Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tiêu cực và viết chống tiêu cực-

Đình Kính
Thứ tư ngày 6 tháng 8 năm 2014 2:38 PM


Tiêu cực là từ để chỉ các hiện tượng xấu, cái ác trong xã hội, trái với thuần phong mỹ tục ( văn hóa) và trái pháp luật, trong đó nổi cọm lên là nạn tham nhũng. Bởi vậy, lâu nay khi nói đến tiêu cực, là nghĩ ngay đến nạn tham nhũng. Trong một phúc trình kinh tế mới đây, tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị-Kinh tế (PERC), trụ sở tại HongKong, xếp Việt Nam đứng vị trí thứ ba trong danh sách các nước tham nhũng nhất châu Á-Thái Bình Dương. Xếp thứ hạng là việc của người ta. Nhưng tham nhũng là chuyện có thật. Tham nhũng đang trở thành giặc nội xâm, nếu không ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả, nọ có thể làm tổn hại đến sự tồn vong của chế độ. Nhận thức thì như vậy, nhưng việc chống tiêu cực nói chung và chống tham nhũng nói riêng xem ra còn hời hợt, còn hình thức và các biện pháp thực hiện chưa thật sự biểu hiện thái đô kiên quyết tuyên chiến với vấn nạn này, mà vẫn nửa vời, vẫn cầm chừng, nể nang, né tránh và vẫn "tế nhị" nên chưa thuyết phục, chưa hiệu quả. Đó mới là những giải pháp hớt trên ngọn. Lý do rất đơn giản, với chiêu sách giữ vững ổn định xã hội, một quan niệm hết sức sai lầm nên người ta vẫn mới đánh từ cổ chân xuống, nếu mạnh hơn một chút, cũng chỉ đập quá đầu gối, chưa dám sờ vào những bộ phận cao hơn. Mà tiêu cực, tham nhũng lớn lại tập trung vào các  bộ phận cao trên đầu gối, vì bộ phận này mơi có điều kiện tham nhũng và mới có điều kiện để hình thành các nhóm lợi ích, chi phối đường hướng ở tầm vĩ mô…Ung nhọt đã mưng mủ, nhưng vẫn cố tình dấu diếm, không dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn vuốt ve, xoa cao bên ngoài, thì làm sao lành bệnh được! Ổn định xã hội, cũng như ổn định cơ thể con người, phải chịu đau một lần, phải dũng cảm chọc dao mổ thẳng vào vết thương đã mưng mủ, nặn hết mủ ra mới hy vọng lành bệnh. Sợ nói nhiều đến tiêu cực, sợ đụng chạm, bao che, nể nang, " tế nhị" vết thương còn đau, và không bao giờ lành.
 Nguyên nhân thứ hai là sự xuống cấp của Văn hóa. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, quan hệ giữa con người và con người, quan hệ giữa con người và thiên nhiên và nhu cầu tâm linh đang bị phá vỡ. Lối sống giản dị, thanh sạch, nền nếp, quy củ bao đời nay theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau … đang dần dần mất đi.  Văn hóa gốc, phong tục tập quán đang bị xuống cấp, biến dạng, bóp méo… Văn hóa xuống cấp là mảnh đất màu mỡ để các tệ nạn có đất sống, phát triển. Chúng ta quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến vấn đề văn hóa. Nên nhớ rằng văn hóa là gốc của mọi sự. Văn hóa là giá đỡ để tồn tai, ổn định và phát triển một dân tộc. Mất văn hóa là mất tất cả. Những mặt trái của cơ chế thị trường đang ào ạt tấn công vào người dân, đang phá vỡ văn hóa gốc. Người Việt bao lâu nay sống trong  yên bình, êm ả  của văn hóa làng xã, nên khả năng đề kháng, chống đỡ trứơc sự xâm nhập của thứ văn hóa khác rất yếu, nên trước thế lực của những mặt trái ấy, lại được sự tha hóa của không ít người trong tầng lớp có chức có quyền làm đồng minh, nên sự quỵ ngã của Văn hóa tốt đẹp là khó tránh.

*
Đất để tham nhũng nảy mầm và phát triển là cơ chế. Bởi thế muốn chống tham nhũng thành công, trước hết phải bắt đầu từ cái gốc đó. Cơ chế không là vật thể lạ từ trên trời rơi xuống, càng không phải là dị vật từ tiền sử để lại. Cơ chế do con người sinh ra, do vậy không có cớ gì không thay đổi được. Có điều đã muốn thay đổi và dũng khí dám thay đổi hay chưa. Tạo ra cơ chế mới trong lãnh đạo, trong điều hành, từ việc lớn đến việc nhỏ để tham nhũng không có đất nảy mầm và phát triển mới là cốt lõi của chống tham nhũng. Nếu chỉ hớt ngọn, cành này cắt đi lập tức sẽ có các nhánh khác nảy ra.
 Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, phải kiên quyết làm từ gốc!

