“Trộm to” trong nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi thẳng: “Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân”. Vậy thì những kẻ tham nhũng đích thị là những kẻ ăn trộm. Họ ăn trộm tiền bạc, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Họ làm cho nền kinh tế quốc gia bị khủng hoảng, làm tăng thêm bất công xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước.
Hành vi "ăn trộm" của những kẻ tham nhũng không chỉ “làm rầu nồi canh” mà nó còn có thể phá tan đất nước, phá tan đời sống nhân dân vì đã đến mức “ăn của nhân dân không kể thứ gì” như nhận định của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Những vụ tham nhũng rất lớn đã phát hiện ra những “bầy sâu ngàn tỷ” như sâu PMU 18, sâu Vinashin, sâu Vinalines...
|
Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân (Ảnh: tienphong.vn) |
Gần đây nhất là vụ bắt được Giang Kim Đạt, một “con cá lớn” (từ các báo đặt cho nhân vật này) với chức vụ không lớn (quyền Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty thuộc Vinalines) nhưng số tiền mà anh ta chiếm đoạt của nhà nước đã là trên 18 triệu đô la (vào khoảng 400 tỷ đồng).
Qua vụ này, nhiều người dân không khỏi giật mình và tự đặt câu hỏi: Một “kẻ trộm” chỉ thuộc loại cỡ “vừa và nhỏ” còn tham nhũng được số tiền lớn như vậy, thử hỏi những “kẻ trộm” cỡ “to và rất to” thì số tiền tham nhũng còn lớn đến đâu ?
Trong buổi tọa đàm nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm 2014, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã đánh giá:
“Trong 3 năm qua, chúng ta không tụt, không tăng, nghĩa là có tính ổn định. Chúng ta không hài lòng về kết quả này và phải thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn là từng bước đẩy lùi” (Báo Người Lao Động).
Vâng, nếu vậy thì lời cảnh báo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ năm 2011 là rất đáng suy ngẫm: “Một bầy sâu là chết cái đất nước này”.
Vậy, vì sao trong nước loại “trộm to” lại có nhiều và dễ như vậy?. Phải chăng việc giám sát quản lý tài chính, tài sản còn lỏng lẻo? Phải chăng kẻ tham nhũng nghĩ rằng “chưa chắc mình đã bị bắt” và “bị bắt chưa chắc đã bị xử nặng”?
Nhà báo Lê Chân Nhân đã lên tiếng trên Báo điện tử Dân trí: Nếu không thu hồi được tiền thì chống tham nhũng sẽ thất bại.
Vì vậy, theo thiển ý của tôi, một công dân, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì nhà nước phải xây dựng cơ chế quản lý kinh tế làm sao để không thể tham nhũng được (có chính sách minh bạch và giám sát, kiểm soát chặt chẽ về tài chính, tài sản).
Chúng ta có thể nghiên cứu, học hỏi cách phòng, chống và xử lí loại “siêu trộm” này của các nước tiên tiến như Singapore chẳng hạn.
Đồng thời cần xử thật nặng tội tham nhũng để răn đe. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, Khoản 4, Điều 278 thì “Chiếm đoạt tài sản có trị giá 500 triệu đồng trở lên” có thể bị tử hình. Nhưng trên thực tế có bao nhiêu vụ thực hiện được điều này?
Ngoài ra, cần phải đưa các vụ tham nhũng lớn ra xét xử lưu động cho đông đảo nhân dân được xem, được biết mặt và lên án những kẻ “đục khoét” nhà nước, “đục khoét” nhân dân.
“Trộm nhỏ” nước ngoài
Một số kẻ như mắc “bệnh” ăn trộm, cứ thấy cái gì sơ hở của người ta là “lấy”, là “nhúp” bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Bệnh này như ngấm vào máu, dù có kẻ giàu có đến đâu cũng không bỏ được.
Vụ hai khách du lịch Việt Nam tại Thụy Sĩ bị bắt quả tang ăn trộm 3 cặp mắt kính mát (giá 300 euro/cặp) chỉ là “giọt nước” làm tràn ly.
Vì đã bấy lâu nay, chuyện một vài người Việt Nam ăn cắp vặt ở nước ngoài đã không còn xa lạ với người dân trong nước và cả các “khổ chủ” nước sở tại.
Chính vì thế mà nhiều siêu thị, cửa hàng, nhà hàng ở một số nước như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... đã đưa ra các biển “cảnh cáo” bằng tiếng Việt về nạn ăn cắp vặt ở cửa hàng của họ.
Bệnh “chuồn chuồn” (GDVN) - Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng vẫn chừa "cửa thoát hiểm". |
Đúng là quá xấu hổ cho những người Việt Nam chân chính khi bị bọn “đạo chích” làm nhục quốc thể.
Để hạn chế tình trạng này và lấy dần lại thể diện của người Việt Nam, một số người đã đưa ra một số biện pháp:
Thứ nhất, thành lập một trang mạng chuyên đăng ảnh để “bêu danh” những kẻ ăn cắp vặt ở nước ngoài.
Thứ hai, khi những kẻ này về nước thì phải phạt một khoản tiền lớn gọi là “Tiền rửa nhục quốc thể”, nếu là cán bộ nhà nước thì cho thôi việc ngay tức khắc (ý kiến của một nhà thơ).
Thay lời kết
Tóm lại, lý tưởng nhất là phải làm cho xã hội không còn “trộm” nữa, nhưng thiết thực hơn là phải làm hạn chế đến mức thấp nhất cả các loại “trộm”. Đặc biệt là loại “trộm khủng”.
Muốn làm được như vậy, không chỉ bằng kêu gọi, vận động, cam kết, hứa hẹn, thề thốt “không trộm” của các cá nhân, tập thể (như có đại biểu Quốc hội từng đề xuất) mà cần phải có những chính sách quản lý kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời cũng phải xử lý kịp thời và quyết liệt hơn bằng luật pháp với các loại “trộm” này.
Tài liệu tham khảo:
1. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân: Hồ chí Minh, XNB Sự Thật, Hà Nội, 1969.
2. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tham-nhung-3-nam-lie