Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁO QUAN - QUAN CÁO CHUYỆN XƯA NAY HIẾM

Xuân Dương
Thứ tư ngày 5 tháng 8 năm 2015 11:13 AM

Cáo quan - Quan cáo, chuyện xưa, nay hiếm!

(GDVN) - Ngày nay chắc chẳng có bậc giáo sư, tiến sĩ nào lại tự nguyện xin thôiphẩm hàm giáo sư, tiến sĩ để nhận lấy danh vị “thường dân”.

“Cáo lão” là từ chỉ các vị quan lại lúc già, xin vua cho nghỉ quan về quê dưỡng lão, “cáo quan” là việc quan đương chức xin rời nhiệm sở ngoài lý do tuổi tác còn có thể vì nhiều lý do khác như sức khỏe, bất đồng quan điểm hoặc thậm chí là bất mãn với bề trên…


Cáo quan về quê, sử sách thường nhắc tên các danh nhân như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn… Các vị ấy cáo quan vì không đồng quan điểm với Vua và chính sự chứ ít thấy người vì sức yếu mà xin nghỉ.

Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” hạch tội gian thần nhưng vua không nghe bèn từ quan về Chí Linh, Hải Dương, lấy hiệu là Tiều ẩn (người tiều phu ở ẩn), dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Trần Nguyên Hãn là đại công thần phò Lê, đến năm 1429 xin về quê vì biết rằng: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được”.

Nguyễn Trãi vì khuyên vua thi hành nhân nghĩa mà đối đầu với những người trong hoàng tộc như Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn dẫn đến năm 1437 phải cáo quan về Côn Sơn ở ẩn.

Người xưa quan niệm, phụng sự quốc gia, dân tộc thì không tính tuổi tác hay sức khỏe, miễn là còn có thể nói lời hay, làm điều phải giúp cho chính sự vững vàng, dân lành yên ấm.

Tiếc rằng cả Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều phải nhận cái chết oan ức bởi sự dèm pha của quan lại đương thời.

Việc xin nghỉ hưu sớm của quan chức thời nay không biết có giống như tiền nhân, có phải vì lời ngay, ý tốt không hợp với người khác nên buộc phải cáo quan ở ẩn?

Số người tự thấy cần trao tay lái cho người trẻ có tài, có đức để bản thân không trở thành tảng đá cản đường có chiếm đa số?

Liệu có còn nguyên nhân nào khác chẳng hạn “nhường ghế cho em” hay vì đã nhận thấy “thời tiết” thay đổi nên “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”?

Những người quan tâm thời cuộc nghe tin một số vị “có vấn đề về sức khỏe” xin hưu sớm có những suy nghĩ khá đa dạng, người thì ngạc nhiên, người thì tủm tỉm, có người lại bĩu môi…

Tại Thủ đô Hà Nội, đối tượng viết đơn xin hưu sớm có cả quan chức chính quyền và Đảng, cao nhất là cấp Bí thư huyện. Trên phạm vi toàn quốc, có ba địa danh “cá biệt” là thành phố Hội An, thành phố Hải Dương và tỉnh Quảng Nam chỉ thấy Bí thư viết đơn chứ không thấy ai khác.

Chức vụ quan chức “cáo quan” nghỉ sớm xưa nay hình như hơi trái ngược, ngày xưa chủ yếu là quan đầu triều, hay những quan nho“trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.

Ngày nay chưa có bậc giáo sư, tiến sĩ nào lại tự nguyện xin thôi phẩm hàm giáo sư, tiến sĩ để nhận lấy danh vị “thường dân”.

Chốn công đường, cấp bậc, chức vụ của các vị xin hưu sớm chỉ nằm ở khúc giữa, nghĩa là từ huyện đến tỉnh chứ không phải là “quan đầu triều” như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn...

Tổng cộng cả mấy nơi Hà Nội, Hội An, Hải Dương, Quảng Nam… có khoảng chục người, so với hàng triệu công chức, viên chức, thì con số này không nói nên điều gì.

Dẫu sao đây mới chỉ là điểm khởi đầu, không biết đồ thị “Hưu sớm” trong hệ tọa độ “Không gian - Thời gian” sẽ còn kéo dài hay kết thúc?