*
 Mấy năm trước, tôi có viết cái kịch bản Chủ tịch tỉnh và Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình VN đã xây dựng thành phim truyền hình. Phim nói về những tiêu cực và tệ chạy chức chạy quyền ở một tỉnh nọ, mà nhân vật chính là vị đứng đầu tỉnh ấy. Khi công chiếu, được dự luận rất hoan nghênh, cho rằng một bộ phim đã nói được nhiều điều, phản ánh được thực trạng trong tầng lớp quan chức… Vậy rồi, để "ổn định xã hội" và có những vấn đề " nhạy cảm", nên có lệnh từ đâu đó dội xuống ( trời mà biết được cái lệnh tù mù ấy có từ đâu, một trong những đặc điểm chỉ đạo của lạnh đạo nước ta là thiếu minh bạch) rằng cấm tất cả các đài trong nước chiếu lại. Vậy là tịt. Nhưng tôi vẫn ngây thơ, viết tiếp phần hai, những bốn mươi tập. Trong phần hai này, chủ yếu đề cập đến vấn đề nhóm lợi ích, để làm được điều đó, đương nhiên phải viết về một vài nhân vật thuộc lớp người trên đầu gối. Từ đạo diễn đến biên tập đều khen hay, có kịch tính và mạnh bạo, nhưng… không được duyệt, vì thẳng quá, vì "nhạy cảm" quá.
 Vậy thì các nhà văn tham gia chống tiêu cực ( bằng tác phẩm văn chương) nên viết  thế nào? Đây là câu hỏi mà tôi nghĩ không chỉ các nhà văn và rất cần các cấp quản lý, lãnh đạo làm sáng tỏ, minh bạch trên cơ sở một quan niệm thoáng, tất cả vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì lợi ích khác. Chữa bệnh mà không dám đi đến tận cùng, chỉ hời hợt nửa vời thì không có hiệu quả.
 Các vua triều nhà Lê, năm nào cũng ra chiếu dụ gửi xuống thần dân xin được nghe lời nói thật. Giá mà bây giờ cũng được như thế!
*
 Nhân cách hàng đầu của nhà văn là phải trung thực với nhận thức của mình, nhưng quan trọng hơn là ĐƯỢC trung thực với nhận thức của mình. Truyện ngắn "Bộ quần áo của hoàng đế " của An déc xen luôn có giá trị thời sự. Nhiều kẻ thấy vua cởi truồng nhưng không dám nói, thậm chí còn vô lương đến nức khen bộ quần áo vua đang mặc ( thức ra không có) đẹp quá. Thấy sự thật mà không những không dám nói sự thật, còn a dua theo ý vua, hậu quả thật khôn lường. Chỉ đám trẻ con vô tư, không sợ bị hệ lụy mới dám kêu lên rằng vua cởi truồng. Các nhà văn có dám kêu to lên như vậy khi thấy vua không mặc quần áo? Dám, dám lắm, nếu không có người lườm ngang ngăn cản việc nói lên sự thật đó. Dám nói sự thật  không gì khác hơn, chính là y thức phản kháng, một thuộc tính của văn chương. Ý thức phản kháng hay tính phản kháng của văn chương được hiểu như một thuật ngữ học thuật...Ý thức phản kháng trong tác phẩm văn học làm nên tính nhân bản của nó. Tính phản kháng trong văn học là yếu tố cần thiết, và nhất thiết phải có, là nguyên cớ để văn học tồn tại, có chỗ đứng, có vị thế và như vậy con người mới cần đến. Tính phản kháng trong tác phẩm văn học không gì khác hơn là sự không hài lòng với thực tại, là ý thức vươn tới cái đẹp cái cao cả, bởi vậy nó góp phần thúc đẩy tiến trình lành mạnh xã hội, giúp con người ngày mỗi hoàn thiện nhân cách, sống nhân văn hơn, biết yêu quý nhau hơn, từ đó góp sức đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái thấp hèn, hướng con người vào sự nhân hậu, sự trong sáng...
       Xã hội chưa hoàn chỉnh. Bằng pháp thuật cao siêu và tinh vi, cái ác có vô số hoá thân mang danh và không mang danh, đồng thời khôn khéo biến hoá thành nhiều dạng kiểu lúc vô hình, lúc hữu hình; thậm chí có lúc nó đội lốt một Đường Tăng, một Đức Phật từ bi khiến người trần mắt thịt quy mọp, ngưỡng vọng, hàm ơn. Trong trường hợp này pháp luật có văn minh và nghiêm minh đến mấy cũng không có phương cách gì lần ra, đành bó tay chào thua. Nhưng với văn chương lại khác, bằng đặc thù của mình, văn chương có cái khả năng tuyệt chiêu, tựa kính chiếu yêu, là soi thấu mọi lẽ. Cái ác dù nấp ở xó xỉnh nào cũng bị lôi ra. Dủ ẩn dưới dạng hình nào cũng bị gọi đúng tên, điểm đúng huyệt. Sự huyền diệu của văn chương và thế mạnh của văn chương là chỗ ấy. Cái xấu vẫn còn chốn dung thân thậm chí vẫn còn chễm chệ ngôi chiếu trên, văn học thật cần thiết cho con người, bởi vậy. Mất đi tính phản kháng, nghĩa là văn học đã tự  loại bỏ thiên chức của mình và tự đào thải khỏi vị trí xã hội.
 Văn chương viết theo kiểu vuôt ve, lấy lòng, cầm chừng, nửa vời với cái ác sẽ mât mất chỗ đứng trong xã hội.  Hãy để cho văn chương phát triển tự nhiên. Không nên rào chắn cản trở. Càng không nên có vùng cấm. Chủ trương khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo phải được thể hiện bằng hành động trong những trường hợp cụ thể, và phải được kiểm chứng chứ không phải chỉ là chủ trương chung chung và hô khẩu hiệu. Không ai khác mà thời gian sẽ là người làm vườn mẫn cán và sòng phẳng biết đốn tỉa, chặt bỏ những gì không cần thiết và giữ lại những gì có ích. Đó là quy luật tự nhiên.
                                                                                                 ĐK