Ngày 17/8/ 2015, Tại Hà Nội, Bộ GTVT và Hội Nhà văn VN trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc nhất viết về GTVT nhân 70 năm ngành GTVT VN. Đây là cuộc vận động viết về GTVT lớn nhất từ trước tới nay. Tập thơ Người đi đã trở về của Nhà thơ Lê Tuấn Lộc được xếp giải nhì, không có giải nhất. Xin giới thiệu một số bài và đoạn thơ trong tập thơ trên.
NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở HẬU PHƯƠNG ĐỘC THOẠI
Khoảng lặng mong manh chiến tranh
Mong manh những người đàn bà có chồng ra trận
Ngày trực chiến
Không buồn, không nhớ nhung lưu luyến
Đêm như tòa thiên nhiên
Khát khao
Uốn cong cả bầu trời
Nhớ chồng xa căng như dây đàn
Ôm gối khóc rưng rức
Tiếng xé vải rách màn đêm hoang dại
Nén mình, nén đam mê, chống chọi
Nhưng càng nén ham muốn càng tăng
Muốn rú lên man rợ
Tuổi xuân nõn nà
Muốn chồng, muốn đàn ông, muốn làm vợ…
Đành nén lòng
Chật chội cả thiên nhiên
Đừng chạm vào da em trắng ngần – Kíp nổ
Sẽ bùng lên, lóe sáng, khỏa thân đêm
Khoảng lặng trong chiến tranh, đau hơn sau chiến tranh
Đau đớn lặng, dai dẳng hơn đau đớn!
NÚT GIAO HUẾ
Ngã ba Huế
Một thời không chiến tranh mà bi thương(*)
Một thời như máu đổ
Ngã ba Huế hay nút giao Huế
Nút giao lập thể
Những vòng xuyến ba tầng lạ hoắc
Ba tầng đường, bay lên không giao nhau
Ngã ba Huế
Đường biến thành cầu
Cầu biến thành đường
Ngã ba anh chồng lên ngã ba em
Như chồng lên mà không chồng lên
Muốn ôm không ôm được
Anh và em
Hai nút giao khác mức
Như hai đường đồng mức
Dù đi cùng đường
Nhưng mãi mãi xa nhau
Cho dù đan chéo qua nhau
Nhớ nhau không hôn được
Ngã Ba Huế
Ngã ba đan nhau mà không giao nhau
Ngã ba như cầu
Nhưng không qua sông
Ngã ba như đường
Nhưng không đồng cấp
Ta đi trong nhau
Như trườn lên nhau mà không chạm nhau
Lướt qua nhau chóng mặt
Ta nhìn thấy mặt đất
Mà hai ta gặp gỡ ở vô cùng
Ngã ba như vòng xuyến
Quyến luyến
Ta đi rồi
Nhớ nhau lại vòng xuyến đan nhau
Rồi đưa nhau qua cầu
Mắt nhớ mắt, vô lăng vòng trở lại
Ngã ba chồng lên ngã ba
Cho anh lượn vòng lên em
Anh trên em dưới
Rồi vòng sau em lại dưới, anh trên
Ta đan nhau như nứa đan phên
Khi mãn nguyện,
Tay lái anh nhẹ nhàng, thanh thản vi vu yên bình trên đường cao tốc về lại vịnh Đà Nẵng xanh trong bao la...
Khi mãn nguyện, em chia tay anh, cho dù nhớ nút giao, em trở lại Huế xưa trầm tư trong hoàng thành thần kinh cổ kính,
Nghe sóng reo nhè nhẹ, biển Lăng Cô mơ mộng êm đềm
BAY TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC NỘI BÀI-LÀO CAI
Những vạch trắng song song dẫn ta lên Lào Cai
Về Hải Phòng
Ngược Thái Nguyên
Xuôi về phương Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Xa tít tắp
Không chợ búa
Không dòng người tấp nập
Vi vu, vi vu như chốn không người
Ta như bay lên trời
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi !(*)
Nghiêng nghiêng đường, như vút lên trời cao
Lưỡi kiếm khổng lồ chọc về đâu
tinh tú trăng sao
Trước mặt nắng vàng, mây trắng
Nhẹ nhàng vi vu song song vạch trắng
Cầu vượt sông Lô như bay trung du
Đường cao tốc như đường băng sân bay
Vút lên, vạch ngang trời thẳng tắp
Ga đầu là sân bay Nội Bài
Ga cuối, sau Lào Cai chưa biết
Những đường dẫn, đường gom, vòng xuyến…
Vẽ lên trập trùng những nét cong song song
Những mây trời soi bóng những dòng sông
Loang loáng bay, trập trùng non nước
Ngon như ta uống được
Những nút giao chữ thập khổng lồ,
Đan chéo qua đại ngàn xanh thẳm
Biên cương xanh lơ
Xưa như xa lắm
Giờ trong lòng bàn tay
Sáng đi, trưa đến ngay
Anh và em như hai đường song song
Không tiệm cận
Ra đi không giới hạn
Giao nhau ở vô cùng
Em có lên Ngân Hà tắm với anh không ?
