Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tấm biển hiệu lỗi thời

Tạ Hữu Đỉnh
Chủ nhật ngày 3 tháng 8 năm 2014 10:00 PM

 

Hơn năm mươi năm trước, ngôi nhà cấp bốn, hai gian này, được cơ quan Văn hoá xây để mở hiệu sách. trên mái ngói trước cửa dựng tấm biển khá to, kẻ dòng chữ đỏ chót: “HIỆU SÁCH NHẤN DÂN THI XÃ UÔNG BÍ”. Đó là hiệu sách đầu tiên của một thị trấn mỏ nhỏ bé, vừa được nâng cấp thành thị xã. Lúc bấy giờ dân còn thưa, nhà đều xây cấp bốn, và còn khá nhiều nhà kèo, lợp gianh. Cho nên trông cái hiệu sách khiêm nhường này cũng có vẻ chững chạc. Và chính ở cửa hàng này, tôi đã mua được những tập sách rất quý, của cả trong và ngoài nước: “Những người khốn khổ”, “Chiến tranh và hoà bình”, “Tuyển tập kịch Secxpia”, “Đông-ki-sốt”, “:Thần thoại Hy Lạp”, “Tam quốc”, “Đông chu liệt quốc”, “Truyện Kiều”, “Lục vân tiên”…Thôi! Sợ mất thì giờ của bạn, tôi không dám kể nữa. Mà chỉ muốn nói rằng, ở chính cái hiệu sách nhỏ bé này, ngày ấy đã có đủ cả các loại sách, đông tây, kim cổ. Từ sách văn học, đến lịch sử, kinh tế, chính trị, khoa học và sách thiếu nhi…Không thiếu loại gì, kể cả sách nông nghiệp, hướng dẫn thả bèo hoa dâu, hay nuôi thỏ Ăng-go-la cũng có.

Vậy mà bây giờ…Sau hơn 50 năm, thị xã đã trở thành thành phố, với mười lăm vạn dân cư, đông hơn trước gấp ba bốn lần. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhưng hiệu sách vẫn cấp bốn i nguyên, chỉ có mỗi tấm biển hiệu được kẻ lại, để thay hai từ “thị xã” thành “thành phố”.

Nhưng thật trớ trêu! Tuy vẫn gọi là hiệu sách, nhưng ở đây hầu như không bán sách nữa. Hai gian nhà đầy ắp toàn sổ tay, đủ các cỡ to nhỏ, dầy mỏng. Và đủ các loại bìa cứng, bìa giả da, bìa giấy nện góc viền kim loại, hoặc có khuy bấm. Sổ xếp từ sàn nhà lên lưng chừng tường, xếp ở đầu tủ, ở trong quầy và cả ở trên mặt quầy. Ngoài ra cửa hàng còn bán các loại cặp sách, đèn bàn, bút bi. Và cả dụng cụ thể thao, vợt cầu lông, bóng bàn. Thậm chí có cả đồng hồ để bàn nữa!

Tuy thế, nhưng ở các kệ gỗ đóng trên tường, cũng còn bày một ít sách, như kỹ thuật trồng hoa, nuôi lươn, nuôi ếch. Quyển nào cũng mỏng, và chắc lâu ngày không có người mua, cho nên vừa bụi bặm, vừa quăn queo, xô lệch. Còn một số tập nữa, toàn là sách bói toán, phong thuỷ như: “Nhập môn phong thuỷ”:, của Quách Quan Lộ, và “Năm bước tự xem phong thuỷ”, của Thiệu Vi Hoa. Rồi vài tập sách hướng dẫn nấu ăn, hướng dẫn ảo thuật.

Tôi hỏi cô nhân viên sao không thấy sách văn học? Cô bảo sách văn học chẳng có ai mua, nên cửa hàng khồng bán. Phải! Phải lắm, cái gì mà chẳng vậy. Có cầu thì mới có cung chứ! Trước đây cũng do có nhu cầu mà khai trương hiệu sách. Và bây giờ cũng do nhu cầu mà hiệu sách bán sổ. Nhưng, đáng lẽ tấm biển “HIỆU SÁCH NHÂN DÂN” kia phải thay là “HIỆU SỔ NHÂN DÂN” thì mới đúng!

