Trang chủ » Truyện

Người chưa được đổi tên

Bùi Thị Sơn
Thứ tư ngày 20 tháng 11 năm 2013 5:34 AM

Truyện ngắn

Cách thị trấn Sìn Hồ chừng nửa cây số, đối diện với khu nhà ven hồ có một khu đồi thoai thoải hình mâm xôi. Từ chân đồi giáp với đường quốc lộ leo lên đến đỉnh đồi phải bước qua 38 bậc xây kè bằng đá tảng mới đến được ngôi nhà tốc - xi ba gian mới quét vôi trắng xoá. Nghe nói đó là nhà của một cán bộ ban chỉ huy quân sự huyện mới bán lại cho một gia đình cán bộ từ Điện Biên chuyển về Sìn Hồ công tác.
Ngày chủ nhật đẹp trời. Nắng vàng ươm như tơ trải dài khắp núi đồi, đồng ruộng, bản làng. Tiết trời thu dìu dịu. Tiếng khèn Mông man mác nơi phiên chợ. Trẻ em má đỏ hây hây đang nô đùa, chơi trò đuổi bắt.
Tầm xế trưa, có hai bà già người Dạo đi chợ về, dừng chân bên gốc lê ven đường, ngước mắt nhìn lên ngôi nhà cao chon von chỉ trỏ, bàn tán. Cô bé con chừng mười tuổi đang lúi húi nhặt cỏ bên luống cúc vàng rực rỡ. Lắc lắc đôi bím tóc tết nơ hồng, cô bé chạy đến bên bố, thì thào: "Bố ơi!Hai bà già kia cứ nhìn hai bố con mình nói cái gì ấy”. Người bố dừng tay cuốc đất, gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên thái dương, mỉm cười âu yếm nhìn con gái:
- Chắc bà biết bố đấy, con ạ!
Anh nhanh nhẹn chạy xuống chân đồi, vui vẻ nói với hai bà bằng tiếng Dao:
- Cháu chào hai bà! Hai bà đi chợ về đấy ạ!
Bà già có dáng người thấp, nước da hồng hào quay sang bà bạn đi cùng,dáng người thanh mảnh, mắt sáng:
- Bà Sì Mẩy thấy chưa? Tôi đã bảo anh này là người Dạo mình mà bà cứ không tin.
Người bố cười rạng rỡ. Nét vui mừng như xoá nhoà những nếp nhăn hằn sâu trên khoé mắt, vầng trán:
- Cháu mời hai bà lên nhà cháu chơi. Cháu tên là Phùng Cù Pao, quê ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Xô Lin đấy mà!
Hai bà cùng ồ lên một lúc rồi nhoài ra ôm chầm lấy Cù Pao:
- Phùng Cù Pao thật đấy ư? Bao nhiêu năm rồi các già không được gặp cháu. Tóc đã có sợi bạc rồi kìa!
Cô bé con tròn xoe mắt, ngơ ngác hết nhìn bố lại quay sang nhìn hai bà già. Cù Pao nhắc con:
- Hải Vân, chào các bà đi con!
- Cháu chào các bà ạ!
Hai bà vừa leo bậc vừa tranh nhau xoa đầu, vuốt tóc cô bé:
-    Ôi con gái mới xinh đẹp làm sao! Thế mẹ cháu đi đâu rồi?
-     Dạ, Mẹ cháu đi công tác ạ!
Cù Pao nhanh nhẹn mời hai bà vào nhà, pha nước mời hai bà uống:
- Mẹ cháu làm ở Văn phòng Uỷ ban Nhân dân huyện, mới đi tham quan ở Đà Lạt được một tuần. Con có hai cháu trai lớn đang đi học ở dưới xuôi. Chỉ còn hai bố con ở nhà.
Cô bé con lễ phép xin hai bà và bố xuống bếp.Bà Sì Mẩy ngắm nghía căn phòng đơn sơ nhưng bày biện gọn gàng,đẹp mắt:
- Thế con dâu tôi quê ở đâu?
- Dạ, vợ con người Kinh, quê ở Thái Bình. Hai vợ chồng con cùng học với nhau trong trường sư phạm ạ.
Bà Sì Mẩy hỏi tiếp:
- Thế Cù Pao còn nhớ bà này là ai không?
Cù Pao nhíu mày, cố nhớ một lúc rồi thành thực nói:
- Con xin lỗi hai bà, quả thực con xa quê lâu quá rồi...
Bà già béo trắng cười đôn hậu:
- Bà là Sía Tu, bạn từ nhỏ với mẹ cháu đấy!
