Trang chủ » Truyện

Người viết lời thơ điếu

Kim Chuông
Thứ sáu ngày 23 tháng 8 năm 2013 7:16 PM


NGƯỜI VIẾT LỜI “THƠ ĐIẾU”
(Hoặc : Người hẹn đợi mùa thu)
                                        Truyện ngắn của KIM CHUÔNG


       Đặt xong chiếc vó, Vách ngồi xuống mô đất, cạnh Len. Hai đứa lặng im nhìn về khoảng mông lung trước mặt.  
                Đêm thu. Trăng suông. Mùa trăng thứ bao nhiêu của thiên địa mông lung, chả biết ? “Nhưng, với Len, nhóc thơ dại của anh ơi. Đây, “mùa trăng thu.” năm thứ mười ba rồi đấy. Em côi cút. Anh, bố mẹ cũng không còn. “Ông bà Sắn” cưu mang hai chúng ta. Chúng ta lại nương tựa vào ông bà. Phận người đi trên cõi đời này không dễ.
      Đấy, lời Vách nói với Len, đêm chạy tản cư từ Thiết Tranh về căn lều “gốc đa ông Sắn.”
     Vách hơn Len bốn tuổi. Vách ở với ông Sắn, người làng, khi bố mẹ chết trong trận bom na-pan giặc Pháp. Còn Len. Cô gái được ông Sắn nhặt về từ một buổi chạy càn. Cô bé quờ quạng, thoi thóp bên góc chợ giữa đám người chết đói, nằm la liệt.
      Cảnh bần hàn, ông Sắn liều, đưa cái gia đình “mong manh, chắp vá” này về gốc đa cắm lều, coi Vách và Len như con đẻ.
      Dưới gốc đa, một căn lều được dựng bằng lau sậy. Bốn người dắt díu nuôi nhau. Hàng ngày, ông bà Sắn lang thang đi khắp cánh đồng đào khoai, mót lúa. Len thường theo Vách xuống vùng bãi ven sông để đuổi cáy, câu tôm.
      Bãi Lác um tùm lau sậy. Vách, người gầy, đen thui, nhanh như chú cá loi choi trên nước. Vách bơi lặn giỏi. Dân Quý Xuyên bảo Vách giống như “ma trơi” Một hôm, phát hiện chú bồ nông thả mình trôi theo dòng nước. Vách bảo Len. “Ôi, thích chưa. Anh sẽ bắt nó, khao cả xóm bãi này bữa no nê cho mà xem.” Vừa nói. Vách đã lặn, chuồi đi rất xa. Len đứng chờ mỏi mắt. Động. Con bồ nông đã đạp nước, tung cánh bay đi. Chỉ còn, những gợn sóng vẫn lặng lẽ chảy dài. Mặt sông vẫn một màu mịt mờ, vắng. Chờ mãi, không thấy Vách. Len khóc thét. Khi tiếng gọi từ cổ Len đã đặc khàn, lịm đi trong gió. Bấy giờ, từ bờ sông bên kia xa tít, Vách mới nhô lên, tay giơ cao cây lau làm cờ, vẫy vẫy. Len mới hoàn hồn.
        Một buổi ấy, kéo vó, Vách bắt được con cá măng dài chấm gót. Vách bảo: “Em theo anh.” Len ngần ngừ nhưng Vách đã kéo Len, cả con cá nhoài ra giữa sông. Vách bơi sang bờ bên kia tìm vào phiên chợ.
-  Hê. Nhóc con - Nghe tiếng quát, Vách ngước lên. Len run sợ ôm chặt lấy Vách. Biết tốp lính đóng ở bốt chợ Đồn đang tiến lại, dọa. Vách nhăn nhở, nịnh - Xin chào các quan. Các quan làm ơn mua giúp cháu con cá này nhé.
-  Mua á ? - Một tên lính giơ mũi súng dí vào trán Vách, quát - Nộp cho quan. Mày cướp ở đâu ?
-  Dạ. Cháu kéo vó được ạ.
