Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lại nói chuyện về "Người lính già" từng kéo cờ lên kì đài tại Huế

Nguyễn Khắc Phê
Thứ năm ngày 21 tháng 8 năm 2014 2:30 PM

 

Huế 21/8. Đúng hôm nay, 69 năm trước, Đặng Văn Việt kéo cờ lên Kỳ Dai Huế, tôi gửi bài này nhưng không phải nói chuyện cũ… bạn xem sẽ thấy. NKP


Có người bảo chuyện Đặng Văn Việt (ĐVV) - một trong hai người hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế trước Cách mạng Tháng Tám ở Huế, rồi trở thành “Con Hùm Xám Đường số 4” với rất nhiều “danh hiệu” mà người đời phong tặng cho ông thì báo chí, ti vi đã nói quá nhiều rồi! Phải! Điều ấy là đúng, nhưng “người lính già” - danh hiệu mà ĐVV tự phong - qua tuổi 90 rồi vẫn tiếp tục lập những “chiến tích” mới thì hẳn còn ít người biết; và quan trọng hơn là từ những “chiến tích” mới ấy có thể đem lại cho chúng ta một vài suy ngẫm và bài học bổ ích.
Tôi biết một số “chiến tích” mới của ĐVV vì có dịp gặp lại ông - vị khách cao tuổi nhất được UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế mời về dự Festival 2014. Chỉ riêng việc ông già 95 tuổi, sau một đêm trường “lăn lộn” trên xe giường nằm vượt chặng đường 650 km Hà Nội-Huế, vẫn khỏe khoắn, tỉnh táo như không. cũng đáng gọi là một “chiến tích”. Chưa bàn đến bài học rèn luyện sức khỏe siêu đẳng của ĐVV, chỉ so sánh “cách đi” của vị lão thành  cách mạng - một “ông tướng không sao”, với vô số chuyến bay trong và ngoài nước bằng tiền công quỹ - gọi là đi “họp, tham quan” nhưng chủ yếu là đi… chơi (có tình trạng như thế, chính phủ mới phải ra lệnh giảm bớt họp và đi nước ngoài!) của không ít cán bộ, đã khiến chúng ta phải suy nghĩ.  Xin đừng cho là chuyện nhỏ, nhiều sự tiêu phí “nhỏ” như thế đã làm cho gánh nợ tài chính quốc gia đã đến lúc báo động!    
Với ĐVV, ông không xem chuyện đi xe giường nằm Hà Nội-Huế và ngược lại là “chiến tích”, vì đó là việc bình thường ông đã thực hiện chục năm nay, ông chỉ khuyên tôi: “Chú cứ đi! Không sao đâu! Lại rẻ được hơn nửa tiền so với đi tàu hỏa.” Còn “chiến tích” mới nữa thì ông chỉ vào thùng sách vừa được chuyển vào phòng khách sạn và vui vẻ “khoe” ngay với tôi :
- 95 tuổi rồi! Làm cuốn sách tổng kết cuộc đời đây!...
Tôi nâng tác phẩm mà ĐVV vừa hoàn thành - “Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời” - bìa cứng, dày trên 500 trang, chỉ xem qua “cấu trúc”, đề mục, đã thầm kính phục “lão tướng”. Một tác phẩm không chỉ giàu tư liệu quý hiếm - chỉ riêng hơn trăm tấm ảnh in kèm, đã cho chúng ta hình dung một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với những nhân vật tên tuổi, những tướng lĩnh ở cả hai bên chiến tuyến trong cuộc kháng chiến trường kỳ vừa qua - mà cuốn sách còn có sức nặng tư tưởng. Chúng ta đã biết thân phụ ông là cụ Đặng Văn Hướng, đậu Phó Bảng, từng là Bộ trưởng của 3 chính phủ: Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Hồ Chí Minh và đã bị đấu tố rồi chết trong “Cải cách ruộng đất”. Ông nội là cụ Đặng Văn Thụy, Hoàng Giáp Tế Tửu Quốc Tử Giám Huế; thân mẫu xuất thân từ họ Hoàng Đạo nổi tiếng ở Hà Nội, trong đó có gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Cách mạng 5000 lượng vàng!)