Giới thiệu tác giả và tác phẩm
Diêm Liên Khoa, nhà văn nổi tiếng, sinh năm 1958 tại huyện Tung tỉnh Hà Nam Trung Quốc, từ nhỏ chăn trâu cắt cỏ, hết lớp mười hai bỏ học, năm 1978 đi bộ đội, năm 1982 đề bạt sĩ quan, năm 1985 tốt nghiệp khoa giáo dục chính trị trường Đại học Hà Nam, năm 1991 tốt nghiệp khoa văn học Học viện nghệ thuật Quân giải phóng. Năm 1979 bắt đầu sáng tác. Tác phẩm chủ yếu gồm: Mười hai truyện dài Nhà tù tình cảm, Nữ thanh niên trí thức cuối cùng, Sinh tử tinh hoàng, Chào, Kim Liên, Nhật quang lưu niên, Bền vững như nước, Gà chọi, Xuyên vượt:, Hạ Nhật Lạc, Thụ Hoạt, Đinh Trang mộng và Phong nhã tụng. Mười hai tập truyện vừa và ngắn : Năm tháng ngày, Động hoàng kim, Bả Lâu thiên ca, Đi về hướng đông nam.... Năm tập tản văn, tuỳ bút tiểu luậnGông cùm màu nâu, Quay về làng, Diêm Liên Khoa thân tình tản văn, Diêm Liên Khoa bút ký đọc sách Diêm Liên Khoa văn học diễn giảng, Đũa đỏ của bà mo. Ngoài ra còn có mười hai tập Tác phẩm Diêm Liên Khoa. Tổng cộng hơn năm triệu chữ, đã lần lượt được hơn mười hai giải văn học như giải văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất, lần thứ hai, giải văn học Lão Xá lần thứ ba và các giải trong ngoài nước khác. Tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa đựơc dịch và xuất bản ở hai mươi nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Pháp, Anh, Đức,Yta lia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Secbia, Mông Cổ, Xanh ga po, Israel, Đài Loan, Hồng Kông. Năm 2004 ra khỏi quân đội với quân hàm đại tá. Hiện là nhà văn chuyên nghiệp Hội nhà văn thành phố Bắc Kinh.
Phàn Bạch Hoa, nhà văn Trung Quốc viết : Diêm Liên Khoa là nhà văn xưa nay tôi luôn luôn coi trọng. Quân đội Trtung Quốc trong tiểu thuyết của ông rất chân thực, viết về đen tối cũng chân thực. Tôi đã từng đi bộ đội, sau đó từ quân nhân xuất ngũ đến sĩ quan hiện dịch cấp quân đoàn phó, tôi đều có mối liên hệ không liên tục, đối với các loại tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, từ chuyện hối lộ kinh khủng như gọi đi lính, đến vào đảng, chuyển sang lính tình nguyện và đề bạt cán bộ, từ các vụ lãng phí, phung phí kinh phí, lấy của công làm của riêng, đễn chuyện lấy tiền mua báo đảng, tôi đều biết....
Nhà văn Diêm Liên Khoa viết tác xong phẩm Người tỡnh Phu nhõn sư trưởng( nguyờn tỏc: Vỡ Nhõn Dõn phục vụ ) năm 2004. Với bối cảnh là thời kỳ cao điểm tôn thờ cá nhân Mao Trạch Đông năm 1967, sách viết về một cuộc tình vụng trộm giữa chú lính cần vụ và bà vợ trẻ 32 tuổi của một ông tư lệnh sư đoàn bị liệt dương, trong đó họ cùng đập phá thần tượng khi làm tình để thể hiện tình yêu chân thực với nhau.
Xuất bản ở Trung Quốc lần đầu năm 2004, đến nay năm 2007, sách đã được dịch và xuất bản tại mười sáu nước và khu vực trên thế giới là Hồng Công, Singapore, Đài Loan,Y ta li a, Nhật bản, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Israel, Australia, Bồ đào Nha, Tây Ban Nha, Hàn quốc và Brazil.Đây là một trong những cuốn kỳ thư của nhà văn tài hoa Diêm Liên Khoa được nhiều Tạp chí văn học nước ngoài gọi là sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới, Tác phẩm rất nghịch tặc mang tên Vì nhân dân phục vụ của Diêm Liên Khoa dù thế nào cũng là thành công lớn cuối mùa hè năm 2007 Trả lời phỏng vần của phóng viên hãng nước ngoài, nhà văn Diêm Liên Khoa nói Tôi tin rằng một ngày nào đó trong tương lai, nhà văn có thể cho xuất bản bất cứ điều gì họ viết về Trung Quốc.
