Trang chủ » Truyện

Kẽ nứt

Nguyễn Thanh Bình
Thứ bẩy ngày 15 tháng 3 năm 2014 7:10 PM
Truyện ngắn

 

     Cu Đức tỉnh dậy khi chưa tròn giấc ngủ. Nó nghểnh tai nghe ngóng . Nó liếc mắt nhìn quanh. Không thấy gì! Hay là nó đang mê ngủ. Có lẽ thế thật! Bà ngoại thường bảo, khi trẻ con ngủ thì mọi truyện đều tốt đẹp vì chúng hay mơ. Giấc mơ trẻ con bao giờ cũng đẹp hơn giấc mơ người lớn. Trong mơ nó thường được các cụ tiên râu tóc bạc phơ dắt đi chơi khắp sông này núi nọ, có khi còn được “ cân đẩu vân” lên chín tầng mây để ngắm nhìn những “ Tinh Vân tiên nữ” lượn lờ trong miền sâu thẳm của vũ trụ bao la. Lại có khi được các cô tiên xinh đẹp dạy nó múa hát và cách làm thơ về tiếng chim, cánh bướm bay lượn bên những khóm hoa, vườn cà nhà nó.

     Nhưng giấc mơ của cu Đức trưa nay lại khác. Hình như có điều gì chẳng lành làm nó chợt tỉnh. Rõ ràng trong giấc ngủ nó đã nghe thấy những âm thanh quái quỉ gì ấy không giống tiếng người từ trong kẽ nứt của bức tường phát ra:

- Các anh em! Loài bọ rệp ta xưa nay thường lấy việc hút máu làm kế sinh nhai. Nhưng vì con người ngày càng khôn ra, họ đã phòng ngừa , ngăn chặn không cho ta thoải mái làm ăn kiếm sống, khiến nòi giống có nguy cơ bị diệt vong. May nhờ kẽ nứt ở bức tường mà anh em ta mới sống sót đến bây giờ. Vậy ta phải làm sao đây hả, các anh em chiến hữu?

    Một giọng khè khè ba trợn:

- Thưa đại ca. Vỏ quít dày có móng tay nhọn. Sợ gì! Người khôn, ta khéo, xem mèo nào cắn mỉu nào?

   Cái tên mà lũ rệp tôn là đại ca, hỏi lại:

- Khéo là sao?

- Trước đây loài rệp chỉ quen ẩn nấp chỗ khe giường ,khe chiếu rất dễ bị con người xua đuổi giết chết. Lại mỗi khi hành sự thì gây ra ngứa ngáy, mẩn đỏ da thịt, dễ để người ta phát hiện, khiến loài rệp không đường chạy trốn. Đệ có một thủ đoạn rất hay. Trong khoảng mười năm tu luyện, đệ đã tạo ra được một thứ tiết dịch ở vòi hút máu. Mỗi khi đốt vào da thịt, tiết dịch này giống như dịch vị của loài đỉa, khiến con người chả cảm thấy ngứa ngáy da thịt nữa. Loài rệp cứ việc xơi no, xơi chán rồi chui vào cứ địa. Đảm bảo an toàn tuyệt đối đó thưa đại ca.

    Tên rệp đại ca vỗ tay tán thưởng:

- Hay lắm! Vậy đệ hãy trang bị cho các chiến hữu thứ vũ khí lợi hại ấy. Tối nay sẽ thử nghiệm trên da thịt thằng cu Đức.

    Nghe đến đây, cu Đức giật mình tỉnh giấc. Bây giờ thì nó chằm chằm nhìn vào kẽ nứt của bức tường. Một vết nứt từ trên đầu tường bò ngoằn ngoèo xuống sát cạnh giường nó nằm. Kẽ nứt chỉ vừa một cái đầu đũa chọc vào nhưng không thể xuyên ngang tới mặt tường bên kia. Vì kẽ nứt đi ngùng ngoằng theo mạch vữa và gạch nên ánh sáng cũng chẳng thể lọt qua. Cu Đức lấy đèn pin của bố bật soi. Ánh sáng đèn pin rọi thẳng nhưng cũng chỉ lọt vào nửa ngoài. Còn nửa bên kia chỉ nhìn thấy những bóng đen bò ngoằn ngoèo khi ánh sáng đèn lướt qua. Sợ quá, cu Đức kêu lên:

- Ma!

