo câu chữ như một thứ thuốc thơm nhập vào máu thịt người thưởng thức.Thơ không cần bình mà ai đọc cũng hiểu,cũng mê với bất cứ đối tượng ở trình độ văn hoá nào. Thơ ấy mới khó. Rất khác với loại thơ “cách tân”, có khi người học vấn tới bậc giáo sư, miệng vẫn lẩm bẩm: “Sao mình ngu thế !...” rồi phải gấp tờ báo lại ! Quê hương là nơi có tổ tiên ông bà, có cha già, mẹ héo. Ai nhớ quê cũng nhớ đến mẹ là thứ nhất: “Ngày còn bé/ Cau mẹ bổ tư/ Gìơ cau bổ tám/ Mẹ còn ngại to”. Nhớ mẹ, thương mẹ già, khả năng nhai trầu kém, sức khoẻ càng giảm. Biết đấy, nhưng bất lực với qui luật của tạo hoá, chỉ biết nuốt nỗi đau vào trong tim: “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ/ Con nâng tay mẹ/ Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ”( Mẹ). Những câu thơ ngắn gợi tiếng nấc nghẹn ngào, đứt quãng. Chất liệu “cau”, thể thơ dân gian càng có tácdụng gợi cảm xúc mạnh. Viết về cha cũng rất chắt lọc. Chỉ một bài ngắn, có 20 chữ mà hình ảnh một cha mẫu mực, đủ đức tài hiện lên rất chân thực: “Da mồi râu tóc bạc/ Gậy trúc và thơ Đường/ Thân thuộc và xa cách/ Cha như người trong gương”( Cha) Viết về anh, đôi khi nhà thơ đã lấy lý trí để khắc phục tình cảm mềm yếu: “Vẫn biết các nhà liệt sỹ/ Đều vì lẽ sống mà đi”. Nhưng rồi nỗi đau ruột thịt lại ùa tới: “Nhưng trước nấm mồ ruột thịt/ Em như người đứt ngón tay/ Xin liệm thêm vào dưới ấy/ Của em lời xót thương này”(Thơ bên mộ liệt sỹ Đỗ Trung Cẩn ở nghĩa trang liệt sỹ Plây Cu, Gia Lai). Hình ảnh người chị dâu cũng là người vợ liệt sỹ thuỷ chung chờ chồng từ ngày còn son trẻ đến lúc về già “hết duyên”: “Chị tôi giờ hết duyên rồi/ Bao năm chỉ thấy gió trời trên cao/ Bao năm chỉ những ra vào/ Bao năm sáo chả lần nào sang sông…” (Chị tôi). Với những hình ảnh tương tự: “Vàng xanh như cỏ đầu bờ”, “Cau già đã đốn/ Giàn trầu đã khô”, “Trúc rơi từng đốt”…anh đã có một bài thơ về người chị dâu…mà trong thơ chống Mỹ khó tìm được bài thứ hai. Về tình yêu lứa đôi gồm những bài: Đêm sông Cầu, Ngũ hồ ở Bắc Ninh, Người ấy người ấy ơi !...Nhân vật “em” gây ấn tượng nhất là cô gái quan họ: “Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ/ Em ơi ! Em là cô gái/ Từ lâu anh đợi anh chờ”. Chàng trai thao thức vì giọng nói mà mê đắm em. Đó là tín hiệu của một tình yêu đích thực: “Em nói nhẹ như hơi thở/ Em nghe để nhớ suốt đời”. Giọng nói của em, tình yêu của anh. Đó là ngọn lửa tình yêu của hai chiến sỹ: “Tình yêu có từ hai ta/ Chẳng đủ gần mà giận dỗi/ Nhà xa mặt trận càng xa/ Gặp nhau lần nào cũng vội”( Đêm sông Cầu). Đẹp biết bao, khi lửa tình yêu đã được nhen lên từ ngọn lửa chiến đấu ! Hình ảnh “chẳng đủ gần mà giận dỗi”, mới, chân thực, gây xúc động mạnh. “Ngũ hồ ở Bắc Ninh” là tình yêu đơn phương, tình yêu hết mình của một chàng trai si tình đối với cô gái quan họ, vừa đẹp vừa nết na em như “cô Tấm thảo hiền”. Đẹp tới mức: “Em ra ngoài bến lên thuyền/ Thánh thần cũng muốn bỏ đền ra sông”. Còn chàng trai thì mê đắm tới mức ước mong sông Cầu hoá thành “ngũ hồ” để phục vụ và chiều chuộng người thương. Hồ thì “dầm cái tương tư”, hồ thì “giặt áo tứ thân…”, hồ thì…Mê đắm tới mức vất bỏ cả sự nghiệp, cốt sao chiều chuộng được nàng: “Bao nhiêu sách viết thơ tình/ Ta đem xé hết cho mình thấm chân…” Chàng có quyền ước mơ được hưởng hạnh phúc: “Cái hồ hay có mây mưa/ Để ta giặt yếm mình vừa cởi ra…” Phải chăng đây là cảnh sau đêm tân hôn ? Đến bài “Người ấy người ấy ơi !” lại là ước mơ về một “Người ấy” lý tưởng: “Người ấy như là mẹ ta…”, “Người ấy như là chị ta…”, Người ấy như là…” Và cuối cùng là: “Người ấy người ấy đâu rồi/ Ngoài đường đã đầy tết nhất/ Người ấy về trong một người/ Có lẽ là ta hạnh phúc”…Ba bài thơ tình là ba đoá hoa khác chủng loại. Cũng như ba bài thơ thu, mỗi bài mộĩ vẻ… Thơ Đỗ Trung Lai đậm đà bản sắc dân tộc, Sáng tạo có kế thừa văn học truyền thống, nhất là ca dao dân ca, truyện Kiều… Ám ảnh thơ Đường nhưng không ngoại lai. Một nhà thơ viết có trách nhiệm, luôn săn tìm cái mới. Phải chăng cái màu vàng(trang trí tập thơ) đã gợi cho bạn đọc thấy: Đây là tập thơ hay, có giá trị.Tôi yêu anh, mặc dầu nhìn anh có vẻ khinh khỉnh, phớt đời. Không phải đâu, chỉ là một dạng phong cách của một người quá yêu nghệ thuật thôi mà.
Mỹ Đình, 14.12.2014