Đường tàu xưa, Hà Nội – Hải Phòng
Trên không trung sân ga Hải Phòng
Lồng lộng biển đề:
16-6-1902
Ta hiểu
Đó là ngày khánh thành
Tiếng còi tàu khản đặc sớm chia tay
Xình xịch gõ
Đường ray rên chói óc
Đoàn tàu chợ rời ga khó nhọc
Vòng tua như ốm thở phì phò
Đã qua thời xa vắng
Long Biên, Gia Lâm, Lạc Đạo, Hải Dương…
Như mới mà xưa cũ
Cẩm Giàng ga , ta vườn xưa Thạch Lam
Những năm xưa
Nhớ Phòng ta ra đi
Bánh chưng đất?
Nỗi buồn se sắt
Đêm đợi tàu buồn tênh tất bật
Bành gai Ninh Giang nhớ ngọt tận giờ
Bánh đậu xanh là Thơ
Những năm đói
Không bánh
Thơ không có
Ta đợi tàu, màu tường ga ố vàng
Đói thì đói, hương tóc thơm hoa bưởi
kéo níu tôi lên tàu
Em đợi tôi chiều ga Lạc Đạo
Thời sinh viên láo nháo
Yêu thầm nhớ vụng đến vu vơ
Nếu không đường xưa Hà Nội về Phòng
Mối tình đầu ngây thơ ta đâu có
Tuổi thơ như nhung lụa
Phòng ơi, ta già rồi
Người đợi ga vẫn trẻ
Nhớ Phòng như cớ để đi thôi.
Thôi nhé, Phòng ơi, tạm biệt tuổi thơ
Cầu phao Phú Lương không còn nữa
Đoàn tàu bồng bềnh,
Chiều bom đỏ lửa…
Người đi, trăng dọi sáng bên trời.
NHỮNG CÁNH THƯ KHÔNG TEM BAY TRÊN SÂN GA
Những chuyến tàu quân sự tốc hành
Ga Bắc Giang
Đêm đánh Mỹ không ngủ
Bình minh, những phong thư không tem
Bay đầy ga Bắc Giang
Những người lính viết vội
Chiến trường đang giục
Ai nhặt những phong thư
Dán tem
Thư về đúng địa chỉ
Có thể là lá thư cuối cùng
Có thể ....
Ai tình nguyện đưa thư ?
Những chuyến tàu quân sự tốc hành
Ga Thanh Hóa
Những cánh thư bay ra từ cửa sổ con tàu
Hạ cánh trên sân ga
Không tem
Không địa chỉ người gửi
Tái bút : Hẹn gặp ngày thống nhất !
Ai tình nguyện đưa thư ?
Những chuyến tàu quân sự tốc hành
Trôi qua mùa lúa chín Quỳnh Lưu
Những phong thư không tem
Bay đầy trên lúa vàng
Người gửi : Trên đường ra mặt trận
Ai tình nguyện đưa thư ?
40 năm, những phong thư ố vàng
Ai tình nguyện đưa thư ?
LIỆT SĨ ĐƯỜNG 20 VỀ THĂM QUÊ
Liệt sĩ đường 20
Tự nhiên sống lại
Điều đầu tiên anh nghĩ
Phải tìm đường về quê
Đi dọc đường Trường Sơn
Đường mòn thành đại lộ
Xe bay vút lên trời
Không ai đeo súng cả
Về quê còn lạ hơn
Bố mẹ mất lâu rồi
Vợ đi lấy chồng khác
Con mình có chắt rồi
Tên làng thành tên phố
Tên phố mang tên mình
Đường làng toàn rải nhựa
Nghĩa trang toàn bê tông
Thắp hương trước mộ mình
Gặp lại toàn bạn cũ
Mấy thằng cùng nhập ngũ
Ngày hy sinh ghi sai
Hỏi thăm về nhà mình
Ngõ xưa đi lối khác
Một cụ già tóc bạc
Ngỡ ngàng: Cháu hỏi ai
Thì ra vợ đã già
Mình vẫn 25 tuổi.
