Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"NHẦM LẪN NHẠC TRUNG QUỐC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP XẢY RA"

Khánh An-VOA
Thứ sáu ngày 31 tháng 7 năm 2015 8:09 AM



Khánh An-VOA


Một đoạn nhạc trong bài hát “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc đã được sử dụng để làm nhạc nền cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên đọc diễn văn khai mạc trong một chương trình nghệ thuật quy tụ nhiều quan chức hàng đầu diễn ra tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây được xem là một nhầm lẫn nguy hiểm trong tình hình “nhạy cảm” hiện nay trong quan hệ Việt – Trung giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Khánh An của Ban Việt ngữ VOA tường trình thêm chi tiết về phản ứng của một giới chức thuộc Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam về vụ việc này.

Sau vụ việc phát đoạn nhạc trong bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc trong chương trình nghệ thuật mang tên “Khát vọng đoàn tụ” diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam bị phát giác, VOA Việt ngữ liên lạc với ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng không nhận được trả lời.


Trong khi đó, bà Hà Kim Chi, Ủy viên thường vụ - Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, phản ứng ngay khi nghe về sự việc trên: “Tôi cho rằng nhầm lẫn đó là không được phép xảy ra”.

Chương trình “Khát vọng đoàn tụ” là một chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức nhân ngày Thương binh Liệt sĩ. Chương trình này thu hút sự chú ý của dư luận khi được đồng loạt loan báo trên các kênh truyền thông của nhà nước trước đó với sự xuất hiện trở lại của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đột nhiên vắng bóng trong một thời gian khiến gây ra nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng ông đã qua đời nhưng không được tiết lộ.

Chương trình quy tụ nhiều quan chức hàng đầu Việt Nam và được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 27/7. Ngay khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc thì một đoạn nhạc được phát lên.


Đoạn nhạc này ngay sau đó được người dân Việt Nam phát hiện là bài hát “Ca ngợi tổ quốc” do ông Vương Tân, người Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, sáng tác vào tháng 9/1950. Người đầu tiên phát hiện ra “sự cố” này là ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, Trung Quốc. Ông cho biết:

“Những năm 60, tôi được nhân dân Trung Quốc đùm bọc, nuôi dưỡng. Tôi học tập và lớn lên ở Quế Lâm, Trung Quốc. Những năm đó tôi 15, 16 tuổi, tôi thuộc rất nhiều bài hát của Trung Quốc. Ví dụ như rất nhiều bài ca ngợi Mao Trạch Đông, rồi bài quốc ca Trung Quốc, nhưng có một bài hát mà tôi rất có cảm tình là bài “Ca ngợi tổ quốc”. Bài “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc (ông Thành hát bằng tiếng Trung Quốc). Đấy, đoạn tôi vừa hát là đoạn nhạc người ta sử dụng để dẫn đường cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên diễn đàn. Bài hát “Ca ngợi tổ quốc” là “…Cờ hồng vươn làn gió vờn năm ánh sao. Câu ca chiến thắng đang vui vẻ, náo nức reo. Ta ca hát nước nhà ngàn tình chan hòa…”. Đấy, lời bài hát dịch sang tiếng Việt là như vậy.”



Cựu chiến binh Phan Tất Thành trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc
Nói về quy trình giám sát và xử lý các sai sót, vi phạm trong truyền thông, bà Hà Kim Chi cho biết:

“Khi xảy ra các sai sót trong các tác phẩm báo chí hay trong các chương trình thì sẽ có rất nhiều cơ quan giám sát, quản lý, trước hết là Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về cơ quan báo chí. Về phía Hội Nhà báo thì cũng sẽ phối hợp để cùng hội họp trong cái quản lý hội viên. Và như tôi đã nói, cái mức độ nhầm lẫn thì cũng phải xem là do vô tình hay do cố ý, mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu, thì sẽ có các cơ quan quản lý nhà nước người ta sẽ xem xét việc này để quyết định hình thức hoặc mức độ xử lý."

Nhiều cư dân mạng tỏ ra lo ngại là sự cố trên có liên quan đến vấn đề “nội gián”. Một cư dân mạng viết: “Nội gián, ngoại gián, phản gián đều ở đó thì quá nguy hiểm cho nước Việt”. Trong khi đó, một người khác nói cám ơn ông Thành vì “đã phát hiện ra một điều khủng khiếp nhưng bình thường ở đất nước này”.

Giữa bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhất là sau khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, rồi đưa giàn khoan 981 đến vùng biển mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền, nhiều hoạt động chống Trung Quốc vốn âm ỉ ở Việt Nam lại bắt đầu nhóm lên bằng nhiều hình thức khác nhau như mặc áo có in chữ chống Trung Quốc, chụp ảnh mang biểu ngữ chống Trung Quốc và chia sẻ lên mạng…

Một chuyên gia về Biển Đông trong buổi điều trần về “Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông” cho rằng đây là khu vực hiện rất “nhạy cảm”. Chính trong sự nhạy cảm không chỉ dừng lại ở mức độ khu vực mà sự nhầm lẫn dù là vô tình hay cố ý như trên lại càng “không được phép xảy ra” như bà Hà Kim Chi đã nhận xét.

Hôm nay (29/7), Đài Truyền hình Việt Nam đã cắt bỏ âm thanh phần nhạc nền Trung Quốc có “sự cố” trên trong video đăng tải trên trang web chính thức. Tuy nhiên, bản gốc chương trình đã được sao lưu trên các trang mạng xã hội nổi tiếng như Youtube, Facebook.