Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tinh thần Việt Trong tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA

Mai Thu Hà
Thứ bẩy ngày 23 tháng 8 năm 2014 3:46 PM

 

 

Tôi được đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử CÁT NƠI ĐẢO XA viết về đảo Cát Vàng cuả tác giả Trần Ngọc Dương vào những ngày nhà cầm quyền Trung Quốc cho đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Hoàng Sa - Một vùng biển mà Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, để khẳng định chủ quyền của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Tác phẩm đã được dư luận khen chê đủ kiểu. Trong phạm vi bài viết này, tôi không có ý kiến gì về những lời khen. Còn điểm qua một vài tiếng chê, tôi thấy cần phải đưa ra ý kiến luận bàn của riêng mình.

Nào là:

- Vấn đề chủ quyền Biển Đảo là vấn đề lớn, đòi hỏi người viết phải có trình độ uyên bác. Khả năng của tác giả đáng là bao mà dám liều thế.

- Tác phẩm phải đổi nhà xuất bản, thay tên mới lấy được giấy phép.

- Các căn cứ dữ liệu về các vấn đề như: Lịch sử, văn hóa và những tù binh người Chăm bị các vua nhà Lý bắt về Vân Đồn chưa được khẳng định.

- Cái tên CÁT NƠI ĐẢO XA nghe cải lương quá. Tiểu thuyết lịch sử nhưng nhiều chỗ lại dùng ngôn từ quá hiện đại...

- Đây là vấn đề “tế nhị” trong quan hệ với nước láng giềng ...

Cũng có người hằn học soi mói: “Chẳng qua là muốn kiếm tí danh qua sự kiện om sòm này.” v.v và v.v...

Riêng cá nhân khi đọc xong cuốn sách, tôi có đôi điều cảm nhận:

- Trước hết tôi coi đây là trách nhiệm và bổn phận một công dân của tác giả đối với đất nước. Không biết tác giả đã gửi bản thảo từ khi nào, nhưng khi xem trang cuối tôi thấy Quyết định xuất bản mang số 221/QĐ - NXB HNV được ký vào ngày 20/3/2014, đến trung tuần tháng 4/2014 tác phẩm đã ra mắt bạn đọc (Như vậy cuốn sách đã được in với thời gian chưa đầy một tháng kể từ ngày được cấp phép). Ngày 1 tháng 5 năm 2014 nhà cầm quyền Trung Quôc mới đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa. Như vậy tác giả không hề “muốn kiếm tí danh qua sự kiện om sòm này” như ai kia đã từng soi mói. Thưa ai đó, chẳng nhẽ tác giả uyên bác đến mức biết trước sự kiện này, nên đã đón đầu sáng tạo và cho đứa con tinh thần của mình chào đời đúng dịp?

- Còn về việc đặt tên cho cuốn sách thì quả là điều tế nhị - Tác giả đã từng bị lột bỏ hai tác phẩm trong một tập truyện ngắn vì có liên quan đến yếu tố Trung Quốc vào năm 2012 – Tôi đã được đọc chương 1 và 2 của cuốn tiểu thuyết này trong Blog của tác giả từ đầu năm 2013. Dạo đó nó được mang tên khác! Nhưng cái tên CÁT NƠI ĐẢO XA cũng khiến ta phải suy ngẫm rất nhiều, nhất là khi đọc xong tác phẩm. Theo tôi, CÁT ở những hòn đảo ở ngoài Biển Đông từ trước đến nay cho dù có mang mầu gì đi chăng nữa, nhưng một khi đã thấm máu của những người lính đã hy sinh bảo vệ nó, cũng sẽ trở nên đỏ thắm. Như lời Lý Sơn nói với mọi người trong lúc an táng đồng đội trên ĐẢO CÁT VÀNG: “Cát ở đây bắt đầu có màu đỏ rồi!” Máu của những người lính ngã xuống trên biển đã nhuộm đỏ CÁT NƠI ĐẢO XA, còn thân thể của các anh đã tan vào  sóng nước của Biển Đông để ngày đêm vỗ về vào bờ đất Việt  yêu thương.