    Nó vùng chạy khỏi giường gọi bố, gọi mẹ cầu cứu. Chả có ai ở nhà. Bố đi làm thuê, mẹ đi chợ cả ngày. Em gái đi mẫu giáo. Vậy là chả có ai để cho nó san sẻ bớt nỗi sợ hãi. Nó tự sợ một mình và lại tự không sợ một mình. Nó bèn hát. Nó hát bài mà cả nhà nó đều biết hát:

 “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba...”

    Hát vài lần thì nó không còn cảm giác sợ sệt nữa. Nó quyết định không nói chuyện này với bố mẹ, vì nó nghĩ nếu nói ra thì em gái nó mới bốn tuổi sẽ sợ mất vía khi nhìn vào kẽ nứt của bức tường. Còn bản thân nó cũng sẽ bị bố mẹ cho là nhát gan, không có bản lĩnh đàn ông. Nó là học sinh lớp hai, hơn em gái ba tuổi. Hơn những ba tuổi, chắc chắn nó cũng đã từng trải hơn em gái ba năm. Ba năm đối với trẻ con là cả một chặng đường dài. Từ chỗ còn đái dầm đêm đến lúc tắm truồng bây giờ biết ngượng, từ chỗ còn nói ngọng bây giờ đã đọc được thơ và hát những bài ca rất tuyệt. Từ chỗ còn đòi ngủ với mẹ để đêm đêm sờ tí cho đỡ nhớ. Bây giờ nó đã hiểu ra chỗ ấy là phần của em gái nó. Vậy là nó đúng là người lớn nhưng chưa phải là lớn lắm. Theo nó, người lớn nghĩa là đã lớn hơn trẻ con, và phải khôn hơn trẻ con là cái chắc. Vậy thì làm sao mà trong kẽ nứt của bức tường lại có ma kia chứ! Thật vớ vẩn. Nó cho là vì trưa hè oi nồng quá làm giấc ngủ chập chờn sinh ra mộng mị. Cũng thật lạ. Nó chưa mộng mị như thế bao giờ. Nó còn nhớ rõ, trong mơ nó đã nhìn thấy những hình thù kỳ dị. Có đến năm, bảy tên bụng rệp mặt người. Cái bụng phình to như bụng con bà mụ. Cái mặt giống người nhưng khác ở cái mũi. Mũi mỗi tên cứ dài ra như cái vòi voi. Đặc biệt hơn, những cái vòi ấy lại được điều khiển tự động từ một điểm là rốn. Cứ ấn mạnh vào rốn một cái là mũi thò ra thành vòi. Ấn nhẹ một cái là vòi thụt vào thành mũi. Cu Đức chả thể hiểu được cái việc thò ra thụt vào như thế có lợi gì cho chúng. Nhưng nó cũng đoán lơ mơ rằng cái việc biến đổi hình hài như thế chả phải là để làm những điều tốt đẹp.

    Sau một đêm không nằm trên giường cạnh kẽ nứt, nó đã bình tĩnh hơn. Đêm qua nó lấy cớ sang thăm bà ngoại rồi ngủ luôn tại đó. Giấc ngủ ngon lành vì được bà ngoại ôm ấp vỗ về như hồi nó còn bé tí. Về đến nhà, nhìn kẽ nứt là nó lại nghĩ ngợi. Nó nghĩ đi nghĩ lại khi mỗi sự việc đã qua, nhưng chưa được rành rẽ. Nhưng khi đã nghĩ được điều gì mà nó cho là đúng, là tốt thì nó sẽ nhớ mãi suốt đời. Giấc ngủ trưa mộng mị hôm qua chả có ích gì cho cuộc sống mai này, nên nó quên luôn. Và đêm ấy nó lại trở về ngủ ở cái giường bên cạnh kẽ nứt của bức tường.

