(Đọc “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử”- Nguyễn Quang Huynh- NXB Văn hóa dân tộc- 2011)
Nguyễn Quang Huynh – bút danh Hữu Sơn, hội viên Hội VHNT Lạng Sơn, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Sinh năm 1950 ở Cai Kinh - Hữu Lũng - Lạng Sơn, trú tại phường Chi Lăng thành phố Lạng Sơn. Ông nguyên là: Phó chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn. Tác phẩm đã xuất bản: “Mũi tên thần” văn (1999), “Thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh” văn, truyện tranh (2004), “Tiếng hát trái tim” thơ (2004) …, “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” nghiên cứu (2011). Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ của tỉnh Lạng Sơn lần thứ I (1995) và II (2000).
Tỉnh Lạng Sơn thuộc vùng đất phía Đông Bắc đất nước, giáp Trung Quốc, miền biên viễn phên dậu của Tổ Quốc. Lịch sử đất nước và con người Xứ Lạng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. So với các tỉnh nằm trên biên giới đất liền từ Móng Cái đến Hà Tiên thì Lạng Sơn thuộc vị trí rất quan trọng và đặc biệt. Ngoài những đặc điểm nhân văn, địa lý, lịch sử v.v... thì vấn đề có đường biên dài giáp Trung Quốc là đặc điểm quan trọng và đặc thù nhất trong việc bảo vệ đất đai và chủ quyền đất nước. Lạng Sơn miền đất có chiều dầy lịch sử, có nền văn hóa phát triển sớm và lâu dài kể từ khi cái nôi người Việt cổ ở Bình Gia, Bắc Sơn rồi các chiến thắng chống ngoại xâm nơi Ải Chi Lăng, Mục Nam Quan, khởi nghĩa Băc Sơn, cách mạng Tháng Tám đến ngày nay. Nền thi thư văn hiến Xứ Lạng đã nổi tiếng từ hàng ngàn năm đã tỏ. Văn nghệ sĩ Xứ Lạng đương đại đã phát huy và phát triển nền văn hóa đó để xứng đáng với vị trí phên dậu của đất nước. Các nhà thơ Mã Thế Vinh, Hoàng Trung Thu, Hoàng Choóng, Hoàng Văn An, Ngọc Mai, Kim Dung, Lộc Bích Kiệm v.v… đã khai thác sâu vào mảng đề tài bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong đó chủ yếu là Tày Nùng. Các nhà văn Trường Thanh, Vũ Ngọc Chương v.v... đã khai thác vào đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước. Riêng nhà văn Trường Thanh đã viết thành công nhiều tiểu thuyết chỉ với một đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng ở ngay chính vùng đất biên viễn nàỳ. Trước tinh thần trách nhiệm của người cầm bút làm văn chương với quê hương tác giả Nguyễn Quang Huynh (Quang Huynh) đã nung nấu nhiều năm bằng trí tuệ, mồ hôi và tâm huyết để hôm nay cho ra mắt trên văn đàn một công trình nghiên cứu khoa học “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử”. Trên con đường văn thơ, báo chí ông khai thác đề tài lịch sử quê hương. Từ tác phẩm “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” Quang Huynh được rõ nét và khảng định, bút lực dồi dào, nhiều vốn sống, rộng kiến văn.
“Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” là một công trình nghiên cứu khoa học, hành văn bằng chính luận. Tác phẩm văn sử này là kết quả lấy chính sử làm gốc đồng thời qua tư liệu nghiên cứu điền dã, qua khảo cứu gia phả tộc phả thần phả, mộ cổ, văn bia sắc phong, văn hóa dân gian, các di tích lịch sử văn hóa, các di chỉ, tư liệu khảo cổ. Cộng tác với ông trong công trình nghiên cứu này có các tác giả như PGS.TS Nguyễn Văn Nhật - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh- Viện trưởng Viện Hán nôm, TS Hoàng Văn Páo - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, cùng một số tác giả khác ở trung ương và địa phương. Tinh thần và nội dung chính của tác phẩm đã được sự đồng thuận trong hai cuộc hội thảo khoa học về “Thổ ty Lạng Sơn”. Lần thứ nhất ngày 28-3-2010, lần thứ hai ngày 6-6-2010 tại Lạng Sơn. Đây là công trình nghiên cứu khoa học. Tác phẩm dầy 400 trang được kết cấu thành ba chương, cuối sách là phần phụ lục ảnh và văn bản một số thư tịch cổ liên quan đến thổ ty Lạng Sơn. Nội dung tác phẩm không chỉ là việc nghiên cứu biên khảo lịch sử đơn thuần mà còn có phần luận sử trước tầm nhìn đương đại và đặc biệt có liên quan đến kế sách giữ nước của nước nhà trong lịch sử, những bài học lịch sử cho hôm nay và mai sau. Không thể rạch ròi như toán học nhưng có thể chương I và II văn bản nghiêng về phần biên khảo (Khảo), chương III nghiêng về phần biện luận (Luận) với từng sự kiện lịch sử.
