Tôi qua Mỹ thăm con, tận mục sở thị, có vài nhận xét, xin thưa cùng bạn đọc.
Đi Mỹ, tôi không thấy loa phường, tại các ngã tư lớn ở các thành phố cũng không có loa hướng dẫn giao thông, và gần như không nghe tiếng còi xe. Quán xá không “zô zô” hoặc phát ra một âm thanh tương tự nào khác, chỉ thấy lào xào, họ nói nhỏ để người bên cạnh đủ nghe. Trong cái sự thiếu thốn và kìm nén ấy, họ vẫn niềm nở, tươi cười mới lạ.
2/ Phàm ăn, mất vệ sinh, hay đau bụng:
Đi đâu tôi cũng thấy họ luôn mồm nói về những món ăn như “Thanh cừu” (chắc là còn thanh dê nữa), “Sò ri”(chắc là còn sò huyết nữa). Không ít người vừa đi vừa cầm trên tay một cốc cà phê cắm cái ống hút, vừa đi vừa mút, tệ hơn là lắm người cứ vục mồm vào vòi nước công cộng bên đường tu luôn nước lã vào bụng, chẳng vệ sinh gì cả. Tệ nhất là họ hay dắt chó đi chơi, tay lăm lăm một cái túi ni lông, chỉ chờ cưng ị ra là bốc rồi buộc lại bỏ vào thùng rác, khiếp! Vì những thói như vậy nên họ hay đau bụng thì phải. Để giải quyết vấn nạn này, đâu đâu cũng có nhà vệ sinh công cộng, thậm chí trong rừng cũng đặt rất nhiều nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh của họ to đoành, nước, giấy dùng thả phanh, Tào Tháo đuổi mấy vẫn giải quyết được đầu ra. Tôi đã từng sang Trung Quốc,về phương diện nhà vệ sinh công cộng mà nói thì đến tết Cônggô Tầu vẫn cứ là hít khói cho Mỹ! Cũng vì vậy Mỹ nó cóc sợ Tầu.
3/ Văn hóa lùn, chính trị kém:
Tôi đi nhiều, chịu nghiêng ngó, vào cả nhà một số người Mỹ mà không thấy thôn làng, khu phố, gia đình nào được mang danh “văn hóa” như ở ta. Không nhẽ đất nước của Bô inh, của tầu con thoi lại u tối thế sao? Ý thức chính trị thì thôi rồi, bói không ra một khẩu hiệu kiểu như “Nhiệt liệt chào mừng…” “Ra sức thi đua lập thành tích…” mà chỉ có các bảng hướng dẫn giao thông hoặc quảng cáo đủ loại hàng hóa. Có nơi họ dùng cả máy bay lượn suốt ngày trên thành phố, mang tấm vải in hàng chữ rõ to để thu hút người dân sử dụng dịch vụ. Đúng là chủ nghĩa thực dụng thô thiển.
Thời đại tivi, điện thoại thông minh, ai bát ai đĩa mà người Mỹ ít dùng, thua xa dân Châu Á, luôn cắm mặt vào máy. Tuy vậy rất nhiều người Mỹ trên máy bay, tầu xe, bãi biển, ngồi, nằm trên những trảng cỏ trong rừng lại cắm mặt vào sách. Họ là kẻ đầu têu công nghệ thông tin mà lại ham đọc sách, cứ như trở lại thời Napôlêông chưa biết mặc quần. Có lần tôi dẫn hai đứa cháu gọi tôi bằng ông đến chơi nhà một người Việt định cư ở đây. Con tôi bảo: “Nếu nhà bác ấy cho trẻ xem tivi hay chơi gêm thì ông tìm cách và đưa hai cháu về sớm giúp con; Bên này rất hạn chế cho trẻ chơi những thứ ảo. Hay bố mang mấy quyển truyện thiếu nhi tiếng Viêt sang tặng các cháu nhà ấy. Tuyệt vời đấy bố ạ!”. Thư viện của họ rất đông người lớn, trẻ con đến đọc và mượn sách. Nhà văn có cơ may sống sót.
Tôi đi hàng nghìn cây số, họa hoằn mới gặp một nghĩa trang. Hỏi ra mới biết rất nhiều người Mỹ di chúc là hỏa táng rồi lấy tro rắc xuống gốc cây quanh nhà (với cái lý là khi sống thụ hưởng nhiều từ thiên nhiên, nay mất đi xin trả lại cho cây).
Hoa Kỳ nhiều cái dở hơi.