ĐỌC TIỂU THUYẾT “ĐẠI GIA” CỦA THIÊN SƠN - NXB LAO ĐỘNG 2013
MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT HAY, ẤN TƯỢNG, ĐỘC ĐÁO NHẤT
TRONG VÀI NĂM GẦN ĐÂY
Tiểu thuyết “Đại gia” của Thiên Sơn khi xuất bản đã có nhiều ý kiến tranh cãi, khen chê trái chiều: có ý kiến khẳng định đó là cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ chiếm được cảm tình của người đọc… Lại có ý kiến phản bác cho rằng nó quá rối rắm, thiếu mạch lạc, các nhân vật đều ảo không thực tế,thoát khỏi đời sống xã hội hiện tại, tiểu thuyết mang tĩnh liễu trai hư ảo: Tác giả quá chú ý ám chỉ vài nhân vật nào đó nên áp đặt thiếu tính khách quan, nhiều nhân vật tô đậm thái quá với những vụ làm ăn bí ẩn, động trời toan tính xấu xa, nhiều tội ác dã man , những cảnh ăn chơi truỵ lạc… Những ý kiến đó dẫn đến kết quả: cuốn tiểu thuyết không được lưu hành ? không được người đọc, các nhà phê bình trao đổi, bày tỏ ý kiến khi đọc. Một bộ tiểu thuyết (2 tập) gần 900 trang hay, lạ, ấn tượng đáng kể nhất trong 3 năm gần đây mà lại có số phận như thế thật không công bằng? Tôi rất ngạc nhiên: sao “người ta “ lại cấm lưu hành? Phải chăng cuốn tiểu thuyết mang tính liễu trai, hư ảo đó làm ai “có tật giật mình”? Họ sợ chuyện ở đâu đó động chạm đến mình? Sao lại hèn nhát đến thế?. Xưa các cụ bảo: “Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn”, mình có ăn cắp đâu mà sợ nhỉ? Nếu cứ hành xử như vậy thì đến bao giờ văn học Việt Nam mới có những tiểu thuyết lớn phản ảnh được hiện thực cuộc sống hôm nay???
Tiểu thuyết “Đại gia” gây được ấn tượng khi Thiên Sơn chọn các nhân vật chính xuyên suốt tiểu thuyết là những người đặc biệt: Đó là các đại gia lắm tiền nhiều của, đầy quyền lực trong kinh doanh với bộ óc điện tử tàn bạo, trái tim lạnh giá, họ dùng tiền bạc, gái đẹp mua chuộc quan chức, thực hiện những âm mưu thâm độc của mình. Đó là những nhóm lợi ích ma quái giữa các đại gia và chính quyền cùng các thế lực maphia trong , ngoài nước thao túng tất cả. Tiêu biểu là Tiến Đạt và Lê Vượng là chủ tịch, tổng giám đốc của tập đoàn Đại Á cấu kết với các tổng giám đốc, chủ tịch nhiều Công ty kinh doanh bất động sản, các tập đoàn tài chính, xây dựng chiếm các dự án lớn của Chính phủ như Hà Vọng… Chúng thao túng, mua chuộc các quan chức chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, cấu kết các tư bản tài phiệt nước ngoài… lũng đoạn nền kinh tế đất nước, vơ vét tiền bạc, xây dựng một đế chế hùng mạnh. Nhân vật Tấn Đạt và chủ tịch Lê Vượng được Thiên Sơn xây dựng công phu, sống động, phân tích tâm lý sâu sắc làm người đọc thấy những đường đi nước bước, thủ đoạn tinh vi, tàn bạo của chúng mua chuộc, hối lộ những quan chức lớn như Lê Đức, các lãnh tụ chính trị như Hoàng Độ, Thái Quốc…
Tấn Đạt sử dụng Vân Chi một chủ động mãi dâm và Quỳnh – một gái gọi hoang dã để hạ gục Lê Đức, giúp Đức thành quan đầu triều là bình phong, chỗ dựa cho hắn. Tấn Đạt bỏ vợ con, sống với má mì Vân Chi như vợ chồng vì hắn tìm thấy ở Vân Chi những điều đồng điệu: gian ngoan, xảo quyệt, sẵn sàng làm những việc tàn độc để thực hiện mục đích của mình.
