Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay, PGS.TS Mạc Văn Trang - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển giáo dục (thuộc Viện nghiên cứu phát triển giáo dục) cho rằng: "Chương trình, nội dung dù có hay đến mấy nhưng giáo viên không đủ năng lực và thiếu ý thức đổi mới phương pháp dạy học thì sự nghiệp đổi mới khó thành công. Mặt khác, chúng ta cũng phải tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo của các thầy cô bởi một phương pháp giáo dục được áp đặt đồng loạt thì sẽ dẫn đến sự nhàm chán". Đồng thời, trong cuộc trò chuyện, PGS.TS Mạc Văn Trang cũng đã thẳng thắn phân tích và đưa ra giải pháp cho tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
"DẠY HỌC CŨNG NHƯ NẤU ĂN, CÁC MÓN BỔ DƯỠNG NHƯNG PHẢI NGON MIỆNG VÀ VỪA ĐỦ”
Thưa PGS, khi nói về cuộc đổi mới giáo dục đang được toàn ngành giáo dục tích cực triển khai, ông sẽ nghĩ tới điều gì trước tiên?
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có rất nhiều điểm mới, đề cập những vấn đề thực tiễn đã và đang tồn tại bấy lâu nay, từ đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp đến kiểm tra, đánh giá, quản lý giáo dục…
Về mục tiêu có một số điểm cần chú ý: Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi cần được đến lớp để chuẩn bị vào lớp Một cho tốt; đối với Tiểu học không phải là học nhật nhiều môn, “bội thực” như hiện nay, mà dạy ít hơn, nhưng trẻ tự làm việc nhiều hơn để phát triển toàn diện, nhất là phương pháp học tập, cách tư duy, cách tự học; với học sinh THCS mục tiêu hướng tới hết lớp 9, các em trở thành những con người có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, tự ý thức về các chuẩn mực xã hội, điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực; tự ý thức việc học, lựa chọn môn học phù hợp... Kết thúc THCS có sự phân luồng, phân hóa vào THPT. Học sinh THPT cần học ít môn nhưng chuyên sâu và phân hóa theo định hướng ngành nghề xã hội; cuối THPT các em hình thành nhân cách công dân, hướng nghiệp, có khả năng học nghề nghiệp chuyên môn đáp ứng nguồn nhân lực của thị trường lao động theo hướng hội nhập quốc tế. Mục tiêu cần hướng tới sự phân hóa đa dạng nhằm “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (Hồ Chí Minh, 1945)
Về nội dung giáo dục, yêu của đổi mới là hiện đại nhưng thiết thực, thực học, thực nghiệp, khắc phục tình trạng tham lam, ôm đồm, nhồi nhét, quá tải, mệt mỏi, chán học… Học cũng như ăn, phải bổ dưỡng, ngon miệng và vừa đủ nếu không thì sẽ bị bội thực, không tiêu hóa được mà còn sinh bệnh. Nghe nói việc biên soạn sách giáo khoa kỳ này có Tổng chủ biên cho từng môn học, bậc học để điều tiết các môn học theo hướng tích hợp, tinh giản nôi dung cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Nếu vậy thì tốt quá, cũng như có ông “bếp trưởng”, không để cho 9 ông đầu bếp nấu 9 món thật thịnh soạn, cũng bầy lên mâm bắt các cháu học sinh Tiểu học ăn! Tất nhiên nói nội dung tích hợp, tinh giản, hiện đại, thiết thực, thực học, thực nghiệp… nghe tưởng “ngon lành” lắm, nhưng là những vấn đề cực khó.
Nên có một bộ SGK (sách giáo khoa) hay nhiều bộ SGK vẫn là câu chuyện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông như thế nào, thưa PGS?