… Một gia đình như thế, qua biến động lịch sử, có người ở “bên kia chiến tuyến” cũng không phải là chuyện lạ. Điều đáng nói là khi những con người đó, viết bài phê phán “đáng ra Việt phải căm ghét chế độ này nhưng lại đi theo làm tay sai đắc lực cho chế độ”, ĐVV đã công khai viết thư trả lời, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ, lập trường của mình: “…Lớn lên dưới thời đại đế quốc phong kiến, Việt cảm nhận thấy những xấu xa của xã hội cũ, thấy cái nhục làm một người dân nô lệ, người dân mất nước. Việt tự nhiên có một mong ước: Làm thế nào đánh đuổi hết quân thực dân xâm lược, giành lại độc lập để xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hùng cường. Giấc mơ ấy trùm lên cả cuộc đời Việt cho đến tận hôm nay… Vào cuộc đời cách mạng, Việt bị mất mát nhiều, mất người vợ thương yêu, mất mẹ, bố, ông bác, ông chú và tất cả gia sản lớn. Nhưng giữa cái mất và cái được, Việt cảm thấy được nhiều hơn mất. Cùng với dân tộc được cả giang sơn gấm vóc, độc lập, thống nhất. Đất nước ngày này so với thời Việt đi học, khác gấp trăm ngàn lần… Việt gác sang một bên những đau thương mất mát cá nhân để lo cho việc lớn…” (Sách đã dẫn, trang 344-345)
Luận bàn về cái “mất-được” của ĐVV thật đáng trân trọng, nhất là khi chúng ta biết, do “chủ nghĩa thành phần”, bản thân ĐVV đã chịu nhiều thiệt thòi. Nhân đây, tưởng cũng nên trích thêm một nội dung nữa của cuốn sách mà nhiều người chưa biết: Với quá trình chiến đấu và thành tích ít người sánh được trong kháng chiến chống Pháp (ông đã chỉ huy đánh thắng trên trăm trận, đến mức đối thủ cũng phải gọi ông là “Un Général, un Maréchal sans étoile”  - Một đại tướng, một Nguyên soái không sao; …), với sự “xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng” của Bộ Nội vụ ngày 3/1/2012, rằng cụ Hướng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng năm 1947, nhiều cơ quan (như Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…) đã đề nghị Chủ tịch Nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ĐVV; đặc biệt, thư của đại tá-anh hùng La Văn Cầu có đoạn viết: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần, thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)!...Thượng tướng-giáo sư Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện Bộ Quốc phòng, năm 2001, cũng đã phát biểu: “ĐVV là nhà chỉ huy có tầm quốc gia, mặc dầu anh chỉ là trung tá… Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng. Tôi xin ngả mũ trước cuộc đời yêu nước, oan khiên của cụ Đặng Văn Hướng (bố anh) và cuộc đời anh.”
Phải! Đến nay, ĐVV vẫn chỉ là trung tá, vẫn chỉ là “anh hùng dân phong”. Điều đáng quý là trước những trớ trêu của số phận, trước những biến động của thời cuộc, ĐVV vẫn luôn giữ tấm lòng son và tinh thần tiên phong của người đội viên “Thanh niên Tiền tuyến” ngày kéo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế 69 năm trước. Lần gặp tôi mới đây, ĐVV nói một cách vui vẻ:
- Chú biết rồi đó, vì lí lịch con quan, 60 năm tôi vẫn chỉ đeo lon trung tá, ở căn phòng 15 mét vuông, trong khi vị chính ủy trung đoàn 174 của tôi lên chức đại tướng, Phó Chủ tịch Nước! Nhưng thấy đất nước thay đổi nhiều - thì như Huế bây giờ khác hẳn hồi tôi còn học ở đây - nghĩ rằng mình đã góp phần vào đó, thế là vui. Không bi quan, không tiêu cực, luôn trung thành với Dân với Nước, nhưng thấy điều gì không còn thích hợp là tôi nói thẳng…
95 tuổi rồi mà vẫn tràn đầy sức sống chiến đấu như ĐVV cũng là một “chiến tích” ít người có. Ông vẫn phóng chiếc DD “Phượng Hoàng” vèo vèo trên đường phố Hà Nội chật như nêm và hàng ngày đi khiêu vũ từ 6 đến 8 giờ sáng… Phép sống thọ của ông cũng là một bài học cho nhiều người. ĐVV bảo tôi:
- Nói cho đầy đủ thì muốn thân thể khỏe mạnh thì đầu óc phải tránh “stres”, đừng bị bức xúc hay bất mãn và phải biết kết hợp lao động chân tay với lao động trí óc. Chú biết không, tôi vừa đi khám, huyết áp 120/70, đường máu 5,2, lục phủ ngũ tạng bình thường. Nghe bác sĩ Mai ở Bệnh viện Việt-Xô kết luận: “Chưa biết bác Việt sẽ thoát khỏi cuộc đời này bằng lối nào!” tôi cảm thấy bi quan!!!