Binh pháp quan trường, kế thứ 6 – “Đòn gió bẻ măng”

(GDVN) - Anh đồ tỉnh, anh đồ say/Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.


Phải chăng chuyện cáo quan về quê vốn là chuyện xưa nhưng nay lại hiếm?

Hiếm thì có lẽ không hiếm đến mức như người ta nói “đãi cát tìm vàng”, nhưng gây tò mò thì chắc chắn là có.

Một trong những chuyện gây tò mò là việc ông cán bộ ở Hải Dương phải viết lại đơn xin nghỉ?

Có người hỏi quy luật bay của con bướm trên đồng cỏ là gì, trả lời rằng: “quy luật bay của bướm là không có quy luật nào cả”.

Công đường vốn có một nguyên tắc là cái gì cũng phải đúng quy trình, từ lấp sông, chặt cây, cho thuê đất, xả nước thủy điện, cắt điện, lập trạm thu phí… tất cả đều được người có trách nhiệm khẳng định là đã làm “đúng quy trình”, nhưng thực tế những “quy trình” đó có người ví von là cũng như chuyện bướm bay.

Người dân “xin” một vấn đề gì đó có khi phải vài ba lần viết lại đơn, nguyên nhân có khi chỉ là do lỗi chính tả, lỗi cách trình bày văn bản, nhưng đa phần là lỗi “quy trình”. Ngày nay chuyện các loại “đơn xin” không phải viết đi viết lại chắc cũng khó tìm thấy.

Vietnamnet.vn ngày 22/7/2015 chạy tít “Muốn mặc quần cũng phải làm đơn xin... giám đốc” [1], trong bài lại có cái tít phụ “Đơn xin … mặc quần”.

Chẳng biết câu chuyện thực hư mức nào, nếu quả đúng 100% thì liệu tác giả có nên sửa lại thành “Đơn xin… không mặc váy”? Mạo muội góp ý với tác giả như thế là bởi vì đọc “Đơn xin … mặc quần” dễ khiến người ta hình dung người viết đơn không… mặc gì cả, còn nếu mà viết là “Đơn xin… không mặc váy” thì rõ ràng là người viết đơn vẫn… mặc đủ, thế mới đúng “quy trình”, mới không gây hiểu nhầm!

"Đơn xin … mặc quần" (Ảnh chụp màn hình ngày 2/8/2015)

Nhân chuyện viện dẫn lý do sức khỏe để xin hưu sớm, như trường hợp lãnh đạo Quảng Nam vừa nhậm chức được có 5 tháng, dư luận không thể không đặt câu hỏi, chẳng lẽ tỉnh này không có ủy ban chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ cấp tỉnh?

Nếu có thì trước đó sao không kiểm tra toàn diện sức khỏe cán bộ dự kiến đề bạt để đến nỗi sau 5 tháng nhậm chức, sức khỏe của vị này giảm sút đến mức không thể đảm nhận cương vị lãnh đạo tỉnh nhà?

Trừ ông Nguyễn Sự ở Hội An, đa số người xin hưu sớm đều có liên quan đến “sức khỏe”!

Không phải chỉ các vị “đương quan”, có vị nguyên lãnh đạo một bộ chuẩn bị hầu tòa, vì “sức khỏe” mà được tại ngoại, có vị bị tước danh hiệu thi đua nên vội nhập viện vì lý do “sức khỏe”. Không ít tội phạm cũng tranh thủ nhập viện vì “sức khỏe”, chẳng hạn bỗng nhiên bị bệnh “tâm thần”?

Có lẽ đã quá đủ chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra tội phạm có tên là "Sức khỏe” vì tội “gây khó cho người thi hành công vụ”.

Vấn đề đặt ra có vẻ thật sự nghiêm túc nhưng thực ra chỉ để cho vui vì chắc chắn không thể thực hiện bởi hai lý do:

Thứ nhất, trên thế giới cho đến nay không một cơ quan điều tra nào có thiết bị có thể nhận dạng và thẩm vấn tội phạm “Sức khỏe”;

Thứ hai, pháp nhân chịu trách nhiệm về “sức khỏe” thì chưa thể bị khởi tố vì Bộ Luật hình sự (sửa đổi) lần này tuy có đưa quy định việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nhưng vẫn chưa được thông qua!

