Sau kì thi THPT quốc gia, đề thi môn Ngữ văn là một trong những vấn đề được dự luận quan tâm, bàn luận nhiều nhất. Nhiều ý kiến phân tích, nhận xét, đánh giá đề thi được đưa ra từ những chuyên gia, những thầy cô giáo dạy văn trên toàn quốc. Lời khen nhiều mà lời chê cũng không ít. Chuyện khen hay chê, theo chúng tôi là lẽ thường tình đối với một đề thi quan trọng mang tầm quốc gia. Bộ Giáo dục cần phải lắng nghe tất cả mọi góp ý, đặc biệt là những ý kiến phản biện, lấy đó làm kinh nghiệm nhằm tránh sai sót trong đề thi năm sau. Tuy nhiên, khen hay chê, đồng tình hay phản đối thiết nghĩ phải xuất phát từ việc phân tích đề thi một cách khoa học, khách quan để đưa ra những nhận định chính xác, hợp lí tránh một cái nhìn chủ quan, định kiến. Sự phán xét tùy tiện, vô căn cứ tuyệt đối không phải là cách làm của một nhà khoa học.
Thế nhưng, cái tinh thần khách quan, khoa học ấy dường như không được tuân thủ trong bài báo “Tâm và tầm người ra đề thi Ngữ văn” của tác giả Nguyễn Văn Lự đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/7/2015 (Link: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tam-va-tam-nguoi-ra-de-Ngu-van-post160045.gd). Mục đích của tác giả bài báo là ca ngợi đề thi Ngữ văn, khẳng định “Theo chủ quan, tôi nghĩ đề thi Ngữ văn năm 2015 đã đạt được cái tâm và tầm của đề thi THPT Quốc gia, làm vừa lòng học trò và nhân dân” (Báo đã dẫn). Lẽ ra, để đưa ra một nhận định như vậy, tác giả phải xuất phát từ việc phân tích đề văn một cách kĩ lưỡng, đưa ra những minh chứng khoa học để chứng tỏ đề văn “đạt được cái tâm và tầm” ra sao? “ làm vừa lòng học trò và nhân dân” như thế nào? Đằng này, tác giả hầu như chẳng chú ý gì đến nội dung đề văn, tùy tiện đưa ra những nhận định chủ quan, thiếu căn cứ với một cách lập luận lộn xộn, thiếu logic, nhiều chỗ chẳng ăn nhập gì với nhau. Xin trao đổi với tác giả Nguyễn Văn Lự mấy điểm mà chúng tôi cho là không ổn trong bài báo này.
Trong bài báo, tác giả Nguyễn Văn Lự kể một cách tỉ mỉ, chi tiết quy trình làm đề thi từ chỗ chọn người, cách li, biên soạn, chỉnh lí, phê duyệt, bảo mật… Chúng tôi thật không thể hiểu tác giả kể ra những chuyện này để làm? Bởi lẽ quy trình soạn và bảo mật đề thi là quy định của Bộ GD, ai được chọn ra đề cũng phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Điều này chẳng liên quan gì đến chuyện tâm và tầm của người ra đề cả.
Nói về cái tầm của người làm đề thi, tác giả Nguyễn Văn Lự cho rằng “Người làm đề thi Ngữ văn phải trăn trở lâu lắm, đắn đo cân nhắc nhiều lắm mới chọn được đề thi vừa ý. Đề thi không phải là sự xào xáo, chế biến như nhiều người tưởng” (Báo đã dẫn). Thiết nghĩ đây là suy diễn chủ quan của tác giả chứ chẳng có ai tưởng như thế cả. Gánh trọng trách ra một đề thi mang tầm quốc gia dành cho học sinh toàn quốc ai dám không đắn đo, cân nhắc; ai dám xào xáo, chế biến. Tác giả còn khẳng định “Môn Ngữ văn hầu như không còn sự cố mấy năm nay” (Báo đã dẫn). Sự cố mấy năm nay là sự cố nào? Tác giả đã tiến hành phân tích, đối chiếu chưa mà dám khẳng định như vậy.
Tác giả Nguyễn Văn Lự cho rằng “Tầm của người chuyên nghiệp làm đề luôn chuẩn về kiến thức trọng tâm, tường minh về ngữ nghĩa, vấn đề mới và hay, hấp dẫn và gợi tình huống bàn luận” (Báo đã dẫn). Vậy mà ngay sau đó ông lại khẳng định “Chọn vấn đề mới và lạ, liệu rằng, thí sinh sẽ viết theo trí tưởng tượng bay bổng đến nơi nào? (đa số không đọc tác phẩm, không học và không viết văn).”, “Đề văn mở, ngay cả học sinh giỏi văn chưa chắc hiểu đúng và trúng, chưa chắc diễn đạt cho được và hay nội dung vấn đề kiến giải”. (Báo đã dẫn). Như vậy có phải là ông mâu thuẫn với chính ông?
