Trang chủ » Truyện

Quà tặng

Trần Đình Hằng
Thứ bẩy ngày 15 tháng 3 năm 2014 7:35 PM

Truyện ngắn

 

Nhũy vừa cảm ơn người dẫn lối thì đã thấy từ trong nhà một thiếu nữ xăm xăm chạy ra và một cụ già cẩn thận bước từng bước.

- Nhờ cháu giúp! Bước qua cánh cổng đã được mở rộng, Nhũy đưa giỏ trái cây, trong đó có cả thẻ hương cho cô gái, rồi chạy tới ôm chầm lấy hai vai bà cụ lúc này cũng đã đi ra đến giữa sân.

- Mẹ! Nhũy thốt ra tiếng chào tròn vành vạnh. Anh gửi tới người lời chào sâu đậm từ cõi lòng mình và: “Xin được Mẹ thông cảm, tha thứ. Mong Mẹ không gặp phải mất mát gì thêm, mà luôn được đón nhận Vạn sự tốt lành”

- Ông! Bà cụ đứng lặng như trời trồng. Rồi với bản năng của người Mẹ, cụ từ từ đưa tay lên lau nước mắt cho khách. Bàn tay cụ ấp lên vết sẹo trên má anh rất lâu. Đôi mắt cụ nhìn như thôi miên.

Nhũy buông tay khỏi vai Mẹ và đứng bất động.

Lát sau mẹ mới lên tiếng:

- Ông. À anh là thủ trưởng của em nào nhỉ?

Đến lượt Nhũy lặng người. Như vậy là Mẹ đã có ít nhất hai người con mặc áo lính. Anh thầm cầu mong chỉ có một mình anh Ban là…nên chưa kịp đáp lễ, thì đã nghe giọng cô gái rất mực khuôn phép:

- Dạ thưa nội! Con đã sắp xong rồi ạ.

- Ta vào đây! Bà cụ cầm tay Nhũy âu yếm dắt đi.

Nhũy đắm chìm bởi sinh khí nồng ấm lan truyền từ bàn tay mềm mại của mẹ, như thể bàn tay của thân mẫu mình, như bàn tay của bao bà mẹ đã từng nâng đỡ bao bọc anh suốt chặng những đường đời.

Tất cả cùng thư thả bước vào gian thờ.

Các cánh cửa sổ đã được mở rộng, nhưng tất cả các cánh rèm nhiễu điều đều rủ kín. Năm ngọn nến trắng bạc điểm tô cho không gian của gian thờ vốn dĩ đã rực rỡ vàng son càng thêm huyền ảo.

Ngọn gió hiếm hoi của đầu chiều ngày hè lay lay những tấm rèm làm cho ánh nến chấp chới, chập chờn, mờ tỏ.

Khói từ những cây hương trên tay người cháu gái vẽ thành những hình thù kỳ ảo, cùng với mùi trầm hương như nối cõi đời thực với cõi tâm linh. Cũng đồng thời như một sự…ghi nhận từ cõi hư vô.

Mỗi người nhận năm nén hương dã cháy đỏ

Boong.

Boong.

Boong.

Bà cụ thong thả điểm ba tiếng chuông.

- Niệm Nam Mô A Di Đà Phật! Chúng con xin thành kính dâng nén hương thơm, hoa tươi, trái tốt lên hương linh các chư vị Tổ Tiên, và hương hồn các liệt sỹ. Nam Mô A Di Đà Phật!

Khi tất cả các cây hương đã được kính cẩn cắm lên. Cụ dắt Nhũy sang phòng khách.

Cụ ngồi đối diện với Nhũy. Bà nhẹ nhàng đặt vào tay anh ly nước vàng óng như mật ong, vị chè xanh thơm lựng.

- Ấy! Anh chưa cho già biết, anh là thủ trưởng của đứa nào đâu nhá.

- Dạ! Thưa, con là lính thuộc đơn vị của thủ trưởng Ban ạ!

Thoáng chút nhíu mày, rồi nét mặt rạng rỡ hẳn ra, cụ hỏi:

- Anh tên gì nhỉ, anh em sống với nhau ở những đâu, được bao lâu. Anh ra quân khi nào, gia đình ở đâu xa. Bà cụ ân cần hỏi thăm mọi chuyện từ cõi lòng của người mẹ, mà không cho Nhũy cơ hội để hỏi thăm.

- Con không được sống với anh Ban ngày nào. Anh em chúng con chưa biết mặt nhau.