Trong chuyến du lịch Bắc Kinh tháng 10 năm 2007, tôi có dịp được gặp nhà văn Diêm Liên Khoa. Sau khi tôi ngỏ ý, nhà văn Diêm Liên Khoa đã vui vẻ cho tôi được dịch và liên hệ ký hợp đồng xuất bản một số tác phẩm của ông tại Việt Nam như Vì nhân dân phục vụ, Thụ Hoạt, Đinh Trang Mộng và Phong nhã tụng đều là những tác phẩm thuộc diện sản xuất ở Trung Quốc , đón đọc khắp thế giới.
Nhà văn Diêm Liên Khoa coi trọng tu nhân tích đức làm việc thiện. Ông đã từng góp một khoản hơn ba mươi vạn đồng tiền Trung Quốc nhuận bút( khoảng ba vạn đồng đô la Mỹ ) để tặng bà con dân nghèo nơi ông đến thâm nhập lấy tài liệu viết cuốn “Giấc mộng Thôn Đinh”. Với cuốn sách xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam lần này, nhà văn đã ngỏ ý bồi dưỡng cho tôi một nửa số tiền nhuận bút của tác giả, nửa còn lại nhờ tôi trao cho một vài em học sinh nghèo Việt Nam. Cảm động trước việc làm này của nhà văn Diêm Liên Khoa, sau khi được nhà văn đồng ý, tôi xin nhờ Nhà xuất bản Thanh Niên và Nhà sách Võ Thị cùng tôi nhận và trao cả số tiền nhuận bút cuốn sách này của tác giả tới Quỹ học sinh nghèo Việt Nam.
Tôi rất mong cuốn sách này sớm đến tay các nhà văn và bạn đọc cả nước
Ngày 15 tháng 8 năm 2008
Vũ Công Hoan
NGƯỜI TèNH PHU NHÂN SƯ TRƯỞNG
(Vì nhân dân phục vụ)
Tiểu thuyết
Diêm Liên Khoa
Chương1
Khi Ngô Đại Vượng, tiểu đội trưởng, lính công vụ có thâm niên, chuyên nấu cơm trong gia đình sư trưởng xách làn rau xanh đứng trước cửa bếp nhà sư trưởng, một sự kiện rung chuyển, ầm ầm nổ ra trước mặt anh như trái bom khinh khí. Tấm biển gỗ in năm chữ to màu đỏ vì nhân dân phục vụ, vốn đặt trên bàn nhà ăn, lại một lần nữa xuất hiện trên sàn bếp lát gạch men sứ. Bên trái chữ là ngôi sao năm cánh lấp lánh,bên phải chữ là khẩu súng trường có treo chiếc bi đông, bên dưới chữ là hàng bông lúa mạch bội thu. Tiểu đội trưởng, lính công vụ có thâm niên là gương sáng học tập của toàn sư đoàn, là điển hình chính trị, có sự hiểu biết không phải tầm thường đối với hàm ý sâu sắc của tấm biển gỗ. Anh biết ngôi sao năm cánh có nghĩa là cách mạng, khẩu súng trường và chiếc bi đông nói lên cuộc chiến đấu và lịch sử, là một quá trình cách mạng lâu daì gian khổ, còn bông lúa mạch có nghĩa là tương lai được mùa và tốt đẹp, là những năm tháng huy hoàng sau khi đã thực hiện chủ nghĩa cộng sản.
Một hôm không biết sư trưởng lấy từ đâu về tấm biển gỗ sơn trắng, in chữ đỏ, ở hai bên trái phải và dưới chữ in ngôi sao năm cánh, khẩu súng trường, chiếc bi đông và bông lúa mạch bằng màu đỏ và màu vàng. Khi để trên bàn ăn,sư trưởng nhìn chằm chằm tiểu đội trưởng Ngô Đại Vượng đang bày cơm và thức ăn trên bàn nghiêm nghị hỏi, biết ý tứ trên tấm biển chứ? Nhìn tấm biển một lát, Ngô Đại Vượng trả lời rành mạch và cặn kẽ. Sư trưởng cũng từ từ mỉm cười, nét mặt tươi rói, khen tốt, tốt, tốt lắm, công vụ kiêm cấp dưỡng gia đình ta cũng giác ngộ cao hơn người khác.
