Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trịnh Công Sơn giữa hai làn đạn

Trịnh Kim Thuấn
Thứ bẩy ngày 2 tháng 8 năm 2014 6:38 PM
 

Được biết, ca sĩ Khánh Ly vừa về đến TP.HCM trưa 28.7 để chuẩn bị cho hai buổi biểu diễn tại Việt Nam: ngày 2/8 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội và 8/8 tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng (Theo: TNO)

 

Chờ đón mấy mươi năm, Khánh Ly cũng trở về. Tiếc thay, mới đây vào tháng 5/2014, cái giàn khoan 981 của Tàu bất nhơn, bất nghĩa lù lù dẫn xác cắm sâu trong vùng biển Việt Nam, khiến dư luận cả nước tập trung vào sự kiện đó, nên việc ca sĩ Khánh Ly không được “tiếng vang” như mong đợi.

 

Nay cái giàn khoan đã rút, chỉ mong tình hình im ắng để dân chúng lo làm ăn và nghe ca nhạc. Hy vọng lần nầy mọi việc suôn sẽ hơn...

 

Nhớ lại tuổi học trò của tôi, những 1965 -1975, sau các buổi học là ở các quán cà phê Trang, cà phê Diễm...(Long xuyên), người ta vừa uống cà phê, vừa nghe nhạc Trịnh. Tình ca thì có Biển Nhớ, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, nhất là bản Diễm Xưa. Sau nầy Diễm xưa trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người, khi chuyện đã qua không cần nhắc lại, người ta phán một câu: “Diễm xưa rồi!”. Tâm ca thì có Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác ru đêm, Gia tài của mẹ... Toàn những ca khúc day dứt lòng người. Tôi còn nhớ, thầy giáo Lê Tấn Kiệt dạy môn Anh Văn, cứ đến cuối giờ là thầy bắt nhịp cho cả lớp hát bài Gia Tài của mẹ...

 

Nhạc miền Nam thời ấy đa dạng: Tàu đêm năm cũ, Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Nỗi buồn hoa phượng…Nhưng khi đến dòng nhạc Trịnh Công Sơn, nghe thì thấy hay mà nhiều khi không hiểu. Những làMưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao... Đúng là cảm thấy hay nhưng quả là không hiểu gì, hoặc cũng có lẽ bởi chúng tôi còn đang ở độ tuổi học trò cấp 2. Có lần tôi mạnh dạn hỏi thầy, thầy trả lời: nhạc Trịnh, các em nghe và cảm nhận bằng cảm xúc, nếu cắt nghĩa thì khó, các em cứ nghe nhiều sẽ nhận ra cái hay của nó… Thật thế, thông thường một bản nhạc nghe vài ba lần thì chán, còn nhạc Trịnh nghe mãi, càng nghe càng thấy hay …. Sau nầy, ra trường đời, bươn chãi tìm miếng ăn, gần Tết chưa kịp về quê, nghe ca:“Xin hãy cho mưa qua miền biển động. Làm sao em biết những vết chim di. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Để người phiêu lãng quên mình lãng du (Diễm Xưa) .” Quả thật là dây dứt.

 

Nhạc Trịnh Công Sơn thời ấy được cho là nhạc phản chiến. Nghe nhạc phẩm của ông, khiến nhiều thanh niên không muốn đi đánh nhau. Người ta nói, người lính VNCH nghe nhạc Trịnh thì muốn bỏ ngũ, người đến tuổi đi lính thì muốn trốn tránh hoặc nhảy núi, vô bưng... Khi xuống đường biểu tình chống đôn quân, thuế khoá của chính quyền đương thời, khi đêm không ngủ bởi ám ảnh tội ác của LonNol tàn sát đồng bào Việt trên trên đất Camphuchia... cũng đều hát các ca khúc Trịnh Công Sơn.

“Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn phần lớn viết bằng điệu Blues, cộng với lời ca chân tình thống thiết, trở nên những bài hát rất cảm động nhưng không hề yếu đuối, ủy mị. Những bản nhạc này được ông cùng Khánh Ly đem đi hát ở nhiều nơi tại miền Nam, được nhiều người nhất là giới sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là loại nhạc làm cho danh tiếng của Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: nhờ nhạc phản chiến ông được một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trong tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp.

Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn được cho là có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Cũng vì loại nhạc này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch. Nhưng về phía Trịnh Công Sơn, không thể phủ nhận rằng ông đã trở thành một tên tuổi đặc biệt nhờ vào dòng nhạc này” (WIKIPEDIA- Bách khoa toàn thư).

Đặc biệt, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ sáng tác, Khánh Ly, Lệ Thu cứ hát, sinh viên, học sinh cứ sử dụng cho mục đích của mình, có lẽ chánh quyền Sài Gòn khi ấy cũng rất đau đầu với cái ông nhạc sĩ nầy. Nhưng rất lạ, tuyệt đối Trịnh Công Sơn không bị làm phiền, không bị bắt, các nhạc phẩm của ông dù là tình ca hay tâm ca cũng không bị cấm, không bị "cầm tù".

 

Sau 30/4/1975, dưới thời Việt Nam thống nhất, hòa hợp dân tộc, nghe nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có “được chăm sóc sức khoẻ” đôi chút, nên việc sáng tác ngưng đọng lại. Theo tôi nghĩ, đúng ra phải mạnh hơn, hùng hồn hơn vì đất nước đã thống nhất, non sông về một dải, dân tộc muốn “nối vòng tay lớn”... Ông nhạc sĩ tài năng khi sống dưới chính quyền “Ngụy” đã có nhiều tác phẩm “làm hại” chính quyền này, cũng có nghĩa “làm lợi” cho đối phương là chế độ miền Bắc... thì ngỡ rằng ông phải được ca ngợi, được vinh danh khi miền Bắc trở thành “bên thắng cuộc”? Thế mà không, ông lại bị “chăm sóc” đến mức có lúc phải đắp chiếu!...

 

Đến khoãng 1990, gọi là bước vào “thời kỳ mở cửa” mới xuất hiện những tụ điểm ca nhạc (chưa phải phòng trà). Lúc nầy có ca sĩ Ánh Tuyết chuyên hát nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn..., mặc dù không phải bản nhạc nào cũng hát được, nhưng cũng khiến nhiều người trong xã hội thấy như được lấy lại một giá trị nào đó.

 

Đến nay đã 39 năm thống nhất độc lập rồi, mà một số bài hát của Trịnh Công Sơn cũng vẫn còn bị... cấm lưu hành! Theo WIKIPEDIA- Bách khoa toàn thư thì: “sau hơn 30 năm hòa bình, rất nhiều bài hát "da vàng" của ông chưa được phép lưu hành chính thức tại Việt Nam hiện nay dù đã từng rất phổ biến (và được Khánh Ly phát hành băng nhạc) tại miền Nam trong thời chiến tranh Việt Nam (như bài Gia tài của mẹ, Cho một người vừa nằm xuống, Đi tìm quê hương, Chính chúng ta phải nói hòa bình, Chưa mất niềm tin, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Hát trên những xác người, Ta đi dựng cờ, Ta quyết phải sống...”

 

Rõ ràng nhạc Trịnh làm tiêu hao nhiều sinh lực chiến tranh của chánh quyền miền Nam, thế mà cái chính quyền ấy nó không cấm, không cản. Nhưng nhà nước Việt Nam thống nhất, độc lập, lại còn “tự do, hạnh phúc” nữa mà vẫn có vẻ e ngại một số tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa, thì quả là ...khó hiểu???

 

Chẳng lẽ nhà nước mình bây giờ sợ nhiều thứ thế?...Thậm chí sợ cả những ca khúc làm rung động lòng người ?!

 

Mặc dù Trịnh Công Sơn đã đi xa từ 01/4/2001, mà xem ra nhiều nhạc phẩm của ông vẫn còn... đứng giữa hai làn đạn!

 

 

29/7/2014 TRỊNH KIM THUẤN