- Anh nói là cùng đơn vị với em nó cơ mà. Sự thể em nó hy sinh ra sao? Đừng giấu Mẹ…

- Dạ… Thưa! Nhuỹ thấy bủn rủn tay chân, ấp úng đến khổ sở. Mãi sau mới mở mồm được –Chuyện dài và khó nói lắm, Mẹ cho thư thả để dịp khác, con sẽ…

Nhuỹ chần chừ, đúng hơn là anh đang tìm cách “hoãn binh để tìm nước mã hồi”, thì may thay…

Cô cháu gái thấy nhà có khách lạ nên phôn ngay cho bố.

Cơ chừng nửa giờ sau, một tốp người phi xe máy như một cơn lốc ào vào sân. Đi đầu là một người đàn ông cơ chừng trẻ hơn Nhuỹ mươi tuổi, cùng mấy người trẻ hơn, ăn mặc chững chạc. Người này dáng nhanh nhẹn, đậm chất lính, nói oang oang từ ngoài sân:

- Xem cụ đang tiếp đãi anh con thứ gì đây ạ!

- Thì mẹ đã kịp sắp gì đâu!

Khi cả tốp người đã bước vào trong nhà, bà cụ giới thiệu với khách:

- Anh Bảo là em của anh Ban, đang làm việc ở huyện, nghe tin nhà có khách nên em nó và rủ mấy anh em ở cơ quan về tiếp khách giúp mẹ.

Người con trai của mẹ ôm chầm lấy người lần đầu gặp mặt mà như đã từng thân thiện từ lâu. 

- Cảm ơn anh đã đến thăm cụ. Đi đường xa không anh. Các cụ, anh chị và các cháu bên nhà vẫn luôn được mạnh khỏe chứ ạ!

Trong khi đó, những người khác chăm chú với nét nhìn kín đáo.

Nhũy chưa kịp phản ứng thế nào, thì bà cụ nói tiếp:

- Anh đây là anh em cùng đơn vị với anh Ban, nhưng lại chưa ở với nhau ngày nào, mà sao lại đến thắp hương, sự tình uẩn khúc thế nào mà mẹ chưa hiểu được.

Điện thoại đổ chuông, vị khách lạ xin phép ra ngoài sân giao thoại. Sau cuộc điện đàm trong chớp nhoáng, người này trở lại, len lén bước vào nhà, dáng vẻ lúng túng và có ý trốn chạy, nói:

- Được gặp mặt cả nhà thế này là quý hóa lắm rồi. Bây giờ tôi có chuyện phải đi gấp. Xin phép để khi khác quay lại, sẽ nói chuyện nhiều.

Một người đứng tuổi khi nãy cùng về với Bảo lên tiếng:

- Ấy! Chúng em chưa nói được chuyện gì, chưa hiểu gì về bác, thì để bác đi sao được.

Sau hồi giằng co, thưa qua, gửi lại giữa kẻ muốn được xa chạy cao bay và người muốn tỏ chân tướng. Thế cùng, người khách run rẩy đến bên bà cụ, giọng lắp bắp van vỉ, xin bà vui lòng bỏ qua mọi chuyện để con được ra đi.

Bà cụ chậm rãi đặt bàn tay lên tay khách đang run run vai mình.

Người đứng tuổi khi nãy lại lên tiếng:

- Nếu bác quyết dứt áo ra đi thì em sẽ xin xe cơ quan chớ bác đến nơi đến chốn.

 Nghe đến đó thì vị khách thở dài đánh sượt như thể bất lực, cúi đầu cam chịu, tay bíu chặt vai bà cụ và khổ sở lên tiếng: “Xin mẹ thương tình nói giùm một tiếng, chứ không thì con phải một mình trên thùng xe bịt sắt mất thôi.”

- Cơ quan em có nhiều loại xe, ngồi xe nào là tùy thuộc ở nơi bác.

Tất cả đều lặng thinh. Nét mặt ai nấy đều nặng nề như thể sắp đi đưa đám. Mọi cặp mắt đều nhìn đến một chốn vô định. Ai cũng đăm chiêu với suy nghĩ của riêng mình. Phòng khách bỗng trở nên ngột ngạt như muốn nổ tung. Chỉ duy nhất có chiếc quạt gắn trên tường cứ đảo qua đảo lại. Hình như đang nó lắc đầu với tất cả.

Vỗ vỗ nhẹ lên bàn tay ấm nóng trên vai mình. Bà cụ phá tan sự im lặng:

- Anh ngồi xuống đi! Anh đừng có trêu đùa các em như thế nữa.

Nhiều người thoáng nghĩ “Do bà cụ nhân hậu mà cả tin nên sự nhìn nhận có bị nhầm lẫn.” Cũng có người nghĩ rằng “Người già thường trọng ý thức dĩ hòa vi quý. Cụ còn minh mẫn, khôn khéo chán nên mới nói vậy, chứ còn rồi ra thì: Cứ việc ai nấy làm.”