Thành phố Uông Bí còn một hiệu sách nữa (gần đây mới thấy), của cô gái mới học xong đại học, nhưng không xin được việc làm đúng nghề mình học. Cô bèn ra mở hiệu sách. Gia đình vét voi, vay chạy được vài trăm triệu đồng, cho cô đi mua sách, đóng tủ, thuê nhà và làm biển quảng cáo. Cô không đặt tên cửa hiệu của mình là gì, và cũng không thuê thợ kẻ biển. Cô chỉ viết mỗi từ “SÁCH”, theo kiểu viết chữ thường (Tất nhiên là chữ S viết hoa), rồi thuê thợ mộc làm. Từ “SÁCH” bằng gỗ tốt, phun sơn đỏ chót, cao to đến hơn hai mét, được bắt vít vào hàng lan can trên ban công tâng hai. Trông rất chi là “Modéc” và hoành tráng!

Nhưng cũng chỉ được mấy hôm đầu, thấy lạ, còn có kẻ ra người vào. Rồi càng ngày càng ế ẩm. Ngồi cả ngay, mong mỏi cả ngày cũng chẳng có ai bước chân vào cửa, dù chỉ là để xem. Mà quanh đi quẩn lại đã hết tháng, phải trả bốn triệu đồng tiền nhà, lại tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh…Thế là cô hàng sách bị “sập tiệm”. Tủ sách, quầy hàng chở đi. Sách ế cũng chở đi/ Chẳng biết các nhà phát hành sách ở Hà Nội, nơi cô đã đến lấy hàng, có bằng lòng cho số sách ế ấy dược hồi về không? Hay cô phải bán đổ bán tháo đi, cho nhà sản xuất giấy nào đó, để họ nghiền sách ra “tái chế”?

Tủ hàng, kệ giá dọn đi rồi, chỉ còn mỗi cái từ “SÁCH”, do bị bắt vít vào hàng lan can, cho nên vẫn còn đứng đó dãi dầu cùng mưa nắng. Rồi một ít ngày sau, cái dấu sắc ở trên lan can rơi đâu mất. Cái QUỐC NGỮ của chúng ta thặt là vĩ đại. Chỉ có năm cái dấu nhỏ bé, mà làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và run sợ, vì sự biến đổi diệu kỳ của nó. Từ “SÁCH” mất dấu sắc, thì chỉ có thể là từ “sạch” (mất sạch), chứ không thể là từ nào khác được!

                                                     *

                                                  *      *

Vậy nguyên nhân vì đâu mà người đọc lại bỏ sách? Nhiều người cho rằng, vì các phương tiện nghe nhìn có ưu thế hơn, đã chiếm mất “thị trường” của sách. 
Tôi nghĩ, không phải. Vì nhu cầu được thông tin, và nhu cầu được hưởng thụ văn học nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Mà cả hai thứ đều rất cần thiết cho cuộc sống.

Để được lạm bàn về vấn đề quan trọng này, người đang viết đây xin phép được nhắc lại lời chê trách hết sức nặng nề này: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Nếu đó là lời nói của “phần tử xấu”, hay của các “thế lực thù địch”, thì chẳng nói làm gì. Nhưng nếu là của người dân, của bạn đọc, thì chứng tỏ rằng, mọi người vẫn có nhu cầu đọc. Nhưng muốn yêu mà không yêu được, cho nên sinh ra ghét. Vì càng đọc, họ càng thấy mình bị sách báo lừa dối. Tất nhiên không ai dám phủ nhận những thành quả to lớn của nền văn nghệ và báo chí cách mạng. Nhưng đó là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Còn những quyển sách, bài báo viết về xây dựng nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa, mà bây giờ chúng ta gọi là: “Thời quan liêu bao cấp”. Nhưng nền kinh tế ấy không phát triển được, nên phải chuyển sang kinh tế thị trường rồi. Vậy thì tất cả báo chí sách vở viết về cuộc xây dựng đó đều là giả dối, là bịa đặt, chứ không thể nào khác được.