Nhân câu nói khôi hài của ĐVV về cái nơi tận cùng của cuộc đời mà con người ai cũng phải đến, tưởng cũng nên nhắc thêm một câu cực kỳ nghiêm chỉnh của ĐVV về chủ đề này. Đó là khi ông trả lời bà lãnh sự Đại sứ quán Mỹ, trước chuyến đi thăm Mỹ hồi cuối năm 2004; bà Lãnh sự Mỹ hỏi: “Cụ có đầy đủ các điều kiện để ở lại Mỹ, cụ có ở lại không?” ĐVV trả lời dứt khoát: “Thưa không, tôi sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và tôi cũng thích chết ở Việt Nam.”
Thế đó! Chuyện ĐVV đâu chỉ có chuyện “ngày xưa” nhiều người đã biết, mà là chuyện của hôm nay. Thì chẳng phải đã có quan chức ngành ngọai giao đi nước ngoài rồi không chịu trở về nước đó sao? Dù có số phận trớ trêu và từng chịu những thua thiệt trong cuộc đời, cho đến cuối đời, ĐVV vẫn giữ nguyên tính cách người “lính Cụ Hồ”, không cúi đầu trước mọi trở lực, không rời “trận địa”. Cuộc chiến đấu vì Độc lập Tự do của Tổ Quốc, vì dân chủ, công bằng ngày hôm nay vẫn đòi hỏi sự dấn thân quyết liệt của mỗi người, từ trẻ đến già. Tác phẩm cuối đời của ĐVV đã có nhiều trang thể hiện tính chiến đấu và sự dấn thân quyết liệt ấy…
Nghĩ đến người lính già sống thọ gần trăm tuổi ĐVV, tôi bỗng nhớ lại: Lúc ĐVV kéo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế ngày 21/8/1945, nếu như vua Bảo Đại không bảo viên lãnh binh Đội Cận vệ Hoàng gia đang chỉ huy 120 tay súng chĩa vào hai người kéo cờ, rằng “không được bắn, họ là Việt Minh đó!” thì ĐVV đã…“xanh cỏ” hơn sáu chục năm rồi! Như vậy, suy cho cùng, chính Việt Minh với lãnh tụ đầy uy tín Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, với đường lối chính nghĩa đại đoàn kết dân tộc, vì Độc lập, Tự do của Tổ Quốc, đã cứu ĐVV thoát chết. Có lẽ cũng nên bổ sung: 9 năm sau, chính Cụ Hồ đã cứu cụ Phó Bảng-Bộ trưởng Đặng Văn Hướng thoát khỏi cuộc đấu tố thời “Cải cách”, tiếc là sau đó, cụ Đặng lâm bệnh rồi mất tại quê nhà, không còn được ra Hà Nội gặp lại Cụ Hồ trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Lại có thể nghĩ thêm: Không có Cách mạng Tháng Tám, chàng sinh viên y khoa ĐVV có lẽ sẽ chỉ trở thành một bác sĩ không tên tuổi; như thế, chính là Cách mạng Tháng Tám đã làm cho ĐVV trở nên một nhân vật nổi tiếng, không chỉ ở trong nước. Một cuộc cách mạng không chỉ lôi kéo lớp người nghèo khổ, mà còn cuốn hút cả những người hữu sản, tầng lớp quý tộc vì đã đặt TỔ QUỐC TRÊN HẾT!
Chính là vì biết đặt TỔ QUỐC TRÊN HẾT, “người lính già” gần trăm tuổi ĐVV vẫn dồi dào sức sống để tiếp tục chiến đấu!
TỔ QUỐC TRÊN HẾT! Câu khẩu hiệu thiêng liêng này vẫn luôn có ý nghĩa thời sự, vẫn luôn phải là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của chúng ta hôm nay.