Chỉ duy nhất có một người hiểu là mẹ hoàn toàn chính xác, nhưng lại vẫn lên tiếng:

- Con đã có lời xin lỗi rồi mà cụ còn nói vậy thì con chết thật rồi.

- Già hiểu rồi! Bà cụ bóp trán. Anh không có lỗi, người có lỗi là em Bảo. Anh cũng phải thông cảm nghề nghiệp của mấy anh em nó là vậy. Cũng chỉ tại bây giờ có nhiều người lợi dụng tin tức và hài cốt liệt sỹ để lừa đảo, nên các em nó cảnh giác thế thôi!

- Con là một trong…

Bà cụ cắt ngang:

- Anh giả giọng lắp bắp, lại cố run tay trên vai già là già biết tỏng đi ấy chứ.

- Ôi mẹ! Mẹ thật là trên cả tuyệt vời. Không gì qua được mắt mẹ!

Phòng khách như vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Tất cả đều tươi tắn, sáng láng, rực rỡ như sân khấu mới được kéo tấm màn.

Người con trai của bà cụ thực sự bị bối rối trong giây lát, rồi cũng lấy lại được sự tự nhiên và quay sang Nhũy:

- Mẹ mong được biết chuyện về anh Ban lắm, mong anh chiều ý cụ, để cụ được mãn nguyện.

Nhũy nói nhỏ:

Chuyện dài lắm! Hôm nay anh bận không thể ở lâu được. Xin khất đến khi khác. Tốt nhất là chú ghi cho anh địa chỉ, địa chỉ email càng tốt. Hoặc lả…

Không để khách nói hết câu, Bảo cắt ngang:

- Bây giờ thì em không để anh đi ngay được đâu anh nhá!

Sau một thoáng suy nghĩ, bà cụ giơ tay ra phía trước, động tác nhanh nhẹn và dứt khoát như bàn tay của người nhạc trưởng, giọng cụ vui vẻ một cách kìm nén, gắng gượng:

- Chắc vì mẹ muốn biết về sự hy sinh của em nó, mà đã làm khó cho anh, nên anh mới cáo lui. Có đúng vậy không nào!

Cụ ngừng lời, buông một tiếng thở dài. Tiếng thở dài nhẹ nhàng, êm ái, vốn dĩ quen thuộc. Tiếng thở dài chưa hẳn là có ý trách móc, nhưng rõ là biểu hiện của sự không bằng lòng. Tiếng thở dài nặng nỗi trầm luân.

Nhuỹ nghe tiếng thở dài mà thấy lòng mình buốt nhói. Phải chăng anh đang ngậm trái cấm trong miệng. Kể như ngậm trái cấm sớm hơn thì sẽ không đến đây, không lâm vào nỗi khổ tâm đến mức khó xử thế này. Nhuỹ hiểu là cụ không bằng lòng nhưng không nỡ nặng lời và không hề có ý giận hờn thường hay có ở các bậc cao niên.

Giọng cụ vẫn nhẹ nhàng:

- Mẹ nói thật nhá! Anh sẽ vui lòng chờ đến tối, nếu như nhà đây đi vắng cả và nếu như mẹ ốm nặng, nhà lại neo người thì anh sẵn lòng ở lại chăm sóc. Đúng không!

Nhuỹ ngồi lặng đi, lòng rối bời và nặng như đeo đá.

Chắc chắn đã thấy rõ khách đang rất là khổ sở, nên cụ gỡ bí:

- Mẹ hiểu anh không phải là người xấu. Anh là người tốt. Có là người tốt thì anh mới tự tìm đến đây và hoàn toàn không vì một chút tư lợi. Anh không kể chuyện về em nó, không phải vì anh có lỗi. Mà chính là vì anh sợ mẹ không chịu nổi khi biết chuyện chứ gì! Bà cụ cười khanh khách. Gương mặt bừng lên tươi tắn, cụ đứng dậy, tiến lại sát bên, cầm tay Nhuỹ:

- Nào con! Hãy kể đi. Đừng lo gì cho mẹ. Mẹ mong chờ món quà này từ lâu lắm rồi mà. Giọng ân cần, cụ mở lòng. Dẫu rằng anh Ban có chịu một mình một quả bom, tan như xác pháo. Hay bị xích xe tăng nghiền nát tơm. Hoặc có bị quân thù xẻo tai, cắt lưỡi, róc từng miếng thịt rồi bị quăng xác cho hổ báo. Mà sau này chỉ lượm được vài đốt xương thôi, thì cái chết của con trai mẹ là sự hy sinh cần thiết cơ mà. Cả bốn con của mẹ, ba anh đã hy sinh và anh Bào đây nữa đều viết đơn tình nguyện. Không biết có anh nào trước khi nhận nhiệm vụ mà được truy điệu sống hay không!?

