Trang chủ » Truyện

Người thày khốn khổ của tôi

Phạm Xuân Cần
Thứ hai ngày 18 tháng 6 năm 2012 8:25 PM
Truyện ngắn
 - Ông ấy "đánh" xong bát mỳ tôm, rồi chuồn à ?
 Con bé nhà bên ngó vào cửa sổ nhà tôi, hỏi trống không. Nếu trong những trường hợp khác, thì hẳn là tôi đã bực lắm. Còn giờ đây, nhìn theo ông già cũ kỹ khắc khổ đang dắt xe khuất dần ra ngõ, tôi chỉ buồn. Cái buồn giống như một thứ dung dịch kỳ quái, thấm dần khắp cơ thể khiến tôi cảm thẩy mệt mỏi và uể oải. Bởi vì, có một điều mà con bé hàng xóm, cô học sinh lớp 10 ấy không hiểu, là ông già ấy, người vừa "đánh" xong bát mỳ tôm rồi "chuồn" ấy chính là thầy tôi. Ông dạy văn tôi những năm trung học, cách đây đã ngoài 20 năm. Một người mà năm, mười năm sau, khi đọc "Người thầy đầu tiên" của Aimatôv, không hiểu sao bao giờ tôi cũng nghĩ đến ông. Và cứ đinh ninh rằng: nhất định ông già Đuy sen trong truyện phải là như thế! Hai mươi năm trước, ông đã là một ông già, dù tuổi chưa đến năm mươi. Tôi vẫn còn hình dung rất rõ chiếc sơ mi "cháo lòng" cáu bẩn nhét cẩu thả trong chiếc quần ga ba đin màu nước dưa. Hai ống quần, trái lại được buộc túm rất cẩn thận bằng hai vòng dây cao su. Ông dựng chiếc xe "Supe- clốp" có cái ghi đông vểnh ngược vào đầu hè, rồi bước vào lớp. Mấy đứa con gái ngồi dãy bàn đầu cúi xuống che miệng cười. Ông xấu quá! Cái miệng méo như muốn kéo dệch khuôn mặt lưỡi cày đen sạm sang một bên. Đôi chân chữ bát luỳnh khuỳnh, được kết thúc trịnh trọng bằng đôi dép lốp quai to, cong cớn. Ông lững thững bước ra giữa bục, rồi đột ngột hất mạnh mái tóc ngược lên, để lộ ra một vầng trán rộng. Quả thật, tôi và có lẽ chỉ mình tôi thôi phát hiện và cảm nhận đựoc cái cốt cách nghệ sĩ trong ông, qua cái hất đầu quả quyết ấy. Công bằng mà nói, ông giảng không hay, và cũng chưa có ai khen ông dạy giỏi. Nhưng, suốt cả quãng đời làm trò dài dặc, và sau đó cả trên mười năm làm thầy của mình, tôi chưa bao giờ thấy ai có kiểu lên lớp hồn nhiên như ông. Giảng dân ca, ông hát cho chúng tôi nghe đủ các làn điệu Bắc- Trung- Nam. Tôi như vẫn còn thấy cái hàm dưới giật giật, khi cái mồm méo của ông ư ử một điệu ca trù. Học Nguyễn Đình Chiểu, ông thắp lên mấy nén hương. Và thế là bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" vang lên qua giọng đọc của ông, nghẹn ngào, nức nở. Rồi cái bục chưa đầy hai mét vuông trở thành sàn diễn cho ông độc diễn từ nàng Thị Kính đầy đau khổ và oan khuất, cho đến lão Acpagông keo kiệt. Sau này cuộc đời đã cho tôi nhiều dịp được xem kịch Sêcxfia trên màn ảnh và trên sàn diễn. Nhưng, không bao giờ như lần ấy. Tôi xúc động đến sởn gai ốc, khi thầy cầm trên tay hộp phấn thay cho cái đầu lâu, hoá thân thành chàng Hămlét tột cùng hoài nghi và tột cùng đau khổ trong đoạn độc thoại trứ danh "Tồn tại hay không tồn tại ?" Mãi sau này, khi đã là cán bộ giảng dạy trong một trường đại học danh tiếng, tôi mới biết diễn những trò ấy trên bục là thái quá, là "phản sư phạm". Còn hồi ấy, tuyệt nhiên không ai cho là lố bịch. Có lẽ vì thầy làm tất cả những điều đó một cách thật tự nhiên và hồn nhiên.
