Từ rất lâu nay người ta hay dùng cụm từ PHỤNG DƯỠNG SUỐT ĐỜI để nói về việc quan tâm tới cuộc sống các BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG( BMVNAH).
Tôi rất băn khoăn cách nói này và quyết định viết vài dòng.
Theo Đại Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam( Bộ Giáo dục và Đào tạo) do ông Nguyễn Như Ý Chủ Biên, Nhà Xuất bản Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 1999.
PHỤNG có nghĩa là Dâng lên, hết lòng chăm sóc, phục vụ, hầu hạ…( Trang 1350)
SUỐT có nghĩa:
1- Liền một mạch từ đầu này tới đầu kia, từ nới này tới nơi khác
2- Liên tục từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc…( Trang 1468)
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc gần 40 năm nay. Từ Trung ương, bắt đầu là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tới mỗi tỉnh là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, mỗi huyện là cấp Phòng, thôn xã là các tổ chức cán bộ chuyên trách, một bộ máy khổng lồ. Vậy mà bây giờ chúng ta vẫn còn đang… nghiên cứu, tập hợp, đề xuất, đề nghị, xét duyệt, phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH… Có thể nói đó là sự muộn màng, trì trệ rất khó chấp nhận…
Theo báo Dân trí:
“Sáng ngày 11.7.2014 UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Phát động đăng ký nhận PHỤNG DƯỠNG SUỐT ĐỜI BMVNAH.
Năm 2014 Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH cho 709 cá nhân tỉnh Quảng Ngãi, trong đó CHỈ CÒN 300 MẸ CÒN SỐNG…
Được biết từ năm 1996 đến nay tỉnh Quảng Ngãi có 198 đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời 558 MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG. Trong năm 2014 số mẹ VNAH còn sống 273 người, mẹ được phụng dưỡng 72 người, còn lại 201 mẹ chưa được phụng dưỡng…
Đặc biệt cụ Võ Thị Điểm mẹ của 2 liệt sĩ năm nay đã tròn 100 tuổi, hiện đang ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi mới vừa được công nhận danh hiệu cao quý nói trên”…
Tôi cứ tự hỏi cụ Võ Thị Điểm còn có thể nhận sự phụng dưỡng của chính quyền bao nhiêu năm nữa? Ai có thể nói và tự hào rằng đã phụng dưỡng cụ Võ Thị Điểm SUỐT ĐỜI được đây?
Chúng ta có thể viện ra nhiều lí do, nhiều nguyên nhân để bào chữa cho sự chậm trễ chăm sóc các bà mẹ liệt sĩ. Ngoài tỉnh Quảng Ngãi như báo Dân trí đã nêu, chắc chắn chúng ta còn mắc nợ rất nhiều các BMVNAH trên toàn bộ dải đất hình chữ S. Một món nợ không chỉ bằng tiền bạc vật chất, không thể tính bằng tiền bạc vật chất…
Theo thiển ý của tôi, chúng ta không nên lạm dụng từ ngữ, không nên nói, không nên dùng những cụm từ to tát PHỤNG DƯỠNG SUỐT ĐỜI BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG. Có rất nhiều cách nói khiêm tốn, giản dị và thực chất. Bởi chúng ta phải thực hiện bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm với những bà mẹ neo đơn già cả là thân nhân những người đã hy sinh xương máu cho chúng ta được sống và hưởng thụ hoà bình trên mảnh đất thiêng liêng này như ngày nay.
Ở quê tôi nói như thế người ta bảo là nói ngoa.
Sài Gòn, 15.8.2014
VDC