Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÁCH VĂN HỌC Ở NXB THANH HÓA QUA CÁI NHÌN TỔNG QUAN VÀ ĐÁNH GIÁ

Phạm Khang
Thứ sáu ngày 14 tháng 8 năm 2015 10:51 AM
Tỉnh Thanh Hóa tên gọi thân thuộc là xứ Thanh. Là vùng đất được mệnh danh là địa linh nhân kiệt với dòng sông Mã hùng vĩ; là nơi sinh của nhiều vị anh hùng dân tộc, hào kiệt... mà tên tuổi gắn với lịch sử đất nước ta như: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Lai, chúa Trịnh, chúa Nguyễn…Là một phần máu thịt của Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có dân số lớn (chỉ xếp sau Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), lại có đất rộng trải đều trên dải đất có đồng bằng, trung du, miền núi, lại có sông biển nối liền…trong suốt trường kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc ở Thanh Hóa luôn có những đóng góp to lớn góp phần làm nên trang lịch sử vẻ vang của dân tộc. Ở đâu có đất nước, ở đâu có quê hương là ở đó có văn học: văn học truyền miệng và văn học viết. Thanh Hóa với tư cách là một tỉnh lớn của đất nước Việt Nam thống nhất cũng không là một ngoại lệ. Cùng với đất nước, văn học Thanh Hóa đã phát triển đồng thời và liên tục trên dòng chảy của cuộc sống; ở đó nhân vật trung tâm là con người xứ Thanh, là xã hội, thiên nhiên, quê hương, là truyền thống văn hóa đa dạng, là lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh ngoan cường vì nền độc lập dân tộc, vì tự do của quê hương, đất nước.
Nhà xuất bản Thanh Hóa được thành lập vào ngày 18 tháng 02 năm 1978, bối cảnh nước ta đã thống nhất mới được 3 năm (1975). Với nhiệm vụ là Nhà xuất bản tổng hợp địa phương; biên tập và xuất bản sách trong đa dạng để phục vụ quần chúng nhân dân trong tỉnh là chính. Khi ấy, cơ chế quan liêu bao cấp đang thịnh hành, sách xuất bản theo quy chế Nhà nước bỏ tiền in và trả nhuận bút cho tác giả. Cơ chế xếp hàng và xin cho lúc này trong một chừng mực nào đó đã làm giảm tốc độ phát triển của Nhà xuất bản. Số đầu sách biên tập xử lý và xuất bản trong những năm này số lượng rất thấp, nhiều khi không vượt qua được hai con số. Sách sau khi in và phát hành chất lượng rất xấu; in bằng giấy Mục Sơn, giấy đen, giấy trắng gần như không có. Bù lại, người đọc lại đón nhận nó một cách nhiệt tình, say mê nên người viết, người làm xuất bản cũng thấy hạnh phúc, tự hào.
Kể từ năm 1986 đến nay, cơ chế quan liêu bao cấp đã được xóa bỏ, xuất hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì hoạt động xuất bản cũng theo đó có nhiều thay đổi lớn; cả cái được và cái chưa được. Cái được là mỗi công dân đều có quyền công bố tác phẩm của mình, miễn là tác phẩm ấy không có nội dung đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi ngược lại lợi ích, văn hóa của dân tộc. Cái chưa được là xuất hiện ngày càng nhiều những ấn phẩm xuất bản văn học yếu kém; cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, gây nên phản cảm đối với người đọc. Liên kết xã hội, liên kết kinh tế, liên kết các nhóm lợi ích, sự đầu cơ của một số nhóm người với tư cách là người viết…cũng góp một phần không nhỏ tới sự yếu kém của không ít tập sách văn học. Người ta viết sách dưới dạng văn học để tự đánh bóng và mua danh cũng không ít. Đồng tiền luôn có hai mặt của nó. Được hiểu theo nghĩa chân chính là cái đẹp. Được hiểu theo nghĩa xấu là suy đồi và ngụy biện, đánh đổi các giá trị và làm mờ đi cái đẹp truyền thống đạo đức Chân-Thiện-Mỹ.
Thời bao cấp các tác giả văn học (chỉ đề cập ở Thanh Hóa) phải gửi bản thảo đến Nhà xuất bản để xếp hàng chờ đến lượt mình được in. Khi ấy sách được in là một diễm phúc to lớn đối với các nhà thơ, nhà văn. Mỗi năm Nhà xuất bản đấu mối qua sự bình xét của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa (qua các ban Thơ, ban Văn, ban Lý luận Phê bình…) để quyết định xem tác giả nào được xuất bản tác phẩm của họ ở NXB. Rất nhiều (khoảng 70%) các tác giả phải in chung, sách dày thường không quá 200 trang. Ví dụ như tập thơ “Miền đất trong tôi-Ban mai hoa cỏ” của hai nhà thơ Trịnh Ngọc Dự và Đỗ Xuân Thanh; “Lá cỏ” của Đào Phụng và Nguyễn Ngọc Quế…Lúc ấy, có thể nói không ngoa người biên tập là một ông hoàng; tác giả phải săn đón và chạy theo họ. Nhiều khi cái ít chưa phải là cái dở, cái hay chưa phải là cái nhiều là thế chăng? Hoạt động xuất bản trong lĩnh vực sách văn học thời bao cấp quả thật đã có một bức tranh và một thực trạng không thể cưỡng được là thế. Và chúng tôi cho rằng thực trạng này không chỉ xảy ra đối với riêng NXB Thanh Hóa mà đã xảy ra trên phạm vi cả nước.
Nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, chính giai đoạn bao cấp này sách văn học được kiểm định chất lượng về nội dung rất nghiêm ngặt (không muốn nói là khắt khe). Người biên tập văn học và Nhà xuất bản vừa là bà đỡ, vừa là người chấm bài thi cuối cùng cho mỗi quyết định xuất bản văn học. Không phải ngẫu nhiên mà lớp nhà thơ, nhà văn thời hậu chiến, một số đông các cây bút trẻ đã vững vàng đi tiếp con đường văn học mà tác phẩm đầu tay của họ đã được xuất bản giới thiệu với công chúng bạn đọc ở Nhà xuất bản Thanh Hóa giai đoạn bao cấp này. Có thể định danh qua một số tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, như: Nguyễn Duy, Hồ Nguyên Cát, Nguyễn Bao, Nguyễn Biểu, Phạm Hoa, Mai Văn Hai, Trịnh Minh Châu, Huy Trụ, Mai Ngọc Uyển, Lê Tuấn Lộc, Triệu Bôn, Nguyễn Hoa, Bùi Kim Quy, Vũ Thị Khương, Lê Đình Bằng, Đào Phụng, Kiều Vượng, Văn Đắc, Mai Ngọc Thanh, Lê Xuân Giang, Từ Nguyên Tĩnh, Đào Hữu Phương, Trịnh Ngọc Dự, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Nguyễn Minh Khiêm, Hà Thị Cẩm Anh, Nguyễn Cẩm Hương, Lê Thiện Trác, Đỗ Văn Phác, Quế Anh, Nguyễn Ngọc Liễn, Đặng Ái, Vương Anh, Lê Đình Cánh, Phạm Đình Ân, Lê Minh Khuê, Lê Đăng Doanh, Trần Hiệp, Nguyễn Xuân Nha, Phạm Khang, Hải Minh, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thuần Vượng…v.v. Hiện nay, các nhà văn này người còn người mất nhưng vẫn là những cây bút có năng lực sáng tác mạnh mẽ, tác phẩm của họ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc trong tỉnh và cả nước.
Khi cả nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường, việc tiếp nhận các tác phẩm văn học không còn được ưu tiên hàng đầu so với các vấn đề khác. Bởi kinh tế thị trường người ta lao vào làm kinh tế nhiều hơn, dành thời gian cho việc làm ăn, tiếp đãi đối tác…nhiều hơn là đọc sách. Ngay như việc cập nhật thông tin hàng ngày cũng trở nên cấp thiết hơn, và rõ ràng là việc tìm kiếm thông tin thời sự có tính chất thực tế hơn nhiều so với việc dành thời gian rỗi cho việc tiếp cận các tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin intenets cùng các phương tiện nghe nhìn tiện ích khác khiến ngành in báo chao đảo, huống hồ là tạp chí, sách văn học các loại.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây ngành Xuất bản Việt Nam có sự xuất hiện nhiều loại sách văn học yếu kém, kèm theo đó là những bình luận, tâng bốc, khen chê nhau vô tội vạ khiến cho người đọc như có cảm giác là rơi vào ma trận. Theo đó, rõ ràng là đã xuất hiện cái gọi là văn chương nhưng thực ra không phải là văn chương lại được quảng bá khá nhiều; ví như sự xuất hiện khá rầm rộ của những sản phẩm văn học chất lượng cực thấp của các câu lạc bộ văn học, của các tác giả làng nhàng khiến công chúng có vẻ bị bội thực sản phẩm văn học, nghi ngờ và cuối cùng quay lưng lại với nó. Và hiện trạng đó, khiến các sản phẩm văn học đích thực muốn đến với công chúng đã khó lại càng khó khăn gấp bội.
Nhìn thẳng vào tình hình xuất bản văn học ở NXB Thanh Hóa những năm gần đây trong nền kinh tế thị trường chúng tôi nhận thấy: số lượng tác giả bỏ tiền ra in tác phẩm văn học gần như áp đảo số tác giả được xuất bản qua sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, hoặc các tổ chức nghề nghiệp xã hội khác. Đa số các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, có đẳng cấp văn chương đều không thể tự in, họ phải chờ tài trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, của Hội Văn học-Nghệ thuật Thanh Hóa, hoặc của cơ quan, tổ chức đạt hàng tác phẩm văn học. Đây là một thực trạng đáng buồn cho tình hình phát triển văn học ở Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung.
