Trang chủ » Truyện

Chiếc compa bằng thép

Thứ hai ngày 15 tháng 10 năm 2012 2:43 PM


Ở đồng về, Hùng ngạc nhiên thấy có lốt xe máy vào ngõ. Ai mà sang thế nhỉ? Anh thực sự băn khoăn. Vừa lúc đó bà Bình chạy sang, bà hàng xóm vốn nhanh miệng không để Hùng kịp lên tiếng chào:
- Chú khó bảo thật. Vừa ốm dậy, trời rét mướt thế này mà vẫn ra đồng. Ai bắt tội chú nào...
- Chẳng ai bắt cả. Em cố làm cho xong. Ngày mai có cuộc họp cựu binh.
- À này! Chú có thư đấy. Cô bưu tá đến, chú không có nhà, gửi tôi cầm hộ đấy.
- Cảm ơn bác.
Nhìn qua bì thư, Trần Hùng rất ngạc nhiên. Nét chữ là lạ; dấu bưu điện tỉnh cực Nam Trung Bộ. Anh ngồi tựa cột hiên, run run gỡ mép bì thư.
Trần Hùng lặng đi. Lá thư ngắn nhưng khá lâu anh mới đọc hết. Lòng anh dậy những nỗi niềm. Mới thế mà đã hai mươi năm. Hai mươi năm... Thời gian đủ cho đứa trẻ ẵm ngửa tới độ chín trưởng thành. Đủ cho mỗi con người suy ngẫm về chính bản thân mình. Đủ cho người lính trở về sau chiến tranh thấm thía hai chiều cuộc chiến. Trần Hùng không nén nổi tiếng thở dài. Lúc này đây, anh không biết sức mạnh nào kéo được người lính ra khỏi dòng ký ức đang ào về như dòng sông mùa lũ.

***

Đêm như vỡ ra từ những loạt đạn AK, tiểu liên cực nhanh. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Khói súng khét lẹt đặc quánh lại. Tiếng thét, tiếng gào... rợn người. Bóng đêm không còn là cái gì vô hình vô ảnh. Nó như một cái túi đen khổng lồ quơ vào đó một trong hàng vạn đêm đầy ắp chết chóc.
Trong hốc đá bên bờ suối cạn, bốn người mũ tai bèo sùm sụp, chụm đầu quanh ánh đèn pin hạt đỗ:
- Chiến dịch sắp mở, bất ngờ chúng ta lọt ổ phục kích. Tình thế buộc ta phải nổ súng truy kích tiêu diệt hết bọn dù. Có như thế mới đảm bảo được yếu tố bí mật bất ngờ cho chiến dịch. Chỉ còn việc khó xử là tên tù binh. Hắn bị thương vào chân. Vết thương khá nặng...
- ...
- Tôi phản đối! Chúng ta không được phép cực đoan trong vấn đề tù, hàng binh.
- ...
- Tôi đồng ý.
- Tôi cho rằng...
- ...
- Quyết định cuối cùng! Chúng ta thực hiện phương án dự phòng. Tiếp tục bao vây tiêu diệt địch. Đồng chí Hùng mấy hôm nay bị sốt vẫn cố gắng bám sát đội hình. Nhiệm vụ mới của đồng chí là đưa tù binh về hậu cứ...
Từ lúc được băng bó vết thương, người lính ngụy thôi vật vã rên la. Anh ta ngồi tựa gốc cây, căm cắm nhìn về phía hốc đá.
Trần Hùng trở lại với tên tù binh. Anh ngồi xuống, dí sát đèn pin vào vết thương trên đùi tù binh.
- Không còn chảy máu nữa. Nhưmg đau đấy. Có biết chống gậy không.
- Dạ... Thưa ông
- Tôi là Hùng! Còn anh? Tên Giao, thứ hai hả! Coi như xong thủ tục làm quen. Anh đứng lên xem nào. Chờ tôi chặt cho cái gậy chống...
Trần Hùng rút dao găm chặt cành cây làm gậy. Anh xốc lại ba lô, kiểm tra khẩu AK, phảy tay về cánh rừng già phía trước, hơi sẵng: "Đi thôi"
Vùng này với Trần Hùng quá quen thuộc. Để đến cánh rừng mờ xanh kia có nhanh cũng phải ba ngày băng rừng, lội suối, vượt qua nhiều trảng cỏ, vùng trắng. Cái chết phục sẵn trên từng bước chân.
- Thưa ông giải phóng. Người tù binh dừng lại, ngập ngừng:
- Xin ông cho nghỉ một lát...