Ở Nga, ngày 31/12/1999 cố tổng thống Boris Nikolaevich Yeltsin từ chức Tổng thống chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Vladimir Putin.

“Một điều kiện được cho là cần thiết để Putin có được sự ủng hộ của Yeltsin là Putin phải đảm bảo rằng Yeltsin cũng như toàn bộ các thành viên "Gia đình" (một thuật ngữ thông dụng chỉ những nhân vật thân thiết với chính phủ trong nhiệm kỳ của ông) sẽ không bị truy tố vì tội sử dụng quân đội trái hiến pháp chống lại nghị viện hợp pháp, vi phạm các điều luật, tham nhũng, ăn hối lộ hay lừa dối”. [2]

Hàng loạt cán bộ từ quan: Hội chứng hưu sớm hay cách mới hạ cánh an toàn?

(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều quan chức "treo ấn, từ quan" sớm hơn quy định nên coi là chuyện bình thường, đáng hoan nghênh...

Xem ra việc hưu sớm nhằm chuyển giao quyền lực cho “các em” không phải là điều quá lạ lẫm với các chính trị gia khắp thế giới.

Cũng còn một khía cạnh khác của chuyện “hưu sớm”, tại buổi họp báo thông báo tình hình kết quả, công tác công an năm 2014 tổ chức vào sáng 26/12/2014, một lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, khi có sai sót thì “không nương nhẹ cho bất cứ ai”;

“Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, dù cán bộ cấp dưới làm sai nhưng giám đốc, phó giám đốc cũng phải nghỉ việc,…, dù chưa đến tuổi về hưu nhưng cũng được cho nghỉ sớm”. [3]

“Cho nghỉ sớm” ở đây không phải là do sức khỏe mà là hình thức kỷ luật, thể hiện sự “không nương nhẹ” của ngành đối với cán bộ lãnh đạo mà cấp dưới mắc sai phạm, khuyết điểm.

Vậy nên có lẽ cơ quan chức năng nên sớm ban hành văn bản quy định ba hình thức nghỉ hưu là “hưu sớm không nương nhẹ”, “hưu sớm theo đơn” và “hưu trí theo luật”?

Nếu không sớm ban hành quy định phân biệt, biết đâu các cụ hưu trí sẽ phật ý, sẽ trách cứ hậu sinh, rằng các cụ về hưu đường đường chính chính sao lại bị gọi chung là “người về hưu” với người “hưu sớm không nương nhẹ”?

“Hưu trí theo luật” thì miễn bàn, “hưu sớm không nương nhẹ” còn có đôi chút phân vân ở chỗ “không nương nhẹ” để cho “hưu sớm” có phải là “hơi hơi … nặng”?

Riêng “hưu sớm theo đơn” thì có lẽ nên dành thêm tí thời gian bàn bạc.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/3/20015 viết: “Phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì cách mạng”; “… ý chí chiến đấu và phẩm chất của người cộng sản, còn sống thì còn đấu tranh đến hơi thở cuối cùng”… [4]

Vậy vì sao còn rất nhiều “hơi thở”, còn những mấy tháng, thậm chí cả năm để “thở” mà lại vội vã viết đơn? Đặt chân vào chốn quan trường vốn là mơ ước của bao người, không dưng người ta lại dễ dàng từ bỏ.

Có thể có trường hợp “chán nản” mà viết đơn, nhưng không loại trừ chuyện “hưu sớm” được đưa ra như một điều kiện, vừa để hạ cánh an toàn, vừa để dọn chỗ cho “đàn em” (hay con cháu) theo kiểu B. Yeltsin, một công ba bốn việc chứ không chỉ “một tên hai đích” như vài người lầm tưởng.

Vậy nên có người nói “cáo quan” trong trường hợp này quả là “quan cáo”, chẳng biết đúng hay sai, mà nếu đúng thì đúng được mấy phần?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/251727/muon-mac-quan-cung-phai-lam-don-xin----giam-doc.html

[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Boris_Nikolayevich_Yeltsin

[3] http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/213924/xay-ra-oan-sai--giam-doc--pho-giam-doc-cong-an-bi-ky-luat.html

[4] http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30119&cn_id=57450