   Không nói gì, tên lính giật lấy con cá, giơ mũi giầy đinh đá Vách lăn xuống dốc đê. Chúng cười, giọng khả ố. Len chạy theo xuống dốc ôm lấy người Vách đang nằm lăn bên vũng nước nhìn bọn giặc căm giận. Từ buổi ấy, rồi nhiều ngày sau, vùng làng Quý Xuyên tiếng súng, tiếng móc-chê nghe cháy bỏng nền trời. Những trận càn ập về. Xe tăng, lính tráng nhí nhố đầy đường.  Làng Quý Xuyên nằm trong vùng tạm chiếm. Rồi, một đêm, Len thấy lạ. Vách thì thầm những gì với ông Sắn. Khuya. Nghe tiếng gà gọi canh, ông Sắn hốt hoảng dựng cả nhà bật dậy. Người thanh niên Mét Thượng mò đến lều gốc đa, giọng hổn hển, hỏi. “Vách đâu ông ? Nhanh. Cả nhà mình phải mau chóng tản cư, lánh nạn. Đêm nay, Vách xung phong làm nội công vào đặt mìn phá bốt. Mìn nổ. Tin báo. Vách có thể bị bắt…”
      Len bàng hoàng, trống ngực đập huyên náo. “Thì ra, từ lâu, Vách bí mật tham gia hoạt động trong đội thiếu niên du kích Quý Xuyên.
        Như phát hiện giọt nắng lóe lên trong góc khuất, Len nhìn Vách thật khác. Bỗng một chiều, Vách vào nhà thờ Thiết Tranh, nơi dân chạy tản cư tìm gặp ông Sắn, tiết lộ. “Vách cùng du kích đặt mìn ở “bốt chợ Đồn.” Mìn nổ. Ba tên lính bị chết. Chúng nghi du kích An Thổ đột nhập và đang mở cuộc trả thù.
       Vách đi vội. Len đòi theo. Vàng mặt trời, Vách và Len về tới căn lều gốc đa quen thuộc. “Nhà mình đây rồi. Nhớ cửa sông, nhớ vó chũm quá. Hai anh em Vách ăn vội nắm cơm nguội rồi lao xuống cửa sông thả vó.
      “Trời. Trăng thu đêm nay đẹp quá. Dòng sông chảy vàng, nom mênh mang. Không một gợn mây. Những ngôi sao chi chít như vón lại, cộm lên trên nền xanh, cao vút. Bỗng có dòng nước quẩn mạnh làm bốn gọng vó rung rung. Hai chú cá to dài, lấp lánh vẩy sáng, nhảy vút lên trước mặt.
       Vách gọi. Không thấy Len. Kéo được cá lên  bờ, Vách đi về phía cửa sông, nơi Len vừa lặn hơi dài rồi òa lên mặt nước. Đêm trăng. Vách ngắm nhìn những ánh vàng chảy tràn trề trên cơ thể, nom Len chẳng khác một nàng Tiên bỗng từ đâu rơi xuống.
   - Anh gọi em à - Len hỏi - Trời thu, nẫu quá. Em tắm chút.  Nào. Anh lại đây kỳ lưng cho em với.
     Vách đứng sững. Một chút gì chưa thật rõ rệt bỗng làm Vách ngần ngừ. “Thì ra, Len vẫn trẻ con, hồn nhiên vậy ư ?” Sống bên Len hàng chục năm trời, hôm nay, bỗng nhiên, bé Len sao thật khác. “Hình như, Len ơi, em đã chạm vào ngưỡng cửa của một thiếu nữ đang vào tuổi dậy thì.” Hai vồng ngực Len bỗng nổi căng. Đôi núm vú như đang nở ra, dưới ánh trăng dậy hồng, tươi rói.