Trần Hùng nhìn đồng hồ tay, gật đầu.
- Ta đã đi được ba tiếng liền. Sắp tới là bãi trống, nghỉ nửa tiếng lấy sức vượt hiểm.
Người tù binh buông gậy ngồi thụp xuống gốc cây.
- Đa tạ ông giải phóng.
Trần Hùng ngồi xuống với anh ta, ôn tồn:
- Tôi đã nói với anh rồi! Tôi là Hùng, Trần Hùng. Nếu không tiện gọi tên, cứ xưng anh tôi cũng được. Ở đây chỉ có tôi với anh. Tôi sốt rét, anh bị thương. Đường về còn xa mà nhiệm vụ tôi, nghĩa vụ anh như thế nào, khỏi cần nhắc lại.
Người tù binh cúi đầu, nét mặt trầm tư. Anh ta nhìn vết thương ở chân, thở dài...
Tất cả những biểu hiện của anh ta không qua nổi mắt Trần Hùng:
- Anh đau lắm à? Để tôi xem vết thương thế nào...
- Không... Thưa ông... à thưa anh, tôi đang nghĩ về điều khác.
- Điều gì vậy?
- Xin nói thật. Hồi đêm tôi nghe trộm cuộc hội ý của các anh. Chúng tôi được nghe người ta nói về các anh khác hẳn.
- Khác thế nào?
- Người ta nói, trở thành tù binh của Cộng sản tức là chịu cái đau đớn gấp vạn lần cái chết vì bom đạn. Đơn vị tôi đã có mấy người không cam chịu làm tù binh. Họ tự chết và nổi tiếng "người hùng"...
Trần Hùng bật cười:
- Cảm ơn anh đã nói thật! Rồi thực tế sẽ giúp những "người hùng" của các anh sáng mắt ra. Giờ, tôi muốn hỏi thật anh. Các anh chủ động nổ súng, sau đó bị chúng tôi đánh cho tơi bời, tuyệt đường. Chúng tôi gặp anh ở tư thế nằm sấp, vết thương do đạn gần, từ phía sau bắn lên. Phải chăng anh muốn làm một người hùng?
Người tù binh lắc đầu chua xót:
- Đến giờ đi chưa, thưa ông...
- Còn năm phút nữa. Nhưng nếu anh không muốn nghỉ, để tôi băng lại vết thương cho rồi hãy đi.
Phía sau, Trần Hùng giữ đều khoảng cách với người tù binh. Anh ta chợt có những biểu hiện lạ. Lúc bước rất nhanh, nhẹ nhàng, lúc rất chậm, khó nhọc. Chốc chốc anh ta quay lại nhìn trộm người phía sau. Trần Hùng thấy thương hại hơn là cảnh giác. Anh dấn lên ngang hàng với người tù binh, thân mật:
- Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi đâu nhé...
Người tù binh không dừng bước, mái đầu bù xù gằm xuống.
- Thưa anh Hùng! Nói ra không biết anh có tin! Chính tên chỉ huy bắn tôi...
- Chỉ huy bắn lính? Trần Hùng thốt lên
- Đúng thế! Có thể y nhằm đầu tôi; nhưng loạt đạn của các ông làm nó run tay, trệch hướng. Tôi quay lại, kịp nhận ra kẻ hại mình thì y đổ gục. Không nhờ loạt đạn của các ông thì lúc này tôi đang trương phình, làm mồi cho dòi bọ...
- Tại sao hắn lại bắn anh...
- Biết nói với anh thế nào đây? Ở xứ này, một trái ý, va chạm nhỏ cũng là cái cớ sát hại nhau. Hôm qua trước khi đi phục, bọn tôi vào ba. Ở đấy tôi có người bạn gái. Người yêu cô ấy mới chết trận. Chúng tôi đang nói chuyện thì chỉ huy đến. Hắn muốn làm tình với cô. Nhưng cô từ chối, nói rằng đã có tôi. Hắn thù tôi vì thế...
Sắp tới bãi trống, Trần Hùng ra hiệu cho người tù binh dừng lại. Anh áp vào gốc cây quan sát phía trước. Trong trí nhớ của anh, hai tuần trước đây chỗ này còn là cánh rừng um tùm. Những loạt bom na pan, bom phát quang đã biến cánh rừng thành bãi trống. Ở vùng giáp ranh này, quân địch ít khi bén mảng. Khó khăn ở khía cạnh khác. Trần Hùng biết mình đang có dấu hiệu sốt cao và người tù binh sưng tấy vết thương, bước đi rất khó khăn. Trần Hùng phác nhanh phương án. Anh lại gần người tù binh:
- Phan Giao này, ta nghỉ nửa tiếng lấy sức vượt bãi trống...