Mới đầu, tâm trạng Nhuỹ như kẻ ăn vụng, kẻ mắc lỗi bị bắt quả tang. Nhưng từ lúc được mẹ đứng bên, cầm tay, anh ngỡ mình đang đứng cạnh bức tượng đài MẸ VIỆT NAM.

Cụ tiếp:

- Mẹ thấy mỗi một tấm bằng TỔ QUỐC GHI CÔNG đều lấp lánh những lời hào sảng “Dẫu cho trăm thân này… Dẫu cho ngàn xác này... Thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm… Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu…”

- Mẹ là..là.. Nhuỹ sửng sốt đến ấp úng, chưa biết hỏi Mẹ là nhà Sử học, Tuyên giáo, Nhà văn, giảng viên Văn học… thì Mẹ đã ngắt lời anh:

- Là một dân quê! Mẹ cười rất tươi. Mẹ học mót kiến thức từ người yêu của anh Ban đấy. Cô giáo Ngọc Lan đã tặng mẹ bản lĩnh để mẹ có được nghị lực và sức vóc này đây. Mẹ đã coi đây là món quà lớn nhất, quý nhất. Người tặng quà cho mẹ sẽ tới ngay liền.

- Còn…tấm một “Bằng” nữa mà con chưa thấy.

- Đó chỉ là phép cộng của những tấm bằng kia. Tấm bằng ấy mẹ để trong phòng riêng của mẹ.

- Xin mẹ trả công kể chuyện cho con bằng bữa cơm trước đã. Nhuỹ đánh bạo nói đùa với Mẹ, vì thấy có nhiều người đang bước vào sân.

- Mẹ biết thừa đi rồi! Anh sợ mẹ nghe chuyện trước thì sẽ không ăn được chứ gì? Mẹ nhéo má Nhuỹ đau điếng, như mẹ đã từng nhéo yêu những đứa con ưa nói dối, nhưng nghe không được lọt tai.

Những người đến chơi thăm đều là họ hàng, là hàng xóm, là con, cháu, chắt trong nhà.

Không khí đầm ấm, tâm trạng mọi người vui như ngày tết, trái hẳn với khi Bảo dẫn mấy người công an mặc thường phục về nhà.

o0o

Ngọc Lan ngồi đối diện với Nhuỹ, xét về nhiều phương diện: Sức khỏe, nhan sắc, tính nét…thì chị đúng là con gái của mẹ, mang gen của mẹ. Giọng chị êm như tiếng sáo diều:

- Anh Nhũy ạ! Khi liệt sỹ đầu tiên trong làng được tổ chức truy điệu, mẹ cùng các mẹ chiến sỹ đến dự. Tất cả đều khóc than thảm thiết. Về nhà, mẹ nằm bệt hai ngày, không ăn uống gì hết. Ai đến thăm hỏi, động viên, mẹ đều không tiếp xúc. Em lo quýnh quáng, cứ túc trực bên mẹ suốt ngày đêm mà chẳng thể nào làm được gì để kéo mẹ ra khỏi tâm trạng u sầu đó cả. Hôm sau nữa, mẹ hỏi em: “Lan này! Theo cháu thì vì lý do gì mà thanh niên làng mình, xã mình, cả nước mình hăng hái tòng quân đến vậy”? “Thưa bác! Cháu không có được hiểu biết nhiều mà chỉ nghĩ rằng: Vì tình yêu. Vì lòng căm thù. Vì biết noi gương các bậc Tiền Nhân… Chung quy lại, đó là: LÝ TƯỞNG sống của thanh niên khi đất nước có chiến tranh!” Em trả lời cụ mà run như thể trước cuộc thi vấn đáp. “Cháu ghi lại giúp bác những việc làm, những lời nói của những Vị ấy, được không?” “Dạ! Một ngày gần nhất, cháu sẽ đưa tới, nhưng bác phải mau khỏe lại thì mới đọc được chứ ạ!” “Bác vẫn khỏe đấy chứ!” Cụ nhổm dậy, đè ấn em xuống giường. Sức vóc nữ sinh của em không thể đọ lại được. Cố gắng giãy giụa mãi, rồi em cũng phải xin đầu hàng để được cụ tha.

- Em tức tốc trở lại trường để cầu cứu các thầy, các cô. Thầy chủ nhiệm dọa: “Sinh viên năm nhất đã xung phong làm luận văn tiến sỹ thì phải tự làm lấy chứ”!

