Trang chủ » Truyện

Mùa vớt củi

Nguyễn Trọng Luân
Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2014 9:21 PM





 
 

 


       

 

 

 Chỉ một năm sau thôi, ông bà Long lại đồ đoàn về làng. Hai cụ không chịu nổi cảnh nhốt trong chuồng như con chim thằng cháu nuôi trên sân thượng. Ông cụ càng không chịu nổi những cuộc tiếp khách của con trai mình. Họ đều dạ thưa cụ, dạ vâng ạ. Khách đến, xe ô tô đứng từ xa, khách vào nhà thấy tổng Giám đốc đi vắng liền dạ chào cụ con về. Cụ khép cửa chưa kịp đi vào thì nghe hai người khách nói với nhau. Mất mẹ nó một ngày từ Thanh Hóa ra, toi luôn cả nghìn đô, khéo lại đứt mẹ nó cái hợp đồng này, chó chết thật. Nghe mà buồn cho khách cho con. Bạn nó toàn nói với nhau bằng đô la bằng dự án, cả năm cụ ăn cơm với con được mươi bữa. Cụ ông cụ bà nhìn nhau héo hon xem ti vi ù đầu …Có điều mà hai cụ không nói ra ấy là những nỗi buồn của cụ với vợ anh Kha. Có hai đứ con du học hết, chị vợ nghỉ hưu sớm tha thẩn ở nhà cũng chán . May mà chị có nhiều bạn gái cùng lứa toàn những chị có chồng làm chức vụ. Cà phê sáng sàn nhẩy chiều gọi nhau cười hi hí nghe chương chướng. Có hôm chiều mới nhập nhoạng chưa kịp thổi cơm bạn gọi eo éo chị chạy vù ra ngõ mua ba hộp cơm hai cho bố mẹ chồng một cho chồng rồi vù đi. Cụ khóa cửa thấy sực nức mùi nuốc hoa ở lại. Đem chuyện nói với con trai thì anh gạt đi, cứ để cô ấy vậy con còn dễ làm việc. Hai cụ thở dài. Lẩm bẩm. Nát! sợ rằng nát. Lâu lâu có người làng xuống chơi cụ Long mừng bao nhiêu thì vợ Kha lạnh lùng bấy nhiêu. Khách về rồi cụ lên phòng bắc cái ghế con ra nhìn cây chanh trồng trong chậu sành mà nhớ thằng Thắng nhớ ngôi nhà có mùi bồ hóng bếp rồi lại thương thằng Kha…

Thắng dìu bố mẹ vào nhà,  nước mắt người già người trẻ chứa chan. Vườn tược xanh tốt, mấy luống rau xu hào bờ ao ngằn ngặt xanh như loáng mỡ. Bà cụ Long đang vuốt ve đứa con gái thiếu mẹ của thằng Thắng đang học lớp 7 ngửi mồ hôi khét nắng trên tóc nó. Vừa bê đồ vào nhà, Thắng vừa nhìn anh giận anh thì ít thương anh thì nhiều. Người làng này chỉ nhìn thấy ông Kha đi xe ô tô về làng, thấy ông làm Xếp một Tổng Công ty ở Trung ương. Nhưng Thắng thì biết cái nỗi khổ của anh mình. Đổi cái giá nhẫn nhịn hầu hạ nhậu nhẹt cho những anh cấp to hơn như thế nào. Đã một hồi Thắng làm cán bộ một công ty trên tỉnh lạ gì sự đánh đổi của đời. Chả có cái gì là đổi bằng nước bọt sất. Vật thể hay là đến phi vật thể cũng vậy mà thôi, có giá của nó hết. Ngay cả truyền thống còn đánh đổi còn đem ra mặc cả được nữa huống chi thân thể con người . Đã bao nhiêu lần Thắng về chơi với anh những ngày cận tết ở Hà nội. Cứ đến áp tết mới thấy cái nhục nhã của cán bộ cấp dưới đi Tết cán bộ cấp trên, anh nào cũng ứa nước mắt dù được việc hay không được việc.  Anh Kha bảoThắng, từ trưởng phòng lên phó tổng của tao một căn hộ The Manor là rẻ đấy. Mấy ngày áp Tết lao đầu đi, thôi thì thuế rồi ngân hàng rồi môi trường công an địa bàn rồi đến thủ trưởng của mình rồi mới đến công nhân của mình, bã người ra chứ béo bở gì tết với nhất. Thắng nghĩ, công nhân họ chúc tết nhau bằng tấm lòng, người nông dân thăm nhau ngày tết là niềm vui nghĩa nhân ngàn đời để lại. Xa tít tắp cái câu mùng một Tết cha mùng hai Tết mẹ mùng ba Tết thày .                                                        