 Nhưng không phải chỉ có thế. Thầy không làm cho tôi bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của kiến thức. Trái lại, ông đã chuyển vào tôi nặng nề và khó nhọc cái vẻ đẹp cổ kính, thâm thuý của một chữ, một câu thơ Đường, hay cái phong vị "humuor" nhẹ nhàng trong một trang văn cổ điển. Ông vốn là học sinh của trường Quốc học Huế. Cái vốn Hán- Nôm được thừa kế của một giòng dõi khoa bảng, cộng với những gì thu lượm được qua hàng chục năm "theo đòi Tây học" là niềm ao ước của biết bao nhiêu giáo viên văn học. Nhưng, ông thì có lẽ không có ý đồ khoe khoang cái gia tài kia, dù là trước những cặp mắt ngơ ngác của chúng tôi hồi đó. Sau này trên giảng đường đại học, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ toả ra từ hình thể và tri thức của các vị giáo sư đáng kính, hay từ các trợ giảng hăng say. Tôi cũng kính phục và biết ơn họ lắm. Nhưng không hiểu vì sao, giống như những viên bi ve của tuổi học trò, họ lăn vào và lăn ra khỏi trí nhớ của tôi dễ dàng đến thế. Còn thầy, thật kỳ lạ cứ đeo đẳng, cứ ám ảnh mãi trong tôi, như một củ ấu gai góc.
 Cách đây hơn mười năm, căn phòng độc thân của tôi ở Hà Nội được đón ông. Ông hồ hởi báo cho tôi biết ra Hà Nội để thi tuyển giáo viên đi làm chuyên gia ở Châu Phi. Điểm chuyên môn và tiếng Pháp ông đều đã đạt, chỉ còn đợi khám sức khoẻ. Nhưng rồi, hai ngày sau, ông thất thểu đến: "Họ loại mình rồi, ông ạ. Vì lý do hình thể". Ông chỉ nói vậy, rồi quay mặt, ngó lơ đi chỗ khác. Tôi cũng không dám hỏi ông thêm một câu nào nữa. Hai thầy trò im lặng trong bữa cơm từ biệt. Đêm ấy, tôi mua vé đưa ông lên tàu. Cái hình bóng khô khỏng, liêu xiêu trên sân ga khiến tôi rơi nước mắt. Nhìn đoàn tàu nặng nề chuyển bánh, tôi nghĩ đến ông với một toa tàu sáu đứa con thơ... Chưa đầy một năm sau, tôi được tin ông về hưu.