NHỮNG NGƯỜI RA ĐI
Những người ra đi đều đã trở về!
Đôi mắt họ ánh lên niềm ân hận
Giá lúc ấy lái xe chậm chậm...
Giá đừng máu ăn thua...
Những người ra đi đều đã trở về!
Đôi mắt họ ánh lên niềm nuối tiếc
Giá lúc ấy đừng lách...
Những người ra đi đều đã trở về!
Mặt nóng bừng vì rượu
Tết gặp lại
Phi tửu bất thành lễ
Và rồi
Cái gì tất yếu sẽ xảy ra
Những người ra đi đều đã trở về!
Không thiếu một ai
Đôi mắt họ ánh lên niềm trách móc
Họ kêu, giá đường thêm barie
Tai nạn đường tàu sẽ không xảy ra...
Những người ra đi đều đã trở về
Thôi thúc người đang sống
Làm sao?
Làm gì?
Câu hỏi không bỏ ngỏ
Cho dù việc rất nhiều còn đó
Đi là sẽ đến
Cuộc chiến giao thông vẫn còn tiếp diễn!
Xưa ơi! Ga Hàng Cỏ
Năm 1902, ga Hàng Cỏ khánh thành
Năm đó cầu Long Biên xuất hiện
Trăm năm ga Hàng Cỏ thành ga cổ
Trong Nghìn năm Hà Nội cổ kinh thành
Bây giờ
Phố Hàng Cỏ biến thành Trần Hưng Đạo
Ga Hàng Cỏ thành Ga Hà Nội
Ngày xưa ai gọi ga Hàng Cỏ
Hý vang đàn ngựa phi qua rừng
Nơi bán cỏ bây giờ không có cỏ
Tiếng còi tàu vọng nỗi xa xăm
Xưa ơi! Hãy là ga Hàng Cỏ
Cho ta ngọt ngào buồn , cho ta vợi nhớ
Bạn bè cùng trang lứa
Hà Nội thanh bình xưa
Nếu cho sống, Paul Doumer(*) (*)về lại
Ga xưa, Hàng Cỏ khác xưa rồi
Đông Dương ấy, toàn quyền lúc ấy
Bây giờ, tam quốc đã chia ba
Bây giờ Hà Nội ga
Bảng giờ tàu nhấp nháy
Những tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ…
Vé đây, vé đây
Đêm nay tàu nhanh
Nha Trang khứ hồi
Nào đâu ga Hàng Cỏ xưa ơi
Chen chúc lên toa, vẫy tay qua cửa sổ
Màu áo xanh thương nhớ
Lá ngụy trang rung rinh cuối trời
Xưa ơi! Khúc bi tráng Ga Gôi
Nhớ nhung gì ta qua Nam Định
Câu thơ từ ấy đã xa rồi
Ai ru con xa vắng cuối trời
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về”(*)
Nam Định
Em về đâu
Tấm lụa xanh bay ngang trời
Tàu chợ
Trẻ con khóc như xé lụa
Xuống tàu
Anh khóa xuôi đâu
Nếu không có Nam Định
Không có ga Gôi
Không có những đoàn tàu quân sự
Tháng 8, ngày 20, Mỹ không ném bom
Không có khúc bi tráng năm 1966
Xưa ơi! Ga Gôi
Khúc bi tráng xa rồi
Nam Định không còn bom rơi đạn lạc
Dư âm thời trận mạc
Vẫn còn trong máu cháu con ta
Chân tay không tàn tật
Nhưng thần kinh tàn tật nhiều đời
Vẫn buồn, ga xép của ta ơi!
