Trang chủ » Truyện

Bữa rượu

Tống Trung
Thứ năm ngày 4 tháng 10 năm 2012 3:15 PM

Cơn mưa cuối ngày dai dẳng như những tiếng thở dài. Bóng tối vỡ ra từ muôn vàn giọt nước gõ long tong trên mái tôn. Phạm Vĩnh đứng dậy tắt ti vi, bật đèn cổng. Ông thọc mạnh nạng gỗ mở toang cánh cửa phòng mặc cho mưa tạt. Ngoài đường phố mưa tuôn xối xả, mưa xoắn xuýt đan dày tưởng như không bao giờ tạnh nổi. Phạm Vĩnh lắc lắc đầu, dằn mạnh chiếc nạng vào thành ghế bọc, nhìn ra ngoài trời: "Mẹ kiếp! Mưa quá tháng Bảy. Cứ cái kiểu này thì làm ăn mẹ gì được đây"...
Từ ngày bị nạn, mất xông xáo bay nhảy, Phạm Vĩnh được xếp "tổng" bố trí ngồi ghế giả da phòng "Bạn đọc". Gần bốn năm, hơn ngàn ngày có lẻ, chắt bóp, dè sẻn, trực thay... tuy không dư dả nhưng cũng tạm ổn. Lương tháng bỏ ra hẳn. Ăn uống sinh hoạt hằng ngày đã có quán bia thuê mặt bằng cơ quan "bao cấp". Đồng nghiệp "vào cầu" vứt cho lạng chè, bao thuốc, vài đồng vụn, vậy là đủ chi dùng tằn tiệm. Tháng đôi lần thằng cả sang đón về vui vầy một đêm, sáng sau lại chở trả tận cửa. Thằng bé có ý, đợi cho bố mở cửa ngồi vào chiếc ghế giả da mới quay xe đi.
Chiều nay, thứ Bảy, phá lệ. Phạm Vĩnh cảm thấy mệt mỏi rã rời khi nghĩ đến cảnh thằng cả bơm xe, chằng đệm. Người vợ tần tảo ngồi bên bếp lửa với nồi nước tắm bốc hơi ngùn ngụt. Càng nghĩ càng buồn. Càng buồn càng sốt ruột. Chả lẽ... đã hẹn kỹ, dứt khoát giá nào cũng đến rồi cơ mà... Lạy Phật độ trì, trúng quả này, mình sẽ.... 
Phạm Vĩnh chạnh lòng nhớ lại tháng ngày hoàng kim. Mô kích đỏ, máy ảnh kỹ thuật số, ghi âm xịn, cặp đen kính mát... Nay Xí nghiệp này, mai Công ty nọ. Đại hội mừng công, đón cờ đón giải, phong bao phong bì, hội kín hội mở. Đầu tóc bóng mượt, áo quần chững chạc oai vệ, túi rủng rẻng đồng xanh đồng đỏ... Nhưng rồi. Thật đúng là số con chó mực. Đang làm ăn như diều được gió thì gặp nạn. Phóng viên mảng Kinh tế mà lại bị điều đi theo dõi cưỡng chế. Quyền rơm vạ đá. Cú phang ống đùi gẫy xương chỉ là chuyện nhỏ. Chỗ xước da nhiễm trùng khi bị kéo trượt qua đám ruộng đầy phân trâu phân lợn lại không được sơ cấp cứu kịp thời hoại tử. Chân phải, chân chạy vô phương cứu chữa nên cổng tòa báo có... vết chân tròn. Mà chủ nhân của vết chân tròn đó không ai khác - Phạm Vĩnh. Tuổi rồng mạng chó.
Còi xe và vệt đèn pha sáng quắc kéo Phạm Vĩnh về thực tại. Chiếc xe Dem êm nhẹ lướt vào cổng. Hai người đàn ông lụng xụng áo mưa xách một giỏ nặng lên hiên. Phạm Vĩnh vồn vã:
- Vào đây... vào đây. Cứ tưởng các ông thất hẹn. Mưa kiếp.
- Quán Hợi hết sạch, lão ấy phân bua có khách Hà Nội đột xuất. Phóng đến Hải lé, may còn nhựa mận. Cái món nhựa mận của nó cả tỉnh này mê.
Người đàn ông trán hói tên Quang nhanh nhẹn bày bàn ăn:
- Mưa gió, mát trời thế này quán chó nào chả đắt hàng. Đến muộn, chỉ còn thế này, thông cảm có sao dùng vậy nhé!
Phạm Vĩnh chống nạng đứng dậy ghé sát nhìn chai rượu nút lá chuối và từng món trên bàn, gật gù:
- Ừ... Kể ra cũng còn thiếu... Nhưng thế này là ổn rồi. Ba ta kéo chỗ này sao hết.
- Đã định vác hộp Ni ken nhưng Hải lé bảo RTC là nhất nên lại thôi. Chó vàng thui rơm nếp, rượu bao tử cẩu, mưa gió mát giời... không say không về. Lão Lịch bán chim cổng Sở Nông nghiệp bảo, dùng rồi, không để mà khoe, trên chưa bảo dưới đã nghe ầm ầm - Người đàn ông có ba cái răng vàng liền một chỗ bây giờ mới lên tiếng.
Quang hói trợn mắt:
- Bia là cái chó gì, chỉ tổ đi đái. Rõ đắt mà không đã... Nghe nói thứ ấy chịu thuế "đặc biệt" lại còn chi quảng cáo tiền tỷ. Trăm thứ dốc cả vào mồm thằng uống, tiền đâu mà túy lúy được.
Phạm Vĩnh cầm đũa gõ gõ tô nhựa mận:
- Quảng cáo bằng nước khoáng các ông không? Nào thôi dùng đi, nguội hết cả rồi.
Người đàn ông ba răng vàng choài tay gắp vào bát Phạm Vĩnh quả tim chó bằng cái chén tống, nói:
- Nhận điện của ông, chúng tôi bố trí lên ngay. Chắc là việc khẩn?
Phạm Vĩnh thận trọng:
- Khẩn gì đâu, chả là thế này. Lần nào báo, ti vi, đài tỉnh cũng quảng cáo như thế thì nhàm chán lắm. Vả lại hợp đồng mọi thứ đều thể hiện hết ở phiếu thu phiếu chi, tôi và các ông chẳng xơ múi gì. Bây giờ đã là quý tư, hết năm Tết nhất đến nơi rồi, chưa trông thấy đồng bạc nào... Lần này, ý tôi thế này... Ta vừa ăn vừa bàn.
Phạm Vĩnh đứng đậy với tay rót đầy ba cốc rượu, vui vẻ:
- Nào! Chạm tí. 100%. Phạm Vĩnh chân chạy gẫy cầu nhưng tay bút còn được. Tôi sẽ viết cho các ông một bài. Tất nhiên phải lấy tên khác. Bài này sẽ được đài tỉnh, huyện đọc ở mục thông tin khoa học. Bên báo, tôi sẽ dàn xếp cho in ở mục tin khoa học...
Phạm Vĩnh nuốt nhanh miếng nhựa mận, hắng giọng: "Tiến sỹ sinh hóa Trần Quang, Phó Giám đốc xý nghiệp nước khoáng X. đã nói - Nước khoáng Nha Vô Vi với dây chuyền sản xuất hiện đại, được khai thác ở độ sâu... Đây là một tài nguyên trời cho, giải quyết cho địa phương được nhiều lao động, làm giầu cho quê hương - Đấy, đại loại như thế.
Quang hói mừng ra mặt, săn đón:
- Thế thì tốt quá, nhưng liệu có tiện không?
- Tiện quá đi chứ. Tôi đã làm nhiều quả rồi. Tuyệt chiêu nhé.
- Tuyệt thế nào? Nói nhanh xem nào - Người đàn ông ba răng vàng cướp lời:
- Chả là thế này, lão Lịch bán chim cảnh ở cổng Sở Nông nghiệp nhập về một lô hồng yến. Lão bảo bên Nam Định một cặp hồng yến được bán với giá triệu bạc mà đây bán có sáu trăm vẫn ế. Lão tìm đến tôi. Tôi múa bút cho lão một bài lấy tên: "Người bán chim không tham của rơi". Tôi phịa ra chuyện, vợ chồng một đại gia vào mua chim để quên cặp số ở cửa hàng ông Lịch. Ngày hôm sau quay lại, không những trả cặp số, ông chủ cửa hàng còn vui vẻ tặng tài kiệu "Kỹ thuật nuôi chim cảnh" cho vị đại gia nọ. Đài đọc ngày hai buổi suốt một tuần, báo in bài đóng khung, hồng yến của lão bán sạch. Con mẹ bán kê, thức ăn chim ở dãy ki ốt ấy cũng được lộc lây sang. Quảng cáo thế mới siêu chứ. Quả ấy, lão Lịch "nhuận" cho tôi đôi hồng yến cực đẹp. Lại còn chuyện lão