Biết tình cảnh của em nên các thầy cô rất tận tình. Cô chủ nhiệm khoa còn tranh thủ về cùng em. Cô nói chuyện với cụ từ trưa cho tới tận khuya. Cô động viên cụ nên ngồi thiền, và tặng cụ nhiều sách hướng dẫn ngồi thiền, tập dưỡng sinh, cùng nhiều sách quý nữa. Mẹ ngồi thiền và nhập tâm những nét riêng của từng khuôn mặt của Lý Thường Kiệt. Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi…có trong các sách. Cụ có cả một tập tự họa, trong đó có cả Trần Quốc Toản, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Lê Mã Lương bị hỏng con mắt. Cụ viết lại Hịch tướng sỹ, Đại cáo Bình Ngô, Văn tế nghĩa sỹ Cần Duộc, Lời Kêu gọi toàn Quốc kháng chiến, tất cả đều không hề sai một dấu chấm, dấu phẩy nào. Anh biết không? Từ một “sinh viên bình dân học vụ” mà cụ đọc rất nhanh, viết rất đẹp trong thời gian rất ngắn. Đặc biết là trí nhớ và khả năng vận dụng kiến thức.

Dừng một lát, chị chuyển hướng câu chuyện. Em với Ban là bạn học phổ thông. Sang kỳ II lớp 10, Ban xung phong nhập ngũ. Ban không thổ lộ gì với em trước lúc lên đường. Nhưng nhìn mắt nhau em hiểu và em chủ động hẹn ước.

Nhuỹ ngồi nghe chuyện mà chẳng nhập tâm được bao nhiêu. Bởi vì còn phải lo “biên tập” chuyện của mình và tự xác định tiêu chí: Trước hết là không được phép kể sai sự thật. Nhưng cũng không được phép kể lại tất cả. Mà phải kể thật đơn giản để ít khuấy động nỗi đau bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Tránh để mọi người phải khóc như năm đứa đã từng ôm nhau khóc trước khi khui “lộ thiên” căn hầm. Và suốt cả ba tiếng đồng hồ những giọt nước mắt thay cho lời điếu.

Sao không khỏi khóc, khi mà không có một cây hương để thắp cho cả ban Chỉ huy đại đội và ba Trung đội trưởng. Không khóc sao được, khi mà Lễ vật chỉ có lưng bi đông nước và ba thỏi lương khô với mấy bông hoa Tàu bay. Khóc vì lẽ nữa: Tối qua, khi được giao nhiệm vụ, năm đứa thao thức suốt đêm. Len lỏi khắp các hầm, mong kiếm được vài điếu thuốc, hay mấy viên tăng lực. Nhưng cũng chỉ nhận được những tiếng thở dài… “Chúng nó sẽ hiểu cho tụi mình. Từ bữa cắm cờ đến giờ, có gì hơn trước đâu.”

o0o

Tấm chiếu lớn đã được trải kín trong gian thờ. Cắm hương xong, cả nhà ngồi xếp bằng, quây tròn. Nhuỹ ngồi giữa Mẹ và chị Ngọc Lan. Di ảnh của Ban được hai cháu nhỏ nhất ôm mỗi cháu một tay. Khuôn hình trực diện với Nhuỹ.

Trên đầu mọi người chung một vành khăn.

Từ tấm lòng ngưỡng mộ và thành kính của mình, nhà trang trí nội thất tài hoa nào đó đã xếp tất cả những Giấy khen, Bằng khen, Bảng gia đình Vẻ Vang, Bằng Tổ Quốc ghi công rực rỡ ánh hào quang khép kín quanh tường hệt như một vành khăn VÀNG pha sắc ĐỎ. Vành khăn mơ ước. Vành khăn thương đau. Vành khăn kiêu hãnh, tự hào.

Nhuỹ lần trải hồi ức… Đó là căn hầm tại chốt tiền tiêu Long Quang, khi bốn chỉ huy Đại đội hội ý với ba Trung đội trưởng thì bị một quả pháo khoan bắn trúng. Tất cả đều hy sinh. Chốt tiền tiêu không thể làm công tác tử sỹ ngay được, mà chỉ tạm thời lấp cửa hầm. Gần nửa năm sau, khi Hiệp định Paris được ký kết thì mới có điều kiện triển khai…

Anh chậm rãi:

- Khi tìm được chiếc đồng hồ đeo tay, thằng Phúc nói: “Cái đồng hồ đó là của tao tặng cho thằng Ban khi nó được giao “phụ trách quân sự C (Đại đội) mình.” Mấy đứa chúng tôi tranh cãi rất lâu về việc nên giữ lại kỷ vật (dù chỉ có bộ quai nhựa và mặt kính là còn nguyên, ngoài ra mọi thứ đều đã bị rỉ sét thành cục). Thằng Thanh bảo “Chúng mày tính xem, thằng Ban chưa có vợ, nó còn mẹ già…” “Ừ thôi! Cứ để cho nó đeo luôn. Cố gắng để phần nào cũng có xương đầu, xương chân, xương tay, đấy chúng mày nhá. Còn lại thì... Quyết tâm không để sót một tý gì, chúng mày ạ!”

