Mây trời thương nhớ
Tuệ An
Thứ bẩy ngày 16 tháng 11 năm 2013 7:53 PM
Bác sĩ trẻ măng đưa cây viết lên trước mặt bà. Hỏi:
- Bà già. Cái gì đây?
Bà suy nghĩ. Nghĩ riết. Chả nhớ nổi nó là cái gì.
Bà cười cười, đánh trống lảng. Nghĩ chắc là người ta chẳng hỏi mình nữa đâu. Nào ngờ bác sĩ lại đưa con dao nhỏ lên hỏi. Lần này thì bà thấy quen quen. À, cuối cùng cũng nghĩ ra. Bà nói:
- Dao.
- Đúng rồi. Bà già tốt lắm.
Bà sung sướng ra mặt vì được khen. Nhỏ ngồi góc phòng, lặng lẽ quan sát, nước mắt chảy hồi nào không hay. Cả đời cầm bút viết, vạch ra bao đường lối chính sách này kia, mà giờ bà không thể gọi tên. Xót.
Chụp cắt lớp não bộ. Trí nhớ bà bị ảnh hưởng vì mảnh đạn mồ côi đi lạc đã nằm trong đó mấy chục năm rồi. Nằm lâu tới nỗi chả ai nhớ tới nó nữa. Cho tới khi bà đi chợ cứ nhầm lẫn hoài. Lẫn do già? Bà quên tiền, rồi dần dà bà quên mặt người, rốt cuộc bà gần như quên cả tiếng nói. Đem bà đến bệnh viện kiểm tra mới biết không hẳn là lẫn do già. Do mảnh đạn nằm trong đầu, từ ngày xửa ngày xưa, ngày nào bà cũng chả nhớ.
Bà đã không còn nhớ gì nữa hết. Một miền trắng xóa.
Sáng. Nghe tiếng hàng quán lách xách dọn trước nhà, Nhỏ nhổm dậy. Nhang trên bàn thờ ông thơm ấm. Tàn rơi rã. Nhỏ nhìn sang. Bà đã dậy, ánh mắt ngơ ngác, nụ cười ngơ ngác. Nó ôm bà. Khóc òa.
- Bà ơi, bà biết ông mất không bà?
Bà cười nhẹ nhẹ, cứ như vì không hiểu mình đã gây nên lỗi gì mà con bé nó lại khóc ròng thế. Bà đưa bàn tay ôm lấy gương mặt bầu bĩnh của nó như vẻ dỗ dành. Nó sờ nắn tay chân bà, cái thân mình da bọc xương của bà, nhìn vào cái khuôn ngực phẳng gầy chưa một lần được cho con bú của bà mà thấy xót xa. Nước mắt lại lần nữa trào lên nức nở.
Bà là em gái ông ngoại nó.
Trước 1954, bà học đại học, rồi làm giảng viên. Sau 1954, theo tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu nước, bà vào nam. Những ngày hoạt động cách mạng, bà quen ông, rồi nên duyên vợ chồng. Oái oăm, cả hai cùng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo.
1975. Hòa bình. May mắn và vinh danh cho cả dòng tộc là ông bà còn sống, trở về và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Gọi là thuộc tầng lớp lãnh đạo. Bao người nhìn vào danh chức, nhà cửa ông bà được cấp, cứ xuýt xoa ganh tị.
Không ai nghĩ đến những cơn đau đớn khi trái gió trở trời. Không ai nghĩ đến bao tháng năm mòn mỏi thèm được sinh con và được nghe con khóc của bà. Hòa bình đúng là sự đánh đổi. Hòa bình như bức tranh đẹp được ghép lại từ muôn ngàn mảng màu vụn vỡ đau thương. Hòa bình nhắc nhớ đau tận xương tủy khi trái gió trở trời, khi ông lên cơn đau tim hay khi vô tình nghe tiếng khóc trẻ con.
1980. Bà hết hy vọng về sự chạy chữa vô sinh (Mà chữa làm sao nổi nữa khi cửa mình và tử cung của bà đã bị làm cho rách nát vì đủ trò tra tấn mọi rợ trong những ngày lao tù Côn Đảo! Còn ông thì trở về với một trái tim ốm đau bệnh tật luôn dọa dẫm ngừng đập bất cứ lúc nào.)
Bà đành xin con nuôi từ những đứa bé bị bỏ rơi ở bệnh viện. Nào ngờ, đứa con ông bà nuôi đến được mười ba tuổi thì mất.
2010. Ông suy nhược tim nặng hơn. Bà tâm thần. Bà con ngoài bắc cũng neo người nên suy đi tính lại ông ngoại Nhỏ bảo nó chịu khó vào chăm. Cũng là để nó được thay đổi không gian sống, thoát khỏi những ngày u ám nặng nề và đổ vỡ trong cuộc đời nó. Một ngày, đi đi về về chăm ông nằm trong viện, rồi mỗi tháng lại dẫn bà xuống Sài Gòn khám bệnh.
Mới đó mà đã hơn hai năm, ông rời bỏ những cơn đau để đi vào đất, nơi mà ông và các đồng chí đã đánh đổi tuổi trẻ, máu và đời để giữ lấy. Hết nhé, dừng cả những chuỗi ngày đau thắt ngực. Một đời hy sinh rồi cũng hóa mây trời.