Ngô Đại Vượng không biết sư trưởng nói người khác là ai. Theo nguyên tắc quân sự, việc không nên nói không nói, việc không nên hỏi không hỏi, việc không nên làm không làm, anh lại vào bếp nấu cơm cho sư trưởng và phu nhân của ông. Từ đó tấm biển gỗ có in chữ vì nhân dân phục vụ vĩnh viễn ở trên bàn ăn gia đình sư trưởng, cùng với chai dấm, lọ ớt và bình dầu thơm nho nhỏ, trở thành một thành viên vinh quang ,vĩ đại nhất trong gia tộc nhà bàn.
Cuộc sống cứ thế qua đi từng ngày. Năm tháng như dòng sông xuyên qua doanh trại, lặng lẽ trôi về phía trước một cách êm đềm thư thái. Ngày nào cũng thế, trước khi hồi kèn làm việc buổi sáng cất lên, sư trưởng đã quần áo chỉnh tề từ gác hai đi xuống ra thao trường lớn kiểm tra sĩ quan cơ sở và binh sĩ huấn luyện thường ngày. Buổi tối hiệu kèn tắt đèn vang lên hồi lâu, sư trưởng mới về đến nhà trông có vẻ mệt mỏi, cởi bỏ quân phục, tắm ở gác dưới, lên gác trên nghỉ. Cách mạng và công tác là linh hồn và tính mạng của sư trưởng, là toàn bộ nội dung và trung tâm cuộc sống của ông. Chiến tranh chống Nhật, cải cách ruộng đất, chiến tranh giải phóng, bắt đầu từ tuổi thiếu nhi, những mốc lịch sử vĩ đại này, giống như một cái thước da mềm lịch sử đo ý nghĩa cuộc sống từng ngày của ông, cho đến khi bước sang tuổi năm mươi, mặt trời ngả về tây và tuổi già sắp ập đến đang chờ ở phía trước, ông vẫn đo ý nghĩa cuộc sống mỗi ngày của mình bằng cái thước da mềm. Còn phu nhân của ông, người đàn bà trẻ đep, kém ông những mười bảy mười tám tuổi, làm y tá của bệnh viện sư đoàn, tên là Lưu Liên mà ông thường gọi là Tiểu Lưu, từ khi trở thành vợ sư trưởng đã không bao giờ còn đến bệnh viện làm y tá nữa. Không biết sư trưởng không cho chị làm nghề y, hay là chị không muốn đi làm nữa. Vậy là từ sau khi lấy sư trưởng, suốt năm năm qua, chị sống trong ngôi nhà gác của sư trưởng, cùng đội ngũ với ngôi nhà gác, làm bạn với sự uy nghiêm của sư trưởng, làm chủ nhân của ngôi nhà gác giành cho cán bộ cao cấp.
Ngô Đại Vượng biết rất ít về Lưu Liên. Trước khi đến nhà sư trưởng,có thể nói anh không hề biết gì. Không biết quê chị ở đâu, không biết chị đi bộ đội và làm y tá năm nào, không biết năm năm chị không đi làm, ngoài mỗi bữa ăn hàng ngày chị từ trên gác xuống ăn cơm, thời gian còn lại chị làm gì ở trên gác. Ngoài ra, Ngô Đại Vượng cũng không biết, chị không đi làm, quân đội có phát lương cho chị không, không biết chị vốn là quân nhân, năm năm không mặc quân phục, liệu có quên quy tắc và chức trách quân nhân. Đối với anh, lịch sử của chị là một khoảng trống bị mù mây che phủ, giống như một dãy núi quanh năm chìm sâu trong mây mù. Anh không biết dãy núi ấy trơ trụi trọc lóc, hay màu xanh mượt mà, có đầy khe sâu vực thẳm, hay hoa thơm cỏ lạ, chim hót, suối reo.