Đọc tiểu thuyết ta thấy một Tấn Đạt tiêu biểu cho lớp đại gia tham lam, độc ác, nhẫn tâm. Còn Lê Vượng với những âm mưu thâm độc, dã man hơn: y tìm cách đẩy vợ con ra khỏi nhà, sẵn sàng vất bỏ đứa con trai mới sinh khi thấy nó là dị nhân, đẩy vợ (Diệu Hà) ra nước ngoài… để sống trụy lạc, vương giả. Y sẵn sàng bỏ ra chục kilôgam vàng để làm tượng ông Hoàng Độ mừng lễ sinh nhật mua sự che chở ủng hộ của ông ta. Y bỏ hàng triệu đô để xây dựng biệt thự cho Lê Đức...Và y cũng sẵn sàng tìm cách giết Tấn Đạt, người thân tín nhất đã giúp y làm nên tập đoàn kinh tế hùng mạnh Đại Á… Cuộc thanh toán đẫm máu, ly kỳ giữa Tấn Đạt và Lê Vượng với sự ủng hộ của các phe phái trong chính quyền phơi bày sự thối nát, mục rỗng chế độ hiện hữu trong tiểu thuyết “Đại gia” của Thiên Sơn.
Nhóm nhân vật thứ hai cũng đặc biệt không kém: những phụ nữ đã làm chao đảo cái xã hội rối rắm phức tạp trong Đại gia: đó là Quỳnh, một gái gọi cao cấp không còn mẹ, không biết cha mình, một cô gái thông minh, nhiều tham vọng đã biết tận dụng tối đa điểm mạnh của thân xác quyến rũ được Lê Đức – bắt Đức bỏ vợ con lấy mình , trở thành một phu nhân quyền quý…; Là Vân Chi, một chủ động gái mại dâm, chuyên cung cấp gái cho các quan chức, thực hiện những mệnh lệnh, âm mưu của Tấn Đạt. Thị bố trí những cuộc hành lạc thoả mãn thú vui bệnh hoạn của các kẻ tai to mặt lớn, đưa họ vào bẫy như việc bố trí Chánh văn phòng Trần Anh ngủ với chính con gái ruột của mình (Yến Nhi)… Một mụ đàn bà dâm đãng, xấu xa đã trở thành vợ của Tấn Đạt khi y bị vợ bỏ… Là bà Ngần (vợ Lê Đức)… người đàn bà tàn nhẫn, ma quái dựa vào thế lực của chồng để làm thoả mãn mọi thói hư tật xấu của đứa con trai tàn bạo, vô luân của mình. Bà Ngần đã bị Lê Đức loại bỏ, phải theo đứa con trai mình trốn ra nước ngoài (vì tội giết người) sống lang thang với số tiền trợ cấp mà Lê Đức gửi. Bà chết thảm thương ở một bệnh viện tư nước ngoài không có ai ngó tới, kể cả Trinh con trai bà đã hy sinh cả cuộc đời vì nó.
Có thể kể thêm một nhân vật nữa khá độc đáo: Diệu Hà, vợ chủ tịch tập đoàn Đại Á - Lê Vượng. Diệp Hà sống cùng Lê Vượng nhưng khi thị đẻ ra Lư, một quái nhân bị Lê Vượng vứt đi, thị đau khổ bỏ ra nước ngoài sống với Trần Bình người tình khác. Khi phát hiện ra con mình còn sống, Diệu Hà về nước tìm Lư đứa con trai duy nhất của mình. Cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản của Diệu Hà cùng con gái Kim Ngân và việc giành giật Lư khỏi sự truy sát của Lê Đức đã biến Diệu Hà thành người đàn bà điên loạn, thị đã bị bọn thủ hạ của Lê Đức chôn sống ở nghĩa trang nơi Lư bị xử bắn… Thiên Sơn đã dựng lên những cảnh, những trường đoạn thật hấp dẫn, ly kỳ đậm chất điện ảnh.
