Trang chủ » Truyện

Bến sông quê

Lê Văn Thục
Chủ nhật ngày 12 tháng 1 năm 2014 8:10 PM
Truyện ngắn

Tôi trở lại bến sông tìm Hải, nơi anh đã gửi gắm biết bao vui buồn ở đó. Ngày còn trai trẻ, anh mang theo những kỉ niệm bến sông vào mặt trận. Để rồi đến hôm nay đã gần 40 năm trôi đi, kỉ niệm ấy vẫn như một vết thương đau âm ỉ nhức nhối trong cuộc đời của Hải.
      Từ thành phố Ngã ba sông, tôi mò mẫm tìm về một làng quê nho nhỏ, mảnh đất tận cùng nằm bên tả ngạn cuối sông Đà. Quê Hải bây giờ đẹp lắm. Tôi đi vòng vo mấy lượt trên con đê sông Đà mới tìm đến ngõ nhà Hải. Thoáng thấy tôi, anh chạy ra ôm chầm lấy đến nghẹt thở. Lâu lắm rồi mới gặp nhau, chúng tôi say sưa kể cho nhau nghe chuyện trên trời dưới biển, chuyện vui buồn đằng đẵng ngần ấy năm đã trôi qua. Bỗng Hải sửng sốt hỏi tôi:
-Lê còn nhớ cái Vân, hoa khôi của trường y sỹ ngày xưa không?
Tôi nhìn Hải vẻ lưỡng lự:
-Nghe đâu thời chống Mỹ, Vân vào công tác ở một trạm cứu thương ngoài mặt trận phải không?
    Hải không trả lời câu hỏi ấy mà lại tâm sự:
-Chẳng biết cây đa ở bến sông quê Hải có từ bao giờ. Ai cũng bảo thiêng lắm. Hết giặc Pháp đến giặc Mỹ đến đánh phá bến sông, vậy mà cây đa vẫn còn đó. Có lẽ cây đa sinh ra để là nơi hò hẹn cho những lứa đôi.
Tôi ngơ ngác nhìn Hải:
-Đang nói chuyện về Vân, sao Hải lại kể về bến sông.
Hải cười khắc khổ, có gì nghe tồi tội mà cũng dễ thương:
-Hải vẫn nói chuyện về Vân đấy chứ. Chuyện bắt đầu từ cây đa bến sông ấy mà.
Tôi khẽ thở dài cùng Hải, rồi không ai bảo ai mà hai đứa chúng tôi đều  im lặng, bậm chặt môi nhìn ra bến sông nơi có cây đa cổ thụ ấy. Như đoán được tâm trạng của tôi cũng đang ngổn ngang day dứt vì tò mò. Hải hít một hơi thật sâu, khẽ vỗ vào vai tôi:
-Lê biết không? Mẹ và Hải ở với bà ngoại, bà yêu thương chiều chuộng Hải lắm. Có lần bà bảo:
-Hải này, bà thấy cái Vân mà cháu hay đưa về nhà nom dễ thuơng lắm.
Hải cười:
-Vâng. Nhưng Vân còn hơn năm nữa mới ra trường . Ngoại kéo Hải vào lòng, cứ làm như còn bé bỏng lắm:
-Không có “dưng” gì cả. Hai mươi tuổi lấy vợ được rồi. Đứng lâu miếng ngon chả còn nữa đâu.
Bà ngoại và mẹ quí Vân lắm. Lần nào về bà cũng phần cho Vân những trái quả trong vườn thơm ngon nhất. Tối đến bà bắt hai đứa ngồi gần để bà kể chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm. Có lần mẹ Hải cười:
-Mẹ cứ làm chúng nó như còn con nít ấy.
Bà bỏ miếng trầu móm mém:
-Chả con nít mà chiều nay tao thấy hai đứa ra vườn tranh nhau từng quả ổi.
Hải khẽ bấm Vân, rồi nhìn ngoại cười:
-Thế mà ngoại cứ giục cháu lấy vợ.
Bà gõ vào đầu Hải:
-Cha bố con đẻ chúng mày. Bà già rồi mong có tý chắt thì bảo thế chứ sao?