Bởi vì không biết, cũng không bao giờ quan tâm. Bởi vì không bao giờ quan tâm, sư trưởng cũng hết sức hài lòng đối với công việc của Ngô Đại Vượng. Mặc dù anh là chiến sĩ cách mạng đã có mấy năm tuổi quân, mặc dù trong hồ sơ của anh, vinh quang như hàng hoá chất trong kho, mặc dù bằng giấy khen biểu dương, lập công, khen thưởng điển hình gương mẫu sáu tháng đầu năm, hay cuối năm, trưởng phòng quản lý sư đoàn cấp phát cho anh đúng thời gian như cấp gối ngủ, anh vẫn cảm thấy chưa đủ. Xét cho cùng, Ngô Đại Vượng là người ham danh dự, là chiến sĩ ưu tú khao khát tiến bộ. Ngược dòng sông dài thời gian, ôn lại những năm tháng đã qua, trong một hoạt động thi đấu lớn về học tập và nghiệp vụ trên mặt trận hậu cần của sư đoàn, bởi anh không những đọc thuộc lòng không thiếu một chữ hai trăm tám mươi sáu điều dạy bảo của Mao chủ tịch và ba bài kinh điển”Vì nhân dân phục vụ”, “Ngu Công dời núi” và Kỷ niệm Henry No rman Bethune”( Một chiến sĩ quốc tế, đảng viên đảng cộng sản Ca Na Đa, bác sĩ ngoại khoa, 1890 - 1939, tình nguyện sang giúp cách mạng Trung Quốc kháng chiến chống Nhật- ND), mà còn có thể trong vòng ba mươi phút hoàn thành một nhiệm vụ cấp bách gồm đào bếp, thái rau và nấu bốn món thức ăn một món canh vừa ngon vừa đẹp mắt, đã đoạt giải, tên tuổi lừng lẫy sư đoàn, được sư trưởng kén chọn làm lính công vụ kiêm cấp dưỡng chuyên trách trong gia đình ông.
Trưởng phòng quản lý hỏi:
- Đến làm việc trong nhà sư trưởng, nguyên tắc quan trọng nhất là gì?
Anh đáp:
- Việc không nên hỏi không hỏi, việc không nên làm không làm, việc không nên nói không nói.
Trưởng phòng quản lý hỏi:
- Còn gì nữa?
Anh đáp:
- Phải nhớ kỹ tôn chỉ vì gia đình thủ trưởng phục vụ tức là vì nhân dân phục vụ.
Trưởng phòng quản lý nói:
- Quan trọng hơn là nói được làm được, biến lời nói thành hành động, đưa khẩu hiệu vào thực tiễn.
Anh nói:
- Xin thủ tưởng yên tâm, tôi nhất định nói sao làm vậy, lời nói đi đôi với việc làm, làm một người vừa hồng vừa chuyên.
Trưởng phòng quản lý giục:
- Thôi được, đồng chí đi đi, chúng tôi chờ tin vui của đồng chí từ gia đình sư trưởng mang về đại đội, mang về cả quê hương đồng chí.
Ngô Đại Vượng từ đại đội cảnh vệ đã được điều về gia đình sư trưởng.
Nửa năm qua, anh làm việc say sưa cần mẫn, nấu cơm, trồng rau,quét dọn vệ sinh gác một và sân trước, trồng hoa nuôi cỏ, xén tỉa cành cây, ngoài một lần về thăm nhà ngắn ngủi, hầu như toàn bộ thời gian đều ở trong ngôi nhà gác nhỏ kiểu tây mang phiên hiệu nhà gác số một. Bởi vì anh say sưa nghề nghiệp, bởi vì sư trưởng gần như yêu chuộng và si mê một cách cố chấp đối với công tác cách mạng và sự nghiệp của đảng, trong cuộc vận động tinh giảm biên chế do Trung ương đảng kêu gọi, sư trưởng đã dẫn đầu giảm bớt nhân viên công vụ và nhân viên cảnh vệ trong gia đình. Từ đó, sau khi sư trưởng đi làm, trong ngôi nhà gác kiểu tây vốn do người Liên Xô