Ban tuyên huấn của đảng đã cho in ra hàng trăm nghìn bản tấm ảnh chụp cái ban công nơi Gottwald đội chiếc mũ lông không vành đứng giữa các đồng chí đang nói chuyện với nhân dân. Chính trên cái ban công đó đã bắt đầu lịch sử của xứ Bohêm cộng sản. Tất cả trẻ em đều biết tấm ảnh này vì đã thấy chúng trên các áp phích, trong sách giáo khoa hay trong các bảo tàng.
Bốn năm sau, Clementis bị kết án phản bội và bị treo cổ. Ban tuyên huấn của đảng lập tức cho ông ta biến khỏi Lịch Sử, và dĩ nhiên cũng biến khỏi tất cả các tấm ảnh. Từ đây, Gottwald chỉ còn một mình trên cái ban công. Nơi trước đây Clementis đứng giờ chỉ còn lại bức tường trống của cung điện. Còn về Clementis thì chỉ còn lại chiếc mũ lông không vành trên đầu Gottwald.” (Theo bản tiếng Pháp Le livre du rire et de l’oubli, Gallimard, Paris, 1985).
5. Đám tang ông Đang diễn ra sáng ngày ông Táo Bính Tuất về giời (10/2/2007) tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Một liên danh các cơ quan có dính dáng đến những ngành nghề ông Đang từng làm đứng ra chủ tang: Bộ Giáo dục và đào tạo, Ban liên lạc Hội truyền bá quốc ngữ, Ban liên lạc Hội diệt dốt, Báo Văn Nghệ... Trưởng ban tang lễ là ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan chức cao nhất đến viếng là bà thứ trưởng Bộ này. Ông bộ trưởng Bộ này bận việc, gửi vòng hoa đến viếng. Bà Ngô Thị Kim Thoa (vợ ông Phùng Cung) và bà Vũ Bội Trâm (vợ ông Phùng Quán) chít khăn tang lên đầu, viếng xong, đứng cùng thân quyến ông Đang bên linh cữu chịu tang, thay chồng làm bổn phận người em.
Tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc viếng ông Đang một vòng hoa trắng. Khá nhiều vòng hoa trắng viếng ông Đang. Chị bán hoa tang bảo: cụ ấy không vợ không con thì hoa trắng là đúng rồi, nhưng thọ thế thì em sẽ viền thêm hoa cúc vàng xung quanh. Lại bảo: anh đứng đây chờ em làm hoa xong để theo anh mang vào, chứ đám này bọn em không được tự mình mang hoa vào trong cho khách như các đám khác. Tôi hỏi vì sao. Chị ta bảo là họ đặt biển báo kia rồi. Tôi đi tới cổng nhà tang lễ và thấy một tấm biển nền đỏ chữ vàng có chân đứng đặt ở lối ra vào: “Chú ý: Khách đến viếng vui lòng tự mang hoa vào. Xin cảm ơn.”. Biển làm sẵn thế này là dùng cho những lúc cần dùng như thế này. Vào viếng cùng lượt với chúng tôi là nhà thơ Dương Tường mang vòng hoa bị hàng hoa đề sai tên mình thành ra rất tếu với ông Đang “Thương tiếc Anh, Dương Cường”. Viếng xong lượt mình, chúng tôi lại đi cùng đoàn viếng của talawas do nhà thơ Hoàng Hưng dẫn đầu. Giới thiệu đoàn này vào viếng, người xướng danh chỉ nói là đoàn nhà văn, nhà báo, vờ như không thấy cái tên talawas trong phiếu đăng ký viếng và trên băng tang vắt ngang vòng hoa.
Ông Đang nằm vây phủ lụa vàng trong quan tài mở nắp. Chín mươi lăm tuổi (âm) một đời người, ông còn gì, để lại gì, sau khi thân thể tan thành tro bụi (hỏa thiêu). Cái quan định luận. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chép lại cho họ hàng ông Đang đôi câu đối ông làm khi ra tù về quê (1994) mà ông đã ghi vào sổ tay anh:
“Nào công, nào tội, nào nhục, nào vinh, thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi
Vận nước, vận nhà, biết thời, biết thế, quý cuộc đời Phạm Lãi, Trương Lương”.
Từ Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc nhờ chị Vũ Bội Trâm đặt viết trên lụa đôi câu đối viếng ông Đang:
“Dâng Tổ Quốc kỳ đài Độc Lập vun gốc Nhân Văn một đời trong trắng
Hiến Nhân Dân diệu lý Tự Do đắp nền Pháp Trị muôn thuở sáng ngời”.
Tôi ghi sổ tang:
.
“Ông Nguyễn Hữu Đang là ai?
Ông truyền bá quốc ngữ.
Ông tổ chức ngày độc lập 2/9/1945.
Ông làm Nhân Văn-Giai Phẩm.
Ông đã sống và đã chết Một Con Người.
«Mỗi số phận chứa một phần lịch sử»
Nền dân chủ tự do của nước Việt sẽ có ghi tên Ông"
Hà Nội 8 - 10/2/2007