Tuy nhiên, có thể khẳng định, từ khi có nguồn đầu tư kinh phí của Chính phủ, hoạt động của các nhà văn, nhà thơ Thanh Hóa sôi nổi hẳn lên, hệt như được tiếp thêm động lực mới. Riêng ở Thanh Hóa, nguồn động lực ấy đã tạo ra những chuyển đổi theo chiều hướng tích cực cho các tác giả văn học những năm đầu thế kỷ XXI.
Sự chuyển đổi ấy trước hết phải kể đến là sự chuyển đổi về mặt đề tài. Có hai đề tài được các nhà văn quan tâm trong những năm gần đây là đề tài lịch sử và công cuộc đổi mới của đất nước. Về đề tài lịch sử NXB Thanh Hóa đã xuất bản tới 5 trường ca về chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, về Thành Tây Đô, về Lam Kinh, về Hồ Qúy Ly và Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, khởi nghĩa Ba Đình…
Về đề tài mới, ngoài nhiều tập bút ký, phóng sự, tùy bút, truyện ngắn…đã xuất hiện nhiều trường ca, tiểu thuyết đồ sộ đề cập đến những vấn đề đương đại.
Sau đề tài là sự chuyển đổi về mặt thể loại. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm có quy mô lớn, có tầm khái quát cao được coi là trụ cột của nền văn học xứ Thanh như tiểu thuyết, trường ca. Tiểu thuyết, một thể loại ở thế kỷ XX chỉ xuất hiện thưa thớt ở Thanh Hóa, thì những năm đầu thế kỷ này đã trở thành thể loại được hầu hết các cây bút văn xuôi quan tâm, dồn tâm huyết sáng tác. Trong vòng 10 năm trở lại đây NXB Thanh Hóa là nhà tổ chức biên tập và cấp phép xuất bản cho 20 tập tiểu thuyết của các cây bút văn xuôi, gần bằng số tiểu thuyết của nửa thế kỷ trước cộng lại.
Cùng với đề tài và thể loại, về mặt nội dung, văn học Thanh Hóa cũng có sự chuyển đổi đáng kể. Hiện thực đời sống được phản ánh trong các tác phẩm văn học không còn đơn điệu một chiều mà là một hiện thực với tất cả tính đa dạng phức tạp của đời sống, của thời đại; ở đó khát vọng và quyền sống của con người được đề cao, nhiều giá trị mang tính thời đại đã được khẳng định một cách thuyết phục. Chính sự chuyển đổi sâu sắc về nội dung này mà rất nhiều tác phẩm văn học Thanh Hóa (phần nhiều) được xuất bản ở NXB Thanh Hóa được đông đảo bạn đọc đánh giá cao, được nhận giải thưởng ở Trung ương và địa phương. Có thể kể tới “vàng dưới biển xanh” tập ký sự của Nguyễn Văn Đệ, “Góc cội xù xì” tập truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh, “Lối về ánh sáng” tập thơ của Phạm Khang, “Giải mã” tập thơ của Nguyễn Minh Khiêm, “Có một mùa hè” tiểu thuyết của Đặng Ái…Cũng cần nhấn mạnh ở đây là phần lớn các tác phẩm trên đều nhận được nguồn kinh phí tài trợ của Chính phủ, của UBND tỉnh Thanh Hóa, hoặc sách văn học Nhà nước đặt hàng. Được nhận kinh phí tài trợ đồng nghĩa với tác phẩm văn học phải có giá trị cao về nội dung và hình thức, phải vượt qua các cuộc sát hạch gắt gao của Hội đồng thẩm định Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa.
Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn diễn từ nhận giải Nobel của nhà văn Cao Hành Kiện như sau: “ Viết văn biến ra một nghề là kết quả chẳng đẹp gì của phân công trong xã hội hiện đại và đối với nhà văn là trái đủ đầy đắng cay. Nhất là nay giáp mặt với thời đại mà nền kinh tế thị trường không còn có lỗ nào không vào và sách đã thành hàng hóa. Giáp mặt với cái thị trường mù lòa không biên giới, không khe hở kia, khoan nói một nhà văn một mình lẻ loi, ngay các văn xã và phong trào thuộc các trường phái văn học cũng không còn đất đứng. Nhà văn nếu không muốn chịu ép theo áp lực của thị trường, không rơi vào sáng tác sản phẩm văn hóa để thỏa mãn khẩu vị thời thượng, thì không thể không tự tìm đường sống. Văn học chẳng phải là sách bán chạy, hoặc danh sách xếp hạng, và những nhà văn truyền hình là làm quảng cáo chứ không phải viết văn.” (Theo bản dịch của Nguyễn Văn Tiến, Tạp chí Xứ Thanh, số 192, tháng 7, năm 2011).
Phạm Khang