                                

                                                             ****


Tết năm nay ông Kha sắp nghỉ hưu. Chờ lấy sổ nên ông rỗi, ông về quê ăn Tết. Con đường từ xóm bãi vào Nghè đổ xi măng tươm tất. Đồng xanh mướt mát những ngô lạc ba tháng . Những tràn ruộng trên ngô dưới bí đỏ và khoai lang su hào . Bây giờ đất chả lúc nào được  nghỉ. Ấy thế mà người vẫn thiếu việc. Chuyện cày bừa cấy hái chỉ làm có non nửa thời gian. Già nửa thời gian còn lại là nông nhàn. Càng nhàn càng rách chuyện, càng uống càng hút càng hư. Lâu lắm rồi ông mới nhớ lại cái lí lẽ mà hồi đi học Kinh Tế cao cấp. Cứ khi nào khủng hoảng kinh tế thì lúc ấy Nông nghiệp lại là chỗ dựa của nền KTQD. Chỗ dựa của chín mươi triệu dân lại là ở những cái tầm thường như quê ông này sao?    

Ông Kha về một mình. Chiều ba mươi Tết nhà cụ Long đụng lợn. Cụ Long ngồi mâm với hai anh con trai và đứa cháu con nhà Thắng. Bà cụ Long mấy hôm nay đau khớp ngồi trên ghế dựa ăn cơm nhìn xuống mâm. Cữ này mọi năm rồng rắn quà cáp về quê, xe ông Kha rồi xe cơ quan ông Kha cũng về theo chúc Tết làm xôn xao cả xóm Nghè xóm Bãi. Ông Kha về là có khối bạn rồi thì những công ty con trên tỉnh cũng về. Họ về biếu quà tết nhưng rứt khoát phải có mặt ông Kha vào những lúc ấy. Chú lái xe hấp hổi quay lộn trở xuôi miệng dạ dạ hẹn lên đón đúng ngày. Chưa bao giờ suốt mấy chục năm ông có bữa cơm Tết chiều ba mươi như ngày xưa. Cũng vẫn căn nhà mà mấy chục năm nay đi về có chăng chỉ thêm vài bộ tranh, câu đối bằng đồng và cái sân gạch đỏ mà khi xưa chưa có. Mùi nhang lan ra vườn, mảnh vườn có luống su hào cao lêu nghêu gà ăn lươm tươm lá, mấy cây ớt quả quăn queo mùa đông xanh lét . 
Hai anh em ông Kha cụng chén mời bố mời mẹ. Nhìn ông Thắng cũng đã hoi hói hai bên thái dương, Ông Kha hỏi : 
-   Giờ chú uống rượu thấy thế nào? 
-   Em vẫn thấy ngon nhưng chỉ ngon khi uống với người thân thôi . 
-   Chú có thấy thèm không? 
Ông Thắng nuốt ực cái nghẹn đang ở cổ :
-   Qua cái đận thèm rồi anh ạ. Chỉ nhờ thương bố thương mẹ mà em bỏ được nghiện rượu. Những ngày bố mẹ đi về dưới đấy hễ cứ uống rượu là đau đầu là người lên cơn quằn quại…NHớ bố mẹ thương bố mẹ mà em chán bỏ được rượu ,  em nhịn… rồi cứ nhìn thấy rượu là sợ … sợ bố mẹ chết ở xa. Thắng ngừng lại lau mắt. Ngày trước vợ em nó bỏ đi, em đau,  em ngu, em hèn, em lấy rượu mà giải. Lúc ấy thấy quên được là tốt. Giận vợ thì lấy rượu mà quên chứ giận bố mẹ mà lấy rượu là ngu, ngu nhất. Em về quê !  May lắm đấy anh ạ. Mình còn có quê, nơi nương tựa cuối cùng của đời này. Có bố mẹ thương nên dù em có là thằng Thắng say làng xóm họ cũng không bỏ em. Suy cho cùng con người tài giỏi gì thì tài giỏi, riêng chuyện vợ con thì không người đàn ông nào dám chắc là mình tài …Đã có lúc em không phải với anh ...

