Từ bài thơ nghịch
của một bậc túc Nho
Mùa đông năm 1949, tôi theo cha tôi tản cư lên rừng, tá túc trong một cái lán tre che tạm, cách làng chừng năm cây số. Cha tôi (Minh Sơn-Hoàng Bá Chuân) tuy già nhưng vẫn hăng hái tham gia kháng chiến, làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt liên xã nên thường đi xuống các địa bàn hoặc đi họp xa. Tôi mới lên bảy tuổi, hầu như suốt ngày quẩn quanh cùng mấy chú cán bộ của Mặt trận. Các chú rất quý tôi nên thường bày cho tôi các trò mà tôi chưa biết. Họ vừa là cấp dưới lại vừa là "học trò" của cha tôi vì ngoài công việc thường nhật, cha tôi còn dạy họ chữ Nho và cả cách làm thơ. Mẹ tôi vẫn "bám trụ" ở làng vừa hoạt động bí mật, làm hội trưởng hội "Mẹ chiến sĩ" vừa lo trồng trọt nuôi hai cha con, lâu lâu lại lên tiếp tế, lúc rổ sắn, khi mớ rau. Các anh tôi đều đã thoát ly, tôi còn trẻ nít, suốt ngày quẩn quanh chẳng biết làm gì. Hồi ấy xã tôi chưa có trường học, chỉ thỉnh thoảng cha tôi dạy tôi đọc, dạy tôi tập viết bằng mấy que củi, que tre trên nền đất rừng nham nhở. Cha tôi vốn là một nhà Nho nên làm và thuộc rất nhiều thơ cổ. Qua truyền khẩu của cha mà tôi cũng quen dần với luật thơ, thuộc khá nhiều thơ cổ và dần dà tập tọe làm thơ. Vì thế mà sau này, kể từ thời mới học cấp 3 tôi đã tham gia xướng họa thơ Đường cùng cha tôi và các cụ nhà Nho từ Quảng Bình, Hà Tĩnh đến Hà Nội. Cũng nhờ cha tôi mà tôi biết được đôi điều về các bậc danh Nho như Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Tam nguyên Yên Đỗ, Tú Xương ...
Xưa nay ta thường nghĩ là các nhà Nho rất mô phạm, khuôn sáo và tề chỉnh, chẳng bao giờ dùng ngôn từ bình dân lộ liễu. Vì thế khi đôi lần nghe lỏm cha tôi cùng các chú cán bộ Mặt trận tán chuyện về các bậc danh Nho tôi không khỏi bất ngờ. Nhà Nho cũng là con người như mọi người mà.
Đây là một chuyện vui tếu táo mà tôi muốn kể...
Hôm ấy trời mưa rét, nước ngập mênh mông, cha tôi cùng hai chú cán bộ và một chú bộ đội từ đâu đến, ngồi trên sạp nứa đánh cờ đến gần trưa. Bỗng một chú cựa quậy thế nào mà rách ngay cái ... đũng quần! Hãy thông cảm, thời ấy rất khó khăn thiếu thốn, áo quần thường ai cũng chỉ nhất bộ và vá chằng vá đụp, vì thế chuyện rách chuyện hở là không tránh khỏi. Một trận cười ngặt nghẽo như không bao giờ dứt. Vậy là có một đề tài nhạy cảm để mọi người tán dóc. Giữa chừng chuyện tếu táo, cha tôi mới đọc cho mọi người nghe về một bài thơ nghịch mà cha tôi từng biết. Đó là bài thơ của một bậc danh Nho khả kính, cụ Nguyễn Hàm Ninh (*). Cụ Hàm Ninh là người làng Trung Thuần cùng huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) của chúng tôi. Cụ vốn là thầy dạy của Thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông tức vua Thiệu Trị sau này. Bài thơ như sau:
RĂNG VỚI CẶC
-Nguyễn Hàm Ninh-
Chẳng hay con tạo ý ra răng(*)
Cặc dái sao mà mọc trước răng?
Lúc nhỏ chưa răng thì mọc cặc
Về già còn cặc lại rơi răng!
Già nua hết thú - chèo queo cặc
Lụ khụ cần nhai - trệu trạo răng!
Ngán nỗi cho răng, buồn với cặc
Chẳng hay con tạo ý ra răng?!
(Ghi theo trí nhớ của HGC)
Thành thật cáo lỗi hương hồn cụ Hàm Ninh và cũng xin lỗi bạn đọc là tôi chép bài này theo trí nhớ từ hồi 7 tuổi nên chắc có nhiều sai lệch. Có thể có những câu những chữ bị nhầm lẫn với thơ họa của những người trong buổi họa thơ ấy. Rất mong các cụ và các bạn nếu có được bản gốc của cụ Hàm Ninh xin hiệu đính giúp, tôi rất cám ơn. Cách đây khoảng 20 năm tôi có đọc cho nhà thơ Trinh Đường nghe, ông rất thích, đã chép lại và dự kiến sẽ truy tìm bản gốc, nhưng chưa có kết quả thì ông đã qua đời.
Sau khi cha tôi đọc bài thơ của cụ Hàm Ninh thì mọi người đều nhao nhao đòi đọc lại để nhẩm thuộc, vì thế tuy nghe lỏm nhưng tôi cũng thuộc luôn. Rồi một cuộc bình thơ và họa thơ kéo dài suốt đến cuối chiều. Tôi chỉ nhớ được vài câu do cha tôi và mấy người họa lại, như:
*Hở cặc còn cười hở cả răng
Mấy o mà đến biết mần răng?
*Hết gạo, giặc càn chẳng biết răng?(**)
Cặc thì mặc cặc, chỉ lo răng!
*Cây bần ngập nước còn khoe cặc(***)
Chú sấu phơi mình chẳng ngậm răng.
*Mấy thằng trẻ nít không che cặc
Các cụ già nua chẳng hở răng.
*Giữ giống sắm quần che đậy cặc
Lo thân tìm gạo dưỡng nuôi răng.
*Kháng chiến vô tư răng với cặc
Hòa bình hữu dụng cặc cùng răng.
...
Nhờ họa thơ mà mọi người tạm quên cái đói đang hoành hành. Riêng tôi thì may mắn là còn được một khúc sắn cha tôi dành lại cho từ chiều hôm trước nên yên tâm hóng chuyện. Hơn 65 năm rồi mà tôi vẫn nhớ cái ngày mùa đông năm ấy. Còn về bài thơ thì chắc là tôi khó tránh nhầm lẫn vì khi ấy tôi mới chưa tròn 7 tuổi, mà bây giờ thì đã "cổ lai hy", trí óc không còn minh mẫn lắm.
Tôi thành thật xin lỗi bạn đọc, đặc biệt là các bà, các chị vì đành phải dùng nguyên bản một vài từ ngữ thiếu tế nhị, tuy không phải do tôi. Vả lại, nếu thay từ khác thì không được phép và bài thơ cũng còn gì giá trị?!
HGC
Chú thích:
* Nguyễn Hàm Ninh (阮咸寧, 1808-1867) tự là Thuận Chi,
hiệu Tĩnh Trai và Nhâm Sơn
**Tiếng miền Trung: ra răng = thế nào;
biết răng = biết làm sao...
***Cây bần còn gọi là thủy liễu mọc ở ven biển và sông rạch.
Rễ phụ của cây bần thường mọc nhú thẳng từ dưới nước lên,
dân miền Trung quen gọi là cặc bần.