MỘT THOÁNG ANH VŨ
Tôi nghe tên tuổi Anh Vũ qua thơ Nguyễn Duy Hợp, bài “Vườn Bụt”. Là nhà điêu khắc. Ông còn là nhà thơ có phong cách riêng với cách sử dụng chữ “lạ” trong mỗi bài thơ. Mãi cuối năm 2014 tôi mới được “ba cùng” với ông ở Trại viết Quân khu 1. Với ai ông cũng thân thiết và luôn cười ngất với nụ cười duyên răng sứt. Trong khi mọi người cắm đầu vào viết thì ông vẫn cứ nhởn nhơ ngắm núi ngắm hồ. Được mấy hôm ông tỏ vẻ quan tâm tới nhà thơ quân đội trẻ Mai Hoàng Hanh. Hai bác cháu cứ ríu rít ngày đêm. Rồi ông tuyên bố chàng lính trẻ Mai Hoàng Hanh bị tao tóm vào thơ rồi nhé. Buổi chiều ông tắm rửa, việc hiếm khi ông tự giác làm, và trần lực ngồi phơi nắng ở hàng hiên cắm cúi viết. Giọt nắng nở hoa nhấp nhóa trang giấy. Tôi tò mò rón rén đến phía sau đọc trộm. Thật kinh ngạc về tầm tư duy của thi sĩ. Câu đầu tiên ông viết nắn nót: “Vỗ vai núi Cốc cùng ngồi”. Con người là bạn của thiên nhiên, ngang bằng, thân tình thế đấy.
Chưa tan trại tôi phải về làm nhiệm vụ diễn tập bắn đạn thật phòng thhur khu vực cấp tỉnh nên không được thưởng thức tác phẩm của Anh Vũ. Nhưng chỉ một câu đầu tôi đọc trộm đã đủ hình dung độ vang độ lớn của bài thơ này rồi.
Cuối tháng tư vừa rồi đột nhiên Anh Vũ và Vũ Từ Sơn đi xe máy về chơi bạn bè Thuận Thành có ghé nhà tôi. Ông đòi giấy bút kí họa tôi làm kỉ niệm, dặn hễ in thơ là phải in kèm cái kí họa này. Biết tính yêu rượu tôi đã phục sẵn chai lít rưỡi nhờ Vũ Từ Sơn mang giúp làm “nhuận vẽ”. Rồi tháp tùng ông lên nhà Nguyễn Văn Chương. Hai nhà thơ thân nhau, phục nhau từ thuở lập Hội Văn nghệ Hà Bắc. Cảnh đón tiếp thật lạ. Hai ông ôm nhau khóc nấc một hồi. Kiểu truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau sao đó. Rồi ông lại đòi giấy bút làm thơ. Viết xong một câu ông liền đọc to cho mọi người cùng nghe và tự khen hay chưa, ghê răng chưa. Tôi trẻ ranh chỉ biết dựa cột nghe chứ không dám tham gia. Viết xong bài thơ ông đọc to lại một lượt rồi tự thưởng cho mình một làn nước mắt không giấu diếm. Đầu đề “Gặp bạn” nhé, thế này đã nhớ tận tim gan chưa. Các nhà thơ bóp nát tim ra cho chữ chảy thế này thì kinh quá. Nhà thơ Nguyễn Văn Chương cũng “nhuận viết” chai rượu hai lít.
Không ngờ đó là chuyến đi dối già của ông. Ông không bị rượu hại mà bị bệnh hiểm nghèo. Trường ca “Người hát sử thi Đề Thám” của ông cũng vừa kịp in xong khi ông còn khỏe mạnh. Bây giờ đọc lại bài thơ “Gặp bạn” ông viết ở nhà Nguyễn Văn Chương mà giật mình cái chuyện báo trước. Khổ thơ thứ ba ông nhắc đến hai bạn thơ quá cố Nguyễn Duy Hợp và Duy Phi bằng cách chơi chữ khéo léo đã có sự tiên báo ấy:
Mừng nhau lầu các cao con cháu
Đất mẹ sâu dày nhớ bạn xưa
Dấu chân trên cát hình như hợp
Phi đâu ngọn lửa tự nuôi mình
“Đất mẹ sâu dày nhớ bạn xưa” đâu dành cho người còn đang ở trần thế. Đến hai câu kết sự tiên báo còn rõ hơn:
Ta thật văn chương còn văn hiến
Hoa cuối mùa thương hoa tâm linh.
“Hoa cuối mùa” là ai mà lại thương “hoa tâm linh”, tức hai bạn thơ Nguyễn Duy Hợp và Duy Phi. Nhưng với một Anh Vũ khỏe mạnh, minh mẫn, đang vi vút đường thơ ai dám nghĩ đến chuyện “ám chỉ” trong câu chữ. Chỉ đến lúc này ông đã ra đi mãi mãi thì mới biết câu chữ tiên nghiệm mà dường như ông cố ý báo trước với bạn bè vậy.
Bài gặp bạn” có lẽ không phải bài thơ cuối cùng của ông nhưng việc con người biết trước vận mệnh của mình đã chủ động ngầm báo cho bạn bè vậy.
Với tôi, một thoáng Anh Vũ là vẽ, là viết bột phát, chân tình, mạnh mẽ. Ấn tượng này để tôi mãi ghi nhớ về một Anh Vũ luôn dạt dào cảm hứng sáng tạo.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh
02413.782.355 – 0168.5300.803
KHÓC ANH VŨ
Nguyễn Văn Chương
Anh đứng vào chữ Quý
Sinh lại gặp năm Mùi
Một góc đồi Dĩnh Kế
Vườn Bụt thành vườn vui
Tạc tượng như thần nhập
Làm thơ như lên đồng
Nhà tích thơ tích rượu
Còn tích gì hơn không?
Tượng đài sẽ nghìn tuổi
Đồn Phồn Xương trăng nghiêng
Khúc Sử Thi Đề Thám
Sống mãi cùng dấu thiêng
Bầu bạn ngày thưa vắng
Khóc anh, có đôi dòng
Làm sao còn gửi tặng
Nước mắt chảy vào trong!
Ngày lễ tang Anh Vũ
04 tháng 8 năm 2914
Nguyễn Văn Chương
Xóm Ngòi – Mão Điền – Thuận Thành – Bắc Ninh
0918.836.244