Những người tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường tỉnh Long An có lẽ không ai là không biết và yêu thích bài thơ Vàm Cỏ Đông. Cũng qua bài thơ đó người ta yêu mến tác giả, nhà thơ Hoài Vũ. Phải nói rằng chính bài thơ ấy đã bắc nhịp cầu cho nhà thơ Hoài Vũ đến với Long An, trở thành một vị khách quý của Long An, cho tới hôm nay.
Năm 1968, tôi có mặt ở chiến trường Long An. Lúc ấy bài thơ đã được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, đang phổ biến rộng rãi trên đài Hà Nội cũng như đài phát thanh Giải Phóng. Ở đâu tôi cũng nghe các chiến sĩ của chúng ta, cả bên dân đảng, hát bài Vàm Cỏ Đông.. “Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ, từng mái nhà nép dưới rặng dừa…” Có thể nói cái điệp khúc ấy được vang lên hầu như khắp nơi trên chiến trường Long An. Cũng bởi vì, một phần quan trọng, là do con sông Vàm Cỏ Đông đã gắn bó sinh tử với tất cả cán bộ chiến sĩ ở chiến trường Long An.
Lúc ấy tỉnh Long An được chia thành hai phân khu là Phân Khu II và phân khu III, mỗi phân khu lại sáp nhập với một số quận, huyện của Sài Gòn, tạo thành hai mũi tấn công vào Sài Gòn. Sau các đợt tấn công I rồi II, lực lượng ta rút ra ngoại vi thành phố, rút về Long An, chuẩn bị cho đợt Ba như chúng tôi được cấp trên sinh hoạt . Đó là những ngày tháng chiến tranh vô cùng ác liệt. Con sông Vàm Cỏ Đông chia tỉnh Long An thành hai khu vực, một khu vực tiếp giáp với Sài Gòn, và phần kia tiếp giáp với đất bạn Căm Pu chia . Con sông trở thành một chiến tuyến sinh tử giữa ta và địch. Địch mở chiến dịch hạm đội nhỏ trên sông để ngăn lực lượng ta vượt sông tiến vào Sài Gòn, hoặc rút ra, lùi về khu vực biên giới. Tàu giặc đan kín trên sông. Trung bình cứ năm phút có một chiếc tàu chạy dọc theo sông, ban ngày cũng như ban đêm. Ban đêm tàu giặc dọi đèn pha sáng rực. Chúng ta thành lập nhiều tổ săn tàu, chủ yếu là tác chiến vào ban đêm. Nhiều tàu giặc bị bắn cháy, nhưng việc qua sông của ta vẫn rất khó khăn.Mỗi lượt qua sông thường là ba người cho nhẹ xuồng và cả ba phải cùng bơi xuồng, bơi hết tốc lực. Hẳn nhiên ta phải chọn chỗ khúc sông vừa hẹp, vừa cua gấp để hạn chế tầm nhìn của tàu địch nếu vào ban ngày,và tới khúc cua sông tàu giặc phải giảm tốc độ để xuồng ta kịp thoát vào bờ. Chính vì thế, bài hát Vàm Cỏ Đông vang trên đài vào thời điểm ấy đã làm xúc động các chiến sĩ chiến đấu ở Long An. Nó có sức động viên thật mạnh mẽ. Ngỡ như bài hát ấy hát về họ, là giành riêng cho họ.
Có một điều lạ là như thế này. Mặc dù bài hát rất hay, ai cũng khen nhưng anh em chiến sĩ lại chỉ nhớ đến bài thơ Vàm Cỏ Đông và tác giả của nó là nhà thơ Hoài Vũ. Hễ đài phát bài hát ấy y như rằng anh em đều chăm chú nghe và nói với nhau, bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ đấy. Ít ai nhắc tới tên tác giả nhạc sĩ , tôi cũng không hiểu tại sao. Nhiều anh em còn khẳng định với tôi là nhà thơ Hoài Vũ đã về Long An công tác, sống và chiến đấu ỡ Long An một thời gian dài và ông đã lấy cảm hứng từ màu xanh con sông để có bài thơ ấy. Sau này thì tôi được biết do một người bạn nói lại, nhà thơ Hoài Vũ đã sáng tác bài thơ ấy tại R. tức là tại chiến trường Tây Ninh, là phần thượng nguồn con sông Vàm Cỏ Đông. Long An là phần hạ nguồn. Mặc dù vậy, nhưng nói ra anh em chẳng ai tin cả, họ nhất quyết rằng nhà thơ đã sáng tác bài thơ ấy tại Long An. Đành vậy.