Bằng giọng tâm tình, bà thủ thỉ như nói riêng với Cù Pao:
- Mẹ cháu mất vào một đêm mùa đông 1953, khi ấy cháu vừa tròn ba tuổi và thằng Sài em cháu mới được tám tháng tuổi. Đêm ấy trời rét căm căm, sương mù dày đặc. Các gia đình đóng kín mít cửa. Những căn nhà trình tường sơ sài, xiêu vẹo. Nửa đêm, trời càng giá buốt, người ta nghe có tiếng quạ kêu cú rúc từng hồi ghê rợn ở phía cây gạo đầu bản. Ở đó có túp lều tranh vách nát của người thiếu phụ với hai đứa con trai thơ dại. Chồng chị bị bắt đi lính cho Pháp, đóng ngay ở trung tâm huyện lỵ. Khi bị điều về Điện Biên Phủ, anh sợ chết nên rủ một số người chạy trốn. Việc bại lộ, bọn Pháp sai lính dõng đuổi bắt dược cả nhóm. Anh bị đánh một trận thừa sống thiếu chết và bị bắt giam ngay tại đồn huyện lỵ.
Sáng hôm sau, mãi đến khi sương tan, trời hửng nắng, người ta mới nhìn thấy cây gạo đầu bản đã bị gãy ngang thân, túp lều tranh của người thiếu phụ đã bị sập nửa mái. Mọi người xông vào lều. Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt: Người mẹ chết co quắp giữa lều, chân tay lạnh cóng. Đứa con trai lớn mặt mũi lem luốc, áo rách tả tơi, khóc không ra tiếng. Đứa con trai nhỏ cứ lăn xả vào day mãi cái vú lép kẹp của mẹ nó. Nó đâu biết rằng mẹ nó đã chết cóng từ đêm qua.Dân bản thương tình, cho một chiếc chiếu cũ bó xác người mẹ xấu số, đem đi chôn.
Cuối năm 1953, Sìn Hồ được giải phóng. Một buổi tối giáp tết, người đàn ông trở về, mặt mày xanh xao, râu ria lởm chởm. Thì ra, ông trốn khỏi trại lính lần thứ hai trót lọt đến tận bản Nậm Lúc trà trộn ở lẫn với người Mông, làm thuê cho họ. Đêm đến ông lại trốn vào hang sâu ở một mình. Những ngày mẹ mới mất, hai đứa trẻ dược hàng xóm cưu mang, nuôi nấng dù lúc đó ai cũng nghèo lắm, chỉ có củ mài, củ báng ăn thôi. Thằng nhỏ được truyền tay nhau, bú rình những người đang nuôi con nhỏ.
Ông bố trở về, cặm cụi làm ruộng nuôi con được ba năm sau lại bị cảm gió, chết đột ngột. Thằng bé được một gia đình hiếm muộn con đem đi nuôi, còn thằng lớn đi ở bế con cho các gia đình khá giả, tự nuôi sống mình. Bà con cùng bản ai cũng xót thương nó nhưng họ đều nghèo túng, thỉnh thoảng cũng chỉ dấm dúi cho được củ khoai, miếng cháy cơm nguội. Năm1960, nghe nói cán bộ huyện làm hồ sơ cho nó đi học ở ký túc xá Lai Châu. Rồi mấy hôm nay nghe dân bản đồn nó lại trở về quê sau ba mươi lăm năm xa cách, bà thật không ngờ...
Bà Sía Tu lấy khăn chấm mắt, bà Sì Mẩy nghẹn ngào nói:
- Bà không nhớ đấy thôi, cách đây 20 năm cháu nó có về quê tuyển con em dân tộc mình đi học, khi tôi hỏi chuyện vợ con - nó bảo: "Cháu đã 25 tuổi rồi vẫn chưa kiếm được đủ đồng bạc trắng để cưới vợ theo cái lý của dân tộc mình". Tôi bảo: "Người Dạo mình giờ tiến bộ rồi, đã có lòng yêu thương nhau thì cũng chẳng đòi hỏi phải có nhiều tiền bạc đâu, để bà làm mối cho một đám". Nó cười bảo: "Con cám ơn bà, bây giờ con đi công tác xa quê nhưng cũng vẫn là phục vụ trong tỉnh Lai Châu mình. Con đã có tám năm làm học trò và gần mười năm làm thầy giáo ở mái trưòng dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu. Con đã chung sống đoàn kết như anh chị em ruột thịt với các bạn học sinh của mười bảy dân tộc trong tỉnh. Nếu cô gái nào yêu con thực bụng con sẽ lấy làm vợ, không phân biệt dân tộc nào đâu bà ạ!". Tôi gật đầu thầm mong cho nó có hạnh phúc mà chạnh buồn khi nghĩ rằng nếu nó lấy vợ nơi khác nó sẽ quên cái lối về quê nghèo".