Khúc xương cánh tay nằm trong vòng dây đồng hồ được đưa vào “phần” thứ nhất. Phần này là của thằng Ban. Số còn lại thì rút thăm. Chuyện rút thăm theo vần A B C hay theo cấp bậc, chức vụ, cũng mãi sau năm đứa mới thống nhất được.

Công việc xong xuôi, gói buộc kỹ lưỡng. Tôi “bế” đại đội trưởng sau lưng, “cõng” đại đội phó trước ngực. Thằng Phúc “cõng” chính trị viên trưởng, “bế” chính trị viên phó. Ba thằng còn lại “vác” ba Trung đội trưởng và mấy cái xẻng. Tôi đi đầu “đột phá khẩu”, thằng Phúc đi sau “khóa hậu”. Mười hai đứa: Năm sinh mạng và bảy hài cốt rồng rắn tiến về phía đơn vị vận tải để… “giao quân”

Tất cả, mọi người đều chạy lao ra khỏi gian thờ, khóc rưng rức. Hai chau bé nhoài người trao tấm di ảnh cho Nhuỹ, hai đôi môi mím chặt, hai cháu ôm mặt, lùi lũi chạy ra. Duy chỉ có Mẹ và chị Ngọc Lan là không khóc, mắt của cả hai người cứ nhìn vào miệng Nhuỹ chằm chằm, như thể khuyến khích: Đừng ngại, tiếp tục, tiếp tục. Đừng ngại.

Nhũy cúi gằm mặt, không dám nhìn trực diện hai người. Anh trộm nghĩ rằng: Mọi người tỏa ra là để sắp sẵn thuốc men, phương tiện để kịp thời, ứng phó cấp cứu…

Khả năng dẫn đến tình huống xấu ấy có thể xảy ra lắm chứ. Bởi bà mẹ đưa hài cốt con mình về an táng tại nghĩa trang Liệt sỹ quê nhà, lại không hoàn toàn là cốt nhục của mình mà là của năm cha, bảy mẹ. Râu ông nọ cắm cằm bà kia thì còn đỡ, đằng này thì đích thực là cảnh tượng tan tơm và chia chác, thì làm sao không đứt ruột, làm sao không chết lên chết xuống. Thế mà bên anh là hai người phụ nữ, một đã là bà, một đã là cụ cố vẫn ngồi bất động như hóa đá.

Nhũy cảm thấy sống lưng mình lạnh buốt.

Không khí im lặng, u uẩn nặng nề ngột ngạt đến rùng rợn như cái lồng bàn bọc giấy bóng kính úp chụp lấy ba con người. Thời gian cũng như chết lặng.

Hai người phụ nữ đã thoát thần!??

Nhũy đồ chừng: Nếu bên cạnh anh là hai khối đá, thì hai khối đá ấy sẽ đổ sập lên người anh.

Đích đáng thôi! Chính từ cái miệng này đã đem đến nguồn tin đau xót. Mỗi lời từ cái miệng này nói ra là một nhát cứa bằng cật nứa vào lòng người. Và chính từ bàn tay của mày -kẻ đang ngồi lù lù đó đã cùng với mấy kẻ khác đã làm nháo nhào ít nhất bảy bộ hài cốt liệt sỹ.

Nhũy nghĩ mình xứng đáng và sẵn sàng nhận mọi hình phạt cho dù là nặng nề nhất, mà không hề né tránh, không một tiếng kêu xin. Anh chỉ kêu xin, chỉ mong mỏi một mỗi một điều: Bên cạnh mình không phải là hai khối đá.

Nhuỹ ôm tấm di ảnh vào lòng, xoay người ngồi đối diện, để khuôn mặt bầu bĩnh tuổi mười tám hướng về phía hai người thân yêu. Thấy hai hàng nước mắt vô định của người già hơn rơi lã chã. Nhuỹ giơ một tay ra hứng. Quay sang bên. Nước mắt của người trẻ hơn cũng đang chảy. Anh đưa bàn tay còn lại ra hứng tiếp. Có lẽ cả hai người đều không biết mình đang rơi nước mắt.

Bậm chặt môi, anh đưa cả hai bụm tay đầy nước mắt lạnh buốt như những giọt nước rịn ra từ đá, thoa lên tấm di ảnh.

