Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bổ nhiệm hàng loại ở phút 89 đâu chỉ ông Truyền

Nguyễn Duy Xuân
Thứ năm ngày 13 tháng 3 năm 2014 8:24 PM
 
Dư luận đang lên bão trước thông tin ông Trần Văn Truyền cựu Tổng Thanh tra CP khi đương chức chỉ trong vòng 6 tháng cuối nhiệm kì kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ, đặc biệt trong ngày cuối cùng (3-8-2011) ông kí bổ nhiệm 22 người.

Chưa bàn đến chuyện đúng sai hay tiêu cực gì, chỉ số lượng người được bổ nhiệm trong một ngày thôi đủ biết đây xứng đáng là một kỉ lục Guinness thế giới. Có lẽ chẳng ở đâu như xứ mình có cách làm tổ chức nhân sự độc chiêu như vậy.

Thực ra, chuyện bổ nhiệm cán bộ hoặc tuyển người ồ ạt vào các cơ quan Nhà nước ở “phút 89” không mới, không lạ. Nó chỉ mới và lạ vì ông Truyền là quan chức đầu tiên bị báo chí phát lộ.

Nhưng mấy ngày gần đây, ông Truyền không còn đơn thương độc mã trước cơn bão của dư luận nữa, ông đã có “bạn” đồng hành. Đó là ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, người mà hai tuần trước ngày nghỉ hưu 1/3/2014 cũng đã kí hàng loạt quyết định, bổ nhiệm 19 cán bộ thuộc quyền.

Cả hai vụ tuy khác nhau về thời gian thực (ông Truyền ở thời điểm năm 2011, ông Rum năm 2014) nhưng giống nhau ở thời điểm chuẩn bị kết thúc đời công bộc dân để nghỉ hưu.

Chẳng biết có sách vở, giáo trình quản lí hành chính nào dạy hay không mà hầu như quan chức nào ở cương vị đứng đầu cơ quan, ban ngành cũng đều áp dụng chiêu bài binh bố trận trước khi chuyển giao quyền lực cho người khác.

Cuộc xáo trộn “bàn cờ” của ông Truyền, ông Rum diễn ra trong một thời gian ngắn, lại ở thời điểm nhạy cảm (chuyển giao quyền lực) liệu có thể nói là bình thường, là vô tư khách quan ? Hãy xem số liệu công bố trên Cổng thông tin Thanh tra Chính phủ: Thanh tra Chính phủ có tổng cộng 87 vị quan chức cấp trưởng phó cục, vụ trở lên (một con số cũng rất khủng). Thế mà trong vòng mấy tháng trước khi nghỉ hưu, ông Truyền bổ nhiệm tới 60 vị. Còn một đơn vị cấp sở có bao nhiêu cán bộ mà ông Rum lại bổ nhiệm một lúc 19 người ?

Có thể tất cả đều “đúng qui trình” như ông Truyền nói, nhưng cái qui trình ấy dường như chỉ thuần túy mang tính chất thủ tục hành chính; nó còn thiếu một cái gì đó, phải chăng là sự minh bạch để có thể thuyết phục được sự đồng thuận của dư luận.

Cho nên, muốn làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin của nhân dân, thiết nghĩ, nhân hai vụ bổ nhiệm chấn động dư luận này, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước nên vào cuộc, rà soát lại toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ ở các cơ quan trung ương cũng như các địa phương trong khoảng thời gian chuyển giao quyền lực giữa hai nhiệm kì công tác. Chắc chắn chuyện bổ nhiệm ào ạt không chỉ riêng ông Truyền, ông Rum mà thôi.
 
Nguyễn Duy Xuân