Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đò Chiều

Trịnh Kim Thuấn
Thứ bẩy ngày 23 tháng 8 năm 2014 3:42 PM

Tuỳ bút



 

Một ngày nào trên bến cô liêu 

Xóm bên sông tiêu điều 

Buồn hắt hiu mây chiều 

Đò của người thôn nữ 

(Trích lời bài hát Đò Chiều của Trúc Phương)

 

Từ năm 1988, nhà nước  mở cửa, đổi mới tưng bừng. Đến các cấp phường, xã cũng được phép thành lập công ty kinh doanh tổng hợp cấp 4, mua bán lòng vòng, chủ yếu là lấy tiền hoa hồng, phết phẩy… gây ra những món nợ khủng. Hậu quả là nhiều cán bộ bị bắt và khởi tố, thân bại, danh liệt, nẩy sinh nhiều bi kịch cuộc đời...

 

Chẳng hạn, Công ty Kinh doang tổng hơp (KDTH) xã A đem bán  lô phân bón trả chậm cho Công ty KDTH xã B thì ông Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND xã ký xác nhận: “Đến thời hạn trả tiền, nếu Công ty KDTH B không trả được thì sẽ xuất ngân sách xã trả thay”. Rồi Công ty KDTH B đem lô phân bón nầy bán cho Công ty KDTH xã C  tương tự như vậy…chỉ 1 lô phân bón vài mươi tấn mà mua bán qua tay cả chục Công ty . Tình thế rối rắm, khi ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh ngưng bắt bớ, đồng thời thành lập Ban Đối chiếu và Thanh toán nợ.  Tôi còn nhớ huy động khoãng 10 ngàn cán bộ, chi ra 10 ngàn tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 3 năm... Số cán bộ vi phạm bị kỷ luật khá nhiều.  

 

Năm 1990, tôi làm thuê cho Công ty KD -SX hàng XNK tỉnh Bến Tre. Công ty cũng có một khoản nợ khó đòi, nếu làm theo trình tự thì thời gian được giải quyết sẽ lâu và chưa chắc đã thu hồi được. Anh Minh Giám đốc Công ty qua sự giới thiệu, quen được anh Đức, Đại uý Phó phòng Cảnh sát kinh tế CA TP.HCM thời ấy. Anh Đức hứa sẽ giúp Công ty thu hồi nợ với thời gian nhanh nhất có thể.

 

Thế là chiều hôm ấy, anh Minh mời anh Đức dự tiệc tại nhà hàng Vườn Thượng Uyển. Nhà hàng được mở trong Thảo Cầm viên – Sài Gòn, cửa chánh ở mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

 

Chủ 4, khách 2, trong số đó có tôi được dự. Nhà hàng có nhà chính lớn, ngoài ra còn có khoảng mươi cái tum lợp lá, mỗi tum đặt một bàn riêng biệt, chúng tôi chọn một trong số những cái tum đó.

 

Khi khách an tọa, nhà hàng đưa ra 6 cô tiếp viên tiếp khách, nhìn chung trẻ đẹp nhưng có một cô luống tuổi, ngồi kế tôi, gọi là Mai., tóc có có ít sợi bạc ,có lẽ người quản lý nhà hàng cho rằng  tôi là người lớn tuổi nhất nên chọn cô Mai cho tôi ? vì tôi đã 40 ,  nhưng tóc đã muối tiêu (muối nhiều hơn tiêu) . Hay là họ đã hết các tiếp viên trẻ ?

 

Mai nói năng điềm đạm, cử chỉ lại nghiêm trang, vì thế tôi cũng nhỏ nhẹ thăm hỏi chứ không dám sỗ sàng.

 

Anh Đức, Phó phòng Cảnh sát kinh tế nói chuyện rất có duyên (ở đây chỉ nói chuyện vui vẽ, không bàn công việc, vì công việc đã bàn xong rồi). Anh Đức là trọng tâm, kể chuyện có vần, có ca, có kệ, thỉnh thoảng Mai cũng góp chuyện. Khi biết Anh Đức là cán bộ của Công an TP.HCM, Mai hỏi thăm anh có biết Anh A, anh B, anh C không ? Toàn cấp tá trở lên…

 

Anh Đức bảo biết cả, trong số đó còn có người là chỉ huy của mình. Anh Đức ngạc nhiên, hỏi sao chị lại quen biết với những người nầy.