Vả lại, người dân đọc sách báo, ngoài nhu cầu tìm thông tin và hưởng thụ văn chương nghệ thuật, họ còn muốn tìm hiểu xem, các nhà văn, nhà báo là những người có nhiều chữ nghiã, và có nghề nghiệp viết lách nói năng, có nói hộ họ câu chữ nào không? Có phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của họ không? Nhưng xem ra các nhà chỉ chú tâm phục vụ người trực tiếp trả lương cho mình thôi. Còn nhà văn, nhà báo tự đặt ra cho mình trách nhiệm, phải bênh vực người dân thấp cổ bé họng, khi quyền lợi của họ bị xâm hại, như Phùng Gia Lộc viết: “Cái đêm hôm ấy đêm gỉ?”, thì quá ít, có thể đếm trên đầu ngón tay được. Cho nên người đọc đã quay lưng lại với cái được gọi là “văn hoá đọc”. Thì đó cũng là lẽ tự nhiên, và là điều dễ hiểu.

Chỉ có điều, lời trách móc nặng nề ấy người đọc trút cả lên đầu các nhà văn, nhà báo là oan uổng cho họ. Vì họ có được tự do viết theo ý của mình đâu. Họ viết theo sự chỉ đạo của cấp trên. Cho nên rồi chính bản thân họ cũng trở thành nạn nhân của sự giả dối bịa đặt kia, chứ họ không phải là tác nhân. Và bây giờ do thị trường sách quá ế ẩm, cho nên các NXB đã thay đổi phương thức kinh doanh. Nhà vắn viết xong tác phẩm, đem đến NXB, NXB đọc, nếu không có sai phạm gì về chính trị, thì xin Cục xuất bản cấp giấy phép, NXB thu hai triệu đồng lệ phí. Còn cái món ăn tinh thần ấy mặn nhạt, ngon lành ra sao, NXB không quan tâm nữa. Nhà văn đem bản thảo đi thuê in, rồi đem sách về biếu tặng bạn bè. Mà chẳng biết co ai chịu đọc cho không? Phần lớn là không. Vì ai cũng bận rộn, trăm thứ bà rằn, thì giờ đâu và hơi sức đâu mà đọc, bỏ lên fía sách! Thế là nhà vắn, chẳng những đã không được đồng nhuận bút nào, để nuôi thân trong thời gian cặm cụi viết, mà còn phải bỏ tiền túi ra in sách của mình, rồi đem cho không thiên hạ!

Vậy sự vô lý, bất công đến mức bi hài đó, liệu có ai phải chịu trách nhiệm không. Hay lại chính ông nhà văn khốn khổ kia? Không! Các nhà văn, nhà báo chỉ phải chịu trách nhiêm một phần nào thôi. Trách nhiệm thuộc về cơ quan lãnh đạo, về đường lối: “Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Với quan điểm hết sức giáo điều rằng, chế độ tá ưu việt, và xã hội ta không có bi kịch. Cho nên văn nghệ và báo chí cách mạng chỉ cần biểu dương, ca ngợi những nhân tố tích cực, không cần phải phê phán cái xấu. Ca ngợi cái đẹp, mặc nhiên đã là phê phán cái xấu rồi…

Báo chí là phương tiện của nhà cầm quyền, ăn lương của Nhà nước. Văn học nghệ thuật phải chịu dưới sự lãnh đạo của Đảng, và phải phục vụ chính trị. Ai viết không đúng chủ trương đường lối, thì tác phẩm không được in. Thậm chí còn phải chịu rất nhiều hệ luỵ khác nữa.