Đường tàu xưa, Hà nội – Lạng Sơn
Ga Đồng Đăng
Bảng điện tử đề cao lồng lộng
Mũi tên Bên kia ga Bằng Tường
Rồi mai
Phủ Lạng Thương ra đi
Lúc phân kỳ
Mưa gió đưa ta về Xứ Lạng
Sông Kỳ Cùng
Chợ Kỳ Lừa… vừa xưa vừa mới
Ải Chi Lăng còn mãi
Chợ Đông Kinh thì vẫn Lạng Sơn này
Những con tàu dừng tạm ga nào đây
Những ga xép
Đói ăn, bụng lép
Tuềnh tàng ai đứng đợi tàu ai
Xứ Lạng xẩm ai, nhị tỉ tê trên tàu
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh…”
Lên toa đi
Ai Chũ, Lục Nam, Phủ Lạng Thương, Xương Giang…
Những ga cũ nhớ một thời máu đổ
Một thời có mà như không có
Tay nải
Khăn thâm
Ai lên ải Nam Quan
Gạt lệ ai trở lại
Ai nhớ ai
Nợ nước thù nhà
Một nghìn năm chưa xa
Hồn lạc phách
Buồn tênh về lại Phủ Lạng Thương
Hữu Nghị Quan
Chứng kiến những con tàu ngược chiều
Màu áo trắng lên toa về phương Bắc
Điểm đến Bắc Kinh, Mátscơva, Beclanh, Praha …
Ai đi học mai tái thiết đất nước
Bịn rịn như khóc được
Trời châu Âu tuyết trắng mấy ngàn lau
Ai súng khoác trên vai
Màu áo xanh, toa quân trang niêm phong
Hướng về phương Nam
Tiếng còi thúc như chiến trường đang giục
Ngược Bắc xuôi Nam, tất cả lên đường
Bây giờ ai Bằng Tường
Ga lừa lọc, bán buôn tấp nập…
Gái bán hoa dở cười dở khóc
Đi cùng trời cuối đất
Đâu bằng uống bạn Phủ Lạng Thương
Khoảng lặng thuyền nan
Sông xa biển xa, một thuyền hai ta
Đôi từng đôi nam nữ
Khi hiểm nguy sông nước
Khi tắt lửa tối đèn
Đôi từng đôi sẽ thành đôi thành đôi
Đời có hay có dở
Những con thuyền nan xứ Thanh
Chòng chành vượt biển
Ngày ra đi hy vọng rồi sẽ đến
Bến bờ xa phương Nam
Đôi từng đôi sung mãn
Anh gặp em như diều gặp gió
Những đêm trăng
Trắng muốt nõn nà
Ta với ta
Phút thần tiên bất chợt trên thuyền
Những vụng trộm hoang sơ
Tròn xoe như quả bóng căng lên
Dở khóc dở cười, những con thuyền nan
***
Chiến tranh có bao giờ lãng mạn
Hay con người làm lãng mạn chiến tranh?
Đội thuyền nan cảm tử xứ Thanh
Sử chép một thời điểm đặc biệt
(8 giờ tối ngày 1/11/1968)
Phát lệnh chiến dịch vận tải
Đoàn thuyền nan xứ Thanh ra đi
Mật danh VT5
Đêm khu Bốn đỏ trời lửa cháy
Đỏ trời bom Mỹ nổ
Bắt đầu từ Cửa Hội
Xuôi về cảng Nhật Lệ
Lênh đênh hiểm nguy
Mong manh sống sót
Người đi cứ vơi dần
Người về gửi đáy biển
Thuyền nan !
400 thuyền nan xứ Thanh trên đất Quảng Bình
Giao hàng xong không còn ai trở lại
Hồn thiêng trong nhà thờ Tam Tòa
( Những dân công trú bom
Chúa không che chở nổi
Ngậm ngùi cho bom Mỹ mang đi).
Nỗi buồn Đồng Hới
Chuông gióng lên ai oán
Chuông nguyện hồn ai không về lại Xứ Thanh!
Ra đi từ Nga Sơn
Chuyến hàng đặc biệt
Toàn chiếu
Không phải cho lính nằm
Vào chiến trường
Bó chiếu!
Chiến trường
Chiếu còn không đủ
Bó TĂNG !
Thuyền nan xứ Thanh
Nhật Lệ lên Kiến Giang…
Chuyện kể thành giai thoại
Kênh nhà Lê huyền thoại
Kênh nhà Lê huyền thoại đã nghìn năm
Theo thuyền nan đánh Mỹ
Những đoàn thuyền nan theo sông Lê ra đi
Mật danh Ban KT66
Hướng Nam tiến
Mỹ phát hiện ném bom
1100 TNXP xứ Thanh nằm lại đây mãi mãi
Bây giờ kênh nhà Lê còn lại
Người hóa về đâu sông nước loãng mây trời!