xây dựng chỉ còn lại Lưu Liên vợ sư trưởng ba mươi hai tuổi và Ngô Đại Vượng công vụ kiêm cấp dưỡng hai mươi tám tuổi, giống như trong vườn hoa to rộng trước nhà chỉ còn lại một cây hoa và một cái cuốc. Mở đầu sự việc Ngô Đại Vượng hoàn toàn không biết. Anh đâu có biết sáu tháng nay, khi ngồi ăn cơm, phu nhân sư trưởng đã từng nhiều lần nhìn kỹ anh, không biết khi anh xới rau ở sau nhà, chị đã từng ngắm nghía rất lâu qua cửa sổ, không biết khi anh bắc giàn cho dây nho ở sân, bởi vì dây nho dầy rậm quá,y như công tác tư tưởng kín như bưng, đã che khuất tâm linh và tầm nhìn của chị, chị đã không thể không đem ống nhòm bội số cao của sư trưởng để lôi anh gần lại và phóng to anh qua khe lá nho, nhìn mồ hôi trên trán anh suốt ngày này sang tháng khác, giống như chủ tiệm vàng bạc nhìn một viên kim cương, hoặc mã não dưới kính hiển vi, nhìn gân xanh trên cổ anh và nước da bánh mật lộ ra ngoài trên vai anh, giống như thưởng thức một viên ngọc hảo hạng màu xanh tím. Còn anh không hề nhận ra việc ấy, không hề biết gì hết, giống như cây hoè mọc ngoài bãi cạnh đường không ngửi thấy mùi thơm của bông hoa mẫu đơn bị nhốt trong vườn hoa. Cứ thế để thời gian như dòng nước chảy ra biển đông, năm tháng như mặt trời lặn phía tây. Bên ngoài ngôi nhà gác mang phiên hiệu số một, cách mạng và đấu tranh nóng bỏng như lửa như lũ, nam bắc sông lớn thác lũ cuồn cuộn, còn trong ngôi nhà số một vẫn như vườn hoa đào, non xanh nước biếc, dạt dào sự mung lung của tình yêu và tham vọng đầy ý thơ. Thế rồi cách đây ba hôm, trong một buổi hoàng hôn thần bí, sau khi sư trưởng đi Bắc Kinh tham dự một hội nghị quan trọng kéo dài hai tháng để học tập và hội thảo về việc cần phải “tinh binh giản chính” hơn nữa trong quân đội, sau khi Ngô Đại Vượng tiếp vợ sư trưởng Lưu Liên ăn xong cơm tối, trong lúc anh đang thu dọn bát đũa, với tâm trạng ngoài lạnh trong nóng, chị liếc anh một cái,thuận tay nhấc tấm biển vì nhân dân phục vụ vẫn để sát mép tường đặt lên bàn ăn gỗ hồng, giống như sai anh vào trong nhà lấy cho chị vật gì, lại giống như bảo anh nhặt vật gì rơi xuống nền nhà lên, cứ tuỳ tiện như vô tình như hữu ý, chị để tấm biển gỗ lên một góc đầu bàn ăn, nhẹ nhàng bảo:
- Vượng này, từ nay trở đi, chỉ cần Vượng nhìn thấy biển gỗ này không ở chỗ cũ, là Liên có việc tìm Vượng, Vượng có thể lên gác hai gặp Liên.
Ngô Đại Vượng có vẻ bối rối đứng ngây tại chỗ, lại có đôi chút căng thẳng và thần bí chứa vị ngọt ngào không thể diễn tả. Nhìn bóng sau lưng chị, giống như nhìn bức tượng sau lưng đàn bà xưa nay chưa nhìn thấy bao giờ, cho đến khi chị rẽ vào góc ngoặt cầu thang, bóng người như bóng cây trong hoàng hôn mất hút trên gác, anh mới cầm biển gỗ đặt vào chỗ cũ, bắt tay vào công việc vụn vặt mà có ý nghĩa cách mạng sâu sắc thường ngày vẫn làm, cọ nồi, rửa bát, chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia trong sân.