Cho dù cuốn tiểu thuyết được mang cái tên gì đi chăng nữa, khi đọc nó ta vẫn cảm nhận được tinh thần Việt là chủ đề chính, xuyên suốt tác phẩm.

Nhà Lý mất. Tuy Lý Long Tường và Lý Vân Sơn đứng trước họa diệt vong, song cả hai vẫn chung một ước mơ, một ý nguyện: Có những hạm thuyền to lớn, đủ sức mạnh làm chủ biển khơi, làm lũ giặc ngoại xâm khiếp sợ, bảo vệ được biên cương của tổ quốc, giữ được sự bình yên của cuộc sống và chinh phục những vùng đất mới.

Thực tế người Việt ngày ấy đã làm được điều đó: “...Việc xây dựng một đội thủy binh lớn mạnh cho xứng tầm với Đại Việt, mọi người đều phải có trách nhiệm - Việc đi lại dài ngày trên biển, đến những vùng đất xa lạ đối với hạm đội của Đại Việt là chuyện thường xuyên. Từ đấy, quân Tống ở phía bắc; Chiêm Thành, Chân Lạp ở phương nam không dám đưa các chiến thuyền quấy rối vùng biển của Đại Việt nữa...” Và ngay trong lúc làm lễ tế trên Đảo Cát Vàng Lý Sơn cũng đã tuyên bố: “...Sở dĩ ta cho xếp hàng chữ Đảo Cát Vàng này, chỉ vì một điều đơn giản. Chúng mình là những cư dân Đại Việt đã đặt tên cho đảo. Là những người đã có mặt ở đây và sống rất tốt trên hòn đảo này. Sẽ không có một ai, và cũng chẳng có một điều gì khuất phục nổi những con người như chúng ta - Nay ta xin tấu trình với thiên địa và cũng bố cáo với toàn thiên hạ rằng: Đây là Đảo Cát Vàng! Mảnh đất của người Việt đang sống! Nơi này đã có tên! Không phải là đảo hoang!”

Người Việt từ cổ xưa đã coi việc đem lại màu xanh bình yên cho những vùng đất mới, cũng quan trọng không kém gì việc mang gươm đi mở cõi! Chẳng thế mà khi ra đảo Cát Vàng lần hai, ngoài những thứ hậu cần rất cần thiết cho chuyến đi biển dài ngày, Lý Sơn còn cho mang theo đất và các loại giống cây chịu được phong ba, bão táp để trồng trên những hòn đảo mà mình sẽ đặt chân tới. Ông nói: “Ta muốn ngoài đảo Cát Vàng, sẽ có các loài cây giống như ở nơi này, để mỗi khi đặt chân tới đó, chúng ta sẽ cảm nhận được mình đang đi trên mảnh đất quê hương. Mà không, rồi đây ta sẽ mang cây tới trồng trên tất cả các đảo hoang ở ngoài Biển Đông, liền kề với đảo Cát Vàng để khẳng định với toàn thiên hạ rằng: Những hòn đảo ở nơi này đã được chúng ta đặt chân tới khai hóa, không phải là đảo hoang! Đất này là của chúng ta!” Những việc làm cần mẫn của tổ tiên ngày đó giống như những người thợ dệt, đã góp phần dệt nên màu xanh ngàn sắc của tổ quốc Việt Nam thân yêu hôm nay.

Ngay từ thủa xa xưa, đại đa số người Viêt cho dù lưu vong hay sống cuộc đời mai danh ẩn tích lúc nào cũng hướng về quê hương. Và khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm, họ đều có những hành động cụ thể vì quê nhà. Với họ: Tổ quốc trên hết. Kiến Bình vương Lý Long Tường không muốn làm kẻ cản đường lịch sử quốc gia dân tộc, để ngàn năm bia miệng tiếng đời. Thà vong quốc chứ không phản quốc. Những chiến công của ông trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông ở mảnh đất Cao Ly ngày đó đã góp phần chia lửa với quê nhà. Còn hậu duệ của ông, cũng đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.  Để rồi chính vị Phó tướng Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn của nhà Trần phải thốt lên khi đọc danh sách những người được khen thưởng: “Thái sư Trần Thủ Độ ơi! May mà người chưa kịp giết hết những người mang họ Lý ở mảnh đất này.” (Ngày nay ở ngôi miếu Ông nằm ven con sông Ba Chẽ, người ta còn đọc được trong tấm bia đá thờ tự những người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông có tên của một tướng quân mang họ Lý)

