1. Lạy Phật độ trì! Rồi cuối cùng thằng nhóc 12 tuổi là tôi cũng hoàn thành công việc cuốc hai luống đất vườn nhà. Tôi nhao về góc sân, bám vào gốc cau dướn người nhìn góc trời phía đầu làng. Vòm trời cao xanh, mây trắng mây xanh bồng bềnh. Và những chiếc diều đủ hình dáng, sắc màu đang đua nhau chao lượn. Một… ba…bảy ... Chiếc diều cánh cốc màu vàng bay cao nhất, tiếng sáo “rí ro…” vang góc trời chiều. Chiếc diều cánh cốc này là của thằng Long. Nó học cùng lớp với tôi nhưng khác hội bạn bè. Hội bạn nó hầu hết là con nhà khá giả, quyền chức. Long học thường nhưng cái gì của nó cũng nhất. Quần áo, cặp sách… toàn đồ xịn.
Chiếc diều cánh cốc kia bố nó đặt làm ở làng bên. Long và lũ bạn vênh vang đặt cho nó cái tên “Vô địch”.
Tôi mỏi cổ cúi xuống. Trên hiên nhà hình như bố cũng ngước nhìn trời và cúi xuống đống nan cùng lúc tôi rời mắt khỏi cánh diều.
- Vĩnh, lại bố hỏi.
- Thưa bố! Con cuốc vườn rồi, giờ chỉ còn nấu cơm, thu dọn…
Bố nhìn tôi cười, chỉ lên trời.
- Con thích diều sáo lắm hả? Bố sẽ làm cho con một bộ.
Tôi ôm choàng lấy bố run lên vì niềm vui bất ngờ.
- Ôi…Bố…
Bố xoa đầu tôi, với lấy nạng gỗ đi ra phía bờ tre. Tiếng nạng gỗ lộc cộc mặt đất. Từng không vi vút sáo diều. Gió chính Nam thổi cong vít ngọn tre.
2. Bố tôi rất khéo tay. Thương tích bứt người khỏi cánh đồng. Bố tôi ở nhà đan hàng tre. Chủ nhật mẹ tôi chở hàng xuống chợ bán buôn.
Nửa ngày bố tôi lên xong khung diều. Một ngày khoét miệng sáo. Hai ngày vót nan đan ống sáo, phết sơn, gắn miệng. Mẹ tôi làm mặt giận:
- Anh chiều con. Có diều nó ham chơi rồi xao nhãng việc học, việc nhà…
Bố ngước nhìn trời, như nói một mình:
- Chúng mình không có thời thơ ấu. Anh và em làm con bớt đi nhiều cái đẹp tuổi thơ. Anh muốn con được hưởng thời vô tư đẹp nhất của nó.
Tôi kéo lũ bạn đến xem bộ diều sáo mới. Lũ bạn tôi sướng ra mặt.
- Phen này thằng Long hết sĩ.
- Đặt tên là diều lính chúng mày ạ.
- Nhất trí. Diều lính… hoan hô.
Chúng tôi mang diều ra bãi đất rộng đầu làng. Từng không đã chao lượn, vi vu tiếng sáo diều cánh cốc. Thằng Long và lũ bạn ra vẻ lắm. Long chạy lại ngó bộ diều sáo của tôi bĩu môi.
- Cứ lên đi. Tao chấp.
Tôi im lặng ra dây.
- Hai... Ba... Nào...
Tôi dắc dây. Chỉ mấy cái dắc dây diều đã bắt gió vút lên. Tiếng sáo thoạt đầu ra tiếng thưa, nhát gừng. Bọn thằng Long cười ầm lên. Tôi thả nhanh mấy sải dây. Cánh diều chao dây rồi ăn gió đứng im. Tiếng sáo đã ra đều “ì...ô...ì...ô”, trầm và khỏe át hẳn tiếng “rí...ro” của diều cánh cốc. Hai đứa bé ôm nhau nhảy cẫng lên, vỗ tay.
- Hoan hô diều lính... diều lính vô địch.
Rất nhiều tiếng vỗ tay tán đồng. Thằng Long sấn lại, túm ngực cậu bé, tát vào mặt nó.
- Đồ phản bội.
Cậu bé khóc thét lên. Tôi lao lại túm tay thằng Long:
- Sao mày đánh nó?
- Việc gì đến mày! Tao chấp tất.
- Cả tao...
Bất ngờ cú đá bụng làm tôi hoa mắt. Vẻ vênh vang và cú đá ngầm như một điều sỉ nhục. Tôi lao vào thằng Long. Cuộc đấu tay đôi quần lầm góc bãi. Tôi đang thắng thế.
- Người lớn đến...
Tôi buông thằng Long, chạy về gốc dây diều mình. Không phải một mà bốn năm người lớn đeo băng đỏ đứng vây quanh thằng Long. Nó quệt máu mũi, vừa khóc vừa kể. Một người đeo băng đỏ sấn lại trước mặt tôi:
- Đánh nhau vì diều. Tao tịch thu hết.
Tôi trở về, không còn đến nửa mẩu dây diều trong tay. Bố tôi đang hí húi vót nan, ngẩng lên:
- Diều đâu con.
Tôi lao vào lòng bố, òa khóc, kể cho người nghe câu chuyện ngoài bãi cỏ. Bố tôi lắc đầu, cười buồn.
