Trang chủ » Truyện

Truyện một đêm mưa

Tống Trung
Thứ tư ngày 3 tháng 10 năm 2012 9:31 PM

     "... Tay nâng then cửa em cài
    Đêm nay có trận mưa ngoài cơn mưa".

      (Thơ Kim Chuông)

Họ ngồi với nhau đối diện qua chiếc bàn nhỏ. Ngoài trời mưa rả rích, chốc chốc một cơn gió thoảng đùa ngọn đèn dầu. Tiếng đồng hồ tích tắc... tích tắc. Hai mươi lăm năm dồn nén có bao nhiêu chuyện phải nói, buộc phải nói mà họ vẫn im lặng.
Chiều nay, chính xác hơn là bốn tiếng đồng hồ trước cơn mưa tình cờ họ gặp lại nhau.
Chuyến đi khảo sát "Văn hóa làng xã" bất ngờ gặp trở ngại. Cụ Thủ từ ngôi đền có niên đại Cảnh Hưng thứ nhất khăng khăng: "Hôm nay ngày xấu, không được phép mở cửa hậu cung. Xin khất các vị đến mai". Ý đồ của nhà khoa học đành "chào thua" lệ tục muôn đời. Trong cái rủi lấp ló cái may. Ông có cả một buổi chiều để thăm lại vùng ngã ba sông. Ở vùng đất "tiếng gà liên tỉnh" ông đã sống, chiến đấu. Và chỉ ở đó có hai tháng, nhưng đó là khoảng thời gian ám ảnh suốt đời ông. Trên mảnh đất này ông được biết thế nào là tình yêu.
Ngày ấy đơn vị ông lập trận địa ở doi cát bờ tả để bảo vệ nhà máy xay và cây cầu, mục tiêu phá hoại số một của không lực Hoa Kỳ. Chàng sỹ quan trẻ đẹp trai và khéo tay. Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc bình yên. Anh giành thời gian ít ỏi ấy vào việc biến mảnh máy bay Mỹ thành đồ trang sức. Những chiếc cặp tóc, lược chải đầu, trâm gài... Sản phẩm của anh trở thành món quà cho đồng đội gửi tặng bạn gái. Tất nhiên "suất ưu tiên" vẫn là các cô gái trong trung đội "mười hai ly bảy" phối thuộc. Rồi cái gì đến, đã đến. Thoạt đầu chỉ là trò đùa nho nhỏ. Có một chiếc lược được đem ra so sánh với mười hai chiếc khác. Không thể chối cãi được, chiếc lược thứ mười ba đẹp hơn, bóng hơn, nhiều bông hoa hơn mười hai chiếc kia. Thế là thê nào! Còn thế nào nữa. Phải thế nào với người ta mới dày công tỉa tót thế chứ. Lại còn khắc chữ "mờ mờ" đầy ẩn ý nữa. Điển trai đại trưởng với hoa khôi trung trưởng thì chỉ có nhất. Đại đội pháo phòng không với trung đội mười hai ly bảy phối thuộc sôi nổi trò ghép đôi và phán như thật.
Chiến tranh luôn có những bất ngờ. Đơn vị được lệnh tăng cường cho mặt trận. Giờ X. Xuất phát. Trời mưa như trút nước. Chàng sỹ quan trẻ nhìn đồng hồ. Còn ba mươi lăm phút nữa là đến giờ X. Anh băng mưa đến trận địa trung đội. Chỉ có một mình cô trong hầm chỉ huy. Phải gắng lắm anh mới nói được điều muốn nói. Cô khóc. Cơn gió huyền diệu lùa tắt ngọn đèn dầu. Cô lao vào cánh tay anh. Gấp gáp lắm nhưng thời gian vẫn đủ để cô dâng hiến cho anh. Chia tay, anh chỉ kịp cởi mảnh vải ngụy trang và dúi vào tay cô tấm ảnh nhỏ.
Đơn vị hành quân vào vùng sâu Đông Nam Bộ. Sau chiến thắng 1975 anh ra quân về trường Đại học. Mười năm anh đã tạo lập được một gia đình hạnh phúc. Từ đó anh hết tâm sức cho công việc.
Qua khỏi rặng cây, cánh bãi òa hiện trước mắt. Cói xanh ngút ngàn như ngày xưa ấy, nhưng vạt đất cao, trận địa cũ không còn. Trên trận địa cũ là dãy lò gạch liên hoàn. Sau một thoáng đắn đo, ông xăm xăm ra khu lò gạch. Thì ra ông đã lầm. Người hôm nay vẫn bảo vệ dấu tích của những ngày bom đạn. Căn hầm chỉ huy ở cuối cánh bãi vẫn còn. Ông bồi hồi đi quanh căn hầm chữ A.
Thấy có người đeo máy ảnh đi quanh căn hầm, mấy thanh niên đang gánh gạch ào lại:
- Chào bác! Bác đi chụp ảnh di tích phải không ạ?
- Bác ơi! Căn hầm này được xếp hạng "Quốc gia" đấy bác ạ.
Cánh thanh niên hỏi dồn khiến ông không biết trả lời sao cho phải. Ông đành nói vui:
- Bác đi thăm trận địa cũ và chụp tất cả.
- Ôi! Hay quá. Cảm ơn bác. Xếp hàng mau chúng mày.
Cả tốp thanh niên xếp hàng trước cửa hầm. Ông vui lây cái vui của lớp trẻ. Ông vừa giơ máy, chọn cảnh tự nhiên nhất thì cô gái có tóc tết đuôi sam chạy ra.
- Xin bác hãy khoan.
- Sao lại khoan? Bọn trẻ nhao nhao.
- Bức ảnh của bác sẽ tuyệt vời nếu có gương mặt người góp phần làm căn hầm này. Xin bác chờ cho một lát.
Ông ngạc nhiên không thốt lên lời. Ba cô gái chạy về dãy lán bên kia thùng đấu. Cánh con trai thì gào lên: "Mẹ Tình ơi. Ra chụp ảnh với chúng con. Mẹ Tình ơi...". Cái tên "Tình" khiến ông giật mình. Ông cố giữ bình tĩnh nhìn về dãy lán. Ba cô gái đang níu kéo một người đàn bà trên lối đi. Ông bàng hoàng tưởng như không đứng vững. Đúng là cô ấy rồi. Tình ơi... ông nấc thầm trong cổ họng. Hình như người đàn bà đã nhận ra ông. Bà khựng lại, ngã thụp xuống lối cỏ.