Nói đến đó Hải im lặng nhìn ra bến sông. Những nếp nhăn trên khuân mặt khắc khổ của anh như dúm dó hơn, khắc khổ hơn. Chắc anh đang muốn lần tìm lại quá khứ để nhặt nhạnh những mảnh tình của một thời nào đó đã vỡ vụn bên bến sông. Hải lại khẽ thở dài, hít một hơi thật sâu rồi nắm chặt tay tôi, anh giãi bày:
-Thực tình lúc đó mình đã yêu Vân. Vân học trường y, còn Hải đóng quân gần đó. Thỉnh thoảng Hải đưa Vân về thăm nhà, Vân khen: Bến sông quê anh đẹp quá, cây đa cổ thụ đứng dựa lưng vào làng nhìn ra bến nước thật thơ mộng. Những chiều hè Hải thường đưa Vân đi qua con đê ra ngồi bên gốc đa bến sông quê. Và cũng chính nơi đây đã chứng kiến những lời thổ lộ mối tình đầu của hai đứa. Thế rồi đến ngày Hải chuẩn bị đi B. Vào một đêm cũng ở gốc đa bến sông này, Vân ngả đầu vào Hải thổn thức:
-Mai anh vào mặt trận rồi. Sao anh  im lặng thế!
Hải ôm Vân vào lòng, ánh trăng mờ ảo buông vào đôi mắt bồ câu và đôi má lúm đồng tiền làm cho Vân càng thêm duyên dáng xinh đẹp hơn. Hải vuốt mái tóc lên hai bờ vai mềm mại của Vân, Vân khúc khích cười. Trong giây phút hạnh phúc ấy, Hải và Vân đã giành cho nhau những tình cảm nồng nàn yêu thương nhất…
Tôi vội trách Hải:
-Cậu liều quá. Thế rồi sao nữa?
Hải im lặng đến sờ sợ, anh nghẹn ngào: Hải đi B được vài tháng thì Vân ra trường và cũng tình nguyện cùng với đoàn y tế vào Nam phục vụ ở ngoài mặt trận. Ngày ấy biết tin thế thôi, chiến trường ác liệt rộng mênh mông như thế tìm thấy nhau sao được. Đến một chữ bẻ đôi cũng không nhận được của nhau. Thế rồi điều không may, trong một trận chiến đấu quyết liệt ở ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày 30-4 năm ấy, Hải đã bị thương nặng. Không hiểu do sự lầm lẫn thế nào lại có giấy báo tử về đia phương. Tin dữ dội chết người đó, chẳng hiểu vì sao lại đến được với Vân. Ngày Hải được ra Bắc mẹ khóc mẹ bảo: Cái Vân ở trong ấy cũng biết tin con có giấy báo tử. Nó ốm đau vật vã khóc dòng mấy tháng trời.
Tôi buột miệng hỏi:
-Từ ngày ấy hai người đã gặp lại nhau lần nào chưa?
-Những năm sau giải phóng, mình vẫn nghe ngóng lần mò và đã nhiều lần đi tim Vân, nhưng có lẽ còn khó hơn là mò kim dưới đáy biển.
Hải im lặng. Cái im lặng lần này tôi thấy lành lạnh ở sống lưng, tôi biết Hải đang đau quặn từng thớ thịt. Không dám chạm vào nỗi đau mối tình đầu của Hải, tôi lảng sang chuyện làng quê đang đổi mới, chuyện hội hè ngày xuân ở mỗi xóm thôn. Câu chuyện vui làm cho những nếp nhăn trên khuân mặt của Hải dần dần không dúm dó nữa, không khắc khổ nữa. Vừa lúc ấy có một người phụ nữ ăn mặc rất sang trọng lịch sự đi vào ngõ. Đến sân chị ta đứng lại lễ phép hỏi:
-Bác ơi! Hai bác cho tôi hỏi, có phải đây là nhà bà Nghĩa mẹ của liệt sĩ Lê Văn Hải không ạ.
Nghe vậy tôi và Hải đều giật thót mình. Hải lại thở dài, hít một hơi thật sâu. Anh khẽ gật rồi lại lắc đầu:
-Vâng. Đây là nhà bà Nghĩa, nhưng không có con là liệt sĩ. Thế chị với bà Nghĩa là thế nào?