 Rồi cuộc sống cuốn trôi đi. Quay cuồng trong cuộc mưu sinh, tôi chỉ còn nhớ đến ông mỗi lần về quê, đi qua ngôi trường cũ. Tôi cũng đã lấy vợ, có con. Và dần dà cũng hiểu ra rằng: cuộc đời mình không phải chỉ có khoa học, khám phá và sáng tạo, không phải chỉ có cái xúc cảm nguyên sơ mỗi khi bước lên bục, và từ cái vị trí thiêng liêng ấy mắt mình như đắm chìm trong một biển mắt khác trông lên, trong xanh và thánh thiện. Cuộc đời còn là nửa gian nhà tập thể, chật chội và ẩm thấp ở tít cái thị xã kia. Ở đó có người vợ gầy và hai đứa con thơ. Và thế là, không  đợi cho tương lai huy hoàng sẽ đến, tôi đành chia tay Hà Nội, bỏ lại trọn một quãng đời tuổi trẻ đã chết đuối trong cái biển mắt thăm thẳm ấy. Về quê, trút bỏ áo mão người thầy, tôi trở thành một công chức mẫn cán, ngày hai buổi cần cù đạp xe tới sở. Bóp còi sau lưng và vượt lên phía trước, xì khói vào mũi tôi, là rất nhiều cựu sinh viên của cái trường đại học danh tiếng nọ. Đôi khi sau tiếng còi, tôi giật mình nghe tiếng "Chào thầy". Nghĩa là họ còn nhớ đến tôi. Mà lẽ nào lại không nhớ nhỉ ? Thậm chí có người thành thật: "Sao thầy không sắm lấy cái xe máy mà đi cho đỡ cực ?". "Mình lấy đâu ra tiền".Tôi cũng thành thật. "Sao thầy lại không có tiền? Học trò của thầy nhiều người làm to, giàu có lắm". "Thế anh bảo tôi phải đi xin họ sao ? "Thầy không phải xin, mà họ cũng không phải cho, thời buổi bây giờ thiếu gì cách giúp đỡ nhau".
Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu, thì nghe tiếng gọi tên mình từ bên kia đường.
Chính là ông. Vẫn khuôn mặt ngày xưa, có khác chăng là nó đã được bủa vây bằng rất nhiều nếp nhăn nhằng nhịt. Ông bắt tay tôi với một bàn tay gầy guộc và đen nhẻm.
- Mình nghe nói ông đã chuyển về đây.
Tôi hồ hởi:
- Vâng, em đã về được vài ba tháng. Thầy về nhà em chơi đi. Tôi chợt nghĩ đến mấy đồng tiền thảm hại trong cái ví lép kẹp của mình, và thoáng ái ngại, nhưng ông đã "ừ cũng được", và xăm xắm đạp xe đi trước. Cả thân hình lẳng ngẳng của ông lình xình trong cái áo vét dạ đen sờn bẩn. Hai ổng quần thùng thình như ngày nào, vẫn được buộc túm cẩn thận bằng hai sợi cao su.
Mấy người trong khu tập thể tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi đi cùng ông, và có lẽ còn ngạc nhiên hơn khi thấy tôi thưa gửi với ông rất là cung kính:
- Nhà em đây thầy ạ. Nhà tập thể còn chật chội lắm.
- Thôi, thế này là tốt rồi, còn rộng hơn hồi ở Hà Nội chán.
Tôi mời ông vào nhà, pha nước mời ông và cẩn trọng tiếp chuyện cùng ông.
- Mình vào thăm đứa con gái học Cao đẳng sư phạm, nhân tiện làm mấy cái răng. Nói ra thì tồi, chứ quả là đang thiếu tiền, ông có cho mình vay một ít được không ?
Dĩ nhiên là không thể làm khác, tôi móc ví đếm được mấy chục ngàn đưa cả cho ông.
- Thầy thông cảm, quả là em cũng đang "hoàn cảnh" lắm.
- Không sao, thế này là tốt rồi. Chưa đủ nhưng mình sẽ xoay xở thêm.
Tôi vẫn ái ngại vì số tiền ít ỏi của mình.
- Hay thế này thầy ạ. Tiền thì em không có, nhưng nếu thầy làm răng em sẽ đưa thầy đến Bệnh viện tỉnh, ở đó em có người quen, người ta sẽ không lấy tiền công đâu.
- Được, khoản ấy mình có người giúp rồi. Nói rồi ông cẩn thận cho mấy tờ giấy bạc vào túi trong của chiếc áo vét và không quên cài lại bằng một chiếc kim băng.
Đúng lúc ấy vợ tôi về. Cô ta bước qua cửa, thoáng chút ngạc nhiên rồi bỏ nón "chào bác" ! Tôi chưa kịp giới thiệu thì cô ta đã đi thẳng xuống bếp, một lát sau trở ra cô ta không nhìn chúng tôi mà sang nhà bên cạnh. Tôi nghe rõ tiếng chép miệng "tưởng là ai..." Chẳng hiểu ông có nghe thấy không ? Giận lắm, nhưng tôi vẫn xởi lởi
- Mời thầy uống nước đi, trưa mời thầy ở lại ăn cơm với gia đình em.