- Thưa anh Hùng, không nên thế. Nếu có thể, chúng ta vượt bãi trống rồi nghỉ. Như thế dễ tránh đụng với lính bị ép đi phục kích, an toàn hơn...
- Tôi đồng ý. Phải cẩn thận kẻo vướng mìn hoặc bom bi...
Cuối bãi trống là cánh rừng già. Bóng tối ập xuống. Bên chân bị thương của người tù binh sưng tấy, co giật. Với Trần Hùng, cơn sốt như cách nói của lính đã ở trong tầm tay. Hai người phải cố gắng lắm mới tới được bìa rừng. Khi đã vào sâu trong rừng, Trần Hùng bảo người tù binh: "Đêm nay ta nghỉ. Ba giờ sáng mai đi tiếp...".
Giúp người tù binh băng bó lại vết thương, Trần Hùng chặt cây làm thành mái lều đủ cho hai người. Trước cả khi trên đầu có mái che, Phan Giao nằm vật ra, co quắp, thở khó nhọc. Trần Hùng thêm lo lắng. Vết thương của Phan Giao đã có hiện tượng nhiễm trùng, hoại tử. Nếu không được cấp cứu kịp thời, cái chết là điều khó tránh. Trong túi thuốc cá nhân chỉ còn một liều kháng sinh, mấy viên tăng lực. Quãng đường còn lại gần bằng con đường đã qua. Trần Hùng rùng mình không dám nghĩ tiếp. Anh lấy thuốc, đỡ Phan Giao ngồi lên. Vết thương đã có mùi.
- Thuốc đây! Uống đi cho lại sức!
- Cảm ơn anh. Tôi không thể... Đây là thuốc dành cho anh...
- Đừng nghĩ vớ vẩn! Uống ngay. Đây là lệnh!
Lúc sau, liều thuốc đã giúp Phan Giao tỉnh táo lại. Anh ta tự đứng ngồi được. Trần Hùng vợi hẳn nỗi lo. Anh bày lương khô lên chiếc lá, nói đùa:
- Ta ăn mừng việc anh khỏe lại. Nào...
Phan Giao cầm phong lương khô, nhìn Trần Hùng:
- Xin được nói thật. Anh đang dối tôi...
- Dối anh! Mà dối gì mới được chứ?
- Anh đang sốt cao. Sắc mặt anh lúc đỏ lựng, lúc tái xám. Người lính mới đầu quân cũng nhận ra điều ấy. Anh đang làm ra vẻ bình thường để động viên tôi.
Trần Hùng xúc động trước những lời của Phan Giao. Anh đẩy thêm phong lương khô sang phía Phan Giao:
- Thì anh cũng làm ra vẻ khỏe lại để tôi yên tâm. Coi như hòa. Mình nói chuyện vui cho quên đau quên sốt đi. Tôi hỏi anh, cuộc chiến kết thúc, trở về anh làm gì?
- Không biết tôi đã nói với anh chưa nhỉ! Mới chỉ nói thoáng qua rồi thôi, vì cơn đau. Vợ tôi là giáo viên. Nàng nói thời buổi này chỉ đi tu, hoặc làm nghề dạy học mới có thể nhẹ được cái tâm. Nàng chỉ đồng ý lấy tôi với điều kiện không được bắt nàng bỏ nghề. Chả là nhà tôi có sạp hàng lớn ở chợ Đông Ba. Nói thật, được làm chồng nàng, có phải thế nào tôi cũng chịu. Chúng tôi đã có một đứa con. Nó kháu khỉnh đẹp như thiên thần. Bây giờ, lọt vào tay các anh, tôi mới chắc mình được sống. Chiến tranh kết thúc tôi sẽ trở về phụ ba má buôn bán, nuôi con, giúp vợ. Và biết đâu, vợ tôi chả bắt tôi tiếp tục đi học để trở thành Luật sư, Đốc tờ...
- Anh có người vợ thật tuyệt vời. Còn tôi, cuộc chiến kết thúc, tôi sẽ trở về với người mẹ già của tôi. Đêm nay ở quê, mẹ tôi có ngủ được không. Mẹ có còn khỏe không? Quê tôi còn nghèo lắm. Trở về tôi sẽ cầm cày, đi cất vó, chăn vịt như cha tôi đã làm sau khi ra khỏi cuộc chiến thứ nhất...