Nhóm nhân vật thứ ba Thiên Sơn dày công xây dựng làm nổi bật bản chất xấu xa, thủ đoạn, âm mưu thâm độc đó là các quan chức tiêu biểu nhiều quyền lực, những kẻ làm nghèo đất nước bằng sự tham lam vô độ, chúng vơ vét tiền bạc, ăn hối lộ, bán các dự án cho các tập đoàn, tham gia đóng cổ phần để hưởng lãi, chúng sẵn sàng làm mọi việc theo yêu cầu của những kẻ có tiền, kể cả bọn tư bản nước ngoài… Tiêu biểu là Lê Đức, viên quan đầu triều quyền lực nghiêng thiên hạ: xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ít được học hành nhưng y vươn lên bậc thang danh vọng rất nhanh bởi sự ranh mãnh khôn ngoan, biết luồn lách, cung phụng các bậc tiền bối như Hoàng Độ, Thái Quốc. Lê Đức có quan hệ mật thiết với các đại gia như Lê Vượng, Tấn Đạt và nhiều đại gia, các nhóm lợi ích, nhận hối lộ hàng triệu đô la khi dàn xếp các dự án lớn cho các tập đoàn kinh tế trong , ngoài nước… Về đạo đức, nhân cách con người y thật ghê tởm: y tìm cách bỏ vợ già (bà Ngần) và đứa con trai duy nhất (Trinh), tống nó đi nước ngoài khi phạm tội giết người. Y mê đắm Quỳnh, một gái gọi cao cấp , lấy Quỳnh làm vợ, biến Quỳnh thành một phu nhân quyền quý, xây cho Quỳnh biệt thự hàng triệu đô , sống xa hoa trụy lạc trong khi bỏ mặc vợ (bà Ngần) chết ở bệnh viện nước ngoài, cả Trinh đứa con trai tội phạm bị truy nã. Với cấp dưới y thực thi những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, bắt họ thực hiện các kế hoạch của mình. Nhưng với những kẻ chống lại (Trần Anh) ảnh hưởng đến vị thế của mình, Lê Đức sẵn sàng loại bỏ không thương tiếc. Có thể nói Lê Đức được Thiên Sơn lột tả đầy đủ bản chất con người y làm người đọc ghê sợ, khinh bỉ tự hỏi: Một kẻ như Lê Đức sẽ dẫn đất nước đến đâu?
Vài nhân vật khác như ông Hoàng Độ, vị lãnh tụ tinh thần, người đã lui về hậu trường nhưng vẫn điều khiển chính trường, nắm các nhân vật quyền lực để hưởng những đặc ân, những món quà đặc biệt (như bức tượng bản thân ông bằng vàng ròng nặng 12 kg mà Lê Vượng tặng nhân dịp ông 90 tuổi, hoặc các món quà “khủng” mà Lê Đức biếu ông…” Nhân vật Thái Quốc như một xác ướp, một bình phong che đậy cho bộ máy chính quyền thối nát, máy móc, công thức nhưng tham lam không kém…
Các nhân vật quan chức dưới Lê Đức như Nguyễn Khoa, Bùi Biện, Trần Anh và lũ quan chức khác mỗi người một vẻ như những con lật đật, vô cảm được điều khiển bởi các mệnh lệnh. Thiên Sơn đã mổ xẻ, phân tích lột trần bản chất đê hèn, tính cách xấu xa, trục lợi của đám tay sai này. Đặc biệt là nhân vật chánh văn phòng Trần Anh, cánh tay phải tâm phúc của Lê Đức, kẻ nắm được tội lỗi của Lê Đức và các đại gia Lê Vượng, Tấn Đạt. Quá trình