 Ngừng một lát ông Thắng tiếp:
-  Oai oách thì chỉ ở ngoài thiên hạ thôi. Chứ về quê mình chả oai được với ai. Chỉ mỗi niềm tự hào về anh là anh không càm cắp như các ông có chức có quyền khác. Nói anh bỏ lỗi em nói càm cặp là nói theo kiểu quê mình.

Ông Kha mím miệng nuốt nước bọt nhìn đứa em trai một thời là thằng nát rượu. Thắng nhẹ nhàng nói như nói riêng với mình.

-  Chả nhẽ ra oai với mấy đứa con đứa cháu. Ở quê chả dấu giếm được cái gì, người quê họ nhìn vợ mình, nhìn con mình, là họ đoán được đời mình ở ngoài thiên hạ. Họ nói cấm có sai anh ạ . 
Ông Kha nhìn ra cổng, nhìn thẳng ra phía xóm Bãi bờ sông. Sương chiều mờ mờ. Giá như ngày xưa là nghe pháo nổ … Ngày xưa bố ông hay đốt pháo vào bữa tất niên. Lúc này hai đứa con ông du học ở tây, vợ ông đã gần sáu mươi tuổi chắc đang ở vũ trường trên đường Lý Nam Đế. Người thành thị họ ngại tết quê. Ờ mà bao năm nay ông cũng có nghĩ đến Tết quê đâu, bao năm nay ông có ăn tết với bố mẹ đâu …với quan chức thì bàn thờ tổ tiên giao cho các em, giao cho vợ, còn mình thì lao đi với việc nhớn, ấn tín đền này chùa nọ. Chùa chiền đình đền thiên hạ thì thuộc  vanh vách chứ có anh mồ mả tổ tiên về quê còn nhầm sang mồ mả nhà khác.  Mồ mả tổ tiên chỉ thiêng với họ ấy là lúc họ về già, họ đã ngấm sự đời. Ông thăng lên một chức, ông làm được mâm cơm cúng tổ tiên chưa thì chưa biết nhưng ông đã phải làm chín mười mâm cúng thánh thần, cúng thiên hạ, cúng những ông thánh đang sống sờ sờ bên trên ông  … Nén nhang trên ban thờ hôm nay sao ngát thế. Ông chợt nhớ thằng Thắng em ông nói lần nào đó nói vỗ vào mặt ông . Mái nhà xa hơn cổng chợ, nhà thủ trưởng gần hơn mồ mả ông cha .
Hai anh em ông Kha lại đốt lửa đun bánh chưng ngoài đầu trái nhà. Lửa bánh chưng nhoang nhoáng chỗ đen chỗ sáng hắt lên vườn chè. Ông Kha gõ gõ cái cục than bảo ông Thắng củi này là củi muối nổ nhiều quá. Ông Thắng ngước lên nhìn anh trai, ngọn lửa in lên cái trán hói nhẵn bóng đỏ căng - Thì ra anh vẫn nhớ, vẫn nhớ củi đóm à ? tưởng anh quên . 
Ông Kha :
 - Quên sao được, nó ăn vào máu mình mà chú. Bây giờ ít củi sông đun bánh trưng chú nhỉ .