        “Thế nào nhỉ, “nhóc Len.” Hỡi bé bỏng yêu dấu của anh. Đã hàng chục năm trời, ông bà Sắn mang Vách và Len buộc vào nhau, nút buộc thật mỏng mảnh, yêu thương. Vách và Len sống trong một căn lều, cùng gọi “ông bà Sắn” là cha mẹ. Đêm đêm, hai đứa cùng ngủ chung một giường, cùng ăn chung một mâm. Từ thuở lên bốn, lên năm, hằng ngày Vách vẫn thường tắm táp, kỳ cọ cho Len. Mới rồi, trong lần ốm “thập tử nhất sinh,” tưởng ông bà Sắn qua đời. Ngỡ, Vách phải đóng vai cha mẹ, vai người anh mà cưu mang Len. Dù hai mảnh cô đơn, nghèo khổ.       Không hiểu từ lẽ gì sai khiến, những ngày này, khi vào tuổi dậy thì của người con trai, Vách chợt thấy một cái gì không rõ ràng,  cứ thấp thoáng trong anh trỗi dậy. Có lúc Vách thừa nhận, Len đứa em ruột thịt của mình. Có lúc, Vách lại nghĩ, Len đâu có chung với anh dòng máu ? Vách tự biện hộ cho mình bao nhiêu là lý, để rồi Vách nhất quyết không chịu thừa nhận nó là vậy nữa. Nhưng, một mai, sẽ là gì ? Nếu Vách không còn “Len, đứa em  bé bỏng” ở bên cạnh đời mình ?
- Vách. Anh kỳ lưng giúp em, đi …
Vách cởi áo nhảy tùm xuống nước. Len nhao tới ôm chầm lấy Vách. Vách đỡ lấy tấm thân tròn căng, vừa ngọt ngào, nóng hổi của Len. Len tựa vào tay Vách, nằm nổi lên mặt nước, hai mắt lim dim. Vách mơn man kỳ lên đôi bờ vai rồi dọc xuống sống lưng Len, chắc lẳn. Đêm trăng. Mặt sông vàng dào dạt. Một cảm giác ngất ngây từ da thịt, từ đôi bầu vú người con gái trong sự đụng chạm vô tình bỗng râm ran, chạy rần rật qua người.       Đêm ấy, trong căn lều dưới gốc đa thanh vắng, nằm bên Len, một đứa em, người con gái đã bao năm trời cùng ngủ chung một giường, cùng vùi mình trong hơi thở quen thân, không hiểu sao, Vách không sao nhắm mắt.
                                            *
        Mấy ngày liền, cả vùng làng ven sông Quý Xuyên địch càng o ép mạnh, Vách vắng biệt không về. Một sớm, tại khu tản cư, Len núp chặt vào lưng ông Sắn hồi hộp nghe người đưa “tin mật.” Vách đã đi theo mũi quân vào tiêu diệt bốt Phủ và dũng cảm trèo lên cây đa ông Sắn cắm lên lá cờ đỏ sao vàng…
      Đang sốt ruột ngóng tin, hai ngày sau, vừa sẫm tối,  chàng thanh niên Mét Thượng đêm nào lại tìm gặp ông Sắn rồi đưa riêng cho Len mảnh giấy. Vài dòng chữ Vách viết vội. “Len ơi. Cuộc đời anh em mình đã thực sự đổi khác rồi. Anh đã xa em. Anh đã xung vào đội quân thường trực, làm lính đánh giặc, cứu nước. Tạm biệt đứa em yêu quý nhất đời anh. Anh sẽ về. Nhất định anh sẽ về. Sẽ mãi mãi ở bên em. Len nhé…’
        Đọc thư. Không hiểu buồn hay vui, Len bỗng òa khóc. Sau này, Len nhớ. Hôm ấy, vào một đêm mùa thu, xóm dưới làng trên, ai nấy đang nao nức đón chào ngày quốc khánh năm thứ tư của dân tộc.
        Cùng đất nước, làng Quý Xuyên bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày tháng, Len lớn lên theo những đêm tản cư rồi    xung phong vào dân công hỏa tuyến lúc đang tuổi trăng tròn, lận lội khắp miền chiến dịch. Khi mở đường. Khi tải đạn, cứu thương. Đến đâu, Len cũng ngóng tìm tin Vách. Rồi, một chiều mưa, giữa vùng biên ải, ông trời run rủi cho Len bỗng gặp Vách đang vượt suối, hành quân. Bên dốc đèo trùng điệp cây rừng, Vách ôm choàng lấy Len. Len vục đầu vào ngực Vách  khóc như mưa như gió. Phút vội vàng chia ly, Vách nhìn sâu vào đôi mắt Len, âu yếm. “Len. Em tin đi. Nhất định anh sẽ về. Chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau. Em  nhé.”