Trong quá trình hình thành và phát triển nên một đất nước Việt Nam thống nhất. Tổ tiên và ngay cả thế hệ chúng ta đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi công sức kiếm tìm khai phá tôn tạo mới có được. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ cho non sông xã tắc đời đời hưng thịnh, chúng ta đã nhiều lần phải đứng lên làm cuộc kháng chiến đánh tan nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Máu của người dân Việt đã thấm vào từng tấc đất. Các thế hệ người Việt trên khắp thế giới bao giờ cũng đặt tiêu chí Tổ quốc lên trên hết.

- Trong tiểu thuyết đã đề cập đến các khía cạnh cuộc sống của người Chăm và nền văn hóa của họ. Nhưng phải chăng nền văn hóa này đã giao thoa, hòa nhập cùng với các bộ tộc dân cư Việt khác, rồi thuận theo tự nhiên làm nảy sinh ra những nền văn hóa mới phù hợp với các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên đất mẹ Việt Nam. Ta thấy những điệu múa trong lễ hội mang đậm mầu sắc của dân tộc Chăm, nhưng được gắn chặt với điều kiện hiện tại, không gò bó câu nệ, luôn thuận theo tự nhiên: “...Người vũ nữ uyển chuyển, xinh đẹp như một nàng tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Chàng trai vỗ tay, nhập vào vòng tròn những người đứng quanh đống lửa từ lúc nào chẳng hay, ánh mắt của chàng không rời khỏi người vũ nữ. Và chàng trai đã tham gia điệu nhảy khi bị nàng tiên nữ kéo tay mời chào. Đám đông ùa ra vây kín, nhún nhảy cùng hai người. Lúc lễ hội kết thúc, mọi người không tìm thấy đôi trẻ. Họ rời cuộc vui lúc nào cũng chẳng ai hay. Đúng lúc đó vầng trăng lên cao. Cả không gian bừng sáng. Những con sóng lăn tăn, lấp lánh nối đuôi nhau trải dài trên mặt vịnh. Mọi người ngẩn ngơ ngắm nhìn một chiếc thuyền con đang lặng lẽ trôi. Ở nơi mũi thuyền, cô gái đang thể hiện điệu múa Apsara huyền thoại. Những âm thanh đắm say của tiếng trống Paranưng đã được chàng trai tạo ra bằng cách, vỗ tay vào mạn thuyền. Một bầy cá heo thi nhau nhào lộn, phun nước quanh thuyền, khiến cho khung cảnh càng trở nên huyền bí. Những tia nước lóng lánh dưới ánh trăng. Con thuyền dập dờn trong muôn ngàn ánh bạc. Đám đông đứng trên bờ sững sờ trước vẻ đẹp của vũ điệu thần tiên...” hoặc trong điệu múa hoàng tử tiêu diệt ác quỉ mà Lý Sơn đã thể hiện trong dịp khánh thành tòa bảo tháp tại vùng đất ven biển miền Trung.

Rồi những âm thanh kỳ lạ được tạo lên bởi những nhạc cụ truyền thống.  “...có lúc rất đơn giản, đôi khi biến tấu khôn lường. Khi người ta nghe giống như tiếng suối nước róc rách nơi rừng sâu lẫn tiếng hoạ mi véo von vào buổi sáng đẹp trời. Lúc lại réo rắt, nỉ non, du dương, lên bổng, xuống trầm, hoặc chơi vơi bay trong bầu trời đêm tĩnh lặng... khiến con tim của ta phải rối loạn thổn thức khi nghe thấy...” Những âm thanh ấy đã được tạo ra từ những nhạc cụ đơn giản của người Chăm. Hay đoạn miêu tả tiếng kèn saranai - tiếng kèn đoạt hồn - Nhạc cụ định âm duy nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt của người Chăm. 

