Sau khi thăm ba toà điện: Điện Phật Bà Quan Âm, điện Thích Ca Mâu Ni, điện Tam Thế và tượng đài Di Lặc trên đỉnh núi Đính, chúng tôi quay lên quay xuống hai bên hành lang để chiêm ngắm 500 pho tượng La Hán bằng đá xanh còn nhám trắng phấn đá, bởi chưa kịp bắt nước thời gian để trở nên bóng xanh như đá núi Thiện Dưỡng, Ninh Vân; trừ những chỗ du khách xoa tay để cầu phúc, để lấy khước ra. Trên đường về cứ thấy lòng rộn rạo với những băn khoăn. Nếu được so sánh thì chúng tôi thích những bức tượng La Hán chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội hơn. Tượng La Hán chùa Tây Phương có từ cách đây 3- 4 trăm năm, nhưng cha ông chúng ta đã rất có ý thức về truyền thống văn hoá dân tộc. Các cụ ngày xưa đã biết cách thổi hồn văn hoá Việt vào từng dáng tượng, nhân vật tượng: “Có vị mắt giương, mày nhíu xệch/ Trán như nổi sóng biển luân hồi/ Môi cong chua chát, tâm hồn héo/ Gân vặn bàn tay mạch máu sôi…” (thơ Huy Cận).
A La Hán là sự tích của đạo Phật. Sự tích về những người tu hành đạt chính quả (đắc đạo) đáng ra được lên Niết bàn thành Phật nhưng họ đã không lên, mà ở lại trần gian để tiếp tục truyền bá đạo Phật phổ độ chúng sinh thoát khỏi kiếp nạn khổ ải của đời người. Các ngôi chùa lớn trong Nam, ngoài Bắc như chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương, Hà Nội… đều có điện La Hán đường xây ở hậu chùa. Mỗi chùa tạc các vị tôn giả này theo một phong thái riêng do ý tưởng sáng tạo của mỗi nhà điêu khắc khác nhau.
Có cảm giác tượng La Hán chùa Bái Đính, cả cũ (vườn tượng bên chùa cũ) và mới được tạc theo một mẫu có sẵn của nước ngoài, vừa thô cứng, vừa ngoại lai một cách cố ý đến phi nghệ thuật, phi niềm tự hào văn hoá Việt! Chúng tôi từng có dịp qua Lào, qua Thái Lan, nhận thấy tượng Phật của Lào rất văn hoá Lào; tượng Phật của người Thái dáng vẻ rất văn hoá Thái. Ngay Nhật Bản, vườn tượng La Hán của họ xem luôn thấy toát lên những sinh hoạt đời sống tinh thần, nội tâm rất rõ, mang tính Nhật Bản khá cao. Còn tượng La Hán chùa Bái Đính do người Việt Nam “sáng tạo” mà không mang hồn Việt, đời sống, tinh thần Việt thì… cũng xin “bái vọng” các nhà tác tượng, cả những người xây dựng chùa!
Người Việt tạc tượng cho người Việt, cho văn hoá Việt, để lưu giữ cho các đời sau thờ phụng, cúng lễ thì hồn cốt, thần thái phải mang tinh thần Việt. Các sinh hoạt đời sống, nội tâm con người Việt bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước không đáng được “đặc tả” vào các vị La Hán ở đây sao? Một đất nước có lịch sử nghìn năm theo đạo Phật, với hàng triệu nhà sư hy sinh cuộc đời nơi cửa Phật, cho các cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thống trị phong kiến, thực dân họ đáng được tôn La Hán lắm chứ. Đình, chùa, tượng Thánh, tượng Phật, nói chung đều là những sáng tác nghệ thuật; đã là nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật thì hình mẫu ấy phải là những vị có công với dân với nước, được nhân dân tôn kính, họ chẳng đáng là thánh, là Phật, là La Hán hay sao. Người xưa có câu: “Để là hòn đất, cất lên ông bụt” nhưng ông bụt ấy phải mang ý nghĩa giáo dục ra sao cho các thế hệ mai sau mới phải đạo. Trường hợp bức tượng đức ông ở chùa Bộc Hà Nội chẳng hạn. Sau khi nhà Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn, họ đã trả thù rất nhỏ mọn, “sai đào và san phẳng mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc tán hài cốt thành bột nhồi thuốc súng bắn ra biển và bỏ xương sọ hai vị anh hùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc vào vò, giam cầm trong ngục tối…” nhưng nhân dân lại lén tạc tượng Quang Trung để thờ, ẩn ý vào tượng đức ông đặt ngay sát gò Đống Đa để ghi nhớ người có công đánh tan 20 vạn giặc Thanh. Vậy mà giờ đây xây một khu chùa lớn như Bái Đính lại đi bê nguyên xi mẫu tượng của nước ngoài về làm của mình, khắc tên ông nọ bà kia trước bệ tượng, toàn những cái tên lạ hoắc, những người không am hiểu đạo Phật biết đó là ai, vị đó có công đức gì với nước Việt, dân Việt? Làm vậy không sợ, bây giờ và cả mai sau con cháu chiêm ngắm, “tín ngưỡng” bị lệch kênh thẩm định lịch sử đi ư? Phật tại tâm, người có công với dân với nước được nhân dân quý trọng, kính phục về tài năng, nhân cách thì nhân dân coi người đó là Phật, là thánh; kể cả những bà mẹ đôn hậu thuỷ chung, những người cha hiền từ, dũng cảm…
Đạo Phật ở Việt Nam là do chính các nhà truyền giáo Ấn Độ, tay chống thiền trượng, vai khoác hành trang đến chùa Dâu Việt Nam tu hành và truyền đạo gốc Ấn Độ vào, nước ta bắt đầu thờ Phật từ đấy. Truyền thuyết thánh mẫu Man Nương là một ví dụ. Đâu phải do những thái thú, toàn quyền người Tàu mang đạo Phật sang thời họ cai trị nước ta mà nhầm tưởng đi tạc tượng theo mẫu mã tượng Tàu?
Đước biết, các nhà xây dựng chùa Bái Đính, khi tạc tượng La Hán đã dùng tập sách “Ngũ Bách La Hán” bằng tiếng Trung Quốc do Nhà xuất bản Yên Sơn, Bắc Kinh phát hành năm 1991, để làm mẫu tạc?! Chao ôi! Cứ mãi tình trạng này thì đến bao giờ nghệ thuật Việt, tâm hồn Viết mới lớn lên được để mà hội nhập với văn hoá Năm Châu bốn biển? Làm nghệ thuật cho muôn đời với cái tư duy ăn đong, vay mượn vậy không sợ con cháu mai sau nghĩ sai lệch đi hay sao? Cho đến giờ còn chưa muốn thoát khỏi cái vòng Kim Cô lệ thuộc văn hoá ngoại lai của Tàu… Giời ạ!