|
Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm |
Mấy hôm nay, những ai quan tâm đến lịch sử đang hướng về làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Không phải chuyện cũ dân làng cổ đòi trả lại danh hiệu mà vì chuyện trùng tu lăng Ngô Quyền. Đường Lâm nổi tiếng vì một làng mà có hai vua. Đó là Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương), và Ngô Quyền, người đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt “ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ của đất nước.
Đền thờ Phùng Hưng và lăng mộ Ngô Quyền cổ kính, uy nghi cách nhau vài trăm mét, cả ngàn năm nay luôn được các triều đại gìn giữ, tôn tạo và là niềm tự hào của đất nước cũng như nhân dân Đường Lâm. Năm nay, Hà Nội cấp hàng chục tỷ đồng trùng tu lăng và đền thờ Ngô Quyền. Công việc mới bắt đầu chưa được bao nhiêu thì những người có trách nhiệm thi công đã phạm sai lầm. Họ đùa giỡn với di tích cấp quốc gia, tự đắp một con quái thú (giống con chó ngao hay con quỷ trong đồ họa dân gian) lên bức bình phong cao to quá cỡ và thô lậu, xúc phạm sự uy nghi ngàn năm tuổi của đền thờ Ngô Vương. Dòng họ Ngô và dân Đường Lâm cũng như các học giả, nhà sử học phản ứng dữ dội. Con quái thú bị đập bể, Hà Nội tạm đình chỉ thi công việc trùng tu. Thật may, việc làm sai trái với một di tích quan trọng như thế đã bị phát hiện và nhà chức trách cũng sửa sai khá kịp thời.
Nhưng không chỉ công trình trùng tu lăng Ngô Quyền. Cách ứng xử với di tích lịch sử kiểu “trứng khôn hơn vịt”, tự tiện thêm thắt vào di tích mà không suy nghĩ kỹ khá phổ biến. Chưa nói đâu xa, chỉ kể riêng Hà Nội thôi cũng đã gây sửng sốt. Năm kia có chuyện nhà sư trụ trì tự động dỡ nhà hậu chùa Trăm Gian cổ kính ra làm mới lại mà không xin phép ai. Mới đây, mấy ông chức sắc thôn Cựu Quán (Hà Nội) uống thuốc liều, dỡ đình lấy gỗ sưa đem bán, gây nên chuyện xưa nay chưa từng có. Và trước đó nữa, năm 1993, người ta đã tự động cho phép đưa xe đạp nước để trai gái bơi trên Hồ Gươm đất thiêng, lên cả Tháp Rùa du hý, tình tự… Xem ra ông “thủ từ” Bộ Văn hóa đã bị qua mặt khá nhiều!
Hà Nội có “ông từ” giữ đền thờ lịch sử mà còn như thế huống gì những nơi xa xôi hẻo lánh. Nhà máy xi-măng Chinh Fong (Đài Loan) được quyền đẽo núi đá vôi ngay bờ sông Bạch Đằng, nơi Nguyễn Trãi từng ca ngợi là “sơn hà bách nhị do thiên thiết” (nơi Trời cho hai người có thể địch lại trăm người), núi Hồng Lĩnh danh thắng đất Lam Hồng (Nghệ Tĩnh) bị đục đẽo, gặm nhấm thành vệt loang lổ để lấy đất đá làm đường, xây nhà. Núi Nhỏ Vũng Tàu làm nên cái tên lịch sử Cap Saint-Jacques cũng bị người ta đẽo mất mũi để lấy đá và mặt bằng xây khách sạn. Lam Kinh, thủ đô kháng chiến suốt 10 năm binh lửa của nghĩa quân Lam Sơn còn để lại 180 viên đá tảng chân cột cung điện và hai con rồng đá bên lối lên chính điện; cung điện xưa với những bảo vật vô giá ấy đã được tân trang như một công trình giả cổ, lấy cái giả thay cái thật mà tưởng rằng hay ho. Người ta bỏ cả một đống tiền ngân sách chỉ để biến cổng thành nhà Mạc (Tuyên Quang) hay thành cổ Sơn Tây, cửa ô Quan Chưởng giống những cái lò gạch hiện đại. Suýt nữa thì đến phiên cầu Long Biên. Và kể sao xiết những hiện tượng “tiền mất tật mang” tương tự đối với di tích, kể cả di tích cấp quốc gia trong cả nước.
Người ta thích vẽ nghê, vẽ quái thú hay trùng tu di tích một cách vội vã vì con nghê, con chó ngao nó vô hình vô dạng, lại là “tác phẩm nghệ thuật” nên báo giá nào cũng được. Vấn nạn "trùng tu" vô tội vạ diễn ra ở khắp nơi là vì thế.