Theo tôi, ta nên có khoảng 3 bộ SGK. Sự cạnh tranh sẽ tạo ra những bộ SGK tốt và người lựa chọn sẽ được hưởng lợi. Tôi được biết hiện nay ở các lớp đầu Tiểu học thực tế ngoài bộ SGK chính thống của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đã dùng sách của Trung tâm CNGD do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên và một số trường tư đã dùng sách của nhóm Cánh Buồm do nhà giáo dục Phạm Toàn chủ biên. Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao Bộ GD&ĐT không chọn các bộ SGK của những nước tiên tiến rồi dịch ra, thích ứng với hoàn cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam mà dùng cho nó nhanh, tiết kiệm, hiệu quả… Tất nhiên một số môn như tiếng Việt, văn, sử, địa, giáo dục đạo đức, công dân thì mình phải tự biên soạn trên tinh thần tham khảo quan điểm và phương pháp hiện đại của các nước. Người ta thường nói, những người đi sau khôn ngoan phải biết đứng lên vai người khổng lồ đi trước mà. Ai dại gì cứ mò mẫm “dò đá qua sông” mãi! Con em những người Việt nhập cư ở nhiều nước phát triển, nhìn chung có kết quả học tập tốt, nhất là ở CHLB Đức. Học sinh con em nhóm người Việt tại Đức học phổ thông đạt kết quả cao nhất trong tất cả những nhóm người nhập cư và thậm chí, ở một số khu vực, cao hơn cả học sinh bản địa. Điều đó chứng tỏ, nội dung SGK, cách dạy học của nước đó phù hợp với học sinh gốc Việt. Taị sao chúng ta không cải biến chúng trở thành của chúng ta, như người Hàn quốc từng dùng SGK của người Nhật để mau chóng hiện đại hóa giáo dục nước họ?
Theo PSG, để cuộc đổi mới giáo dục lần này thành công, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới điều gì?
Quan trọng nhất là người quản lý, trong đó hiệu trưởng là linh hồn của nhà trường. Hiệu trưởng nào, nhà trường ấy. Đổi mới quản lý phải tôn trọng tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Nhà trưởng phải tự học hỏi để phát triển, thích ứng với đòi hỏi của xã hội, không chờ có nghị quyết mới vội vã “quyết tâm”! Nhà trường phải xây dựng được văn hóa học đường tôn trọng lao động sư phạm, dân chủ, tự do sáng tạo, hướng đến những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích… Trong nhà trường ấy học sinh là nhân vật trung tâm – vì nó mà trường tồn tại, nhưng giáo viên là người quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục! Nội dung có hay đến mấy mà người giáo viên không nắm vững và tìm ra phương pháp để tổ chức hoạt động của học sinh một cách hiệu quả, cũng khó thành công. Nói đổi mới phương pháp dạy học thế này, thế nọ thì nghe hay lắm, ai không thạo nghề tưởng dễ lắm! Phương pháp là quá trình và cách thức làm ra sản phẩm; phương pháp dạy học lại là hướng dẫn học sinh để các em tự làm ra sản phẩm cho bản thân mình. Ai giỏi nghề mới biết đó là cực khó, nhưng vô cùng lý thú! Nói như GS Hồ Ngọc Đại thì "mỗi Cái phải theo Cách của nó", mỗi môn học có phương pháp phù hợp với nó. Người giáo viên nâng cao kiến thức để “đạt chuẩn” hay “trên chuẩn” không khó. Cái khó nhất là thay đổi quan điểm về phương pháp dạy học và có trí sáng tạo, kỹ năng thiết kế các hoạt động của học sinh để các em thích thú hoạt động tự làm ra “sản phẩm học tập cho mình”, tức là phương pháp biết tự học đế phát triên. Cần khuyến khích sự sáng tạo độc đáo của giáo viên. Nếu phương pháp áp đặt đồng loạt thì sẽ nhàm chán. 5 tiết học với 5 cách dạy khác nhau thì sẽ mới mẻ, hấp dẫn học sinh; chứ thầy nào cũng chăm chăm chiếu các slide lên, thay “thầy đọc - trò nghe chép” bằng “thầy chiếu – trò nhìn chép” thì sẽ ngán ngẩm vô cùng! Nhưng để người giáo viên “Tất cả vì học sinh thân yêu”, say sưa sáng tạo trong nghề nghiệp và xứng đáng với đạo đức nghề nghiệp mà xã hội mong đợi, thì nhà nước phải có chính sách đảm bảo cho người giáo viên sống ở mức trung lưu, mà không phải kiếm thêm bằng nhiều cách, trong đó có những cách phản giáo dục! Muốn đòi hỏi cao ở người giáo viên thì cũng phải tôn trọng cao và tạo ra những điều kiện sống xứng đáng với vị thế mà xã hội kỳ vọng, trong đời sống hiện thực của họ, chứ không phải trên nghị quyết! Tất nhiên làm việc này cũng phải đi đôi với sàng lọc, thải loại những người không xứng đáng. Ưu điểm của trường tư chính là hai lợi thế nói trên.
Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ đang đến gần. Mọi năm, trong khi cuộc chạy đua vào các trường đại học rất nóng thì không khí tuyển sinh tại các trường trung cấp, trường dạy nghề lại khá đìu hiu. PGS suy nghĩ gì hiện tượng này?
Dân ta thực dụng lắm, học cái gì có việc làm, có thu nhập tốt là lao vào học thôi! Vấn đề là chính sách đầu ra của người tốt nghiệp trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp chưa hợp lý. Chính sách lương bổng, đãi ngộ và đánh giá con người của nhà nước ta vẫn theo bằng cấp, chứ không theo năng lực thực, nên mới đổ xô học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cốt có tấm bằng, vừa oai, vừa lợi! Hãy nhìn vào thực tế: bao nhiêu nam nữ thanh niên đang chen nhau, nộp hàng trăm triệu đồng để được đi xuất khẩu lao động, thực chất là tha phương cầu thực, làm “cu li” kiếm món tiền chứ có phải “vì ham bằng cấp, danh giá” gì đâu! Cho nên mấu chốt của “phân luồng”, đào tào nghề là hiệu quả đầu ra, chính sách đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Hai kỳ thi nhập một, lại vừa do trường đại học tổ chức, vừa do địa phương tổ chức, tôi băn khoăn, thấy nó nhiêu khê, phức tạp quá. Tôi vẫn nghĩ: hết THCS và THPT đều do nhà trường tổ chức thi, theo đề thi do Bộ ra. Học gì thi nấy, người dạy là người đánh giá chính xác nhất. Đó mới là giáo dục phổ thông! Còn đại học, chuyên nghiệp thì do yêu cầu của từng trường đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà họ tuyển sinh theo cách của họ, Bộ GD&ĐT không can thiệp vào. Bộ chỉ tiêu chuẩn hóa các điều kiện và thanh tra, kiểm soát ... Trường đại học tuyển sinh theo cách của họ thì hướng nghiệp mới có tác dụng, chứ nếu chỉ ăn cứ điểm thi phổ thông rồi chạy tìm trường lung tung thì còn hướng nghiệp gì nữa!
GIÁO DỤC PHẢI DÁNH THỨC LƯƠNG TRI
Thời gian qua, dư luận hết sức lo lắng về tình trạng bạo lực học đường, cùng với đó là lối sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ. Theo giáo sư, nguyên nhân nào dẫn tới những sự việc đáng buồn đó?
Xã hội chúng ta đang sống xuất hiện nhiều hiện tượng mới, gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực, nào là tình trạng bạo lực học đường, quan hệ nam nữ, những xung đột tâm lý giữa học sinh và giáo viên, xung đột giữa cha mẹ và con cái… Tình trạng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất là nguyên nhân về xã hội. C.Mác từng viết "bản chất (xã hội) của con người, trong đới sống (tính) hiện thực của nó, là tổng hòa các quan hệ xã hội". Xã hội chứa đựng những vấn đề ảnh hưởng đến học sinh. Sức mạnh của quyền lực, của đồng tiền dường như áp đảo, làm đảo lộn hệ thống thứ bậc các giá trị về nhân cách, đạo đức. Đồng thời, việc chúng ta đang mở cửa hội nhập, giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới cũng gây nên nhiều xáo trộn ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến các học sinh. Các tác nhân xã hội ảnh hưởng từng ngày đến học sinh trong khi quản lý của chính quyền và nhà trường chưa đảm bảo được một môi trường an lành cho trẻ em nói chung.
Thứ hai là, gia tốc phát triển của học sinh. So với học sinh của 15 năm trước, về thể chất, các em cao hơn 3 - 4 cm và cũng dậy thì sớm hơn. Những thay đổi như vậy ảnh hưởng đến tâm lý. Các em sớm ý thức về bản thân và mong muốn khẳng định bản thân. Trong khi đó cha mẹ, thầy không theo kịp, vẫn mang những kinh nghiệm của thời trước để áp đặt lên các em, vì thế các em dễ phản ứng thái quá...