Cù Pao nắm tay bà Sì Mẩy, cảm động nói:
- Bà ơi! Con không bao giờ quên quê hương nghèo mà chứa chan tình người của mình đâu. Có điều, cũng do công việc…
Vừa lúc đó, một tốp cán bộ huyện gần chục nam nữ trên dưới ba mươi tuổi ùa vào nhà, ríu rít:
- Em chào thầy ạ! Cháu chào các bà ạ!
Thầy Pao nhẹ nhàng nhắc:
- Các em chào các bà trước mới phải, có các cụ đi trước mới có thầy trò mình hôm nay.
Các học trò của thầy giáo Pao có người đã làm đến chức trưởng, phó ngành cấp huyện nghe lời chỉ bảo quá đỗi chân tình của thầy giáo cũ thì bỗng cảm thấy ngượng ngùng, lí nhí xin lỗi hai bà. Bà Sía Tu và bà Sì Mẩy mỉm cười âu yếm, hết nhìn bọn trẻ lại quay sang nhìn thầy giáo Pao.
Mý Lai cầm tay hai bà:
- Bà ơi! Thầy Pao là hiệu phó trường phổ thông vùng cao tỉnh mới được Tỉnh uỷ điều động trở về quê hương mình công tác. Nhà trường và các em học sinh tiếc lắm vì thầy vừa hiền vùa thương yêu học sinh hết mực.
A Tủa kể: - Ở trường chúng cháu nhìn chung các bác cán bộ và các thầy cô giáo rất yêu thương học sinh,nhưng có một thời gian do hoàn cảnh kinh tế thời bao cấp khó khăn một vài cán bộ thủ kho cùng bếp trưởng tìm cách bớt xén khẩu phần ăn của học sinh, có người đi làm đem theo xô để xin nước gạo về nuôi lợn nhưng ở dưới đáy xô lại giấu gạo sống, đôi khi giấu cả một tảng thịt lợn. Học sinh thấy thế, ức lắm mà lại sợ chẳng ai dám nói. A Tủa mạnh dạn đến gặp thầy Pao, thẳng thắn trình bày sự việc vì cậu tin thầy hơn ai hết. Thầy Pao tế nhị họp riêng bộ phận nhà bếp lại dể nói lên sự phản ánh của học sinh. Thầy nhấn mạnh cái được, cái mất trong việc làm này: “Các bác, các chị có thể có thêm được một bữa ăn ngon cho chồng con mình nhưng dưới con mắt của các em học sinh dân tộc mình sẽ bị mất nhiều lắm! Điều mất mát lớn nhất không thể lấy lại được là đánh mất niềm tin”. Giọng thầy nhỏ nhẹ, tâm tình mà đi sâu vào lòng người. ở trường phổ thông vùng cao tỉnh ai cũng nói về thầy như thế!
Thầy Pao trầm ngâm nói:
- Bao nhiêu năm rồi thầy sống dưới mái trường này. Biết bao thầy, cô giáo, bao cán bộ công nhân viên đã lo lắng, chăm sóc cho các em học sinh từng miếng cơm, viên thuốc.Họ thật sự là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta. Cá biệt, có người vì bát cơm, manh áo của gia đình mà có lúc không đấu tranh nổi với bản thân. Mình không nên vì thế mà hiểu sai lệch về bản chất tốt đẹp trong con người họ.
Các học trò nhìn thầy, không giấu nổi tự hào, cảm phục. Một thanh niên râu quai nón, cao to, vai khoác chiếc túi thổ cẩm bước vào nhà, ôm chầm lấy thầy giáo Pao:
- Thầy còn nhớ em không?
Thầy Pao lắc lắc hai vai, nhìn thẳng vào đôi mắt cương nghị của chàng trai:
- Thầy làm sao mà quên được em Thàng Cắm chứ?
Thàng Cắm hết nhìn hai cụ già lại nhìn lũ bạn cũ nói như phân bua:
- Bà và các bạn ạ, nếu không có thầy Pao đây thì cháu đã bị trôi ở sông Nậm Rốm cách đây hơn mười năm rồi.