Cho đến bây giờ hồi tưởng lại, anh vẫn còn nhớ rõ, hôm ấy vào lúc hoàng hôn, khi làm xong công tác vì nhân dân phục vụ trong bếp, anh lại ra vườn hoa trước sân cắt tỉa những nhánh thừa của mấy cây hoa hồng đỏ tươi, xách chiếc xô nhựa chỉ có gia đình thủ trưởng sư đoàn cấp trưởng mới được phát ( gia đình cấp phó đều phát xô sắt truyền thống), tưới nước cho khóm hoa hồng và những hoa đông xanh cạnh lối đi rải sỏi. Cuối cùng, mặt trời lặn cũng cuốn hết màu đỏ rực rỡ về phía tây mất tăm mất tích. Đây là thời điểm giao tiếp giữa hoàng hôn và ban đêm trên đồng bằng phía đông tỉnh Hà Nam. Trên đất liền êm đềm thư thái. Trong doanh trại tiếng ve sầu thưa dần, thi thoảng lại rộ lên, nghe mạnh mẽ dộn dàng vui tai như nhạc điệu đội ngũ. Ngoài cổng sắt sơn đỏ nhà sư trưởng, tiếng bước chân của lính đổi gác chắc khoẻ mà đơn điệu khô khan đang lướt qua. Ngô Đại Vượng ngẩng lên, nhìn thấy người lính đổi gác đã từng là một thành viên trong đại đội cũ của mình, liền dơ tay chào. Cách khe cổng sắt người lính kia cũng dơ tay chào lại. Sau đó anh xách xô nhựa đi vào trong nhà.
Giữa lúc này, dây cháy chậm của tình yêu đã bị lặng lẽ châm lửa trong sự đần độn của anh. Anh trông thấy tấm biển gỗ vì nhân dân phục vụ mấy hôm trước anh để ở chỗ cũ, không những không còn ở chỗ cũ, mà để nổi bật ngay trên trụ gỗ vuông góc dưới cầu thang giữa phòng khách. Sơn đỏ trên cầu thang đã bị năm tháng ăn mòn lỗ chỗ. Vân gỗ vốn có đều loáng thoáng lộ ra ở nhiều chỗ, giống như lông mày con mắt trang điểm của những đàn bà tư sản trong phim, ẩn hiện, nhòm ngó mọi thứ trong nhà, giống như nhật ký của người cách mạng ghi chép lịch sử và hành vi của người cách mạng. Nhìn thấy biển gỗ vì nhân dân phục vụ bị di chuyển, Ngô đại Vượng không ngỡ ngàng. Anh biết di chuyển là mệnh lệnh, vô thanh thắng hữu thanh, biết lúc này chị đang có việc cần anh. Thế là như được lệnh, anh vội vàng đặt xô nhựa xuống, lập cập bước lên mấy bậc cầu thang, mới chợt nhớ cách đây sáu tháng, hôm đầu tiên đến nhà sư trưởng nhận nhiệm vụ, với giọng ôn tồn, nghiêm khắc nhất, sư trưởng nói với anh, mọi chuyện trên gác cậu khỏi phải lo, không có ý kiến của dì Lưu, cậu không được lên gác nửa bước. Lời sư trưởng y như lời dạy của Mao chủ tịch vang bên tai anh. Đến góc ngoặt cầu thang, anh đi chậm lại, rón rén khẽ nâng nhẹ bước, y như dẫm lên tấm kính hễ bước vào là vỡ vụn.
Anh không biết cầu thang làm bằng gỗ gì. Chỗ thường bước vào có dấu chân màu trắng xám, mà vân gỗ lộ ra mịn như da người, dẫm lên vừa mềm mại vừa êm chắc. ánh hoàng hôn lọt vào từ cửa sổ, giống như tơ lụa vừa trắng vừa hồng. Có một mùi thơm trắng mục nhàn nhạt, không biết căn nguyên của nó là trên gỗ cửa ra vào và cửa sổ, hay là trong khe tường vôi trắng gạch xanh. Ngô Đại Vượng ngửi mùi ấy như ngửi thấy mùi thơm hiếm có của đàn bà ngấm vào gan phổi. Anh biết đi gặp Lưu Liên vợ sư trưởng, không giống như vào nhà cán bộ công xã gặp đối tượng trước khi nhập ngũ. Trái tim anh hồi hộp không thể kìm nén. Tim đập thình thình đi gặp Lưu Liên trái với giác ngộ và lập trường của một quân nhân cách mạng, trái với nội tâm và tư tưởng cầu tiến của anh. Thế là anh cố gắng đi chậm lại, dơ nắm tay đập lên ngực, nhắc nhở mình một lần nữa, anh nói lên gác là bởi vì anh có một công tác cần phải làm, giống như một dây xích cách mạng, có một khâu ở trên gác, anh không thể không lên. Anh cố gắng giảm nhịp trái tim đang đập dữ dội, y như ra sức chặn đứng dòng nước đục phản cách mạng. Nhờ thế anh mới từ từ nhẹ bước lên đến gác Anh đã nhận ra kết cấu của gác hai y hệt như gác một. Phía đông là hai gian buồng ngủ. Phía nam là nhà vệ sinh.Phía tây là một gian nhà bỏ không.Gác dưới của gian nhà bỏ không là nhà bếp và phòng ăn, còn trên gác hai, nó có dáng dấp một phòng họp, chung quanh bày một bộ ghế xô pha khung gỗ và bàn trà. Trên tường treo các loại bản đồ hành chính khu vực và bản đồ bố trí quân sự.