Thứ ba, trong gia đình hiện nay, bố mẹ ít quan tâm, gần gũi con cái. Những gia đình khá giả, nhà nhiều tầng, mỗi con ở một phòng riêng nên có khi cả ngày bố mẹ và các con không gặp nhau. Nhiều người mải theo đuổi “thương trường”, phó mặc con cho “ôsin”, trẻ thiếu sự ru nựng, vỗ vễ, âu yếm của mẹ, của bà; ít được tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội, lại bị “ô sin” cho xem tivi suốt ngày, não đứa trẻ phải tạo cơ chế trơ ì trước các thông tin nhiễu loạn… Thêm nữa, nhiều em có thể “rút tiền” từ bố mẹ, ăn chơi thỏa sức… Học sinh nghèo vượt khó đã giỏi, nhưng học sinh giàu “vượt sướng” còn khó hơn! Các ông bố, bà mẹ chưa ý thức xây dựng văn hóa gia đình, tạo lập mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ và con cái. Không khí gia đình có nhiều nhân tố mới, tạo cho cuộc sống hiện đại hơn, sôi động hơn, những cũng bất an hơn...Nhiều học sinh bị đánh, mất cắp hay thất tình mà không chia sẻ với bố mẹ, và các em đã bồng bột tự xử lý theo cách riêng của mình.
Thứ tư, trong nhà trường, uy tín của người thầy bị suy giảm. Học sinh hiện nay rất nhạy cảm, biết nhiều, nhiều em còn thành thạo CNTT hơn các thầy cô giáo. Vì thế, các em nhận thấy người lớn không phải là thần thánh. Ngoài ra, còn có tình trạng một số thầy cô đối xử không công bằng giữa các học sinh, tạo ra những bất bình. Điều kiện sống chênh lệch dẫn đến các em học sinh có cách sống khác nhau và có sự phân hóa trong học sinh. Giáo viên có uy tín và khéo léo thì sẽ biết cách xử lý tốt sự khác biệt, tạo ra môi trường văn hóa, bình đẳng, thân thiện. Ngược lại, người thầy thiếu uy tín lại tạo ra bầu không khí tiêu cực trong học sinh.
Vậy theo PSG, chúng ta cần thực hiện giải pháp nào để ngăn chặn và giảm tình trạng bạo lực học đường?
Trong nhà trường, người giáo viên phải xử lý các tình huống cho học sinh tâm phục, khẩu phục chứ không phải áp đặt lên các em. Ví dụ về vụ bạo lực học đường tại tỉnh Trà Vinh. Em lớp trưởng yêu cầu một học sinh nữ đi mua đồ ăn, em đó không đi. Lớp trưởng sai đi đánh bạn khác, em đó không đánh. Vì thế, lớp trưởng đã ra lệnh cho một nhóm học sinh đánh em này một cách tàn bạo. Câu chuyện này đã làm rúng động dư luận vì sự tàn bạo trong trường học. Tuy nhiên, nếu chỉ kỷ luật nghiêm, đuổi học, kiểm điểm thì chưa hiệu quả. Lúc này, nhà trường, giáo viên, CMHS và các em học sinh phải ngồi lại, cùng phân tích cho các em nhận ra đúng – sai, để các em tự nhận ra lỗi lầm và có trách nhiệm khắc phục hậu quả do mình gây ra, chứ không thể chạy trốn hoặc nhờ ai đó làm thay mình. Chỉ khi làm cho các em tự ý thức về lỗi lầm, thức tỉnh lương tri, biết ân hận, dằn vặt với lỗi lầm của mình, mong muốn được chuộc lỗi, khi đó giải quyết hậu quả mới cảm thấy nhẹ lòng, giải thoát được “mặc cảm tội lỗi” ... Như vậy thì mới có tác động giáo dục thực sự hiệu quả. Chúng ta phải lấy chính việc làm của em để giáo dục các em. Tôi biết một số giáo viên sử dụng học sinh theo dõi các học sinh khác trong lớp, giống như phương pháp đặc tình trong an ninh. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các học sinh và khi bị phát hiện ra các em sẽ trả thù lẫn nhau.
Trong xã hội cũng như gia đình đình, người lớn cần làm gương. Trước một lỗi lầm nào đó mình gây ra, cần chân thành nhận lỗi, chứ không chối cãi, đồng thời tự bản thân có những hành động khắc phục lỗi lầm mình đã gây ra. Như thế, những người trẻ sẽ noi gương tốt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!