Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoàng hôn vẫn lạnh

Vũ Quốc Túy
Thứ năm ngày 13 tháng 3 năm 2014 8:07 PM

    (Cảm nhận về “Hoàng hôn lạnh”- tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng- NXB Đại học công nghiệp TP HCM)


Sự kiện lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng người viết sử có thể viết lại nhiều lần với góc nhìn khác nhau về bản chất và mối quan hệ nhân quả của các sự kiện ấy. Càng về sau, có thể cách nhìn nhận đánh giá chuẩn xác hơn vì đã được thời gian với những sự kiện tương tự diễn ra kiểm chứng. Trong tác phẩm văn học, dấu ấn của bối cảnh lịch sử đã tạo nên gần như là tất cả những gì được gọi là số phận của nhân vật. Nhà văn khái quát, bộc lộ suy nghĩ của mình thông qua câu chuyện được miêu tả, tuy hư cấu nhưng có cơ sở từ hiện thực khách quan, để cho các thế hệ sau được biết và có cái nhìn xác đáng về một thời đã xa, để không đi vào vết xe đổ của người đi trước. Thiết nghĩ “Hoàng hôn lạnh” của Nguyễn Khoa Đăng cũng nhằm vào tiêu điểm trong sáng đó.
Câu chuyện trong Hoàng Hôn Lạnh chỉ xoay quanh chuyện nhà cửa đất đai của người nông dân hồi “cải cách ruộng đất”, với những oan sai đổ lên đầu họ bởi cơ chế chính sách mà cho đến tận bây giờ, sau hơn năm mươi năm, vẫn còn là vấn đề bàn cãi gay gắt trên nghị trường cũng như trong đời sống xã hội.
Người viết bài này đi theo bước chân nhân vật xưng “tôi” dẫn truyện mà nhận dạng các sự kiện. Đó là những sự kiện rất phổ biến, xảy ra ở miền Bắc vào đầu  những năm 1955-1956, với cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, đánh đổ giai cấp địa chủ phản động lấy ruộng đất chia cho dân nghèo. Nhiều cán bộ đảng viên trung kiên trong kháng chiến chống Pháp bỗng bị gán cho cái tội Việt gian phản động rồi đem ra xử bắn, tịch thu nhà cửa, ruộng đất mà quan tòa lại chính là những nông dân rất nghèo ở trong làng. Họ kém hiểu biết, nhiều người chỉ mới vừa thoát nạn mù chữ. Ông Hương Tích trong tác phẩm là nhân vật nằm trong hoàn cảnh ấy.
 Gia đình ông Tích là một gia đình có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp. Ông Tích nguyên là một nhà giáo, một nông dân tham gia cách mang, một chỉ huy du kích dũng cảm, tài ba đã được tổ chức Đảng đưa vào hoạt động bí mật trong vùng hậu địch . Chính vì điều này mà đến ngày “cải cách ruộng đất” ông phải lãnh án tử hình. Tài sản của nhà ông bị Đội cải cách tịch thu hết đem chia cho các hộ dân, bao gồm sáu sào vườn, một cái ao và hai căn nhà, một để ở, một làm nhà thờ. Căn nhà dưới có kết cấu, vật liệu tầm thường thì chia cho nhiều người, để ai ở được thì ở, ai không muốn ở thì dỡ ra bán đi làm củi đun, còn gạch vụn thì để lót đường. Riêng căn nhà thờ thì lúc đầu được ưu tiên cho giữ lại vì họ thấy nó khang trang, bề thế, kèo cột gỗ thuộc hàng tứ thiết, chạm trổ tinh xảo, nên dùng làm chỗ họp hành đàn đúm, không bị đem ra xẻ thịt. Nhưng rồi trước khi rút khỏi làng, hai ông “Đội” phụ trách hai xóm, đã cấp cho hai gia đình có hai người con gái trẻ chưa chồng bị họ làm cho chửa ễnh bụng, mặc dù hai hộ này đều đã có nhà ở, theo chính sách thì không thể được.  Coi như một sự “đền ơn đáp nghĩa”.
Ông Tích bị giết, nhà cửa ruộng vườn bị tịch thu, vợ ông (bà Cốm) và người con trai tên Thiện mới ở tuổi tiểu học bị đuổi xuống ở chuồng trâu. Không chịu nổi mùi khai khắm và ruồi nhặng muỗi rãn bâu vào hút máu, mẹ con bà phải lẩn trốn ra nương náu trong ngôi nhà mồ trên bãi tha ma giữa cánh đồng. Mưa gió đói khát hành hạ mẹ con bà tưởng chừng không thể sống nổi. Nhưng may sao, bà Cốm còn có một người anh công tác trên Trung ương về thăm em bắt gặp tình huống trớ trêu này đã kịp thời minh oan, giải cứu cho gia đình bà. Cuối cùng thì đến lúc sửa sai ông Tích cũng được truy tặng danh hiệu “liệt sĩ” và mẹ con bà cũng được cấp một mảnh đất ở nơi khác.