Mà quả thật màu xanh Vàm Cỏ Đông có một sức mê hoặc lạ lùng. Tôi đã từng vượt sông Vàm Cỏ Đông vào những ngày ác liệt ấy của chiến tranh, một chiếc xuồng nhỏ băng qua sông lúc bốn giờ chiều, giờ Sài Gòn lúc ấy là năm giờ. Tôi không hiểu tại sao các đồng chí giao liên lại chọn vượt sông vào giờ ấy. Sau này có người nói với tôi “lúc ấy là giờ cơm của tụi nó, tàu nó chạy thưa hơn”. Không biết có phải vậy không. Lúc bước xuống xuồng, người giao liên nói với tôi , “ lỡ tàu địch đến lúc mình đang ở trên sông, không được nhảy xuống sông nghe cha. Chết cũng phải bơi xuồng tới bờ. Nhảy xuống sông là ăn đạn 12,7 ly, chết hết.” Cây súng A,K để dọc theo xuồng, kế bên tôi. Nếu tàu tới tôi phải buông dầm, ôm súng bắn bắn để bảo vệ hai giao liên bơi xuồng. Một chiến sĩ giao liên ra lệnh cho tôi như thế. Rồi cả ba người, tôi và hai chiến sĩ giao liên, với ba cây dầm, quạt nước thật lực trong tiếng máy tàu ầm ào khúc sông cua phía tay phải. Khi xuồng vừa cặp bờ, chui vào cụm dừa nước thì tàu địch vừa tới, sóng tàu chạy dội mạnh vào bờ làm chiếc xuồng.nhỏ chòng chành dữ dội.
Suốt ngày hôm sau nằm ở bờ sông chờ giao liên đón, tôi có dịp ngắm nhìn kỹ hơn màu xanh con sông. Màu xanh thật lạ lùng. Như là không ở đâu có . Lại nhớ về sông Cầu Rào gần nhà tôi ở Hải Phòng. Nước sông quanh năm đục ngầu phù sa. Còn ở đây, nước sông Vàm Cỏ Đông xanh, xanh kỳ lạ. Tự nhiên lại nhớ đến bài hát Vàm Cỏ Đông “ … nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” . Và lại nhớ đến nhà thơ Hoài Vũ, cũng chỉ là nhớ đến tên ông chứ cho tới lúc ấy tôi chưa hề được gặp ông. Cho tới mãi sau này.
Rõ ràng là những dòng nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục đã nâng những dòng thơ của nhà thơ Hoài Vũ lên cao hơn. Nhưng những người yêu thích bài thơ và tác giả của nó cũng có cái lý của mình.
Cũng như bây giờ, hồi ấy, đời tư của một nghệ sĩ được yêu mến luôn trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Ơ Long An, nhà thơ Hoài Vũ cũng không ngoại lệ. Chỉ có khác, những giai thoại về ông vào thời điểm chiến tranh ác liệt ở Long An, giống như những cơn gió mát làm dịu đi những giờ phút bỏng rát của những trận chiến đấu ác liệt hàng ngày. Sau những lần đụng độ ác liệt với quân địch, mọi người rất thích kể cho nhau nghe những chuyện về ông, những câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần mà nghe sao vẫn cứ hấp dẫn.
Một trong số đó là câu câu chuyên tình không thành của ông, và chính câu chuyện tình ấy đã làm cho màu xanh Vàm ỏ Đông càng thêm vẻ đẹp lãng mạn. Tôi cũng không biết ai là người đầu tiên làm “bật mí” câu chuyện riêng tư ấy của nhà thơ nhưng cứ nghe cách người kể thì có vẻ như chính người đang kể chuyện là người đầu tiên biết được chuyện ấy.