Nghìn năm kênh cũ, nhà Lê cổ
Nỗi đau còn mãi đến bao giờ?
GHINET CẦU THĂNG LONG
Chứng nhân
Sông Hồng – Chứng nhân lịch sử, truyền thuyết tâm linh
Đâu Giang thần sông Lô, Thủy thần sông Đà, đâu Hà bá sông Thao
Nơi Thánh Tản phán truyền tụt núi thành sông
Tụ khí Thăng Long.
Sông Hồng – Nơi phát tích truyền thuyết Mỵ Nương
Trận đánh ghen lưu truyền Sơn Tinh Thủy Tinh gây sóng tình kinh khủng, động trời rung đất, để lại muôn đời những đại hồng thủy đau thương,
Nơi tích tụ những địa linh nhân kiệt, nhưng còn lại những lời nguyền buồn đau dưới đáy sông sâu.
Bao huyền bí chỉ thủy thần mới biết.
Nghe dào dạt Phà Chèm
Cầu Chèm
Hồng Hà Đại Kiều...
Và một ngày: Hoành tráng cầu Thăng Long
Người đặt tên: Trường Chinh
Khởi công: 26-11-1974
Sinh nhật: 9-5-1985
Cầu Thăng Long
Sau tiếng pháo chào mừng giòn giã rồi im ắng
Sau làn khói pháo hoa khánh thành tan đi,
Băng cờ xanh đỏ gỡ
Còn lại buồn 5 năm hiu quạnh
Năm năm buồn lưa thưa xe qua
Lỉnh kỉnh một thời thúng mủng, xe đạp, xe bò, honda bãi rác…
Lẽo đẽo một thời mơ ăn đủ no
Thoáng nhìn như cầu Trường Giang mà không phải cầu Trường Giang
Cầu Hữu Nghị Việt - Xô
11 năm cây cầu dàn thép
11 năm, lớp thợ cầu anh hùng
Hơn 10 năm từ ngày khởi công
Con đã vào lớp 5
Cầu vẫn chưa xong
Bây giờ hỏi, sao xây lâu thế nhỉ?
Tấm ảnh khánh thành cầu Thăng Long vẫn còn
Người cắt băng đã mất
Phạm Văn Đồng đứng giữa nổi bật nhất
Tên Liên Xô chỉ còn trong kỷ vật
Cầu hữu nghị Việt - Xô vẫn còn
Nước Nga thì vẫn còn
Cho dù Liên Xô biến mất
Ghinet cầu Thăng Long
Cây cầu nhớ một thời bao cấp
Ký ức một thời đẹp nhất Việt Nam
Đẹp nhất thế kỷ 20
Đẹp nhất Đông Nam Á
Cây cầu dài nhất Việt Nam của thế kỷ 20
Dư âm
Những thợ trẻ cầu Thăng Long
Bức thư gửi thế hệ mai sau
Chưa bóc
Bí ẩn vẫn là điều bí ẩn
Những thợ cầu Thăng Long
Nhiều người đã tóc bạc
Những ai hóa tro đều đã trở về
Ai thừa nhận, ai không thừa nhận
Cây cầu vẫn tầm nhìn thế kỷ.
Những phương án đặt Hồng Hà Đại Kiều năm ấy
Bây giờ đã thành cầu Nhật Tân, Cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì.
Xin vái lạy những người đi trước
Tầm nhìn thế kỷ
Cho dù 5 năm xe qua lưa thưa.
Những thợ cầu Thăng Long
Cái không có bây giờ đã có
Bình thường như cỏ
Mong manh như mây
Vun vút xe bay
Không biển đề phong danh ai
Thế kỷ 20, lớp thợ cầu anh hùng
Bạn thử chạm lên thành cầu Thăng Long
Giai điệu Chiều Matxcơva ngân lên
Cầu Hữu nghị Việt- Xô
CÂY CẦU ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI
Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân …
( Tản Đà)
Cây cầu xưa mềm eo lưng con gái
Ưỡn cong lên gối tựa đôi bờ
Cầu vồng giữa sông xanh, núi Ngọc
Đa tình níu chân ai qua sông
1947, mùa Đông
Báo Pháp đưa tin buồn
Cây cầu đẹp nhất Đông Dương đã sập
Ta Đau lòng! Không có cách nào hơn.