THỔ TY – Danh từ chung chỉ những quan lại thời Phong kiến, cha truyền con nối làm quan cai trị dân ở miền dân tộc thiểu số. Tỉnh Lạng Sơn trong lịch sử có sáu dòng họ làm TÙ TRƯỞNG PHIÊN THẦN từ thế kỷ XI - XIV là: Giáp, Vi, Lương, Nguyễn, Nông, Bế và bẩy họ tộc làm THỔ TY từ thế kỷ XV về sau là: Vi, Nguyễn Đình, Hà, Nguyễn Khắc - Nguyễn Công, Nông, Hoàng Đức, Hoàng Đình. Như vậy từ chế độ tù trưởng phiên thần từ thế kỷ thứ XI thì đến thế kỷ thứ XV chuyển thành chế độ phiên thần thế tập, đến đời nhà Nguyễn (1828) gọi là "thổ ty" nhưng phần lớn các dòng họ phiên thần thổ ty lại có nguồn gốc “là những lưu quan, những phiên thần thế tập có quê quán ở các tỉnh miền xuôi như Nghệ An, Nam Định… được triều đình cử lên làm phiên thần cai quản dân binh, bảo vệ biên cương, được phong đất làm tịch quán (nơi sống chết), không cho về quê cũ nữa. Con cháu của họ được quyền thế tập (cha truyền con nối) làm quan cai quản dân địa phương” (Tr 10). Chế độ tù trưởng, phiên thần, thổ ty đã có rất sớm trong lịch sử nhưng được ghi chép thành văn bản bắt đầu từ thế kỷ XI đến thời nhà Nguyễn. Chế độ này đã bắt đầu tàn lụi vào triều Nguyễn, qua thời Pháp thuộc thì tan rã và chấm dứt hoàn toàn sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mỗi dòng họ phiên thần thổ ty trong từng thời kỳ lịch sử (Từng triều đại Phong kiến từ Lý Nam Đế, đặc biệt từ thời Tiền Lê đến Nguyễn) tác giả đã làm sáng tỏ nguồn gốc, danh tính từng nhân vật lịch sử, lãnh đạo và xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, ngoại giao và mối quan hệ với triều đình trung ương; thời gian tồn tại trong lịch sử; hậu duệ của dòng tộc tồn tại đến ngày nay đã phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha (nếu còn). Ngoài ra với từng nhân vật lịch sử được tác giả nghiên cứu cả công trạng và tội lỗi đối với dân với nước. Tác giả đã dành khá nhiều trang luận sử về nội dung này. Có thể tóm lược những giá trị truyền thống tốt đẹp (công trạng) của các dòng họ phiên thần thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử là: Truyền thống trung quân ái quốc, phần lớn họ đã dồn trí lực trung thành với triều đình, giữ gìn bờ cõi từng tấc đất, xây dựng quê hương ngày một vững mạnh về kinh tế quốc phòng. Truyền thống hiếu nghĩa với dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa các danh gia vọng tộc phiên thần thổ ty. Truyền thống hiếu học, phát triển văn hóa cho địa phương. Truyền thống giữ gìn, phát huy và kế tục sự nghiệp của tổ tiên, dòng họ. Những mặt hạn chế (có khi là tội lỗi) của số ít phiên thần thổ ty như: Từ quan điểm trung quân ái quốc mù quáng (ngu trung) mà một số ít phiên thần thổ ty có âm mưu làm phản triều đình, làm tay sai cho triều đình Phong kiến Trung Quốc, đế quốc Pháp xâm lược. Ví như thổ ty Hoàng Hữu Thành dẫn đường cho quân Minh xâm lược nước ta, Hoàng Đình Sính theo vua Chiêu Thống làm tay sai cho nhà Thanh, Vi Văn Lý đã tiếp tay cho thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta, làm tay sai cho giặc, chống lại nhân dân. Một số phiên thần thổ ty đã lợi dụng quyền thế bóc lột và đàn áp nhân dân, thiếu quan tâm đến sức dân mà chỉ vị kỷ lo cho cá nhân và dòng tộc của mình. Với tầm nhìn lịch sử biện chứng tác giả đã có sự khái quát : “Các dòng họ phiên thần, thổ ty Lạng Sơn mặc dù do những hạn chế của ý thức hệ phong kiến và điều kiện lịch sử cụ thể nên cũng còn có những mặt hạn chế, tiêu cực nhất định, song nhìn chung phiên thần thổ ty Lạng Sơn đã lập nhiều công trạng trên các lĩnh vực: quân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội và đối ngoại… mặt khác đã xây dựng nên những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm lịch sử trên các lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào truyền thống vô cùng vẻ vang và kho tàng kinh nghiệm quý báu của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn trên vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc” (Tr 307).
“Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” không chỉ nghiên cứu lịch sử các danh gia vọng tộc trên một vùng đất địa lý của một tỉnh miền núi biên viễn, đa dân tộc trong lịch sử mà tác giả đề tài còn dành nhiều công nghiên cứu “Chính sách dân tộc và chế độ phiên thần thổ ty của các triều đại Phong kiến Việt Nam trong lịch sử” (Tr 14) từ triều đại Lý Nam Đế, đặc biệt từ thời Tiền Lê đến vương triều Nguyễn. Qua đó thấy được kế sách giữ nước của các triều đại phong kiến nước ta từ trước đến thời Tiền Lê và từ nhà nước thời Lý, Trần, Hồ đến Lê sơ, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn. Sách đã dẫn khá tường tận có căn cứ khoa học, nên có thể tổng quát các chính sách về dân tộc, miền núi, biên giới của các vương triều phong kiến Việt nam gồm bốn chính sách lớn: 1- Ràng buộc, thu phục các tù trưởng, phiên thần, thổ ty và phủ dụ dân chúng; 2- Sử dụng sức mạnh của nhà nước trung ương, chống xu hướng ly khai cát cứ để thống nhất quốc gia; 3- Cử các phiên thần, lưu quan đi trấn giữ những vùng biên viễn trọng yếu; 4- Giải quyết vấn đề dân tộc phù hợp với điều kiện lịch sử. Trong những chính sách dân tộc miền biên viễn của các triều đại phong kiến có liên quan đến kế sách giữ nước lâu dài là chính sách NHU VIỄN. Các vua chúa chủ trương nuôi và gìn giữ chữ THÂN, nêu cao văn hóa Đại Việt thân dân, tức lấy dân làm gốc, nới sức dân. Đặc biệt thời nhà Lý với chữ THÂN là sự đoàn kết, vua và các tù trưởng phiên thần thổ ty ngoài đạo nghĩa quân thần còn có mối cha con, gia đình, huyết thống, thông gia … bằng các cuộc hôn nhân đặc biệt trong lịch sử. Khởi sự từ vị vua đầu tiên triều Lý ,Lý Công Uẩn đã gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu là Giáp Thừa Quý và phong Quý làm Châu mục Lạng Châu, đồng thời vua cho đổi họ Giáp thành họ Thân tức Thân Thừa Quý. Năm 1029 vua Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương cho con trai tù trưởng Thân Thừa Quý là Thân Thiệu Thái. Năm 1066 vua Lý Thánh Tông gả công chúa Thiên Thành cho con trai tù trưởng Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc. Các phò mã đều được vua phong làm tù trưởng. Ngoài ba đời phò mã Động Giáp ở Lạng Châu ( Lạng Sơn) Nhà Lý vẫn tiếp tục áp dụng chữ THÂN này với một số vùng biên viễn khác. Năm 1036 Lý Thái Tông gả công chúa Kim Thành cho Châu mục châu Phong là Lê Thuận Tông và công chúa Trường Ninh cho Châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiện Lãm. Mặt khác vua Lý Thái Tông lấy con gái của Đào Đại Di châu Chân Đăng (Hưng Hóa) làm phi, đồng thời gả công chúa Ngọc Kiều (con nuôi vua) cho châu mục Chân Đăng. Năm 1082 Lý Nhân Tông gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh. Năm 1144 vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh người được vua giao cai quản công việc biên giới đường bộ. “Có thể coi những cuộc hôn nhân kể trên là chính sách đặc biệt của vương triều Lý nhằm phủ dụ, gắn kết tù trưởng các châu mục, tạo nên mối quan kệ mật thiết giữa họ với triều đình trung ương theo kiểu gia tộc nhằm quản lý những vùng lành thổ và cư dân vùng biên viễn, chống lại mọi âm mưu thâm độc của nhà Tống là mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng bức… các tù trưởng miền biên viễn của nước ta” (Tr 26). Đến thời nhà Trần trở đi, đặc biệt là nhà Trần, con cháu không được kết hôn với người ngoài họ thì chính sách mượn hôn nhân để cầu thân làm kế giữ nước không còn là độc đáo và có hiệu quả nữa nhưng chính sách nhu viễn của các triều