Chủ tịch nhân dân
Truyện ngắn: DƯƠNG TIỂU PHÀM (Trung Quốc)
VŨ PHONG TẠO dịch
Chủ tịch huyện họ Chu là con nông dân, có tình cảm sâu đậm với nông dân và cơ sở. Ba năm trước, ông vừa bốn mươi tuổi, thìđã được bầu làm Chủ tịch huyện của huyện Cố Nguyên. Khi phát biểu nhậm chức, ông nói một câu mà trên là cán bộ và dưới là nhân dân cả huyện Cố Nguyên cho đến bây giờ vẫn cảm động rưng rưng: “Tôi là Chủ tịch huyện của nhân dân, Chủ tịch nhân dân phải yêu nhân dân chứ!”
Trong con mắt của tuyệt đại đa số người, Chủ tịch huyện họ Chu rõ là vui vẻ đắc ý nhất, hạnh phúc nhất rồi. Sự nghiệp như mặt trời thăng thiên, thành tích và con đường chính trị rất tốt, rất thuận buồm mát mái, hai năm sau bầu cử khoá mới, ông sẽ được thăng lên chức Bí thư huyện uỷ, là chuyện chắc chắn như đinh đống cột.Theo đà thăng quan tiến chức của ông, vợ ông cũng trở thành một giáo viên dậy toán ở trường trung học của huyện. Càng quan trọng hơn là ông có một cô con gái tên là Yến Tử, xinh đẹp xởi lởi, lại đặc biệt thông minh hiểu biết sự đời, hiện đang học năm thứ hai trường phổ thông trung học, khác những con em cán bộ khác, cô là học sinh giỏi, thi đỗ vào trường đại học trọng điểm, cũng là chuyện chắc chắn như đinh đóng cột.
Những người biết chuyện hễ nghĩ đến Chủ tịch huyện họ Chu đều đố kị: “Đồ con tiều! Mẹ cha nó, hạnh phúc quá!”
Song, chủ tịch huyện họ Chu của chúng ta lại không nghĩ như vậy, ông thường xuyên nghĩ đến một câu, hình như của Trang Tử, danh nhân của huyện Cố Nguyên: “Không phải là cá, thì không hiểu nỗi khổ của cá!”
Chủ tịch Chu văn vẻ hay, lại yêu chuộng văn học, cũng đã công bố mấy cái truyện ngắn, nói một cách nghiêm túc, có thể xứng danh là một nhà văn chính hiệu.
Có một nhà văn nam nào mà không có gien phong lưu đàng điếm lặn sâu tận xương tuỷ chứ!
Bốn mươi tuổi là chủ tịch huyện, phong độ tài tử ai mà chẳng mê. Quả là, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, đàn ông muốn tránh xa, mà gái đẹp cứ bám đuổi! Hơn nữa vợ mình lại đã “bóng xế chiều”, lại không tiến kịp mốt thời thượng nữa chứ.
Một ngày nọ hai năm trước, Chủ tịch Chu cuối cùng lại sa vào vòng tay của cô gái trẻ Đông Mai xinh đẹp như hoa tựa ngọc.
Đông Mai cũng là một cô giáo, mà hai năm trước cũng mới được điều đến trường của Liễu Dương, vợ của chủ tịch Chu. Cô là một nữ sinh viên tốt nghiệp đại học, trẻ đẹp phơi phới, lại khéo mồm ngọt miệng. Vừa nhìn thấy, Liễu Dương đã thích cô gái ấy ngay, và không lâu đã dẫn cô đến nhà mình.
Tối hôm ấy, Chủ tịch Chu cũng có nhà. Lúc ăn cơm Yến Tử cũng về. Bốn người cùng vui vẻ ăn một món ăn gia đình do đích thân Chủ tịch Chu vào bếp chế biến – Cá chiên chua ngọt. Trong bữa ăn, Yến Tử cũng thích cô Đông Mai, hai người thân mật như hai chị em ruột, Yến Tử tự nhiên gọi chị Đông Mai, chị Đông Mai.Trong lòng Liễu Dương thấy ngọt như mật ong, tuy không nói ra được nguyên nhân, song Chủ tịch Chu cũng đặc biệt phấn khởi. Đêm hôm ấy, Chủ tịch Chu cùng Liễu Dương đều hưởng thụ niềm hân hoan cá nước, lạc thú rồng mây lâu lắm mới có.