      Vách đi. Ba bốn năm trời bặt vô âm tín. Nhưng, nụ hôn với câu dặn dò, khoảnh khắc ấy mang bóng hình thật đậm, cứ vang ngân, mỗi ngày thêm loang dài, thức động trong Len ở bất cứ va đập nào khi vô tình chạm đến. “Vách sẽ trở về với Len. Len phải có Vách như ông Trời đã run rủi. Như ông bà Sắn đã chắp se. (Vách và Len, cảnh ngộ này, âu cũng do bàn tay của bậc cao xanh nào đã vén vun cho hai đứa từ thuở còn bé thơ, côi cút). Nhưng, thế nào nhỉ, Vách ơi .( Len nghĩ). Em không thể mường tượng nổi, ngày mai sẽ ra sao. Anh sẽ đi đâu ? Em về đâu. Ôi. Không thể rời xa, không thể thiếu anh được…”
      Len thầm ôm trong lòng bao day trở về Vách suốt những ngày đi theo kháng chiến. Len trở về quê khi miền Bắc được lập lại hòa bình. Bấy giờ, ông bà Sắn đã qua đời. Vách có tin trong  đoàn quân Nam tiến. Người chiến sĩ “đặc công nước” này đã hai lần trở thành dũng sĩ, có công với Tổ quốc và vĩnh viễn gửi thân nằm lại chiến trường.
       Dưới “gốc đa ông Sắn,” Len, người phụ nữ khóc hết nước mắt, lầm lũi dựng lại căn nhà trên dấu tích của túp lều xa cũ. Người con gái xinh đẹp mới ngoài hai mươi tuổi, gắn chặt đời mình với chiếc vó cửa sông. Len ở một mình, côi lẻ suốt một thời xuân sắc.
       Năm tháng đời người chẳng khác gì bóng nước. Căn nhà  người phụ nữ dưới gốc đa của một vùng cửa sông giống như góc khuất. Dân Quý Xuyên bảo nhau, ngỡ vừa mới hôm nào, trong lặng lẽ, ngước trông, cô gái Len thoáng chốc, giờ đã thành bà lão. Người đàn bà mang đôi mắt đờ dại. Đầu tóc bạc trắng. Lưng còng. Chân nặng nề, nhấc đi từng bước một.
        Bà Len hưởng bảy nhăm năm ánh sáng dương quang. Một sớm chạnh buồn, cả trại lẻ bỗng lục tục kéo nhau đến giã từ người đàn bà góa bụa, không chồng con, không họ hàng thân thích. Họ thành tâm khấn vái, thắp cho người đàn bà cô quả một nén nhang ly biệt.
        Đội kèn tang xóm bãi rên rỉ bài khóc than cho kiếp “Sinh sinh hóa hóa. Kiếp ảo ảnh. Kiếp vô ngã” đời người.
        Trong tiếng kèn bi ai, ảo não, ở lời ca như cái chung họ thường gặp trong tất cả các đám tang, đội bát âm Quý Xuyên lấy làm lạ, họ an lòng khi kiếm được bài thơ do chính  bà Len viết, để lại. Bài thơ, tự khi nào, “người ly biệt” hôm nay đã viết cho mình, ký thác những tâm sự, uẩn khúc đời mình...Người tế kèn vẻ tâm huyết đem bài thơ “tràng thiên độc vận,” bài thơ dài, một vần này tấu lên “lời ai điếu.”  
       Tiếng kèn cứ bổng trầm, than van, ai oán cùng lời ca lặp đi lặp lại, kéo dài suốt tang lễ. Rằng : “ Mùa thu ơi/ Người thương yêu ơi... Người đi/ Người vẫn đợi/  Sao Người ?/ Mãi…chẳng thấy về…”
       Dường như, không mấy ai hiểu được lời ca ấy. Lời ca của người tự viết cho mình, tiễn biệt mình, trong lễ tang đưa mình đi về miền cực lạc.
       Người xóm bãi đứng nhìn nấm mộ khuất nhòa trong làn khói hương mỏng tang, mờ mịt. Họ thấy cay cay nơi khóe mắt, đôi giọt nước bỗng thầm lặng ứa ra.
                                                                       K/C               


K.C – Nhà 126 – Khu Cái Tắt 3 – P- Sở Dầu – Q- Hồng Bàng
           Hải Phòng -   ĐT :  0912.180.067