làm việc dưới trướng Lê Đức y nhận ra sự lộng hành, tham lam vô bờ bến của bọn Lê Vượng, Tấn Đạt khi thực hiện các dự án kinh tế lớn Hà Vọng với sự giúp đỡ của Lê Đức. Bản thân Trần Anh đã bị Tấn Đạt chỉ đạo Vân Chi gài bãy cho y ngủ với đứa con gái 15 tuổi (Yến Nhi) hư hỏng của mình. Gia đình y tan vỡ: Trâm, vợ y, vơ vét của cải bỏ đi theo giai, con gái thành gái giang hồ ở Sài Gòn… Sự dằn vặt lương tâm, trách nhiệm của một đảng viên đã dẫn y đến việc làm đơn tố cáo Lê Đức cùng bè lũ tội phạm. Trần Anh tin tưởng vào các vị lãnh đạo tối cao như ông Hoàng Độ, Thái Quốc và lẽ phải, công lý sẽ ủng hộ y đưa Lê Đức ra trước vành móng ngựa. Sự ngây thơ vô thức của Trần Anh đã bị trả giá thê thảm: từ khi từ chức làm đơn tố cáo Lê Đức, y đã phải trốn chạy khắp nơi, nhờ sự bảo vệ của công an chờ đợi sự phán xét của pháp luật. Nhưng chính Hoàng Độ, Thái Quốc đã bảo vệ Lê Đức, đồng ý cho Tấn Đạt dùng tay sai thanh toán Trần Anh ngay ở nơi ẩn nấp được bảo vệ của y. Cái chết của Trần Anh sự minh chứng rõ nhất sự thối nát của triều đại Lê Đức nắm quyền. Kết thúc của các quan chức như Nguyễn Khoa, Bùi Biện, Phạm Khắc cũng chẳng ra gì: kẻ ôm hận chui vào ổ kén sống nốt những năm cuối đời, kẻ thì trở thành hình nộm lố bịch, vô hồn để được sống yên ổn, còn những tay sai cấp thấp thì hệt lũ chuột cống ngày đêm đục khoét làm nghèo đất nước…
Bộ mặt quan lại từ cao đến thấp trong “Đại gia” thật phong phú, đa dạng. Những mặt nạ đạo đức nhân nghĩa, liêm chính cứ rơi dần dưới ngòi bút sắc sảo, lạnh lùng của Thiên Sơn , hiện nguyên hình lũ tham quan ô lại vô dụng hại dân. Có thể vì sự “tưởng tượng” phong phú của Thiên Sơn về lũ quan chức mà “Đại gia” bị cấm lưu hành chăng? Nếu 50% trong tiểu thuyết này là sự thật, người đọc sẽ bị SỐC bởi lũ quan chức hại dân này.
Thiên Sơn còn tạo ra những nhân vật dị biệt gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự quái gở, bệnh hoan nửa người nửa thú của nó: Đó là Trinh, quý tử con trai của Lê Đức và bà Ngần: một thằng lưu manh máu lạnh mất hết tính người, tin mình là con trai Lê Đức thì làm bất cứ điều gì cũng không bị trừng phạt. Trinh giết bạn trong việc tranh giành người yêu, chơi bời trụy lạc, cờ bạc, gái gú ném hàng triệu đô vào các trò chơi không hề suy tính , sẵn sàng giết cả người tình của mẹ khi thấy bị vướng víu. Trinh coi bố (Lê Đức) và mẹ (bà Ngần) chỉ là phương tiện phục vụ cho sự ăn chơi phá phách của hắn. Đó không phải con người mà là con rôbốt không tim. Trinh không cần biết đến những người xung quanh nó… Nhân vật Trinh làm người đọc ghê tởm, kinh hoàng trước bản chất vô luân, tàn độc của lũ quý tử con quan.