Khi muốn nhận định rằng đề văn có tầm, lẽ ra cần phân tích đề văn, đưa ra những căn cứ xác đáng. Vậy mà ông Nguyễn Văn Lự chẳng chú ý gì đến nội dung đề, cứ thế mà phán theo suy nghĩ chủ quan của mình, nào là “Tôi không tin năm nay đề thi dễ chút nào”, “Tôi không tin năm nay đề thi dài, khó hiểu, vòng vo”… (Báo đã dẫn). Đề dễ hay không dễ, dài hay không dài, vòng vo hay không vòng vo thì đã rành rành trong đề thi đấy, ông tin hay không tin thì có ý nghĩa gì.
Để ca ngợi đề thi, tác giả Nguyễn Văn Lự còn cho rằng “Cái tầm tri thức thể hiện qua đề thi không phải ai cũng nhận ra cho nên sau thi thường có dư luận trái chiều theo góc nhìn khác nhau” (Báo đã dẫn). Có lẽ ý ông muốn nói là đề thi có cái tầm tri thức cao quá, phải là bậc cao siêu mới nhận ra chứ những người thường thường thì không đủ trình độ để hiểu. Xin thưa với ông Nguyễn Văn Lự rằng đề thi cao siêu đến đâu chúng tôi không được biết nhưng chúng tôi có thể chỉ cho ông thấy những lỗi quá ngô nghê của đề văn mà ngay một học sinh trình độ bình thường nhất cũng có thể nhận ra. Chẳng hạn văn bản trích từ “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” được đưa vào làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu là một văn bản mắc lỗi logic trong câu “Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm”(Trích đề thi). “Sự xuống cấp nghiêm trọng về bệnh vô cảm” là điều tốt chứ sao lại là nguồn gốc của bạo lực. Hay câu Nghị luận văn học ra một đoạn trích nhỏ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích đó. Bên dưới lại yêu cầu bình luận về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu nhưng không phải trong đoạn trích trên mà trong toàn bộ tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. (Điều này đã được phân tích kĩ trong nhiều bài báo, mời xem thêm bài Đề thi, đáp án môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia: Thầy không làm được, bắt trò làm của tác giả Quang Ái, Quang Đại trên http://laodong.com.vn và bài Phần Đọc – hiểu trong đề thi Ngữ văn, có cần phải hai văn bản? của Hồ Tấn Nguyên Minh trên giaoduc.net.vn). Cách hỏi như vậy liệu có hợp lí và logic không? Với những lỗi cơ bản như vậy, theo lập luận của ông Lự trong bài báo thì cái tầm của người làm đề ở chỗ nào?
Về cái tâm của người làm đề. Chúng tôi nghĩ rằng cái tâm của một con người phải được thể hiện qua nhân cách, lối sống trong cả một đời. Chẳng ai dựa vào một đề thi để khẳng định rằng tâm của người ra đề là sáng hay không sáng cả. Nhưng tác giả Nguyễn Văn Lự đã nói về tâm của người làm đề thì chúng tôi cũng xin thưa với ông vài điều. Trong bài báo ông Lự khẳng định “Trách nhiệm và danh dự quan trọng nhưng người ra đề cần nhiều hơn nữa một tấm lòng. Lòng yêu nghề, yêu học trò sẽ thôi thúc người làm đề bài chuẩn đúng, tường minh và đáp ứng các yêu cầu và định hướng của kỳ thi” (Báo đã dẫn). Vậy thì với những lỗi trong đề thi mà nhiều người đã phân tích một cách khá thấu đáo, theo lập luận của ông thì cái tâm của người làm đề nằm ở chỗ nào?
Ông Lự còn cho rằng “Có người chọn cách làm đề an toàn và chỉ chọn đề đã có sẵn, vấn đề có sẵn, không sợ sai, không ngại bàn luận. Học sinh rất thích kiểu đề (trong tài liệu) này nhưng nó sẽ giết chết khả năng tư duy và óc sáng tạo của trò. Lợi thầy, trò thiệt nhiều” (Báo đã dẫn).Theo ông thì người ra đề có tâm phải là người không được chọn đề có sẵn, an toàn mà phải mới mẻ, sáng tạo. Vậy thì tại sao ở phần trên của bài báo ông lại khẳng định “Chọn vấn đề mới và lạ, liệu rằng, thí sinh sẽ viết theo trí tưởng tượng bay bổng đến nơi nào? (đa số không đọc tác phẩm, không học và không viết văn).”(Báo đã dẫn). Xin thưa với ông Nguyễn Văn Lự rằng câu Nghị luận văn học của đề văn (hay chí ít là một phần của câu này) là vấn đề có sẵn đấy ạ.
Trên đây là một vài ý kiến trao đổi của chúng tôi xung quanh bài báo “Tâm và tầm người ra đề thi Ngữ văn” của tác giả Nguyễn Văn Lự. Chúng tôi không có ý đánh giá gì về tâm và tầm của người ra đề trong bài viết này. Chỉ muốn nói rằng, với tinh thần khoa học, chúng ta phải thận trọng, suy xét cho kĩ đề văn trước khi đưa ra bất cứ một nhận định, đánh giá nào. Cũng mong rằng Bộ giáo dục sau kì thi này sẽ lắng nghe những ý kiến phản biện, tổ chức rút kinh nghiệm để tránh những sai sót không đáng có cho những năm tiếp theo.