Vợ tôi nói vậy nhưng cũng đã kịp kiếm đâu được mấy quả trứng. Bữa cơm khách của nhà nghèo nhưng cũng có một cút rượu. Mấy chén rượu làm tôi bốc máu văn chương. Nhưng, lạ thay thầy tôi không hưởng ứng. Ông chăm chú ăn. Xong bữa, ông đột ngột hỏi tôi:
- Ông có biết Nguyễn Sĩ Bằng bây giờ ở đâu không ?
- Dạ em biết, tôi đáp. Nó ở bên công an, phó phòng rồi, gia đình cũng khá.
- Có lẽ mình phải đến đó có tý việc.
Tôi muốn mời ông ở lại nhưng nghĩ đến thái độ của vợ nên lại thôi, đành chỉ đường cho ông đến nhà Bằng. Định bụng ông đi xong sẽ hỏi tội vợ. Nào ngờ, vợ tôi cũng chỉ đợi có thế:
- Anh lôi đâu ra cái ông già ấy thế ?.
- Này, cô đừng ăn nói bờm xơm, thầy tôi đấy.
- Thầy với bà gì cái lão ăn mày ấy.
Tôi tím mặt, đứng phắt dậy, không biết điều gì sẽ xảy ra nếu lúc ấy không có tiếng anh hàng xóm bước vào và nói to:
- Nhà có khách phải không ? Thầy giáo cũ vào thăm chứ gì?
Tôi nén giận mời anh vào nhà. Không đợi tôi trả lời, anh đã nói một thôi một hồi:
- Thầy vào thăm con gái học cao đẳng sư phạm, nhân tiện chữa răng, thiếu tiền, vay học trò cũ một ít, rồi hỏi nhà học trò cũ khác. Có đúng thế không ? Ông mới về chưa biết đấy thôi, bọn tôi thuộc kịch bản này lắm rồi. Ha ! ha ! Thầy với bà !
Nói rồi, anh ngạo nghễ quay ra, vừa đi vừa cười. Từ ngạc nhiên đến tức giận với thái độ bất nhã của anh, tôi chỉ còn biết đứng như trời trồng. Vợ tôi có lẽ cũng cho là thái quá, cô ta lặng lẽ quay xuống bếp. Tôi tức tốc dắt xe ra khỏi nhà. Phải theo kịp thầy, phải hỏi cho ra nhẽ. Chỉ mấy phút sau tôi đã theo kịp ông ngay trước ngõ rẽ vào nhà Bằng. Nhưng lạ thay, ông không vào mà đạp xe đi thẳng. Thấy lạ, tôi cũng chầm chậm đạp theo sau. Gần nửa tiếng sau chúng tôi đã đến cổng trường Cao đẳng sư phạm. Tôi cẩn thận chọn một gốc cây râm mát dừng xe và dõi theo ông. Một cô bé gầy nhăng từ trong phòng trực cổng trưởng lao ra. Thầy tôi xuống xe cẩn thận rút từ túi trong chiếc áo véc ra những tờ giấy bạc cũ nhàu, vuốt thẳng, xếp gọn lại và trao cho nó. Họ nói với nhau chỉ vài câu, rồi ông lại quay xe đi. Tôi lặng lẽ nhìn theo. Tấm thân khô khỏng lại gò lưng trên yên xe đạp và gần như kiệt sức vì ngược gió. Trưa, nắng. Những chiếc xe ngược chiều và những chiếc xe cùng chiều vút qua, phả vào mũi, ném vào mắt thầy trò tôi tất cả khói và bụi. Tôi dừng xe nhìn theo ông, một hình nhân chập chờn như được vẽ bằng bui và khói. Vâng, ông già ấy đã từng là thầy tôi...
        
        Phạm Xuân Cần