Những ngày tiếp theo, số lần Đông Mai đến nhà Chủ tịch Chu ngày càng nhiều hơn, mà Chủ tịch Chu ở ngoài nhậu nhẹt cũng giám hẳn đi, số lần gia đình Chủ tịch Chu cùng Đông Mai ăn cơm chuyện trò thân mật vui vẻ cũng ngày một nhiều.
Đông Mai là một người rất có duyên có nhan có sắc, đến đây cũng như ở nhà mình, không khách khí lạ lẫm một chút nào, nấu cơm rửa bát, đun nước pha trà, nói chuyện học hành với Yến Tử, không khác gì người một nhà.
Nhưng nửa năm sau, nói chuẩn xác là chưa đầy nửa năm, Đông Mai lại đột nhiên rất ít đến nhà Chủ tịch Chu. Sau đó, đến một lần cũng không đến nữa.
Chủ tịch Chu hỏi vợ Liễu Dương:
- Cô giáo Đông Mai có người yêu rồi ư, lâu lâu rồi không thấy đến ?
Liễu Dương đáp:
- Cô này có tâm lớn, chí cao, không dễ gì yêu ai đâu, nói là bận ôn thi nghiên cứu sinh đấy!
Chủ tịch Chu bèn gật gật đầu, tỏ ra như chuyện rất phức tạp.
Cuối năm đã đến, công việc ở trên huyện có lẽ càng bận rộn hơn. Hàng ngày Chủ tịch Chu trở về rất muộn, số lần không ở nhà cũng ngày càng nhiều lên,
Cuối cùng, Liễu Dương vẫn biết nguyên nhân trong đó, Chủ tịch Chu - Chồng chị và Đông Mai đã yêu nhau. Đồng thời với việc hối hận mình đã dẫn sói vào nhà, Liễu Dương còn bị lừa dối và chịu nhục, khiến cho chị biến thành một con người khác: U buồn mệt mỏi, người như mất hồn, đập cốc đá cửa. Muốn nhất là gây sự với người nhà và con gái, không gây sự được thì tự nhiên nhà cửa chẳng ra nhà cửa, người không ra người ngợm không ra ngợm. Cô con gái thông minh Yến Tử tự nhiên cũng nhìn ra vấn đề, bởi vì hễ đêm đến là cô đều nghe thấy Chủ tịch Chu và mẹ to tiếng cãi cọ với nhau.
Yến Tử biết bố và mẹ có vấn đề, gia đình này có vấn đề, mà không phải là vấn đề nhỏ. Song, sở dĩ họ né tránh cô là vì chỉ còn một học kỳ nữa thì cô thi vào đại học rồi. Cô hiểu sự khổ tâm của cha mẹ, nhưng không tham gia hoà giải, bề ngoài tỏ ra không có chuyện gì xẩy ra, hễ bước vào nhà là cười khanh khách báo cáo tin tức thi cử tốt lành của mình với cha mẹ.
Thật ra, Chủ tịch Chu biết con gái Yến Tử đã biết chuyện của mình. Đối diện với con gái ngây thơ trong sáng của mình, trong lòng ông rất buồn, như dao đâm vào tim. Ông cảm thấy có lỗi với con ngoan của mình. Thế là, số lần ông đến tiểu khu công viên Hoa Hồng cũng thưa dần, Đông Mai là cô gái hút hồn người ta, song cô như một con rắn cứ ngày càng cuộn chặt Chủ tịch Chu của chúng ta, cơ hồ làm cho ông không thở được nữa.
Nhưng, Chủ tịch Chu vẫn không thể từ chối được sự cám dỗ của thân hình uyển chuyển, hơi thở thơm tho của Đông Mai, trong lòng ông luôn luôn rằng xé trong đau khổ và khoái lạc. Bế một người phụ nữ lên giường không khó, nhưng muốn kéo cô ta xuống khỏi giường thì không hề dễ. Khủng hoảng, do dự, kích động, khó dứt bỏ khó chia tay, hối hận, tự trách mình, biết bao tình cảm cứ buộc chặt giằng xé lấy ông, khiến cho ông không tài nào tươi tỉnh mặt mày lên được.