     Một điều rất lạ xảy ra sau đó là nó ngủ mê mệt chẳng còn biết trời đất gì nữa. Không còn có những giấc mơ thấy cụ tiên già dắt đi chơi khắp sông này núi nọ, không còn thấy các nàng tiên đẹp dạy nó múa hát và cách làm thơ. Đêm nào nó cũng ngủ một mạch quên cả giờ đi học sáng để bố mẹ phải lay gọi mãi mới tỉnh giấc. Bài vở thì lúc nhớ lúc quên. Lực học cứ sút dần khiến thầy cô phải nhắc nhở nhiều lần. Bố mẹ lo lắm. Cho đến một ngày cu Đức ốm phải nghỉ học. Đến viện khám, bác sĩ bảo nó bị thiếu máu vì suy dinh dưỡng. Mặt nó tái xanh, chân tay run lẩy bẩy. Trông nó thật đáng thương. Mẹ nó phải nghỉ chợ để giành thời gian chăm sóc con cái. Có thứ gì ngon nhất, bổ nhất mẹ chả tiếc tiền mua về tẩm bổ cho con mau khoẻ. Da dẻ cu Đức đã hồng hào trở lại. Nhưng đầu óc nó lại có vấn đề. Nó cứ mụ mị, vu vơ, học trước quên sau. Sai bảo việc này nó làm việc nọ. Cứ như là đứa mất hồn. Lại phải đưa nó đi khám bệnh. Lần này bác sĩ bảo nó bị suy nhược thần kinh. Bố mẹ thì nghĩ, nó vẫn ăn được ngủ được, có thức khuya dậy sớm, học hành vất vả lắm đâu mà lại bị suy nhược thần kinh. Dòng dõi họ hàng cũng chẳng có ai mắc chứng bệnh ấy mà bảo di truyền gien giống. Hay là do ô nhiễm không khí, nguồn nước và các loại thức ăn thời cuộc bị biến đổi gien, bị thuốc sâu thuốc sia ngấm vào máu huyết làm trẻ con phát bệnh. Nhưng còn nhiều đứa trẻ khác có bị sao đâu. Ông lang Hàn thì giải thích là do cơ địa của từng đứa và cũng còn do cái vận số của con người ta. Trời cho cái gì thì ta mới được. Trời lấy đi cái gì thì ta phải mất. Bố mẹ cu Đức không tin. Đi làm thuê làm mướn và ngồi chợ kiếm sống giàu có gì cơ mà bảo trời cho của nả. Con thì một trai một gái chứ nhiều nhặn gì mà bảo bớt đi. Láo toét. Có lẽ đây là cái năm sung tháng hạn của nó. Bố mẹ làm cái lễ giải hạn cho nó tại chùa làng.

    Cu Đức nghỉ học đã được hơn nửa tháng mà bệnh tình chẳng hề thuyên giảm. Vẫn ăn được ngủ được. Không hắt hơi sổ mũi, chẳng đau bụng nhức đầu. Suốt ngày chả nói chả rằng chỉ săm soi nhìn kẽ nứt của bức tường. Bà ngoại thấy vậy mới bảo phải làm cái lễ đuổi tà cho cháu. Ông pháp sư đến múa may một hồi rồi rảy nước trừ tà vào kẽ nứt. Đoạn thầy sai người nhà lấy xi măng vít kín kẽ nứt lại. Ngay sau đó cu Đức lành bệnh. Thật là tài.

    Nhưng rồi chỉ được mươi hôm bệnh cu Đức tái phát. Nó lại ngồi xăm soi nhìn kẽ nứt. Tường cũ, xi măng mới ăn nhập với nhau được vài hôm rồi lại nứt toác ra. Có người mách thuê thợ dùng keo chống thấm xịt vào kẽ nứt cũng chẳng ăn thua. Kẽ nứt vẫn cứ nứt từ trên xuống dưới.

    Một hôm có ông lão qua đường ghé vào thăm. Nghe xong câu chuyện, cụ bảo:

- Nguyên nhân của kẽ nứt bức tường kia là do chân móng không vững chắc, đầu tường lại chẳng có thép giằng buộc với nhau. Muốn sửa lại không khó mà cũng chẳng dễ đâu.

- Xin cụ cho chúng con đôi lời chỉ bảo

- Không dám! Đây là cái việc mà bất cứ người thợ xây nào cũng biết. Lão chỉ nói lại thôi. Anh chị có nghe hay không thì tuỳ. Lúc nãy ta có nói, việc không khó mà cũng chẳng dễ là như thế này. Việc không khó là việc mà ai cũng biết, cũng nhìn thấy. Việc chẳng dễ là có biết cách làm và dám làm hay không. Cái cách mà anh chị đã nhờ người ta làm cho là cách làm tạm bợ, nửa vời. Được một thời gian thì tường nứt lại hoàn tường nứt. Kẽ nứt càng to thì cái xấu, cái ác ẩn náu càng nhiều. Con cái của anh chị chẳng thể yên ổn mà ăn mà học.

 -   Dạ thưa cụ. Vậy chúng con phải làm sao ạ?

- Phá bỏ bức tường đi, xây móng cho vững, kết nối đầu tường cho chắc.

     Nói xong ông lão liền bỏ đi không nói thêm một lời nào nữa.

Trại viết văn Hoàng Sơn, ngày 30 tháng 5 năm 2013