đại vẫn được duy trì bằng nhiều hình thức như trong tác phẩm đã biên khảo khá rõ. Trong chính sách nhu viễn (phủ dụ, thu phục, mềm dẻo đối với phương xa) các triều vua còn áp dụng chủ trương thu nạp, cải tạo, khoan hồng lấy công chuộc tội đối với một số tù trưởng, phiên thần thổ ty đã có thời mắc tội với dân với nước. Chính sách này trong lịch sử nhiều người đã cải tà quy chính và lập được nhiều công trạng giữ yên biên ải cho đất nước. Bài học lịch sử nhu viễn vẫn còn giá trị đến hôm nay. Ví như họ Vi ở Lạng Sơn là danh gia vọng tộc thuộc hàng số một không những ở vùng biên viễn mà còn ở cả phần Bắc bộ, đời đời làm tù trưởng phiên thần thổ ty đã góp nhiều công trạng với nước, với dân và dòng họ. Đến đời cha, con Vi Văn Lý và Vi Văn Định thì công cũng có mà tội cũng có. Vi Văn Lý đã hợp tác với Pháp trong việc xâm chiếm Lạng Sơn, tiêu diệt nghĩa quân Hoàng Đình Kinh, với Vi Văn Định thời Pháp thuộc trước cách mạng Tháng Tám 1945 đã từng làm tuần phủ Cao Bằng, Phúc Yên và làm tổng đốc ba tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông làm tay sai cho đế quốc phong kiến, áp bức bóc lột nhân dân ta, thậm chí còn có nợ máu với nhân dân và cách mạng (đã xin nghỉ hưu từ cuối năm 1941). Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, khoan hồng và bao dung cho họ. Từ đó Vi Văn Định đã nhận thức được chính sách dân tộc của Đảng và Hồ Chủ Tịch mà trở về với cội nguồn, với đất nước. Những năm kháng chiến chống Pháp, cựu Tổng đốc Vi Văn Định đã cùng con, cháu (trong đó có con rể là bác sỹ Hồ Đắc Di, TS Nguyễn Văn Huyên, cháu rể là BS Tôn Thất Tùng) lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc ông Vi Văn Định được bầu làm Ủy viên trung ương Mặt trận Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay). Đến ngày nay, con cháu của ông Vi Văn Định vẫn đảm nhiệm nhiều trọng trách trên các cương vị công tác. Đấy là vài điểm nhấn lịch sử về chính sách nhu viễn mà tác giả Quang Huynh muốn gửi gắm vào tác phẩm khảo luận lịch sử của mình.
Cuối sách tác giả Quang Huynh đã nêu bốn bài học kinh nghiệm lịch sử như – Bảo vệ biên cương và phát triển kinh tế Lạng Sơn gắn liền với chính sách dân tộc. – Xây dựng nền quốc phòng toàn dân. – Chăm lo xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc. – Tin tưởng người dân địa phương và tăng cường cốt cán, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Những bài học kinh nghiệm lịch sử nêu trong tác phẩm khảo luận lịch sử này không thừa, nhưng theo thiển ý của người viết bài này: Chân lý thuộc phạm trù lịch sử chứ không thuộc phạm trù vĩnh viễn. Những bài học kinh nghiệm lịch sử tác giả nêu trên có thể chưa đủ kích cỡ với tầm vóc những sự kiện lịch sử trọng đại kéo dài suốt mấy nghìn năm không những của một tỉnh có vị trí chiến lược thiết yếu mà còn là của cả một đất nước.
Tác phẩm này thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học với đề tài “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” của tác giả Nguyễn Quang Huynh, đã đóng góp vào thư mục sách sử của địa phương và đất nước. Tác phẩm xứng đáng được làm tài liệu tham khảo tin cậy và bổ ích cho các nhà nghiên cứu sử học, cho học đường, cho các nhà hoạch định chính sách của trung ương và địa phương đương đại về mọi mặt đối với miền biên viễn và dân tộc, có các dân tộc thiểu số, trong đó góp phần giữ gìn biên cương của nước nhà toàn vẹn mãi mãi về sau.
Thái Bình 2012 - 2014
ĐỖ LÂM HÀ
SN 58/01 tổ 50 phường Quang Trung thành phố Thái Bình, ĐT 0987.221.404