Chị T.N là một cán bộ phong trào quê ở Long An, cụ thể hơn, Nam Long An, có thời gian tham gia hoạt động sáng tác trong lực lượng sáng tác của Long An, lúc ấy là ở Phân khu III. Theo chỗ tôi biết thì chị T.N dự trại sáng tác trên R. Nhà thơ Hoài Vũ gặp chị ở đó, và, tiếng sét ái tình đã làm rung chuyển trái tim thi sĩ. Nhưng tình yêu của thi sĩ đã gặp trắc trở. Sự trắc trở ấy xảy ra trong những lần nhà thơ đi thực tế tại chiến trường Long An.
Trong hai năm 1968 và 1969 nhà thơ Hoài Vũ nhiều lần xuống Long An mở trại viết cho anh chị em viết văn làm thơ ở chiến trường Long An, cả bên quân sự và dân sự. Thường là anh xuống Long An vào mùa lũ. Ấy là lúc đồng Tháp Mười ngập nước mênh mông. Căn cứ của hai đơn vị Bắc và Nam Long An ở gần nhau, trên Đồng Tháp Mười, thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia. Những ngôi nhà được anh em đào đất đắp nền cao vượt lũ, rồi dựng nhà. Những ngôi nhà vào mùa lũ trông như những hòn đảo giữa biển nước. Đi lại bằng xuồng hoặc bơi. Gần nhau thì đào đất đắp đường đi, con đường cao giống như con đê. Vào mùa lũ tình hình chiến sự cũng có phần “ nhẹ” hơn.
Anh Hoài Vũ rất có uy tín với lãnh đạo Long An,cả hai vùng Bắc và Nam Long An, rõ ràng là một phần quan trọng vì anh là tác giả của bài thơ Vàm Cỏ Đông. Sự quý mến của các thế hệ lãnh đạo tỉnh đối với nhà thơ Hoài Vũ còn mãi tới hiện nay.
Trong chiến tranh nhiều nhà văn từ R. về Long An thực tế. Có thể kể ra đây rất nhiều tên tuổi quen thuộc như nhà thơ Chim Trắng, nhà thơ Diệp Minh Tuyền, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Thanh Giang của bên quân đội… vân vân.. Nhưng duy nhất nhà thơ Hoài Vũ có nhiều gắn bó với Long An hơn cả.
Tôi nhớ trong một lần xuống Long An mở trại viết vào những ngày tháng chiến tranh ác liệt, thiếu thốn khó khăn trăm bề, anh đã thuyết phục lãnh đạo tỉnh ra một tờ Tạp Chí Văn nghệ Vàm Cỏ đặc biệt , khổ 19 x 27, dày dặn có gáy đàng hoàng. Trước đó Tạp chí văn nghệ Vàm Cỏ của Phân khu II và văn nghệ Long An của phân khu III ra khổ 13 x 19, không đều kỳ và rất mỏng. Không phải là nhà thơ Hoài Vũ với uy tín của mình, việc ra số Tạp chí Văn nghệ Vàm Cỏ ấy chưa chắc đã thành sự thực. Kinh phí in khó khăn, lực lượng viết vừa phân tán vừa yếu Nhà thơ Hoài Vũ với uy tín của mình đã thuyết phục thành công các vị lãnh đạo. Trong kháng chiến khó khăn, việc tập trung kinh phí, sức người vào số tạp chí đặc biệt ấy đâu có đơn giản.
Tôi nói đặc biệt vì nội dung số Tạp chí ấy anh Hoài Vũ trực tiếp đặt bài, chọn bài,biên tập. Và cùng duyệt với cấp trên. Nó còn đặc biệt ở chỗ, số Tạp Chì ấy bao gọn nội dung, người viết, đề tài phản ánh ở cả hai vùng Bắc và Nam Long An, cả bên quân sự. Không có sự phân chia theo đơn vị hành chính. Bên quân sự tôi cũng được anh Hoài Vũ phân công viết một bài. Có một chi tiết nhỏ. Trong lần ra số Tạp chí đặc biết ấy, anh cho in bài thơ “ Gửi miền Hạ” của anh. Mặc dù anh không nói ra, nhưng chúng tôi cũng ngầm hiểu bài thơ ấy còn là nỗi niềm riêng tư của anh gửi chị T.N, người đã tạo ra tiếng sét làm rung chuyển trái tim anh. Nhà thơ ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông ( Tây Ninh) và chị T. N. ở hạ nguồn ( miền Hạ) con sông. Mở đầu bài thơ là hai câu “Anh ở đầu sông em cuối sông/ uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Trước khi in anh cũng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ấy. Anh còn giải thích hai câu thơ ấy là mô phỏng theo cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều “ Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.