Sau Tết nguyên đán, cách ngày thay đổi nhiệm kỳ càng gần, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã cử người xuống khảo sát tình hình. Thần chí của Liễu Dương, vợ ông tựa hồ ngày càng không tỉnh táo. Con gái Yến Tử cách ngày thi đại học chỉ trong gang tấc. Số lần Chủ tịch Chu gặp Đông Mai cũng ngày càng ít đi.
Mà điện thoại của Đông Mai tự nhiên ngày càng nhiều lên, ngày càng gấp gáp hơn, giống như thần chết đến đòi mạng.
Buổi chiều hôm ấy, Chủ tịch Chu nhận được một tin nhắn của Đông Mai: Tối nay cần phải gặp mặt!
Bữa tiệc rượu tối hôm ấy, Chủ tịch Chu đi hay không đi cũng được, song ông đã đi, mà uống đặc biệt nhiều, khiến cho mọi người dự tiệc đều cảm thấy vui mừng và cảm động. Lúc kết thúc, đã quá mười giờ đêm. Khi sắp đến nhà, ông xuống xe trước, nói mình cần đi một lát. Nhưng cuối cùng ông vẫn đi vòng đi vèo đến tiểu khu công viên Hoa Hồng, ông nhẹ chân bước đến trước cửa số nhà 602, mở cửa nhẹ nhàng, không bật đèn, bèn bước đến bên ghế sa lông. Từ trước đến nay, ông vẫn đến như thế. Đông Mai cũng thường thường ngồi trên ghế sa lông đợi ông như thế.
Rõ ràng ông uống không ít, loạng choạng bước đến trước ghế sa lông. Người ngồi trên ghế sa lông cũng không động đậy. Chủ tịch Chu hơi cuống lên, oằn lưng xuống ôm cái đầu tóc đen, hôn một cái: “Cục cưng! Cục cưng!”
Người trong lòng ông từ từ đứng dậy. Chủ tịch Chu cảm thấy có chuyện không ổn, buông tay ra. Khi ấy, nhà sau đột nhiên sáng đèn, nhìn qua ánh sáng mờ mờ, Chủ tịch Chu cững đơ người tại chỗ: Người đứng trước mặt ông lại là con gái của ông - Yến Tử!
Chủ tịch Chu của chúng ta kinh sợ lúng túng thật sự, không có chỗ nào mà ẩn nấp, cứng đơ tại đấy, nhúc nhích không nổi. Lúc ấy, con gái Yến Tử của ông bước đến, đèn trong phòng khách tách một cái, bật sáng.
Yến Tử lại quay trở lại, kéo tay của Chủ tịch Chu: “Ngồi xuống đi!”
Như một cỗ người máy, Chủ tịch Chu cứ để mặc cho con gái điều khiển.
Không khí như đông cứng lại, ánh đèn đông cứng lại, Chủ tịch Chu cũng đông cứng lại, giống như ông ta mất tri giác.
- Bố ơi! Bố có yêu con không? Bố có yêu mẹ con không? - Yến Tử dựa sát vào cánh tay phải của ông, hỏi.
- Bố, bố…. - Chủ tịch Chu nói không ra lời.
- Bố, Con có phải là nhân dân không? Mẹ con có phải là nhân dân không? – Con gái Yến Tử ứa nước mắt, rời rạc nói: Đến mẹ và con, mà bố cũng không yêu, thìbố có thể yêu nhân dân được không? Bố yêu nhân dân như thế nào đây?
Cuối cùng, Chủ tịch Chu điều khiển không nổi tình cảm của mình, hai tay ôm lấy mặt, thút thít khóc.
Trong khi cha thút thít khóc, Yến Tử mở chiếc máy ghi âm nhỏ xíu. Chủ tịch Chu nghe thấy tiếng nói của mình, bồng bềnh chao đi chao lại trong phòng khách trống trếnh: “Tôi là chủ tịch huyện của nhân dân, chủ tịch nhân dân phải yêu nhân dân chứ!”
VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo tạp chí “Văn học Bắc Kinh”, TQ, số 12 - 2008)
Tác phẩm được người đọc Trung Quốc ưa thích:
Ôm hôn
Truyện ngắn: CHU ĐỘC MINH (Trung Quốc)
Lam Ngọc số đỏ, cô vừa tốt nghiệp đại học thì được phân phối đến một cơ quan báo của tỉnh, làm phóng viên, và thường trú tại Mẫu Đơn Giang.
