(Minh Họa: Ngọc Diệp)
“Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – Đó là phát biểu của chuyên gia Phạm Chi Lan tại Hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng.
Câu nói này được bàn luận suốt mấy ngày qua trên các diễn đàn với nhiều ý kiến rất tích cực, tựu trung là chuyên gia của World Bank đưa ra một lời cảnh báo cho Việt Nam. Chỉ có lời nói thẳng mới làm cho chúng ta tỉnh thức, những lời tự vuốt ve còn nguy hiểm hơn thuốc độc.
Không phải là Việt Nam không phát triển mà đúng hơn là phát triển không tương xứng với tiềm năng của chính mình. Vậy thì lực cản nằm ở đâu, có phải vì thiếu hệ thống pháp luật đủ mạnh không, có phải vì thiếu chính sách phù hợp không? Thưa không, lực cản chính là do tham nhũng. Không quốc gia nào có thể phát triển được nếu như không chống được tham nhũng, không lụn bại đã là may.
Tại diễn dàn này, các chuyên gia kinh tế dẫn số liệu của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, so với 10 năm trước đây thì quy mô của doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn một nửa. Lạ quá, lẽ ra sau 10 năm thì quy mô của doanh nghiệp Viêt Nam phải lớn hơn, sao lại có thể teo đi, đây là câu hỏi rất đau đầu nhưng không phải khó chỉ ra lời giải đáp.
Và đây là câu trả lời của chuyên gia Pham Chi Lan: “Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa là, doanh nghiệp đã bị mất đi một nửa nguồn lực cho tham nhũng. Thay vì số tiền đó được sử dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh thì lại bỏ vào túi của tham nhũng. Suy càng sâu, càng thấy tội ác của tham nhũng, nó không chỉ ăn tiền của các cá nhân, của doanh nghiệp, của xã hội, mà còn phá hoại nền kinh tế, là lực cản phát triển đất nước.
Một vấn đề từng đặt ra là tại sao Việt Nam không sinh ra được những doanh nhân có thể xây dựng được những thương hiệu lớn như Honda, Toyota… của Nhật bản hay Samsung, Hyundai… của Hàn Quốc. Câu trả lời cũng đã đặt ra ở trên, đó là vì tham nhũng.
Thế thì, Việt Nam không phải không chịu phát triển, mà phát triển nhưng bị tham nhũng ăn chặn một nửa. Những gì làm ra vốn quá ít ỏi so với các nước, lại bị mất đi một nửa thì thử hỏi còn được gì trong tay!
Nhưng nếu có cách để so sánh tài sản của quan chức của các nước, có lẽ vị trí của Việt Nam lại thuộc thứ hạng “không phải dạng vừa đâu”.
Lê Chân Nhân