Chuyện ấy thì lũ học sinh ở trường phổ thông vùng cao tỉnh ngày ấy ai cũng biết. Thàng Cắm nổi tiếng vì đá bóng giỏi và cũng nổi tiếng vì quá nghịch ngợm, hay tự tiện trốn học ra sông bắt cá. Cậu vốn bơi giỏi nên chủ quan. Lần ấy cu cậu đang bơi ra giữa dòng thì đột nhiên bị chuột rút. Thầy Pao hôm đó qua sông thăm một người bạn bị ốm, đúng lúc Thàng Cắm đang chới với giữa dòng một mình. Thầy lao ra,cố sức vác cậu học sinh lực lưỡng lên bờ, nhấc bổng ngược cậu lên rồi làm hô hấp nhân tạo. Lúc thầy chủ nhiệm và lũ bạn tìm được tới nơi thì nguy kịch đã qua.
- Thầy ạ! Đi bộ đội về em tham gia công tác Đoàn ở xã, bây giờ em làm chủ tịch Mặt trận xã. Dù ở đâu, làm gì em cũng luôn cố gắng xứng đáng là học sinh của thầy, là những người trò sống dưới mái trường phổ thông vùng cao tỉnh Lai Châu.
Thấy Chiêu Mẩy - Cô bạn gái cùng học, nổi tiếng giỏi môn văn năm xưa – giờ lại đang là giáo viên dạy văn ở trường thiếu niên dân tộc huyện cười tủm tỉm một mình, Thàng Cắm bối rối, ngượng ngùng về lời nói có vẻ hoa mĩ của mình:
- Thầy giáo ạ, em vụng nói nhưng em thực cái bụng. Thầy trở lại công tác ở quê hương mình, chúng em vui mừng lắm lắm - Quay sang nhìn Chiêu Mẩy, Thàng Cắm cười bối rối:
- Này! Ai chả biết cậu là học sinh giỏi văn.
Chiêu Mẩy đỏ mặt, vội thanh minh:
- Mình đâu có dám cười bạn. Mà ngày mới xuống trường học, mình chưa thuộc tiếng phổ thông nên sợ học nhất là môn văn đấy! Chính thầy Pao đã giảng giải, phiên dịch các lời hay, ý đẹp ra tiếng Dao cho mình hiểu, dạy mình cách lựa chọn các hình thức biểu cảm khi viết một bài văn. Rồi mình say mê môn văn học từ khi nào không biết
Thào Lử nói: - Thầy Pao cũng dịch bài văn ra tiếng Mông cho mình đấy! Bọn mình ai cũng bảo thầy giáo Pao là ngưòi Mông ta thôi à!
Cà Văn Phanh thì bảo:
- Các bạn học sinh dân tộc Thái bảo: "Thầy Pao là ngưòi Thái Nậm Mạ chính cống đấy!”
Thầy giáo Pao nhìn lũ học trò cũ tranh luận mà vui mừng,cảm động lắm! Thầy mỉm cưòi mà hai mắt cứ chớp chớp... Hải Vân từ dưới bếp đi lên, đôi má đỏ bừng, ghé tai bố nói nhỏ câu gì. Cù Pao xoa đầu con gái, cười vang:
- Con gái bố giỏi lắm! Bố chỉ nháy mắt đã hiểu ý bố.
Con xin có ý kiến cùng hai bà và các em: Đã lâu lắm rồi, trở về quê hương, con mới có dịp được gặp bà và các em học sinh cũ. Con xin mời hai bà và các em ở lại đây dùng bữa cơm rau với bố con em. Cháu nó đã nấu chín cả rồi!
Mọi người vui vẻ nhận lời ngay. Mý Lai và Chiêu Mẩy vội vã xuống bếp cùng bé Hải Vân dọn cơm. Ai cũng tấm tắc khen cô bé mới mười tuổi mà đảm đang, khéo léo: Nồi cơm vừa chín tới, mùi gạo tám bốc khói, thơm lừng, đĩa rau đậu hà lan luộc xanh ngắt, đĩa đậu phụ sốt cà chua màu sắc thật bắt mắt và bát canh óc đậu nấu lẫn vơi thịt băm, trên cùng rải một lớp hành thái nhỏ mới hấp dẫn làm sao!