Một hôm, cô đi cùng lãnh đạo cục đường sắt đến vùng núi Trương Quảng Tài heo hút, đi thăm hỏi động viên công nhân bảo dưỡng đường sắt. Đây là một cơ hội hiếm có từ khi cô ra đời đến nay, cô hy vọng sẽ viết được một bài báo có thể khiến mọi người phải trố mắt giật mình.
Vùng núi ở đây, núi cao đất rộng, gió lộng mây ngàn, thường xuyên có chim thú quý hiếm xuất hiện, chỉ có điều không nhìn thấy một bóng phụ nữ hoặc một trẻ em nào. Thế mà công nhân tuần tra bảo dưỡng đường sắt ngoài việc gian khổ vất vả, họ còn phải chịu khô hạn và cô độc, một mình đeo gùi dụng cụ trên lưng, mưa gió không nề hà, mỗi lượt đi tuần tra hai, ba chục cây số đường sắt, trách nhiệm thì rất to, chỉ hơi sao nhãng một chút là sẽ gây ra sự cố, hậu quả khó mà lường trước được.
Ngày đầu tiên đoàn công tác của Lam Ngọc vừa đến nơi, đã tham gia luôn một cuộc toạ đàm giữa lãnh đạo với công nhân bảo dưỡng đường sắt. Trong đoàn công tác, chỉ có một mình Lam Ngọc là nữ giới. Cô mặc một chiếc áo thể thao đan xen hai màu đỏ trắng và chiếc quần bò màu xanh lam, một bím tóc vổng lên như đuôi ngựa được nhuộm màu vàng, rất thời thượng. Vừa gặp mặt là chị nhoẻn cặp môi hơi dầy, nói cười khanh khách, làm cho anh em công nhân bảo dưỡng đường vui vẻ hẳn lên…
Khi cuộc toà đàm sắp kết thúc, Lam Ngọc phát hiện cục trưởng Lương nhận được một mẩu giấy rộng bằng hai ngón tay do mấy người công nhân bảo dưỡng đường đưa lên. Cục trưởng Lương mở mảnh giấy ra, rồi lại gấp vào, gấp vào rồi lại mở ra, tỏ ra rất bồn chồn không yên.
Lát sau, Lam Ngọc trông thấy cục trưởng Lương rời khỏi bàn chủ tịch, đi xuống cạnh mình, và gọi cô ra khỏi phòng họp.
Cục trưởng Lương tuổi gần sáu mươi, chẳng mấy nữa sẽ nghỉ hưu, là một người xuất thân từ một công nhân bảo dưỡng đường sắt nếm đủ phong sương.
Cục trưởng Lương nói với Lam Ngọc: “Gọi chị ra đây, là muốn chị giúp tôi một việc, coi như tôi cầu khẩn chị đấy. Song, … Chúng ta phải bàn bạc trước đã!”
Lam Ngọc sảng khoái nói: “Được lắm chứ! Chuyện gì ạ?”
Cục trưởng Lương nói: “Điều này,…e rằng làm khó dễ cho chị lắm, cho nên cần bàn bạc trước một chút!”
Lam Ngọc nói: “Nói với cháu đi! Chú bảo cháu làm gì nào?”
Cục trưởng Lương nói rằng: “Công nhân bảo dưỡng đường của tôi đều tốt vô cùng, chỉ có điều cảm thấy sống quá cô đơn. Ở đây xa thành phố và làng xóm thị trấn, hầu như không nhìn thấy bóng phụ nữ. Muốn nhìn thấy phụ nữ một lát, anh em có người phải ngồi xe lửa đi từ ga này đến ga nọ; Có người đã ba, bốn năm không nhìn thấy phụ nữ rồi. Hôm nay, có một công nhân tuần tra đường sắt đưa mảnh giấy lên, nêu với tôi một yêu cầu, muốn được ôm chị một cái…Chị vẫn còn là một người con gái mà, điều này thật làm khó cho chị quá! Nhưng, chị là một người phụ nữ duy nhất ở đây, coi như đây là khẩn cầu của cá nhân tôi, mong chị giúp cho. Nhưng, đây coi như trò xiếc khỉ đi trên cầu độc mộc, vui chơi một tý thôi mà! Được thì được, không được cũng không sao!”