- Thưa anh Hùng! Có lẽ tôi là người gặp may. Lại càng thương thằng bạn cùng phố, bị bắt quân dịch cùng ngày. Nó chết thảm lắm. Hành quân tốc chiến hai ngày bị bỏ đói, bỏ khát. Gặp trái rừng nó hái đầy mũ. Bọn tôi xúm lại, nó bảo để tao ăn thử. Ai dè trái độc, nó lăn lên, vật vã rồi đi luôn. Chỉ huy lệnh táp nó vào bờ suối, hối bọn tôi đi. Vài ngày sau, bọn tôi đụng các anh.
Câu chuyện với Phan Giao giúp Trần Hùng thêm sức cầm cự với cơn sốt. Đã mấy lần nó toan quật ngã anh. Nhưng ánh mắt tin cậy, những lời bộc bạch của cả hai phía đã giúp anh trụ vững. Mười giờ đêm, cơn sốt đang tới đỉnh cao. "Ta sẽ bị nó quật ngã và ngất lịm! Nhưng còn tù binh? Dù sao vẫn phải cảnh giác..." Trong lúc Phan Giao ôm chân quấn lại mối băng, Trần Hùng kín đáo kiểm tra súng AK, dao găm.
- Ta đi ngủ. Ai dậy trước sẽ đánh thức người còn ngủ...
- Dạ! Xin anh cứ yên tâm...
Cơn sốt đã chiến thắng. Nó quật ngã, ném Trần Hùng vào mê lịm. Anh cảm giác đang nằm trên chiếc giường tre bên cửa sổ hướng ra vườn chè. Người mẹ già nua đỡ đứa con ngồi lên, bón từng thìa cháo. Ngọt quá. Mẹ nấu khéo quá. Rét quá! Khát quá! Mẹ ơi. Mẹ đắp lên người tấm chăn mỏng. Có tiếng ai như tiếng con gái. Bàn tay ai mềm mại thế! Oàng... oàng... Súng nổ từ phía nào. Vườn chè tan hoang...
Trần Hùng choàng tỉnh. Mình đang ở đâu thế này? Kìa trăng! Ánh trăng đẹp quá. Cả gió mát nữa. Áo ai đắp lên mình thế này?... Trần Hùng cố trấn tĩnh nhớ lại những gì đã xảy ra. Cơn sốt nặng, kéo dài nên mất mấy phút anh mới hoàn toàn tỉnh táo. Anh nhìn ra xung quanh. Trời ơi! Phan Giao nằm ngửa trên vũng máu. Trên người anh ta chỉ độc chiếc quần xà lỏn. Trần Hùng hiểu ra ngay. Phan Giao cởi áo đắp cho anh trong cơn sốt. Nhưng kẻ nào bắn anh ta? Trần Hùng lết lại. Anh thấy khẩu AK dựa đứng vào gốc cây, báng súng chẹn lên gói ni lông nhỏ. Trần Hùng áp tai lên ngực Phan Giao. Trái tim đã ngừng đập. Gương mặt Phan Giao nhợt nhạt nhưng cặp môi hé nụ cười mãn nguyện. Trần Hùng cố bế Phan Giao ra khỏi vũng máu. Anh vuốt mắt, lau thi thể cho Phan Giao. Lưỡng lự một lát, Trần Hùng lục ba lô lấy ra bộ quần áo của mình. Xong xuôi anh ngồi tựa gốc cây, soi đèn pin mở gói nhỏ. Chiếc com pa bằng thép và tờ giấy gấp tư. Bỏ chiếc com pa vào túi, anh mở tờ giấy
"Thưa anh Trần Hùng. Tôi viết mấy dòng này trong lúc anh lịm đi vì cơn sốt và tôi đang bị vết thương hành hạ.
Thưa anh. Hai ngày qua với tôi thật đáng nhớ. Tôi đã hiểu được thế nào là phẩm chất người lính giải phóng. Tôi hết sức khâm phục các anh. Tôi được học nhiều hơn nhưng tầm suy nghĩ không được bằng anh. Hai ngày qua, anh đã giúp tôi nhìn lại bản thân mình. Trận chiến này sẽ đến hồi kết thúc và phần thắng chắc chắn thuộc về các anh.