Ít hôm sau, tôi đang vớt bèo thì thằng bạn chạy ra, rối rít.
- Diều lính kìa... Nó chỉ lên trời.
Thằng bạn tôi thò ra con dao díp.
- Tao đã nghĩ cách cho nó bay đi.
Tiếng nạng gỗ lộc cộc. Bố tôi ra đứng bờ ao nhìn về phía đầu làng. Mặt đanh lại.
- Thôi cái trò ấy đi. Mai bố làm cho cái khác.
Hai hôm sau tôi và lũ bạn lại có bộ diều sáo mới.. Rinh diều ra đến đầu ngõ thì chúng tôi gặp mẹ ở trường về. Mẹ xuống xe.
- Các con không phải đi đâu cả. Ngõ nhà rộng dài thế này...
Chúng tôi làm theo lời mẹ. Cánh diều bắt gió bay lên, tiếng sáo vi vút. Bọn tôi vỗ tay reo hò. Cả ngõ chạy ra ngước nhìn khoảng trời - ngõ mình. Trên cao ấy, cánh diều xanh chao chao, tiếng "ì...ô" trầm, khỏe lấn át tiếng sáo cùng giọng phía đầu làng. Từ hôm ấy, xong việc nhà tôi và lũ bạn lại ra ngõ nhà thả diều. Tiếng sáo diều hòa vào nhịp điệu công việc xóm nghèo. Bố tôi ngồi vót nan. Mẹ tôi soạn bài. Tôi ngồi học... Từng không tiếng sáo diều vi vút.
Một đêm, đang ngủ say tôi giật mình choàng thức. Tôi ngó qua cửa sổ, hét lên: "Có kẻ cắt dây diều". Tôi lao ra ngõ. Phía trước, trên cao diều mất gốc dây bay đi. Tiếng sáo lạc giọng "ồ...ồ" đau đớn. Phía sau tiếng nạng gỗ lộc cộc, gấp gáp.
- Tóm lấy gốc dây... Vĩnh ơi... Tiếng bố tôi khản đặc, ngã sấp.
Tôi vội buông gốc dây vừa tóm được, quay lại với bố. Chiếc diều bay vút đi, vẳng lại tiếng sáo "ì...ồ" gãy nhịp.
3. Tôi sững bước nhìn lên ngôi nhà ba tầng đầu phố. Trên cao, từ ô cửa sổ mở rộng vẳng ra tiếng sáo diều. Tiếng sáo "ì...ô" trầm vang. Dóng tai nghe tôi thấy hai tiếng cuối "ồ...ô" không tròn làm nó ngô nghê lạc lõng. Tiếng sáo diều làm tôi bồn chồn lạ. Tôi đánh liều bấm chuông. Cậu bé chừng mười ba mười bốn tuổi chạy ra.
- Chú hỏi ai?
- Chào cháu. Có phải cháu đang chơi bộ sáo diều ống tre đan, sơn đen không?
- Phải ạ. Nhưng sao chú biết?
- Chú nghe tiếng đoán ra. Nhưng không có diều, cháu làm cách nào cho sáo kêu được.
- Bố cháu làm đấy chú ạ. Bố cháu rất thích diều nhưng ở phố cấm thả. Bố cháu buộc sáo vào cửa sổ rồi dùng quạt điện làm gió.
- Bố cháu tài thật. Nhưng nghe tiếng, chú biết sáo của cháu bị lệch tiếng, lên cầm ra đây chú sửa cho.
Cậu bé trở xuống ngay, hớn hở đưa cho tôi bộ sáo. Trời. Chính là bộ sáo ngày xưa.
Ngày ấy...
Đêm đuổi theo diều đứt dây, bố tôi vấp ngã, vết thương đầu tái phát phải đi viện. Trước lúc lên xe, bố gọi tôi lại nói:
- Diều sáo bay lên là báo hiệu cuộc sống thanh bình. Bố không ngờ... Khỏe lại bố sẽ làm cho con bộ diều sáo mới...
Nhưng tôi không bao giờ nhận được quà của bố nữa.
Vài tháng sau đó, gia đình Long chuyển lên thành phố.
Bây giờ tôi đã ba mươi hai tuổi. Như thế là đã hai mươi năm sau cái đêm diều bị cắt dây.
Tôi lật đi lật lại bộ sáo, khâm phục sự bảo quản tuyệt vời của chủ nhân. Tôi săm soi rất lâu mà không tìm ra hư hỏng nào khiến bộ sáo lạc tiếng. Tôi ghé môi thổi. Vung tay đón gió. Lạ quá! Cả bốn miệng sáo bắt gió đều, cất tiếng "ì...ô" tròn vo.
- Ôi... Chú tài quá.
Tôi trả bộ sáo cho cậu bé.
- Từ nay bộ sáo sẽ đều tiếng. Cho chú gửi lời chào bố mẹ.
Cậu bé níu tay tôi:
- Chú... Sao chú lại khóc...
- Cảm ơn cháu... Tôi gỡ tay cậu bé và đi như chạy...
4. Thưa các bạn. Nếu câu chuyện trên có may mắn đến được với các bạn thì đó là những dòng hồi ức của tôi viết ra trong những đêm thao thức. Tiếng sáo diều gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ. Tiếng rí ro đanh gọn, tiếng ì ồ trầm hùng bang lên từ những vùng quê thanh bình giữa trời xanh mây trắng.