Tương tự như Trinh là quái nhân nửa người nửa thú Lư (con đại gia Lê Vượng) bị bố sai vứt bỏ trước cửa chùa Phụng Thiên từ lúc vừa sinh vì dị dạng, được các nhà sư nuôi nấng, lớn lên hắn trở thành con nuôi của một lão già giang hồ có mụ vợ là gái điếm. Lư phải đi ăn xin, bị đánh đập, hành hạ như con vật. Trong một lần chống trả trận đòn của gã bố nuôi Lư đã đâm chết gã và hiếp luôn mụ gái điếm già vợ ông ta. Lư bỏ trốn lang thang vô tình gặp được một nhà sản xuất phim Hàn Quốc chọn Lư đóng nhân vật quái thú, y thành công nổi tiếng có tiền, có gái phục vụ… và hắn cũng đã phát hiện ra gốc gác mình là con trai của Lê Vượng và mẹ hắn (Diệu Hà). Hắn tìm đến tập đoàn Đại Á gặp Tấn Đạt đòi quyền thừa kế khối tài sản kếch xù (2 tỷ đô) mà Lê Vượng chết để lại… Cuộc đấu tranh liều lĩnh, điên cuồng có sự giúp đỡ ngầm của mẹ đẻ (Diệu Hà) đã buộc Tấn Đạt tìm cách điều tra, lục lại chuyện giết lão bố nuôi của Lư, y bị công an bắt đưa ra toà xử ,lĩnh án tử hình. Lư bị bắn chết ở trường bắn, khi mẹ hắn (Diệu Hà) tìm đến nơi, hắn chỉ là cái xác bị bắn nát, mẹ hắn lên cơn điên gào thét lăn xả vào cái xác , bị lũ tay chân của Tấn Đạt chôn sống.
Sáng tạo ra 2 nhân vật Trinh và Lư chứng tỏ Thiên Sơn có nội lực mạnh mẽ, vốn sống phong phú , sự tưởng tượng sắc sảo, cùng với các nhân vật như Quỳnh, Vân Chi, bà Ngần, Diệu Hà với đời sống nội tâm phong phú, chân thực, cảm hoá được người đọc các nhân vật có dáng dấp hư ảo trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Macket. Đây là mặt mạnh, thành công đáng kể của Thiên Sơn.
Tuy nhiên cũng phải thấy sang tập 2 Thiên Sơn bị đuối hơn trong cấu tứ tiểu thuyết:nhiều chuyện vụn vặt, rối rắm thiếu lôgic chặt chẽ, chiều sâu tâm lý nhân vật. Có những chương mải chạy theo các tình huống éo le, chi tiết giật gân mà không lí giải hợp lý , thiếu thuyết phục làm người đọc khó tin… Văn chương trong “Đại gia” cần trau chuốt, trong sáng hơn nữa.
“Đại gia” là cuốn tiểu thuyết có quy mô về cốt chuyện, nhân vật , nhiều tình huống, chi tiết hay, đắt giá nêu được mối quan hệ li kỳ, rối rắm của nhiều tầng nhân vật : với những âm mưu thủ đoạn tinh vi, tàn ác, mất hết tính người của đám đại gia, quan chức thoái hoá, những nhóm lợi ích cấu kết với nhau giành quyền lực, danh vọng vơ vét tiền bạc của cải làm nghèo đất nước. Những nhân vật chính trong “Đại gia” dưới ngòi bút của Thiên Sơn đã hiện nguyên hình là những tội phạm nguy hiểm, tham lam, tàn ác của đất nước.
Việc xây dựng tiểu thuyết, nhân vật, miêu tả, phát hiện, tưởng tượng của Thiên Sơn thật đáng khen, xứng đáng được vinh danh… Thiên Sơn đã làm tốt thiên chức của nhà văn chân chính.
Có thể khẳng định tiểu thuyết “Đại gia” của Thiên Sơn đã gây ấn tượng mạnh với người đọc , là cuốn tiểu thuyết thành công đáng đọc nhất vài năm gần đây. Tôi tin Thiên Sơn sẽ có những tác phẩm hay hơn nữa …
16h, ngày 16.4.2014
ĐT :0944435036
N. L. K