***

Trời đổ mưa. Gió tạt nước vào nhà nhưng bà không muốn khép cửa. Không có ánh sáng người đàn ông sẽ e ngại. Bà vặn to ngọn đèn, ngước nhìn đồng hồ. Kim dài vồi vội dẫn kim ngắn đi gặp số "bảy". Chiều nay ông hẹn bà bảy giờ ba mươi...
Chiều nay... Ông đỡ bà ngồi lên. Bà gục vào bờ vai ông nức nở. Nước mắt ông âm ấm vai bà. Lần hiếm hoi bà biết vị nước mắt đàn ông. Lũ trẻ tản dần đi. Chiều buông vồi vội. Ông đỡ bà về dãy lán. Ông đi về làng. Bà ngồi lại đó trong ráng chiều vàng rực. Và ký ức như dòng sông trước mặt đang chiều nước lên.

***

Sau đêm mưa ấy... Anh không một dòng tin về. Giọt máu tình yêu lớn dần trong chị...

***

"Phép vua thua lệ làng". Cô Tình không chồng mà chửa. Bố mẹ cô là người mà ngày nay được gói cả vào cái gói "phong kiến". Chị không chịu được lời ong tiếng ve và ông bố vốn rất dữ đòn.
Cũng một đêm mưa chị cuốn gói vài bộ quần áo vào tấm vải ngụy trang và chiếc lược mảnh máy bay, tấm ảnh của anh tặng, lặn lội tàu xe lên Hòa Bình vào một nông trường trồng chè ở với người bà con xa và một cái bụng đã lùm lùm. Rồi chị đén ngày vượt cạn. Cả đội sản xuất nông trường chè lo cho mẹ con chị từ vuông vải tã lót đến bánh xà phòng.
Hôm ra trạm hộ sinh, ngoài những thứ cần thiết cho "mẹ tròn con vuông", chị cầm theo mảnh vải ngụy trang và chiếc lược mảnh máy bay. Có người bảo: "Gái đẻ kiêng chải đầu, sợ sau rụng tóc". Chị mang hai báu vật ấy đi và thầm nghĩ vẫn có anh bên chị lúc "vượt cạn". Bé gái có gương mặt của chị, vầng trán và đôi mắt của anh. Kết quả tình yêu và đau khổ là đứa con đẹp như thiên thần. Bé Tâm lớn lên trong tình thương yêu và đùm bọc của cả nông trường.
Bé Tâm tròn hai tuổi thì chị được tin anh hy sinh. Đứa con và tình cảm của mọi người giúp chị đứng vững. Chị lập ban thờ anh, đặt bên chiếc lược bằng mảnh máy bay là tấm ảnh của anh tặng đã ố vàng. Tấm ảnh thấm nước mắt chị khó mà nhận rõ nét mặt, chỉ có ngôi sao như một chấm đỏ để ta nhận ra đó là ảnh của một anh bộ đội.
Tấm ảnh, chiếc lược bằng mảnh máy bay chỉ rời ban thờ đó có đúng hai lần. Ngày đầu tiên chị gói chiếc lược vào mảnh vải ngụy trang cũ, tấm ảnh của anh mang theo khi cái Tâm bảy tuổi bắt đầu cắp sách tới trường. Lần thứ hai chị mang các báu vật đó rời ban thờ anh đi lên thị xã khi cái Tâm đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn quốc. Từ khi cái Tâm đi học, chị kể cho con nghe về bố nó. Chị không dấu con những điều này điều nọ về chị, không dấu con những khổ đau chị phải gánh chịu. Năm chín tuổi, một đêm cái Tâm thức lay gọi "Mẹ... mẹ ơi...". Chị vùng dậy ôm chầm lấy con, hốt hoảng "Con... con