Khoỉ cần nói, đây là phòng làm việc của sư trưởng, giống thư phòng của văn nhân, nhưng quan trọng hơn thư phòng của văn nhân hàng trăm ngàn lần. Ngô Đại Vượng nhìn thấy trên bản đồ có vô số mũi tên đỏ và những đường đỏ, đường xanh lá cây, đường vàng và đường xanh da trời vòng đi vòng lại, còn có cả những vòng tròn, hình tam giác, hình vuông, xanh xanh đỏ đỏ, như vườn hoa nở rộ nhà sư trưởng anh đang phục vụ. Anh thu ánh mắt khỏi cửa phòng một cách bản năng, hình như chợt nhận ra điều then chốt sư trưởng căn giặn không có việc gì không được lên gác hai nửa bước. Bí mật là một cánh cửa. Mở cửa cho người nhìn vào, chẳng khác nào tiết lộ bí mật quân sự. Một người lính phải lấy việc giữ gìn bí mật quân sự làm sứ mệnh, cái gì không nên xem tuyệt đối không xem,điều gì không nên nói tuyệt đối không nói. Sở dĩ Ngô Đại Vượng được sư trưởng, vợ ông cũng như chính trị và cách mạng tin cậy và quan tâm sâu sắc, chính là vì anh làm được điều này. Tim đã bớt hồi hộp, một không khí nghiêm trang dần dần bao trùm khắp người anh. ánh mắt anh nhanh chóng dời khỏi bản đồ, nhìn vào khung cửa chạm khắc kiểu cũ sát bên trái phía đông. Bước lên mấy bước, anh đứng trước cửa, hoàn toàn thể hiện tư thế của một người lính phải đứng nghiêm thẳng người khi đến trước cửa phòng làm việc của thủ trưởng. Anh ngẩng đầu ưỡn ngực,mặt hướng về phía trước, mắt nhìn thẳng, nói hai tiếng dõng dạc và dứt khoát:
- Báo cáo!
Trả lời anh lại là sự im lặng.
Anh lại cất giọng nói to hai tiếng “báo cáo”.
Im lặng vẫn như bóng hoàng hôn buông xuống ngôi nhà gác.
Biết sư trưởng và vợ ông ở trong buồng ngủ sát bên trái. Dưới gác, lúc ở bên ngoài, anh thường nhìn thấy chị đẩy cửa sổ nhìn ra. Khuôn mặt chị giống như của một người đàn bà quý phái, trẻ trung, nhưng hơi nhợt nhạt, gắn trong khung tranh lỗi thời một cách sống động. Khung tranh bao giờ cũng thế, cũ kỹ mà cứng nhắc. Chỉ có khuôn mặt khi thờ ơ, lúc sinh động, giống như tình thế cách mạng có lúc căng lúc rùi, làm cho khung tranh cũng thờ ơ, sinh động, có mạng sống, có tâm hồn. Anh biết chị đang ở trong buồng. Khi ở dưới sân, anh không thấy chị sang ngôi nhà mang phiên hiệu số hai và số ba cuả gia đình chính uỷ và sư đoàn phó nói chuyện với người nhà họ. Chị rất ít, rất hiếm sang chơi nhà hàng xóm. Buồng ngủ này là toàn bộ nội dung và trung tâm đời sống của chị. Ngôi nhà gác kiểu Liên Xô hầu như là địa bàn và phạm vi quỹ đạo toàn bộ cuộc sống của chị . Anh biết chị vẫn đang ở trong buồng. Anh định lại cất to giọng hô báo cáo, nhưng không hiểu sao anh lại dơ tay gõ cửa, gõ hai cái.