Tình yêu của anh không được chị T.N đón nhận. Âu cũng là duyên số . Và sự từ chối của chị T.N đã bị “ bật mí”. Một câu chuyện nữa lại xảy ra. Mối tình không thành ấy của anh đã trở thành một giai thoại tình yêu lãng mạn nhất, đẹp nhất lưu truyền trong anh em chiến sĩ, kể cả quân sự và bên dân chính ở chiến trường Long An. Anh em hay kể cho nhau nghe câu chuyện tình của tác giả bài thơ Vàm Cỏ Đông với một nữ thi sĩ ở Long An. Trong câu chuyện, chị T.N đã trở thành một nữ thi sĩ đẹp và thật mơ mộng. Trong chiến tranh ác liệt, sống chết chỉ trong gang tấc, trái tim chiến sĩ tưởng như chai sạn đi, bỗng nhiên thổn thức vì câu chuyện tình yêu như là huyền ảo ấy.
Cho đến ngày hòa bình.
Một lần nữa bài thơ Vàm Cỏ Đông lại trở thành câu chuyện được bàn tán nhiều nhất. Ấy là khi Long An thành lập đài truyền thanh, sau này là đài phát thanh truyền hình của tỉnh, vấn đề nhạc hiệu của đài được cân nhắc xem xét. Một cuộc thi sáng tác được tổ chức rộng rãi, nhiều nhạc sĩ trong ngoài tỉnh kể cả Thành phố Hồ Chí Minh được mời tham gia,để chọn bài hát hay và tiêu biểu nhất làm nhạc hiệu cho đài Long An. Tôi không nhớ những nhạc sĩ nào đã tham gia cuộc vận động sáng tác ấy, nhưng có được nghe một số bài dàn dựng. Nhiều bài rất hay. Nhưng cuối cùng thì bài Vàm Cỏ Đông lại được chọn. Tôi nhớ có lần nhà thơ Hoài Vũ đã cùng nhạc sĩ Trương Quang Lục xuống Long An chơi. Nhà thơ đã giới thiệu nhạc sĩ với lãnh đạo tỉnh, với một số cơ quan trong tỉnh vơi những lời lẽ chân thành và nồng nhiệt nhất. Thêm môt lần nữa nhạc sĩ Trương Quang Lục được đông đảo người hâm mộ yêu mến, nhưng rồi người ta lại nhắc đến nhà thơ Hoài Vũ như là linh hồn của bài hát Vàm Có Đông. Mà không chỉ có vậy. Câu chuyện tình trong kháng chiến của nhà thơ lại thêm một lần được nhiều người truyền tai nhau với đầy màu sắc lãng mạn và cảm động.
Cách nay hơn mười năm, năm 2001, Long An lần đầu thành lập giải thưởng VHNT Nguyễn Thông nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của từng cá nhân văn nghệ sĩ đối với Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong xây dựng. Nhà thơ Hoài Vũ cùng với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhà văn Lê Văn Thảo và nhiều tác giả quen thuộc khác từ thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh khác,được trao giải thưởng này. Bữa đó nhà thơ Hoài Vũ tay ôm bó hoa đứng trên sân khấu sáng rực ánh đèn rưng rưng xúc động nhắc lại tình cảm của mình dành cho mảnh đất Long An, cùng nhớ lại những ngày tháng gian nan nhưng đầy tự hào trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Bài hát Vàm Cỏ Đông lại được hát trên sân khấu rực rỡ ánh đèn.
Hào Vũ