làm sao..." "Mẹ... con mơ thấy ông Bụt dắt con đi chơi trên bờ đê. Dừng lại ngã ba sông, ông chỉ về phía Nam. Bố cháu còn sống, ở phía ấy. Con choàng thức, không kịp hỏi lại..." Sau đêm ấy cái Tâm vụt lớn khác. Nó không vòi mẹ kể chuyện. Nó thản nhiên trước những lời đùa cay độc. Niềm tin của đứa con càng khiến chị nhớ về anh nhiều hơn. Chị đã lầm khi nghĩ rằng theo thời gian đứa con sẽ hiểu ra và niềm tin kia sẽ nhạt nhòa.
Năm con gái tròn mười bảy tuổi chị đưa con về quê. Bố mẹ đồng ý cho chị đặt bát hương bài vị anh lên bàn thờ gia tiên. Chị thuê thợ vẽ bức ảnh anh để lại. Bên cạnh tấm ảnh là mảnh vải ngụy trang và chiếc lược vẫn bóng như mới. Có được ít vốn liếng chị góp cùng bà con mở lò gạch trên cánh bãi ngày xưa là trận địa...
Chiếc đồng hồ treo tường đổ nhạc báo giờ. Tiếng nhạc rộn ràng kéo hai người trở về thực tại. Ông vội dấu bà những giọt nước mắt rơi trên tấm ảnh đứa con rứt ruột của mình. Ông nhìn ra ngoài trời. Mưa đã ngớt.
- Anh phải về thôi Tình ạ...
Bà hiểu ông không muốn nói ra điều ấy. Chỉ cần mình lắc đầu là ông ấy sẽ từ bỏ ý nghĩ đó. Nhưng bà không dám cho dù tình yêu của bà vẫn nguyên vẹn. Và ba giờ đồng hồ vừa qua bà biết trong trái tim ông vẫn dành phần nhiều hơn cho bà và đứa con. Bà đứng lên, đi lại phía ban thờ. Ông nhanh nhẹn giúp bà thắp nến, châm hương. Bà lau nước nước mắt, chắp tay cung kính:
- Thưa bố! Thưa mẹ! Bố mẹ sống khôn chết thiêng hãy về chứng dám hôm nay. Xin bố mẹ tha thứ cho bố cháu Tâm. Cũng chỉ vì chiến tranh, vì miệng lưỡi người đời nên mãi hôm nay anh Trung mới trở về.
Ông nghe thấy hết lời bà thưa gửi với những người đã khuất. Những lời thì thầm như muôn vàn mũi kim găm vào ngực ông. Lỗi là ai khác cơ, là bà chứ không phải ông. Chao ôi! Trước vong linh tiền nhân bà vẫn một mình gánh đỡ tội lỗi cho ông. Chờ bà khấn xong, ông bước đến cạnh bà:
- Anh muốn một mình thưa chuyện với những người đã khuất. Em cho phép anh chứ, Tình?
Ngẫm nghĩ một lát, bà nói:
- Em đồng ý. Anh chờ cho một lát.
Bà gỡ tấm ảnh của ông, thu bát hương sứ lam, chiếc lược, mảnh vải ngụy trang.
- Từ nay, những kỷ vật này sẽ ở chỗ khác.
Trời lại đổ mưa. Một cơn gió lạnh ùa vào, mấy nén nhang đỏ hồng lên. Ngọn đèn dầu như cũng đồng lõa với đêm đen, vụt tắt. Bà quơ tay sờ tìm bao diêm. Bàn tay bà chạm bàn tay ông. Ông nhận thấy bàn tay bà có những nốt chai... kết quả của những lo toan vất vả nuôi con ăn học. Trời càng mưa nặng hạt hơn. Bà đã thắp được đèn. Bà vặn to đèn lên. Muỗi tháng Ba, muỗi hoa lúa, hoa xoan đã dồn được hai người chui vào màn. Nhưng họ vẫn ngồi. Bà gục vào vai ông...