Căn nhà thờ đem chia cho hai hộ nông dân ở chung. Họ ở với nhau được mấy hôm,  nhưng do đôi bên đều tham lam và nghèo đói nên họ đánh chửi nhau suốt ngày, ầm ĩ cả làng đến nỗi chính quyền không chịu nổi, đã phải miễn cưỡng cho họ dỡ ngôi nhà thờ đổi lấy gạo ăn dần. Căn nhà còn trơ lại nền đất với gian hậu cung có diện tích vừa đủ đặt chiếc bàn thờ vì họ mê tín không dám dỡ. Nhưng rồi sau không người trông nom nên tiêu điều, thành cái miếu hoang, thành ổ chuột và cầy cáo. Và xung quanh nó đầy rẫy những chuyện ma quái được người đời thêu dệt, khiến chẳng ai dám đến ở. Hai hộ được ưu tiên cấp căn nhà thờ đó mãi về sau nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói, phải đi đến vùng “kinh tế mới” làm ăn, nhưng rồi cũng cứ lụn bại dần với những rủi ro mà người đời vẫn cho là quả báo. Còn vợ con người bị giết và bị tước đoạt hết tài sản thì ăn nên làm ra, mua được nhà và chuyển lên thành phố ở. Nhưng bà mẹ thì vẫn đau đáu khôn nguôi nhớ về mảnh đất ngôi nhà tổ tiên ông bà cha mẹ để lại đã từng gắn bó xương thịt với những kỉ niệm về một thời tuổi trẻ. Bà quyết định trốn con về ở ngôi chùa gần nhà cũ của mình để được thăm lại mảnh đất ấy vào những đêm tối, mặc dù lúc này đôi mắt bà đã bị mù lòa vì khóc nhiều mà nguyên nhân là từ những nỗi oan khuất. Biết rõ khát vọng này của bà nên người con trai đã dốc hết hầu bao cộng với món tiền vay mượn của bè bạn để chuộc lại mảnh đất, dựng lại căn nhà để mẹ được sống thanh thản những năm tháng cuối đời. Những tưởng cuộc sống yên ấm, hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai, nào ngờ hiểm họa vẫn luôn rình rập, sẵn sàng nghiến nát những người nông dân bất kì lúc nào. Một dự án xây dựng trang trại nuôi mèo lấy thịt đã được thiết lập bởi một nhóm lợi ích gồm những kẻ núp dưới danh nghĩa nhà nước sẽ lại sắp sửa tước đoạt đi mảnh đất thiêng liêng của gia đình bà. Lại sẽ là nỗi oan chồng lên nỗi oan! Ta hãy xem lời tác giả chia sẻ mấy dòng đầu tác phẩm:
“Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ, cứ khoảng 4 giờ chiều, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như  mưa, hoàng hôn lạnh hay chiều tà nóng, mẹ tôi lại khóc. Nước mắt của bà đã thành ao, thành hồ, bào mòn cuộc đời bà, làm đôi mắt long lanh hồ Thu của cô Cốm năm nào thành hai cái hố sâu hoắm đục lờ chứa đầy bóng tối.”
Có thể nói, hơn 50 năm qua, chưa bao giờ ruộng đất thật sự đã về tay dân cày.
Hoàng Hôn Lạnh đã gieo vào lòng người đọc nỗi day dứt khôn nguôi vì cái ác cứ luôn rình rập, vùi dập người nông dân xuống tận bùn đen, vừa mới cố giãy giụa để ngóc đầu lên đã lại tiếp tục bị dìm xuống. Nỗi oan khuất chồng lên nỗi oan khuất mà hình bóng của một “Bao Thanh Thiên” thì khi mờ khi tỏ, nhiều khi mất hẳn tăm hơi.
Tác phẩm văn học hiện thực về nông dân và đất đai không thể có cái kết có hậu khi mà cái vòng kim cô đất đai là sở hữu toàn dân chưa được tháo gỡ. Người nông dân vẫn bị biến thành con đười ươi giữ ống, cái sổ đỏ cầm trong tay đối với đại đa số vẫn chỉ là hình thức, chỉ có giá trị đối với người dùng nó làm phương tiện giao dịch. Một vấn đề không mới, song người viết văn đụng đến nó phải là người quả cảm và nhân nghĩa. Hoàng Hôn Lạnh là một truyện vừa, có những lớp lang kết cấu chặt chẽ của một cây bút viết tiểu thuyết có nghề. Tuy thảng hoặc ta nghe thấy vang vọng tiếng nói của nhà văn cất lên từ mồm nhân vật, nhưng đây là tác phẩm đáng để cho những người tiết kiệm thời gian đến mức “vắt cổ chày ra nước” ngồi lại vài giờ đồng hồ mà đọc để chiêm nghiệm, kẻo rồi có lúc lại mất công sưu tầm .
                                                                             12-3-2014
                                                                                      VQT