Nghe tiếng còi xe máy kêu inh ỏi dưới chân đồi, mọi người ùa ra sân mới phát hiện ra A Xà và Páo Mỷ đã nháy nhau trốn đi chợ từ lúc nào. Vui vẻ tranh nhau ùa lên nhà thầy, họ lôi từ trong túi ra nào rượu, nào bia, nước giải khát, một khoanh giò nạc và cả món đậu phụ cắt hình tam giác nhồi thịt rán - một món ăn mà các dân tộc Hoa, Dao, Mông, Kinh ở Sìn Hồ đều ưa thích và hay làm…
Mâm bát được dọn ra trên hai cái chiếu trải giữa nền nhà. Thầy Pao lấy riêng hai chiếc ghế mây mời hai bà cụ ngồi. Lũ học trò lễ phép mời hai bà và thầy Pao xơi cơm. Nghe chúng nó hồn nhiên một điều thầy Pao, hai điều thầy Pao... hai bà già thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau, ái ngại. Bằng giọng buồn buồn, bà Sía Tu nói:
- Cù Pao à, dân tộc Dao mình cái tên bố mẹ đặt cho lúc mới sinh chỉ là tên của một đứa trẻ con. Đến năm mười hai tuổi để công nhận đứa bé đã trưởng thành, người ta làm Lễ Cấp sắc đổi tên cho nó. Ví dụ như cháu được đổi từ Cù Pao thành Kin Lù hoặc Diền Chiêm chẳng hạn. Nếu còn bố mẹ, bố mẹ phải lo tìm được một con lợn nhỏ để mời thầy cúng về làm lý. Lúc cháu đi học được vài năm, thấy lũ bạn cùng học trở về quê nghỉ hè hoặc nghỉ tết,đựơc bố mẹ chúng đổi tên cho, bà lại chạnh lòng nghĩ đến cháu ở phương xa, chưa trở về quê để làm Lễ Cấp sắc.Tình bạn xưa cũ, tình hàng xóm láng giềng, dù nghèo bà làm gì không lo nổi cho cháu một cái tên. để đến bây giờ, hơn bốn mươi tuổi rồi. cháu vẫn phải mang cái tên của một đứa trẻ con.
Bà lấy khăn tay chùi nước mắt.
Bà Sì Mẩy sụt sùi khóc. Lũ học trò cũng lặng đi giây lát…
Thầy Cù Pao cố nén xúc động, nhỏ nhẹ nói: - Các bà ạ ! Những năm đầu xa quê hương cháu cũng rất nhớ. Nghỉ hè và nghỉ tết, cháu thường ở lại trường, đi lấy củi, tưới rau, nấu cám lợn. giúp các bác cán bộ và gia đình các thầy, cô giáo trong trường. Ai cũng yêu quí cháu. Các bác cấp dưỡng, các cô y sĩ nấu cơm cho cháu ăn, mua thêm quần áo, giày dép cho cháu dùng. Các thầy cô giáo thì tranh thủ giảng giải thêm bài cho cháu. Cũng có kỳ nghỉ hè, cháu theo các thầy giáo đi tuyển sinh tại Mường Tè, Tuần Giáo, Phong Thổ, Sìn Hồ. Vì học từ nhỏ trong trường nội trú có nhiều dân tộc, cháu nói thạo gần hết các thứ tiếng dân tộc: Thái, Mông, Hoa, Lào, Lự, Hà Nhì, Mảng… lại xông xáo, nhanh nhẹn nên được các thầy giáo tin tưởng. Thỉnh thoảng về quê hương, phần vì thời gian gấp, phần vì mặc cảm của một người côi cút, không cha không mẹ, cháu chưa dám trở lại Hoàng Hồ, trở lại Phăng Xô Lin. Cháu nghĩ: Dù chưa được đổi tên mới, nhưng Đảng và Bác Hồ đã đổi đời cho cháu, trở về quê hương, cháu được các bà con nhân dân các dân tộc yêu mến, tin tưởng. Cháu nhất định sẽ sống xứng đáng với niềm tin yêu đó.
Như để phá tan bầu không khí trầm lắng, thầy Pao cười thật tươi mà khoé mắt vẫn vương đôi giọt lệ:
- Con mời hai bà, thầy mời các em hãy nâng cốc mừng buổi gặp mặt hôm nay. Hai bà già cười móm mém, mắt lấp lánh niềm vui khi nhìn thấy lũ học trò hồn nhiên, nhao lên chúc sức khoẻ của các bà và thầy giáo cũ.
Cô bé Hải Vân tròn xoe mắt nhìn mọi người, niềm yêu kính tự hào về ngưòi cha dâng lên tràn ngập. Cô bé muốn ngả vào lòng bà Sì Mẩy và bà Sía Tu thốt lên tiếng gọi tự đáy lòng: “Bà nội ơi!”.