Chiều chiều, Nhỏ dẫn bà đi dạo loanh quanh công viên gần nhà. Bà đã quên hết. Ai hỏi gì cũng gật. Gương mặt bà chỉ ấm lên khi những đứa bé con sà đến chơi. Dãy phố hầu như là gia đình cựu chiến binh, các ông bà hồi đó giờ là đồng chí vẫn thường qua thăm hỏi. Có lúc ngồi lại nói chuyện kể cho Nhỏ nghe những chiến công, những kỷ niệm, những đau thương…
Nhỏ chạnh lòng nghĩ về gia đình. Anh trai, chị gái nó, sinh ra thời bình mà chết hết vì chất độc da cam. Còn Nhỏ, sống đây nhưng ai dám chắc dòng máu nó không mang thứ chất độc quái ác ấy? Nó chợn rợn nghĩ về tương lai, gia đình và những đứa con. Tự động viên mình, cả dải đất nước này phải gánh chịu, phải chấp nhận chứ không riêng nhà mình mất mát. Thế hệ của những người đã hy sinh như ông bà nó hay thế hệ những người gánh chịu hệ quả chiến tranh như anh chị nó, họ đã sắp đi xa hết rồi. Còn lại đây, những người ở lại, như nó, như bạn bè nó. Tự dưng những tiếng bập bùng chát chúa trở lại nhảy trong đầu, mắt nó thấy sống dậy những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, cuồng vọng cả những cơn giật thuốc lắc và cả sự phản bội của anh, người mà nó đã từng tưởng rằng có thể đi chung cả cuộc đời. Anh sống như thế thì sống để làm gì hả H.?
- Hy sinh để làm gì nhỉ? Khi sự hy sinh đó dành cho một thế hệ không đáng như anh?
- Mày tư duy sai logic rồi. Vào thời điểm hy sinh đó làm sao biết thế hệ sau này đáng hay không đáng? Hơn nữa, nếu cứ phải suy xét thiệt hơn như thế thì đã không còn gọi là hy sinh.
Nhỏ miên man suy nghĩ và cứ tự đối chất như thế mỗi khi ngồi lặng bên bà. Tại sao mày chỉ nhìn vào một số ít người sống thừa mà vơ đũa cả nắm cho rằng cả một thế hệ không xứng đáng ha Nhỏ?
Cũng một phận người, nếu ngày xưa, bà cam phận, ở nhà không học hành gì, bám vào ruộng vào đất như bao người, có phải đã có con đàn cháu đống, có phải đã sống được cảnh đoàn tụ ấm cúng hơn không? Trí thức hơn người, để làm gì? Để chọn những con đường trắc trở hơn người và chấp nhận thiệt thòi hơn sao?
Không. Những câu truy vấn quá ngu xuẩn! Tại sao mày lại có thể suy nghĩ như thế? Chính vì có trí thức mới biết con đường nào đi sáng nhất, để cống hiến… Đơn giản là để được cống hiến. Và cả những người đã mãi mãi không trở về, thậm chí cả linh hồn lẫn thể xác,… họ còn hy sinh nhiều hơn những người trong gia đình mày. Đã biết hòa bình là đánh đổi và hy sinh trong vinh quang, sao mày còn bất nhẫn cho thời thế thế thời?
Không vì điều gì hết.
Ngày ngày tháng tháng nối tiếp, bà vẫn không nhớ lại được điều gì. Thi thoảng động trời, không biết ký ức có trở về hành hạ hay không mà những bà lại lên cơn động kinh co giật. Có khi quên lẫn tất cả đi như thế lại chẳng phải tốt hơn sao? Một đời cơ cực. Một đời đau thương. Để rồi những chức danh ấy, những chiến công ấy, còn gì?
Đừng hỏi. Trái tim của một người trẻ ích kỷ chưa dám sống, chưa dám hy sinh như mày thì làm sao có thể trả lời hay hiểu một cách thấu đáo.
Bà không đọc những dòng phân vân trong mắt Nhỏ. Nó và bà ngồi nhìn xe cộ, nhìn người đi lại bình thản qua con đường trước nhà. Ánh mắt bà ngơ ngác. Những con người ấy, họ đang nghĩ gì? Cuộc đời họ thăng trầm ra sao? Và lịch sử? Họ nhớ không?
Đừng trách. Lịch sử không bắt họ phải nhớ, trừ khi họ muốn nhớ. Nhưng nhớ để biết sống chứ không phải để dằn vặt cho những cái chết như mày.
Giờ tan tầm, dòng người có vẻ đông hơn. Những người mẹ trẻ đi đón con. Người chồng trở về với vợ. Vị bác sĩ bỏ dở tô bún riêu chưa kịp ăn trong giờ nghỉ để chạy vội vào cấp cứu bệnh nhân. Anh chàng kiến trúc sư trẻ trầm ngâm đứng ngắm một căn nhà đẹp vừa hoàn thành… Họ chỉ cần nhớ những điều giản dị ấy. Nhưng nếu như, nếu như thôi nhé, có biến cố xảy ra. Cũng những con người ấy, họ sẽ sẵn sàng hy sinh, thậm chí thân mình, để đánh đổi lấy hòa bình. Hòa bình không phải là một từ quá vĩ mô. Chỉ là những cái sinh hoạt rất thường ngày, nhẹ nhàng diễn ra như lá đổi màu theo mùa mà không phải phân vân. Mọi việc rất bình thường như thế không phải dễ dàng mà có được. Tất cả đã được đánh đổi bởi bao thế hệ ngã xuống, hy sinh.
Dù chỉ có mây trời ngàn năm còn thương còn nhớ…