 

Cô Mai kể trong giọng nói đượm buồn: Cô đã từng cùng với các anh ấy hoạt động  kháng chiến từ trong bưng, cùng ra thành tiếp quản và công tác trong ngành công an! Nhưng đến khoảng năm 1984, lúc ấy cấp bậc của Mai đã là Đại uý , đời sống gia đình quá khó khăn, đồng lương cán bộ không đủ, nên xin xuất ngũ ra ngoài làm ăn. Khi nghĩ việc, cô gom góp tất cả vốn liếng kinh doanh. Đúng thời mở cửa, kinh tế thị trường hỗn loạn..., gặp phải mấy anh Công ty cấp 4, mua bán lòng vòng, tuy có sự bảo lãnh của các quan chức cấp xã, nhưng khi họ vỡ nợ thì mất hết cả chì lẫn chài! Hỡi ôi ! Ngân sách xã có bao nhiêu mà họ dám bảo lãnh chứ ?  Rồi cũng từ đó, nghèo khó làm cho gia đình tan vỡ ,chồng lại ly dị, lấy vợ khác!... Thôi thì chuột chạy cùng sào, phải xin vào làm tiếp viên ở đây để mấy mẹ con nuôi nhau.

 

Không khí buổi tiệc trầm xuống, mọi người đều thông cảm và chia sẽ với Mai. Anh Đức tự dưng bớt nói lại...

 

Gần cuối tiệc, thuê một anh đờn Organ đến tại bàn để góp vui (hồi ấy chưa có karaoke). Mỗi người đều hát góp vui, chỉ có tôi ngồi nghe vì không biết hát. Anh Minh và anh Đức  nhã nhặn đề nghị cô Mai hát một bản. Mai hát bản nhạc Đò Chiều của Trúc Phương:

 

Một ngày nào trên bến cô liêu 

Xóm bên sông tiêu điều 
Buồn hắt hiu mây chiều 
Đò của người thôn nữ 
Chờ đưa người viễn xứ 
Đưa anh trai phong sương 
Đi lính Cộng-Hòa 

 

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi 

Thắm trên môi nụ cười 

Nhìn toán quân qua rồi 

Chợt thấy lòng lưu luyến 

Và tâm hồn xao xuyến 

Trông anh trai phong sương 

Em thấy mà thương...

 

Lời ca hay, giọng ca của Mai ngọt ngào, nhưng nghe sao thăm thẳm một nỗi buồn. Bản nhạc nầy tôi từng nghe nhiều, cảm thấy cũng bình thường như các bản nhạc vàng khác như :  Nỗi buồn hoa phượng, Tạ từ trong đêm, Những đóm mắt hoả châu ..... Nhưng hôm nay nghe Mai thể hiện, tôi thấy ca khúc bỗng như được lột xác! Nó xoáy vào lòng tôi một nỗi buồn cô liêu, trắc ẩn, nỗi buồn vu vơ, rồi lan man nghĩ về số phận nghiệt ngã của những kiếp người...


Mai đã đi qua cuộc kháng chiến gian khổ, đầy chết chóc mà không hề hấn gì, nhưng nay vướng vào cuộc mưu sinh, nó xô đẩy cô vào mê trận, cảm thấy bế tắc, nó vật vã con người cô như tàu lá chuối tả tơi trước cơn bão của thời cuộc!

 

Tiệc tàn, chia tay, anh Minh cám ơn Mai, gởi một chút quà, chúc Mai trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

 

Thấm thoát đã trên 20 năm. Từ đấy trở đi, mỗi lần nghe lại bản nhạc Đò Chiều, tôi lại chạnh nhớ đến Mai. Giờ nầy, Mai cũng đã lớn tuổi lắm rồi, chỉ thầm mong cánh hoa ấy gặp được may mắn, thoát cảnh bèo dạt hoa trôi...