Nghe vậy, Lam Ngọc ngớ người ra, cô cảm thấy mặt nóng bừng bừng như say rượu, chỉ một lát đã đỏ nhừ từ má đến hai tai. Song, cô chỉ ngập ngừng chốc lát, rồi nói luôn một tiếng: “Được!”
Lam Ngọc theo cục trưởng Lương trở lại phòng họp. Cô cảm thấy tất thẩy công nhân bảo dưỡng đường đều nhìn vào mình.
Cục trưởng Lương dẫn Lam Ngọc lên bàn chủ tịch, trịnh trọng mà chậm rãi nói: “Mảnh giấy nhỏ của ai muốn nắm tay nữ nhà báo phải không? Xin mời bạn ấy đứng lên! Vào khoảnh khắc ấy, bên trong cái phòng họp đơn sơ này bỗng yên ắng lạ thường, chỉ có tiếng gió và mây bay lọt qua cửa sổ, tiếp liền nổ ra những tràng pháo tay nhiệt liệt.
Lúc này, mười mấy công nhân bảo dưỡng đường sắt đun đẩy một chàng trai trẻ, cậu ta mặt đỏ tía tai bẽn lẽn, trần trừ bất động.
Lam Ngọc bỗng nhiên cởi phắt chiếc áo thể thao ra, chỉ thấy trên mình cô mặc chiếc áo len mầu hồng phấn, vồng ngực nhô lên phập phồng, gương mặt thanh tú tủm tỉm cười cười, đường đường hoàng hoàng bước lên bàn chủ tịch, tiến đến trước mặt chàng trai trẻ nọ. Lam Ngọc tiến gần sát sạt, khiến cho chàng trai trẻ tay chân lúng túng, những người khác cúng không đùn đẩy cậu ta nữa.
Lam Ngọc bèn tiến sát lại, ôm chặt lấy cậu…
Trong đợt sóng vỗ tay mới nổi lên, Lam Ngọc cảm thấy đầu của chàng trai trẻ tựa vào vai của mình, thân thể run rẩy. Lam Ngọc bất giác ôm chặt chàng trai, và hai tay cô vỗ vỗ nhè nhẹ vào lưng chàng.
Sau khi buông chàng trai trẻ ra, Lam Ngọc hơi choáng, cô mông lung nhìn thấy rất nhiều công nhân bảo dưỡng đường đều ứa nước mắt, nhất là chàng trai trẻ càng nước mắt nóng hổi, chảy ra ràn rụa.
Lam Ngọc quay người lại lau nước mắt của mình. Cô lại quay người lại, nhìn thấy từng người công nhân bảo dưỡng đường một, chạy đến ôm chặt lấy chàng trai trẻ mà mình vừa ôm hôn thân mật. Lam Ngọc bèn chạy đến nắm tay họ, hỏi han họ, mà họ thì vây quanh cô rất lâu.
Đúng thôi, những người công nhân bảo dưỡng đường sắt lâu năm sinh sống và làm việc ở cái rốn của khu rừng sâu núi thẳm dưới đỉnh Trương Quảng Tài, muốn vui vẻ, lại phải nhìn lên sườn bắc dãy núi, họ chỉ thấy những con gấu ôm bạn tình của mình trên cây, chúng còn còn rúc đầu vào vai nhau. Họ muốn xua đuổi chúng đi mà không nỡ!
Cuối cùng, cục trưởng Lương hỏi rằng: “Nào, các đồng chí! Các đồng chí còn có yêu cầu gì nữa không?”
Những người công nhân bảo dưỡng đường lại đồng thanh gào lên rất nhịp nhàng: “Chúng tôi muốn làm chú rể! Chúng tôi muốn làm chú rể!”
Cục trưởng Lương bèn nhướng to mắt lên: “Các cậu làm reo cái gì thế?”
Nghe vậy, mặt Lam Ngọc bỗng ửng đỏ, hình như máu trong toàn thân đều trào dâng lên, cô bẽn lẽn cười…
VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo tạp chí “Truyện mini chọn lọc”, TQ, số 23-2008)