***

Bạn đọc kính mến. Tôi chính là con gái của "cô Tình và chàng sỹ quan điển trai khéo tay ngày nào". Tôi nhận được điện của mẹ vào buổi chiều ngày thi môn cuối cùng kỳ vượt rào. Thi xong tôi ra ngay bến tàu về quê. Đến nhà tôi mới biết bố tôi lên chuyến tàu mà tôi vừa xuống. Có thể bố con tôi giáp mặt mà không nhận ra nhau cũng nên. Bố để lại cho tôi một lá thư dài.
"... Con gái yêu quý.
... Buông tay súng bố nhanh chóng bị cuốn vào những tham vọng công danh, vào một tình yêu mà khi hiểu ra thì đã muộn. Cuộc sống vật chất, chức vụ... không giúp bố làm "cứng" lại cái nền gia đình bấy nay thoáng qua ai cũng tưởng là ấm êm, hạnh phúc. Mấy năm nay bố lấy công việc, ký ức về những năm thánh không quên làm niềm vui, làm điểm tựa để trụ vững, vươn tới. Bố tin con sẽ hiểu..."
Vâng! Tôi hiểu những điều bố tôi viết trong thư. Đêm trước ngày tôi trở lại trường, mẹ con tôi thơ thẩn trên đê và trở về ngồi trên nóc hầm di tích. Mẹ kể cho tôi nghe những chuyện đã kể và những chuyện bây giờ mới kể. Tức là toàn bộ câu chuyện trên. Có thể rồi đây quá khứ sẽ tác động nhiều vào cuộc sống của bố tôi, mẹ tôi. Nhưng biết làm sao khác. Bởi trong tâm thức hai người vẫn còn nguyên đó những tháng ngày qua với đầy ắp ngọt ngào và cay đắng.