Bàn tay run run, run lắm, run hơn cả gần 40 năm trước: Khi lưỡi xẻng lách vào đống lầy nhầy nhều nhễu của bảy thi thể chất chồng. Chắc rằng trước khi vĩnh biệt khẩu súng và nhiệm vụ, từng cá nhân muốn dồn toàn bộ sức sống còn lại của mình cho một người. Ai cũng muốn dâng hiến, ai cũng muốn thấy người kia nhận là xứng đáng. Cấp dưới dành cho cấp trên. Người cao tuổi dồn cho sức trẻ. Không ai nhận… Như hồi đầu tháng: khi anh nuôi mang cơm trưa lên chốt, bị pháo bắn tanh bành. Gom góp lại chỉ còn được sáu nắm cơm dính đầy đất cát. Bốn cán bộ Đại đội chung một nắm, chẳng ai chịu ăn, khi thằng Hiền liên lạc quay về, mọi người nhắc “ăn cơm đi, cả nhà ăn rồi!” Sáng hôm sau thằng Hiền mới biết chuyện, nó khóc đến khản tiếng. 

Dưới trảng cát trắng đến lóa mắt, nắng rát rạt, gió rít vu vú. Cát không tích nước, chỉ gữi được ẩm độ nhất định. Trong môi trường yếm khí, vi khuẩn bị bội thực nên chỉ phân hủy mấy tạ xương thịt thối rữa được thôi. Không có gang tay. Không có mặt nạ phòng độc, Không có hóa chất khử mùi. Không có bất cứ một trang thiết bị gì hết. Chỉ có năm cái xẻng quân dụng và năm tấm lòng năm thằng may mắn còn sống dành cho bảy đứa xấu số…

Bàn tay anh dừng lại như một khẩn cầu bảy linh hồn đã chứng dám những động thái từ tấc lòng của năm thằng tao khi ấy mà tác động thế nào đó để hai thân hình đang ngồi kia chỉ hóa đá trong một tích tắc thôi là đã nhiều lắm rồi.

Một tiếng nổ “bép” khẽ khàng trên đầu một ngọn nến, như lời chấp nhận, như lời nhắc nhở. Nhũy lên tiếng như để gọi hồn:

- Mẹ và chị ạ! Cách đây năm ngày, Vô tình, con gặp được Phúc ở quán cơm giữa đường. Nó đi vào, con đi ra. Ít thời gian quá, cũng may là con kịp lấy được số máy của nó. Với hơn chục cuộc gọi cho cả chục đứa nữa, con mới tìm được địa chỉ nhà mình đây. Chúng nó giao cho con “nhiệm vụ tiền trạm” để vài ba năm nữa, sẽ kéo nhau về đây, cùng nhà mình làm giỗ cho các Anh.

- Cảm ơn con! Vậy là trong mỗi phần mộ ấy có cả bảy hình hài, các con nhỉ. Mẹ đến viếng mộ thằng Ban là được viếng cả bảy anh em nó. Con trai mẹ cũng được nhiều ông bố bà mẹ thường xuyên cúng viếng. Cảm ơn con đã cho mẹ món quà vô giá này! Đến giỗ em nó lần sau, mẹ sẽ gọi tên cả bày: Ban. Nhiên. Hải. Phương. Thiện. Luận. Tình. Cảm ơn con! Cảm ơn anh em các con! Đến giỗ tới, mấy anh em chúng mày cố gắng về cả đây với mẹ, Nhũy nhé, để mẹ còn được nhìn thấy…

- Mẹ đang còn rất khỏe, cụ sẽ thọ trên trăm tuổi ấy chứ, chị nhỉ!

- Hiện thời thì mẹ còn khỏe, nhưng sinh có hạn, tử bất kỳ. Chẳng thể nào mà biết trước được đâu, các con ạ! Tám tư rồi mà.

Ngọc Lan với tay đón tấm di ảnh, ôm ghì riết vào lòng. Bà cụ ngồi xích lại, đưa tay lên lau khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Nhũy.

o0o

Mọi người trở lại phòng khách. Bà cụ về phòng riêng một lát rồi trở lại gian thờ. Tiếng mõ đều đều vọng ra. Mẹ đang lần tràng hạt.

Ngọc Lan thủ thỉ:

- Anh ạ! Sau giỗ của Ban vừa rồi. Cụ kể cho cả nhà nghe về giấc mơ đêm trước. Ấy là:

… Từ nghĩa trang liệt sỹ về đến nhà là Mẹ vào gian thờ để thắp hương kính cáo, mời tất cả các hương linh ngày mai cùng về thụ hưởng lễ vật nhân ngày ký nhật của Lê Trọng Ban.

Thấy trong người chộn rộn, mẹ lui về giường mình ngả lưng. Không hiểu sau bao lâu và đã ngủ chưa mà cụ thấy rõ một bóng người…

Mới đầu cụ nhìn thấy cánh tay trái khòng khòng. Chính là cánh tay của thằng Ban. Khi còn nhỏ, cu cậu cưỡi trâu bị ngã gãy tay. Thằng bé đến là gan, nó dấu biệt. đến trưa ngày hôm sau, khi người lớn phát hiện ra, mới quýnh quáng chở đi bệnh viện. Rất may là chưa muộn lắm. Mẹ nhìn cánh tay ấy so với cái phim chụp hồi đó giống y chang. Vậy đúng là thằng Ban con trai mẹ linh thiêng đã về rồi. Nhưng mẹ ngó từ trên đỉnh đầu xuống dưới bàn chân của con mình lại thấy có nhiều nét lạ. Mẹ ngó kỹ lại lần nữa từ dưới lên trên thì vẫn là như thế:

* Bàn chân trái thì các ngón chụm gọn, rõ ràng là bàn chân của người thành thị đi giầy từ nhỏ.