 Ông Thắng chợt quay nhìn anh trai:  

 - Có một điều anh quên… Ông Kha quay sang em ngạc nhiên 
-   Chị Đồng vớt củi xóm bãi chết rồi…
Kha buông cái cây cời lửa, lửa nhập nhòe tiếng củi nổ lép bép .
     - Chú biết về chị Đồng ? 
Em biết nhiều hơn anh tưởng anh Kha ạ.

                                              * *
                                                       


 


 

 

 

 

 

 


 Kha đi học cấp ba thì cũng đúng lúc giặc Mỹ ồ ạt cho máy bay ném bom Miền Bắc. Đi trọ học xa nhà tuần mới về một hôm rồi hôm sau chiều tối lại sang đò đi bộ đến trường . Lần nào cũng vậy Kha ngồi ở đầu mũi quay về lái, nhìn Đồng nhấp nhom chèo thuyền qua sông. Con đò cứ sàn sạt nước phù sa sang sông, Kha lại thấy những là rều, là củi lau, củi sậy trôi vùn vụt. Kha như không nghĩ gì và Đồng cũng chỉ nhìn vào bờ cát bên kia sông mà rướn chèo. Kha không một lần nào đi vớt củi vì sợ vì bận bao nhiêu là mơ ước. Ngực Đồng căng, thớ áo cánh nâu cũng căng . Mặt trời đang xuống bên núi Lả, con đò cũng đang cố rướn về phía mặt trời buông. Tấm áo nâu cô lái đò mười tám làm cả con sông cũng màu nâu . 
Ngày Đồng nhập ngũ xã của Kha đi nhiều lắm nhưng chỉ có cô Đồng lái đò là nữ. Trống cà rình và mít tinh đưa thanh niên lên đường tung tung kêu vang xóm Bãi. Từ ấy con đò không còn cô Đồng căng ngực đứng mũi thuyền rướn về phía mặt trời . Sông vẫn cứ mùa đầy lại cạn, họ vẫn vớt củi và củi vẫn nhuốm đầy phù xa nâu bóng .
 Đồng vào lính thông tin, đi hút vào khu 4 tuyến lửa rồi lên tây Nghệ An . Ở đấy Đồng gặp anh Ngọc đồng hương nhà ở làng Lâm đối diện xóm Bãi. Nhà anh Ngọc cũng ngay ven sông. Hôm đầu tiên về A15 gặp anh Ngọc, thấy anh Ngọc cười gọi,  này cô lái đò làng Bãi. Đồng giật mình. Rồi hai người ở hai bờ sông nay lại cùng một đơn vị chiến trường . Họ yêu nhau trong cánh rừng giáp Lào. Vài tháng sau Ngọc đi chiến dịch Cù Kiệt trên cánh đồng Chum . Đồng vẫn ở lại vùng đất ruồi vàng bọ chó nuôi cái bụng lớn dần dần . Hai người đã phạm vào một cái tội tày đình. Đơn vị cho Đồng về không thành tích không chế độ chuyển ngành. Đồng phục viên về xã với tất cả nỗi ngờ vực và eo óc phỉ pheo thời cách mạng hừng hực chiến đấu. Chị Đồng đẻ con gái rồi lại lái đò ngang. Mỗi chuyến đò sang sông phía làng Lâm chị chèo rất khỏe . Nhưng chuyến về thì dài dằng dặc và bải hoải chân tay. Anh Ngọc hi sinh cuối năm trong một trận bom mảnh gang phang thủng bụng lòi cả ruột gan. Đến tận bây giờ chả biết hài cốt ở đâu . Ba tháng sau thì chị đẻ con gái đặt tên là Ngọc Động. Chị đã sáu mươi con gái chị cũng đã gần bốn mươi. Làng Nghè làng Bãi quen rồi chả ai để ý chuyện chị Đồng đi lính chửa buộm nữa. Cái ông Chủ tịch xã đe nẹt rỉa rói chị Đồng khi chị mang giấy phục viên về làng cũng đã chết vì chó dại cắn từ tám hoánh nào rồi. Ngày chị ra xã làm giấy khai sinh cho con Động tay chủ tịch gãi đầu gãi tai , khó quá khó quá. Chị hỏi vỗ vào mặt chủ tịch tôi là đàn bà tôi đẻ con với bộ đội tội tôi ở chỗ nào ? chiến tranh hả ? cách mạng hả ? cách mạng cũng phải để cho người ta đẻ chứ ? Sau này con trai ông ấy theo đuổi con Động nhà chị nhưng chị cấm cửa.        