... Tôi biết phải hai ngày nữa chúng ta mới về đến cứ. Hai ngày, hàng trăm cây số đường rừng. Anh đã giành cho tôi liều thuốc cuối cùng. Lương khô chỉ còn đủ cho một người, một bữa nữa thôi. Tôi biết anh sẽ giành phần đó cho tôi. Anh sẽ dìu tôi đi cho đến lúc cả hai gục xuống vì đói khát, sốt rét, vết thương. Tôi sẽ là gánh nặng quá sức đối với anh... Biết nói thế nào cho anh hiểu tâm trạng tôi lúc này! Mong anh tha lỗi cho tôi. Tôi đã lựa chọn cách tốt nhất là tự giải thoát. Phong lương khô, vài viên thuốc còn lại sẽ có ích hơn nếu người dùng là anh. Anh phải về tới đích để tiếp tục chiến đấu...
Anh Hùng ơi! Có gì đó là nguyện vọng, tôi xin anh hai điều. Thứ nhất, tôi làm được chiếc com pa bằng thép không rỉ. Vợ tôi là giáo viên. Tôi hứa sẽ tặng nàng. Món quà này rất có ý nghĩa của người chồng tặng vợ. Như của cậu học trò tặng cô giáo thân yêu. Tôi chỉ mong sao món quà đến được tay người vợ yêu. Thứ hai, anh hãy táp tôi vào đâu đó. Sau này, nếu có thể anh báo tin cho vợ, con tôi theo địa chỉ...
Vĩnh biệt ân nhân của tôi..."
Trần Hùng cố kìm nước mắt, gấp lá thư, gói kỷ vật của Phan Giao cất vào túi ngực. Anh chống gậy đi tìm nơi nằm lại cho con người lầm lạc. Phan Giao nằm ở lưng đồi trong khe ba hòn đá chụm đầu.

***

Thưa bạn đọc! Tôi là con trai bà Bình, hàng xóm của chú Hùng. Tôi là học viên trường Lục quân đang nghỉ hè. Câu chuyện trên chú Hùng kể cho tôi nghe vào đêm sau ngày chú nhận được lá thư từ phía Nam.
Sau chiến thắng 1975, Trần Hùng tìm đến số nhà theo địa chỉ Phan Giao để lại. Những người ở đấy cho biết gia đình đã chuyển đi từ lâu. Không ai rõ địa chỉ mới. Ít lâu sau, Trần Hùng nhờ bạn bè, nhắn tin trên đài báo. Cuối năm 1994 vợ con Phan Giao ra Bắc tìm đến nhà Trần Hùng. Thật éo le, lúc đó vợ Trần Hùng đang làm đơn xin ly hôn. Trong con mắt người đàn bà lăng loàn, cái gã đàn ông tháng dăm ba cơn sốt, nhu nhược, ngơ ngác giờ lại bị quy thêm tội lăng nhăng. Bằng chứng nhãn tiền kia. Người ta đưa con đi tìm mộ chỉ là cái cớ! "Ông ăn chả thì tôi phải ăn nem", còn trách ai... Mọi lời giải thích với ả như nước đổ đầu vịt. Trần Hùng đồng ý ly hôn. Ngay hôm sau anh vào Nam. Anh đưa mẹ con Phan Thuận đến nơi chôn cất con người tội nghiệp. Trước khi trở ra Bắc, Trần Hùng trao cho vợ con Phan Giao chiếc com pa bằng thép không rỉ. Trần Hùng xin giữ lại lá thư làm kỷ niệm.
Thế còn lá thư ở đầu câu chuyện? Xin thưa, dó là thư của Phan Thuận, đứa con trai độc nhất của Phan Giao.
"...Thưa bác Trần Hùng. Đúng ngày... cháu có mặt ở Hà Nội dự Hội nghị Tài năng trẻ. Việc này má cháu nghĩ lung lắm. Má rất mừng vì cháu đã không phụ lòng các bác, các chú, quên đi những mặc cảm, gắng gỏi học hành, tu dưỡng...
Má cháu nghĩ nhiều về bác đó! Má muốn cùng cháu ra sớm ít ngày về với bác trước khi đi dự Hội nghị... Ý bác thế nào, thư gấp cho mẹ con cháu".
Tôi gấp lá thư trả lại ngăn bàn, không kìm được câu hỏi:
- Ý chú thế nào?
Cựu Đại úy đỏ mặt, bối rối:
- Thế nào hả! Chú viết trong thư gửi nhanh sáng nay rồi! Chủ nhật tới chú ra ga tàu đón mẹ con Phan Thuận.
- Thế tức là ít ngày nữa cựu Đại úy không còn là người đàn ông cô quạnh nữa chứ gì!
Trần Hùng im lặng. Đôi mắt người cựu binh hướng về phương trời xa. Tôi nhận ra trong đôi mắt ấy đang hừng lên niềm vui.