Tôi bấm nhẹ vào đùi Hải, khẽ nháy mắt:
-Không hay cô ấy là…
    Người phụ nữ có khuân mặt phúc hậu với mái tóc bồng bềnh duyên dáng, cứ đứng ngây ra như trời trồng ở      giữa sân. Khó mà đoán được lúc ấy tâm trạng chị ta ngổn ngang vui hay buồn. Tôi thấy đôi mắt chị ngấn lệ, rồi lại lễ phép nói với chúng tôi:
 -Dạ. Xin phép hai bác, tôi từ miền Nam ra chỉ mong tìm được đến nhà bà Nghĩa, mẹ của liệt sĩ Lê Văn Hải để đưa bức thư cho cụ thôi ạ.
    Tôi vụng về liều lĩnh”Cầm đèn chạy trước ô tô”:
    -Không hay chị là... Chị Vân phải không? Đây là gia đình thương binh Lê Văn Hải con cụ Nghĩa. Ngày ấy báo tử nhầm, nên anh Hải chỉ có hơn hai năm là liệt sĩ thôi.
     Sau những giây phút ngỡ ngàng. Người phụ nữ ôm lấy Hải khóc nức nở, chị rút trong túi áo đưa cho Hải bức thư. Bức thư viết dài, tôi và Hải đọc lướt nhanh rồi dừng lại đọc chậm ở đoạn cuối:
     “…Thưa mẹ. Con đã đi khắp các nghĩa trang miền Nam mà không tìm thấy mộ anh Hải. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày tết ngày lễ con vẫn thắp hương cho anh. Đã bao nhiêu lần con muốn tìm về với bà với mẹ để được nghe bà ngoại  kể chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm như ngày con học ở trường  y. Và được ra vườn hái ổi như ngày nào với mẹ. Cây ổi ấy ở ngay lối ngõ có còn không hả mẹ. Con muốn tìm về cây đa bên bến sông nữa, chả biết bây giờ còn hay cũng lở xuống sông mất rồi. Con khao khát muốn trở về đến cháy lòng. Nhưng mẹ ơi! Anh Hải hi sinh rồi, nên chẳng còn gì để bà và mẹ tin con. Con có về quỳ xuống trước bàn thờ để tạ lỗi thì chắc gì mẹ và bà đã tin lời con nói. Con đành âm thầm chịu đựng mang tiếng với đời để một mình nuôi đứa con gái. Bây giờ cháu đã trưởng thành là cô giáo hiệu trưởng cấp ba. Năm nay cháu đưa học sinh ra Hà Nội để thi học sinh giỏi Quốc gia, con mới nói hết sự thật với đứa con gái về người cha của nó. Con ghi địa chỉ cho cháu tìm về với bà với mẹ, với bến sông quê nơi có cây đa cổ thụ, để được tạ lỗi với mẹ. Mẹ ơi! Mẹ cho con và cả cháu nữa được thắp nén hương lên bàn thờ cho anh Hải. Cháu gái cầm bức thư này là giọt máu của anh Hải để lại cho con trước ngày ra trận…”.
         Tôi bàng hoàng ôm lấy Hải, chúng tôi khóc trong nỗi xót xa mất mát hi sinh của Vân và Hải. Khóc trong niềm vui hạnh phúc bất ngờ đang về với hai người. Vậy là đứa con của Hải đã trưởng thành, đã về với quê cha đất Tổ của mình. Tôi ở lại với bố con Hải hơn một tuần, sau đó mới tiễn Hải và cháu gái ra tận bến sông để đợi xe trở vào thành phố Hồ Chí Minh. Hải vào trong ấy đến hôm nay đã gần nửa tháng rồi. Ai biết được hai người gặp lại nhau trong nỗi đau và hạnh phúc đến ngần nào.Chắc hẳn Hải và Vân kể nhiều cho con gái nghe về bến sông quê…

Lê Văn Thục
Khu 1-Xã Xuân Lộc-Thanh Thủy-Phú Thọ
ĐT: 01632844437