 Cây cầu qua sông Thao mới xong cách nay vài năm. Bến đò nhà chị Đồng vắng khách, con đường xuống đò loe hoe những cây cỏ ngọt trồng cho bò và vẫn lõm thõm mấy bụi giong giềng.Từ ngày Thắng về làng chị Đồng và Thắng hay trò chuyện với nhau. Chưa bao giờ chị Đồng hỏi về Kha ngoài chuyện làm ăn con cái. Chị bảo nhà có còn củi không?  ra chị chở một xe về mà đun chỉ có điều củi bây giờ toàn là củi vụn chú ạ   
Hôm rồi thấy xe anh Kha về, xe củi chị vướng đá trên đường thấy anh có vẻ bực bội chả dám ngẩng đầu lên nhìn … Rồi chị Đồng bảo Thắng thôi không nhắc chuyện khốn khổ ngày xưa nữa. 
Một ngày sau khi ông bà cụ Long xuôi ở với Kha dưới Hà nội, chị Đồng vào nhà Thắng lúc nhá nhem tối. Chị hỏi :
- Chú uống rượu đấy à? Thắng bảo không . Em luộc củ giong cho cháu mai nó mang đi tham quan chiến khu Vần. Bây giờ phải vòng xuống huyện qua cầu sang sông đâm lại xa chị nhỉ.
Chị Đồng nói buồn:
-   Ừ, bến đò bỏ rồi. Ngày xưa lúc còn chiến tranh chở đò ăn công điểm hợp tác xã. Bom đạn cũng lăn ra mà chèo, nước to nước cạn hễ nửa đêm gà gáy có tiếng goi là lại ra sông chèo sã cánh đến sáng mới về mà vẫn vui như tết. Thật lạ, sao có hồi mình say với cuộc đời đến thế. 

 Thắng nhìn người đàn bà sáu mươi mà vẫn mặn mòi khỏe khoắn lấy làm lạ :
-  Chị vác cái gì vào nhà em thế . 
Chị Đồng dũi dũi ngón chân cái trên nền nhà mặt cúi xuống. Mấy lần thở dài rồi ngẩng lên bảo:
-  Cái mái chèo ngày xưa chị vẫn đi vớt củi. Em cài lên mái nhà khi nào anh Kha về bảo chị gửi cái mái chèo này ở đây. Mấy đứa nuôi lợn đàn dưới chợ xin chị về làm cái khuấy cám chị không cho. 
Chị Đồng tưởng Thắng không biết chuyện vớt củi năm nào. Nhưng chiều tối ấy Thắng đã ra dắt trâu cho anh Kha. Thắng nghịch ngợm hơn anh mình, chuyện sông nước. Thắng biết… 


        Ông Kha ngồi nhìn ra bờ sông tối om. Đêm ba mươi tết con sông qua làng hưng hửng như một dải sáng trên cái giường tân hôn lúc tắt phụt đèn . 
Đồng chết rồi. Chết chỉ vì một đợt cảm lạnh lúc đang đào củ giong riềng bán cho người ta làm miến Tết. Ông Kha chợt thấy hai tay mình cứng như chiều hôm bám trên cắng thuyền vớt củi của Đồng. Kha vẫn nhớ mùi hăng hăng như lá xoan non trên cặp vú cưng cứng bầu ngực người con gái quê mình chiều tối bãi sông, lại thấy những mùa vớt củi nhơm nhớp phù sa trên những đống củi ngoài xóm Bãi. Mái tóc của người con gái phập phều trên mặt sông và cây chèo thon thon nằm gác trên chiếc thuyền nan.

Mùa đông năm 2013  - Nguyễn Trọng Luân