Thế rồi, nhân nào quả nấy, đạo đức xã hội dần dần suy thoái, xuống cấp. Những năm gần đây báo chí phản ánh càng ngày càng nhiều vụ việc rất đáng tiếc đã xẩy ra. Các băng nhóm tệ nạn càng ngày càng phát triển. Nhưng không thấy cơ quan hữu trách nào đề cập đến nguyên nhân, và biện pháp khắc phục hậu quả. Ngay cả bài: “Cần nỗ lực đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội”, của ông Bộ trưởng Bộ văn hoá, thể thao và du lịch, Hoàng Ánh Tuấn trả lời phỏng vấn Báo Văn nghệ (số 4 - 5 – 6, ngay 25/1/2014), cũng không thấy ông đề cập đến nguyên nhân, và giải pháp “đẩy lùi” của ông là gì?

Thiết nghĩ, nguyên nhân chủ yếu là Văn Hoá và Giáo Dục. Mà hai ngành này hiện nay đang hoạt động ra sao? Bạn đọc chắc biết cả rồi…

Kinh tế quan liêu bao cấp do không phát triển được, nên ta đã chuyển sang kinh tế thị trường/ Vậy nền: “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”, có nên chuyển đổi không? Nếu nên thì bãi bỏ “Vùng cấm”. Cho vắn học nghệ thuật và báo chí được tự do phản ánh trung thực cả cái tốt và cái xấu. Bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu phạm sai lầm cũng đều bị phê phán. Nhà văn, nhà báo phải tự kiểm duyệt tác phẩm của mình. Viết đúng, viết hay, thì được khen, viết dở thì bị chê. Viết sai, hoặc bịa đặt làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, thì bị truy tố trước pháp luật. Bãi bỏ chế độ kiểm duyệt hiện hành. Vì bản thân tác giả, NXB và các Tổng biên tập báo chí đã kiểm duyệt rồi.

Gần đây, Nhà nước đã cho Điện ảnh và Sân khấu được “xã hội hoá”. Lần đầu tiên ở nước ta có hãng phim và đoàn ca nhạc tư nhân được ra đời. Vậy sao báo chí và xuất bản lại không được “xã hội hoá”? “Lạ gì cái thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Nguyễn Du phê phán chế độ phong kiến mà chính ông đang phụng sự đấy. Nhưng Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn phải thoái vị, có phải vì Truyện Kiều đâu?

Nếu ta thay đổi được như vậy, thì nền văn học nghệ thuật và báo chí nước ta sẽ có chất lượng hơn. Và chắc rằng bạn đọc sẽ vui mừng đón đọc trở lại.

Ngày xưa dân ta còn nghèo, không phải ai cũng có tiền mua sách đọc. Cho nên ở các thành phố lớn, và cả ở các thị xã tỉnh lỵ, cũng có nhiều người kiếm sống bàng nghề cho thuê sách và mua bán sách cũ. Báo chí còn cho biêt người Ỉsrael đọc sách nhiều nhất thế giới. Họ quý và tôn trọng sách tới mức, không bao giờ để tủ sách ở phía chân giường, mà để ở phía đầu giường. Để ở phia chân là “bất kính” với sách. Có lẽ cũng chẳng riêng gì người Israel. Các cụ ta ngày xưa kính trọng sách có thể còn hơn thế. Khi ta chưa có chữ Quốc Ngữ, các cụ học chữ nho (chữ Nôm và chữ Hán), viết bằng loại giấy làm từ vỏ cây dó. Giấy rất mỏng, rất mềm, vừa dai vừa thấm nước nhanh, viết đến đâu, mực khô ngay đến đấy. Khi sách cũ nát không dùng được nữa, thì “hoá” đi. Các cụ không dùng từ “đốt”, mà gọi là “hoá”, trân trọng như hoá vàng mã khi cúng thần linh vậy. Chứ không được phép dùng sách cũ để lau chùi. Các cụ bảo: “Sách có chữ của Thánh Hiền, đem lau chùi là phải tội”.

Các cụa ngày xưa của cải còn nghèo, mà ham đọc sách, và quý trọng sách là thế. Còn con chau bây giờ, đời sống vật chất đã khắ giả hơn, mà đến nỗi cả một thành phố mười lăm vạn dân như Uông Bí, nhưng không có đến một cửa hàng bán sách đúng nghĩa. Thậm chí đến một quyển sách văn học cũng không có bán. Thế có đáng xấu hổ với tiền nhân không?./.

  THĐ