- Trong tác phẩm ta thấy tình người bao trùm nên tất cả. Những nhân vật trong tiểu thuyết coi trọng tình người trên cả giáo lý của các tôn giáo.

Tình người ở đây luôn luôn được coi trọng. Họ luôn luôn tâm nguyện: “...Chẳng phiền trách ai! Chẳng giận hờn ai! Chẳng làm hại ai! Chỉ biết lắng nghe! Chỉ biết sẻ chia! Chỉ biết tình người!”

 Mặc dù đoàn người của Lý Sơn nhiều lần bị đẩy vào bước đường cùng, nhưng không vì sự tồn vong của mình mà họ làm điều ác. Kể cả lúc chống lại lũ cướp biển trên đảo Cát Vàng. Mặc dù đã biết rõ kế hoạch của chúng là bỏ thuốc mê, giết người yếu, bắt những người khỏe mạnh làm nô lệ chèo thuyền và ném họ xuống biển khi đạt được mục đích.

Tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư Việt được đề cao, là kim chỉ nam cho mọi hành động: “...Tất cả chúng ta một khi đã dám dấn thân, dám đuơng đầu, dám chịu trách nhiệm để cùng nhau vuợt qua những khó khăn, cũng như nỗi sợ hãi về số phận mong manh của kiếp con người, chắc chắn tất cả chúng ta sẽ cầm tay nhau đến được bến bờ yêu thương của cuộc sống nơi trần thế!”

- Tuy tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA của Trần Ngọc Dương vạm vỡ với chất liệu sử thi, nhưng nhiều chỗ tác giả lại dùng ngôn từ hiện đại như đoạn tả về những cơn bão nhiệt đới. Hoặc nói về tình yêu của những người sống cách đây gần 800 năm - sống trong giáo lý của chế độ phong kiến - lại dùng thứ ngôn ngữ của các chàng trai cô gái thời đại @ của thế kỷ 21. Như đoạn đối thoại giữa  Lý Sơn và Chi Sa:

“... Thì người ta là của đằng ấy rồi.

Lý Sơn vu vơ:

- Sao ta chẳng nhận ra nhỉ?

- Tại đằng ấy cứ coi người ta là trẻ con.

- Oan cho ta quá!

- Chẳng oan tẹo nào!

- Thực tình ta vô tâm, chẳng biết điều nàng vừa nói, nó xảy ra từ bao giờ vậy?

- Từ ngày đầu gặp gỡ.

- Từ ngày đầu gặp gỡ? Là lúc nào nhỉ?

- Lúc đằng ấy ẵm người ta vượt đèo.

- Bữa ấy ta không bế, sẽ có người khác bồng. Gặp người bị nạn, ai cũng làm như vậy cả!

- Thì từ lúc đằng ấy - Chi Sa khúc khích, úp mặt vào bờ vai Lý Sơn nói tiếp - thấy hết của người ta...”

Cũng có lúc dung tục như: “...mắt không hay nhưng tay đã sờ...”

 Đôi chỗ hơi tham lam khi truyền tải dữ liệu, sự hiểu biết của mình về miền đất, phong tục tập quán nơi tác giả đã sinh sống, đã trải qua - Như các chương viết về Vân Đồn, về đảo Lý Sơn v.v...

Tuy cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA còn nhiều điều phải bàn luận. Trên đây chỉ là vài ý kiến nhỏ của cá nhân tôi khi đọc sách. Nhưng dù sao cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA vẫn hoàn thành được tiêu chí của tác giả đặt ra là: Chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được người Việt xác định từ 800 năm trước. Riêng tôi rất mong rồi đây sẽ được đọc thật nhiều tác phẩm viết về chủ đề này.

                                                                  Mai Thu Hà

                                                                     8/2014