Thàng cây cảnh quất đào bên Hoàng Diệu mới hay. Ngày tôi chưa bị nạn, thỉnh thoảng đưa tin về mô hình trang trại, còn kiếm được cành đào gốc quất chơi Tết. Tôi gẫy cầu, ngồi phòng "Bạn đọc" mấy lão chủ cây cảnh bên ấy quên mình luôn. Chỉ còn lão Thàng thỉnh thoảng ghé đây gửi hàng, uống nước, tán phét. Lần ấy lão phàn nàn cây đang ế ẩm sau cơn sốt xuất đi Trung Quốc. Tôi lại "cấu tứ" múa bút cho lão: "Cây cảnh Văn Thàng, một địa chỉ tin cậy". Bài này tôi viết rất khéo, quảng bá bon sai, cây cảnh ở trang trại ấy rất có uy tín. Đài đọc, báo in một thời gian ngắn sau, vườn cây nhà lão bán sạch trơn. Tết đó, lão Thàng đưa phong bao, biếu đào, quất cho tôi. Tôi khôn, bảo lão chở đến nhà sếp tổng cây đào thế, đưa lên phòng Trị sự cây quất đẹp. Thế là im thin thít như thịt nấu đông...
Quang hói tợp mạnh ngụm rượu, dằn cái cốc xuống bàn, choài người ghé sát Phạm Vĩnh vồ vập:
- Thế quả này ông tính sao?
- Chỗ làm ăn quen biết nhau đã lâu, "cơ chế" thế nào ông cứ cho biết. Chủ ý thế, ý tưởng thế, tay bút ông chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Quả này dứt khoát thắng đậm. Các ông tính, tỉnh ta bằng cái lỗ mũi mà ba xý nghiệp nước khoáng. Không có chiêu quảng cáo độc thế thì có mà bán cho... Ba răng vàng đã định nói bán cho chó thì mau mắn dừng lại được khi nhìn đĩa nhựa mận chỉ còn mấy miếng riềng thâm xịt.
Phạm Vĩnh đưa đũa gẩy gẩy mấy miếng riềng trong đĩa nhựa mận tỏ ý tiếc rẻ:
- Lịch chim làm ăn cò con còn xử được thế. Đằng này các ông... Thôi nói vậy còn tùy các xếp, ta còn gặp nhau nhiều mà...
Tiếng "mà" được kéo dài ra từ rượu bao tử, thịt chó và cái cổ cò bị ngắt đột ngột vì chuông điện thoại.
Người đàn ông ba răng vàng đứng dậy cầm máy. Phạm Vĩnh phẩy tay:
- Ông cứ đặt xuống, nhấn nút loa ngoài cho mọi người cùng nghe. Chắc thằng cả nhà tôi đấy mà.
- A lô... A lô... Ai đấy. Nói to lên, mưa lắm. À... Dạ... Dạ... Dạ, sếp tổng nói sao, có người kiện em à? Em đã ngồi vào ghế này rồi còn có người kiện thì lạ thật. Sếp bảo sao, họ kiện em viết quảng cáo trá hình? Dạ. Vâng! Sếp cứ thu xếp cho em ổn thỏa... Còn bản báo cáo tổng kết, em đang chắp bút cho sếp đây. Sắp xong rồi ạ. Sếp cứ yên trí. Dạ. Tết nhất đến nơi rồi. Năm nay sếp chơi đào hay quất để em chuẩn bị... Dạ. Sếp cố thu xếp mọi chuyện cho em nhé. Trăm sự nhờ cả vào sếp tổng đấy. Dạ! Dạ... Chúc anh ngủ ngon...
Quay qua Quang hói, ba răng vàng, Phạm Vĩnh lập mặt nghiêm:
- Các ông cứ yên trí. Sếp tổng búa vậy, để thúc tôi hoàn thành cho lão bản báo cáo tổng kết năm. Trưởng thành từ cán bộ Đoàn lên, lão có chữ nào trong đầu trong óc đâu mà viết được. Từ ngày lão sang đây làm "tổng", phát biểu, báo cáo đều tôi chắp bút cho cả. Thôi, được rồi. Các ông về đi. Mọi việc cứ yên trí, để tôi lo...
Đợi Phạm Vĩnh lọc cọc nạng gỗ đi vào toa lét, Quang hói nháy mắt ba răng vàng với chai rượu bao tử cẩu còn non nửa ra ấn vào cốp xe.

 

       TỐNG TRUNG