Nóng bỏng 50 năm về trước, 1965
Hàm Rồng !
Cây cầu đắt nhất thế giới !
Giá cộng thêm 94 máy bay phản lực,
Nếu cần xây nghĩa trang tàu bay
Mỹ nên chọn thuê đất Việt Nam
Việt Nam - Nơi nghĩa trang tàu bay ghinet thế giới
3500 chiếc ! Có thể hơn ?
Một giá thuê nghĩa trang vĩnh cửu
Nếu cần xây nghĩa trang phản lực
Mỹ nên chọn Xứ Thanh
Và Xứ Thanh, hãy chọn Hàm Rồng - Núi Ngọc
Nghĩa trang phản lực ghinet Việt Nam
Những dân quân gái Nam Ngạn anh hùng
Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng...
Những tên tuổi làm nên lịch sử
Những đôi vai gánh cả trăm cân
Gánh sức nặng chiến tranh
Bay lên những điệu hò sông Mã
Những năm 65
Tất cả Hàm Rồng đều là ngòi nổ
Chạm nhẹ, phá tung bất cứ lúc nào!
Hàm Rồng !
Đã thêm cầu Hoàng Long
Thêm cầu Nguyệt Viên
Sông Mã mộng mơ đi từ câu ca đồng quê rau má
Sông Mã, cầu thơ lung linh đêm
Hàm Rồng !
Cây cầu xây lại nhiều lần nhất thế giới
Càng xây lại càng mang nhiều tên mới
Ghinet Hàm Rồng – cầu đắt nhất thế giới
Nhiều người anh hùng vì cầu Hàm Rồng
HỌ LÀ THANH NIÊN XUNG PHONG
Chuyện có thật và còn hơn thật
Chết lâu rồi mới khen
Hồn có không mà niệm
Xương cốt giờ nơi đâu
Những linh hồn khuất lấp của ta ơi !
Mùa Xuân 2015
Bao nhiêu TNXP làm đơn xin trợ cấp ?
Bao người chờ đã bạc tóc rồi?
Bao người không chờ gì cả?
Bao người ngồi gõ mõ chùa xa ?
Trong bao người chưa chồng
Đã bao người xuống tóc?
Bao người hành khất âm ty ?
Bao người có con mà không chồng?
Bao người có chồng mà vô sinh?
Chưa ai kể những Thanh niên xung phong ga Gôi
Bom Mỹ đánh 1966
Hàng chiến trường bốc cháy
Như dũng sĩ
Họ xông vào dập lửa
Không ai chết bom
Không ai chết cháy
Hôm sau
23 người chết, 256 người ngộ độc
Nhiều hơn cả Đồng Lộc
Hóa chất chiến tranh không chối từ ai
Ai còn nhớ
Bom Mỹ đánh nhà thờ Tam Tòa bên sông Nhật Lệ.
1100 thanh niên xung phong Thanh Hóa hy sinh
Còn hơn Ngã ba Đồng Lộc
Bao người chưa có bia ?
Thời gian xóa nhòa, xây bia ở đâu
Hàng nghìn sinh viên và TNXP đi chiến trường Hàm Rồng sông Mã
Bom dội, chết không kịp chôn
Khùng khiếp hơn Ngã ba Đồng Lộc…
Ai bị lãng quên?
Những người bị lãng quên là không ai nhắc đến họ
Nếu ta nhắc đến họ thì họ vẫn sống
Không ai bị lãng quên!
***
Những người ra đi đều đã trở về
Họ không nói, chỉ xếp hàng im lặng!...
ĐÔI BỒ TIẾP VẬN, ĐÃ AI ĐƯỢC KHEN ?
Những bài ca tiếp vận thời Điện Biên
Chỉ còn trong sách vở
Những đầu bạc U85 Điện Biên
Nhiều người đã nhòa cùng mây trắng
Thành lau ngàn xào xạc hoang vu
Những đôi bồ tiếp vận
Những dân công đang được lập danh sách
Bao giờ được khen?
Có thể những lời khen cũng lặng im về đất
Ôi lịch sử, 2015
Những khuất lấp vẫn còn khuất lấp.
Những dân công Điện Biên năm xưa đã trở về
Xếp hàng lặng lẽ bên nhau
Lau trắng vẫn bạc cả ngàn lau.