Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932, làm báo từ năm 1957, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng bien tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương... Ông là một cây bút kỳ cựu, có uy tín lớn trong làng báo nước nhà nhiều thập kỷ qua; tác giả của nhiều đầu sách có giá trị. Vừa qua, được tin nhà báo Hữu Thọ qua đời, vào sáng ngày 13/8/2015, nghĩ về ông, xin có đôi lời chia sẻ...
Là một nghề nhạy cảm, có quan hệ tới đông đảo người đọc, người nghe, người xem, góp phần hình thành tâm lý và dư luận xã hội, nghề báo ở nước ta rất cần có những quy ước, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cụ thể. Nhân một lần Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo chuẩn bị việc ban hành "Quy ước và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam", nhà báo Hữu Thọ có một tham luận đáng chú ý, bàn về sự trung thực trong đạo đức người làm báo hiện nay.
Hữu Thọ có đủ sự từng trải, học vấn, uy tín, trách nhiệm để bàn luận rộng và sâu về vấn đề cốt tử này. Theo ông, nội dung cơ bản của lòng trung thực là tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng chân lý trong các quan hệ xã hội. Ở mọi thời, phẩm chất trung thực luôn gắn liền với lòng dũng cảm, tính ngay thẳng, nhờ đó con người xây dựng được sự tin cậy- một trong những nội dung cốt lõi của các mối quan hệ xã hội. Và, đó cũng là điều mọi nhà báo mong muốn.
Xung quanh đức tính trung thực của người làm báo, nhà báo Hữu Thọ đi sâu vào 4 khía cạnh cụ thể, giải đáp những "mắc mớ" của anh chị em cầm bút, của những tờ báo, tạp chí khi họ hành nghề. Đầu tiên, sự tin cậy của công chúng là lẽ sống còn của mỗi nhà báo, mỗi cơ quan ngôn luận. Vì lẽ đó, rèn luyện đức trung thực trở thành lương tâm, trách nhiệm, để chiếm lĩnh lòng tin cậy của công chúng. Thứ hai, tiêu chuẩn và nội dung cơ bản của sự trung thực mỗi ngòi bút, để đạt tới độ tin cậy nói trên là gì, nếu không phải là thái độ tôn trọng sự thực? Trong việc thông tin sự thực, Đảng ta chỉ rõ: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật, và nói rõ sự thật". Cả ba khâu này liên quan với nhau, và đều khó, mà khó nhất là khâu đánh giá sự thật. Theo nhà báo Hữu Thọ, nói khó vì còn phụ thuộc vào các yếu tố, là sự hiểu biết, thái độ nghiêm túc, thận trọng, và công tâm. Ông bộc bạch: "Tôi có thể chấp nhận một bài báo có sai sót vì sự thiếu hiểu biết, thận trọng, nhưng họ là người quý trọng cái nghề của mình; tuy vậy tôi không bao giờ chấp nhận một ngòi bút có dụng ý không chính đáng, một ngòi bút ác!". Thứ ba, trong cơ chế thị trường, nơi "mọi thứ đều có thể mua được, kể cả lương tâm" thì bên cạnh số đông nhà báo một niềm hướng về nhân dân, về sự thật, "mình không bán làm sao có người mua", vẫn còn một bộ phận vì nhận được "lộc" (to hay nhỏ), mà viết theo lối quảng cáo không đúng cho một cái gì đó, vu cáo để bôi nhọ một ai đó, hoặc bào chữa cho một tội phạm nào đó.... Bài báo của họ cũng có thể được đọc, được xem, được nghe nhưng trước sau công chúng sẽ dành cho họ một thái độ thiếu tôn trọng, thiếu tin cậy và thiếu mến mộ cần thiết! Cuối cùng, nhà báo Hữu Thọ bàn đến cái "sai" khó tránh khỏi, cả ở ngoài đời và trong nghề báo, có điều là theo ông, đã sai thì phải cải chính đàng hoàng, vừa đúng theo luật định vừa phù hợp với đạo đức nghề báo. Mình đã sai mà cố tình làm ngơ, còn cửa quyền cố chấp, biết sai mà không cải chính, xin lỗi (hoặc xin lỗi qua quýt, chiếu lệ)... đều là những biểu hiện thiếu trung thực của nhà báo, nghề báo.
Có thể nói, khi bàn tới sự trung thực trong đạo đức người làm báo cách mạng, nhà báo Hữu Thọ bao giờ cũng nặng trách nhiệm với nghề, giữ uy tín cho nghề, dám đi vào những nội dung thiết cốt nhất, với lối tư duy rành mạch, giản dị, thấu đáo, chân thành, giàu giá trị gợi mở đối với nhiều thế hệ nhà báo cách mạng, nhất là các nhà báo trẻ. Trong bài viết, trò chuyện, Hữu Thọ không bao giờ "lên mặt dạy đời" kiểu như: "Chân mình thì lấm mê mê/ Lại cầm bó đuốc mà rê chân người". Một lần, ông phát biểu, đại ý làm cái nghề báo này, Mắt phải sáng, Lòng phải trong, Bút phải sắc thì mới nên nghề! Đúng vậy, nếu đạo đức của người làm báo thiếu đi phẩm chất trung thực, thì liệu con mắt, tấm lòng, và ngòi bút của họ dù có nhìn đi đâu, yêu ghét thế nào, viết điều gì cũng khó mà thuyết phục và trở nên có ích với một công chúng phong phú, đa dạng, dân chủ và dân trí cao như hôm nay!
Nhà báo NGUYỄN VĂN HÙNG
(44.Nguyễn Gia Thiều.Hưng Dũng.TPVinh.Nghệ An)