Tôi vốn bạn đồng ngũ với Phạm Quang Đẩu các năm 1972-1973 ở Trung đoàn 1, Quân khu Hữu ngạn, huấn luyện xong đi B mỗi người một đơn vị. Đến năm 1979 biết anh từ cơ sở được gọi về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân, từ đó tôi thường đọc bài của anh, đôi khi còn đọc truyện của anh ở Văn nghệ quân đội, hay Văn nghệ. Thế rồi cách đây 6 năm anh về hưu ở Hà Nội, chúng tôi lại có điều kiện hay gặp nhau hơn, mỗi khi ra sách mới anh đều gửi tặng. Đến giờ trong tủ sách gia đình tôi đã có 4 quyển của anh, gồm 3 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn. Năng suất viết thế với người đã ngoài 60 tuổi, cũng có thể gọi là viết khỏe. Thời nay bỏ tiền túi ra in sách (cả thơ lẫn văn) không có gì lạ. Nhưng đáng nói ở đây, tất cả các sách anh in vừa qua đều được các nhà xuất bản “bao”, nghĩa là tác giả không mất xu nào, còn được lĩnh nhuận bút, mà tira đều từ 1000 cuốn trở lên cả. Có thể nói sách anh bán được.
Năm Phạm Quang Đẩu cầm sổ hưu 2008, cho ra mắt cuốn tiểu thuyết sử thi Một ngày là mười năm (NXB Lao Động). Đến 2010 cuốn này đoạt giải Văn học sông Mê Kông, anh sang Viêng Chăn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn các nước Đông Dương. Rồi sách được tái bản ngay năm đó, bạn còn sốt sột dịch sang tiếng Lào. Dư luận giới chuyên môn đánh giá đây là một cuốn hay về đề tài chiến tranh. Tôi thì ngày đó đã đọc Một ngày là mười năm một lèo, sau cho người khác mượn, họ cũng nói thế. Tức là sách cuốn hút, có sức hấp dẫn nhất định với người đọc. Tác phẩm có nhân vật chính xuyên suốt từ thời chống Pháp đến chống Mỹ được thể hiện theo lối đồng hiện, từ đầu chí cuối cứ đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tránh lối viết đều đều, tuần tự nhi tiến như thường thấy ở nhiều cuốn hồi ký hay tiểu thuyết về đề tài này. Đến cuốn tiếp theo Đánh đu cùng số phận (NXB Văn học, 2012) lại có cách viết khác, tira 1500 cuốn bán hết vèo sau khi phát hành 1 tháng, được nhà xuất bản đánh giá là sách bán chạy của năm ấy. Theo tôi cái hấp dẫn của nó cũng chính ở thủ pháp, cách viết mới. Ba nhân vật chính trong sách cùng kể chuyện ở ngôi thứ nhất (tôi) xung qunh một vụ việc có thật ngoài đời, đó là một trường trung học của tỉnh miền núi phía Bắc, có tay hiệu trưởng tha hóa đã mại dâm học trò của mình. Bố cục chặt chẽ, tác giả không sa vào kể lại những tình tiết của vụ án, mà dụng công khắc họa tâm lý các nhân vật cả tiêu cực lẫn tích cực. Được biết cuốn này đang nằm trong số những cuốn có triển vọng của cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2014) của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm vừa qua, Phạm Quang Đẩu tiếp tục cho ra lò cuốn tiểu thuyết kiểu mới nữa, gọi là tiểu thuyết chân dung tựa là Đơn tuyến (NXB Công an nhân dân). Sách viết về nhà tình báo, kiêm nhà khoa học, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, một nhân vật huyền thoại trong nghề tình báo thời chống Mỹ, mà nhiều năm sau ngày nước nhà thống nhất chưa nhà văn nào khai thác được tư liệu về ông để viết. Theo như trả lời phỏng vấn của nhà văn Phạm Quang Đẩu với tờ Văn nghệ công an vào cuối năm 2013 thời điểm sách ấn hành, thì để viết cuộc đời một nhân vật lúc sinh thời không hé lộ điều gì về hoạt động cũng như chuyện riêng tư của mình, tác giả đã dầy công tìm hiểu qua lời kể của người thân, bạn bè nhân vật, bên cạnh đó đã khai thác nhiều tư liệu trên mạng Internet. Vốn sống dùng để viết có được chủ yếu qua mạng chứ không hoàn toàn là vốn sống thực tế, đó cũng có thể là một nét mới của người cầm bút thời hiện đại hôm nay. Khả năng nhạy bén liên kết các sự kiện cộng với trí tưởng tượng dồi dào của tác giả, tôi cho rằng Đơn tuyến lại thêm một thành công nữa của anh. Mừng là NXB Công an mạnh dạn in 2000 cuốn, đã bán hết ngay trong một thời gian ngắn. Tôi cũng rất tâm đắc với lời nhận xét của nhà văn lão thành Ma Văn Kháng (ghi ở bỉa 4 cuốn sách): “Hiếm có một nhân vật nào mà cuộc đời vừa tự nhiên vừa được tổ chức tuyệt vời như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, đến từng chi tiết, như cuộc đời nhân vật Nguyễn Đình Ngọc trong cuốn sách này…Đây là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy”.
Cuốn mới nhất có trong tay tôi là tập truyện ngắn Anh chàng kỳ cục (NXB Quân đội nhân dân, 2014). Nhiều truyện trong này tôi đã được đọc ở các tờ báo văn nghệ trong nước các năm gần đây. Nếu như khi viết tiểu thuyết Phạm Quang Đẩu quan tâm đến thủ pháp, cấu tứ, thì viết truyện ngắn cũng vậy, tập gồm 14 truyện anh viết khá đồng đều, chắc tay. Đặc biệt có nhiều truyện về người lính thời bình được thể hiện với các chi tiết sống động, đầy chất lính.
Tôi tiếc mình không có khả năng của nhà phê bình, mổ xẻ cái hay dở của tác phẩm, mà chỉ viết theo cảm tính của một người ham đọc sách văn học. Phạm Quang Đẩu trước lúc về hưu đã có hàng chục đầu sách về các thể tài khác nhau như văn, thơ, ký. Hình như ngày trước áp lực của công việc làm anh không có nhiều thì giờ trau chuốt, đào sâu trong tác phẩm của mình. Đến khi nghỉ hưu rảnh rang hơn, chuyên chú hơn trên trang viết. Và lạ là càng già viết càng khỏe và hay. Thật mừng cho anh!
Hà Nội đầu tháng 8-2014
P.V.X
----------------------------------
Ảnh theo bài: Nhà văn Phạm Quang Đẩu và một tác phẩm mới tái bản.