* Thế mà ngón cái của bàn chân phải lại xòe ra –đây là bàn chân giao chỉ.

* Ống chân này thì thẳng đuỗn, nhưng ống chân kia lại khuỳnh vòng kiềng.

* Bàn tay phải khá khác biệt: ngón út lớn bằng ngón cái.

* Cái lưng! Sao lại là lưng gù.

* Đặc biệt là khuôn mặt, khuôn mặt có cái trán hói, mắt một mí, mũi khoằm, râu quai nón.

… Mới đầu mẹ ngỡ là ma, nhưng lại nghĩ là người âm có thể biến hóa được, với lại tính thằng Ban tếu tếu nên mẹ mắng yêu nó: “Cha bố anh! Còn bé lắm hay sao mà còn ưa nát mẹ. Lại đây với mẹ nào con!” Mẹ giơ tay ra đón, nó lùi lại… Bỗng cánh cửa phòng bị đập mạnh, mẹ không thấy gì nữa.

- Mong những người ở hậu phương và các thế hệ sau tha lỗi, chúng tôi không cố tình, không nhẫn tâm, không ác ý. Điều kiện và khả năng của chúng tôi khi ấy, dù có muốn thế nào đi chăng nữa thì… Lực bất tòng tâm lắm chị ơi! Nhũy rầu rĩ, cắn chặt đôi môi.

Ngọc Lan giãi lòng:

- Anh Nhũy ơi! Ở vào hoàn cảnh ấy, thì bản thân em và những người khác nữa, chưa chắc gì có làm chu đáo được như các anh đâu. Các anh là bạn cùng chiến hào của nhau mà! Em hiểu rằng bạn chiến đấu thì đâu có quản gì! Nghĩa tử là nghĩa tận nữa mà anh. Mọi người sẽ ghi nhớ mãi mãi giấc mơ của Mẹ và câu chuyện của anh kể hôm nay.

- Thực tình thì… Nhũy ngập ngừng giây lát. Khi về đến đầu làng, được biết bà cụ đang còn sống, tôi mừng bao nhiêu thì khi cụ yêu cầu được nghe chuyện, tôi lại cảm thấy đau bấy nhiêu. Lúc chú Bảo cùng mấy anh em về, tôi định tận dụng cơ hội, kể như tương kế-tựu kế và chỉ xuất đầu lộ diện ở nơi nào đó ví thử như Công an huyện hay hội Cựu chiến binh huyện. Tôi có đủ cả Chứng minh thư, Thẻ Đảng, Thẻ Cựu chiến binh và Thư mời về dự lễ Đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vú trang thời kỳ chống Pháp của Đảng ủy, UBND và UBMT Tổ quốc của xã tôi nữa đây này. Ở chỗ ấy, tôi mới có đủ can đảm kể tường tận với chú Bảo.

- Nếu vậy cụ sẽ rất mủi lòng! Ngọc Lan xen ngang lời Nhũy.

- Nhờ có cụ mà chuyện ấy không xảy ra và tôi đã may mắn được gặp chị.

- Cảm ơn anh nhiều lắm anh Nhũy ạ! Sự may mắn này là của cả nhà mình đấy chứ!

Hai người mải nói chuyện mà không hề hay biết tiếng mõ đã ngưng từ khi nào và bà mẹ với bức vẽ trên tay đã ngồi ở ghế bên cạnh.

Nhũy đón bức vẽ từ tay bà cụ. Anh nâng niu bức vẽ như đã từng nâng niu cái bọc hài cốt của mấy chục năm về trước.

- Nếu có thể được thì mẹ cho con mang bức họa này đi in photo.

- Mẹ nhớ từng chi tiết của bức họa như nhớ rõ hình hài của thằng Ban. Mẹ tặng con tấm này và sẽ vẽ thêm mấy tấm nữa để sang năm về đây làm giỗ, đứa nào cũng sẽ có quà.

 

Buôn Ma Thuột mùa Vu Lan 2013.

Thông tin tác giả: Hoài Trường An Ưu

Tên thật: Trần Đình Hằng

Đ/c: 35 Đinh Tiên Hoàng BMT DakLak

D/đ: 01278 959 399. Email: nguyetlangthon@yahoo.com.vn