Tiếng khớp ngón tay gõ vào giữa cánh cửa, y như dùi trống gõ lên mặt trống.
Chị đã đáp lại. Cuối cùng chị đã trả lời:
- Vào đi!
Giọng chị hơi khàn, có vẻ run run, y như có một vật gì nhỏ mềm tắc trong cổ họng.
Anh đẩy cửa bước vào.
Bây giờ anh mới nhận ra buồng chưa bật điện, bóng hoàng hôn lờ mờ. Giường và bàn ghế đều mờ nhoà trong bóng hoàng hôn vừa dính vừa sệt, y như hoà tan trong nước bùn. Chị ngồi ngay mép giường,tay cầm một cuốn sách, tập một “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Trong những ngày về sau, khi nhớ lại chuyện cũ ngọt ngào như đã từng ăn kẹo, anh mới dần dần vớ lẽ, bóng hoàng hôn lờ mờ hôm ấy đâu có đọc được sách. Chị cầm sách chỉ là để chứng tỏ mình đang xem sách, chứ có xem sách thật đâu. Nhưng lúc bấy giờ, anh cứ tưởng chị xem sách thật, cứ tưởng mọi việc diễn ra là lẽ đương nhiên, đều hợp tình hợp lý, như trời râm có mưa, mặt trời lên có nắng.
- Thưa dì , dì có việc ạ ?- anh hỏi.
- Dây bật công tắc treo bên trên, Vượng lấy xuống giúp - Chị nói.
Thuận theo ánh mắt chị, anh nhìn thấy sợi dây công tắc cạnh bàn đầu giường đúng là đang vắt lên hộp công tắc màu nâu. Không đứng lên bàn, đừng hòng kéo dây xuống. Anh đến cạnh chị, kéo ghế trước bàn, nhấc tấm đệm mây đan khỏi mặt ghế, lại tháo giầy, phủi gan bàn chân sạch sẽ, còn tìm một tờ báo cũ trải lên mặt ghế, rồi mới bước lên kéo sợi dây trên hộp công tắc, đồng thời tiện tay giật dây bật đèn.
Buồng ngủ sáng bừng.
Bởi vì đèn sáng, anh nhìn thấy bóng tối ngoài cửa sổ.Bởi vì bóng tối ngoài cửa sổ, anh đã nhìn thấy rõ vết rạn bằng sợi tóc trên tường vôi dưới ánh đèn. Trong buồng không có thứ gì lạ đặc biệt, giống như trong kho quân khí của doanh trại không có vũ khí mới. Trên tường treo ảnh Mao chủ tịch, treo tranh khung kính lời dạy của Mao chủ tịch. Trên bàn viết bày tượng thạch cao Mao chủ tịch. Cạnh chậu rửa mặt sát góc tường có một chiếc gương to. Phía trên gương in chỉ thị tối cao của Mao chủ tịch. Hai bên gương, một bên treo ống nhòm bội số cao của sư trưởng, một bên treo khẩu súng ngắn K54 sư trưởng ít khi đeo. Vỏ súng bằng da bò, màu tím lịm. Phía dưới cùng của gương đặt một bàn trang điểm, phủ kính xanh. Trên kính bày mấy lọ kem hoa tuyết hiếm thấy thời bấy giờ, hộp phấn thơm và mấy thứ dùng hàng ngày như kéo, lược dùng cho phụ nữ. Mọi thứ đều không vượt khỏi phạm vi suy nghĩ của Ngô Đại Vượng. Tuy anh chưa bao giờ lên gác hai của ngôi nhà gác số một, nhưng đã cùng công vụ của ngôi nhà gác số hai lên nhà chính uỷ sư đoàn giống hệt ngôi nhà gác này, biết chính uỷ và người nhà ông làm kế toán cửa hàng dịch vụ ở trong căn hộ như thế này, cần kiệm, chất phác, giản dị, chỗ nào cũng toát lên niềm vinh dự tự hào của truyền thống, khiến cấp dưới và binh sĩ của ông tham quan xong, không nén nổi xúc động, muốn dơ tay chào thủ trưởng lời chào cách mạng cao cả, không nén nổi xúc động, muốn giới thiệu với người khác sự tích và truyền thống cách mạng của gia đình thủ trưởng, muốn lấy gia đình thủ trưởng làm ví dụ nói lên sự vĩ đại và vinh quang của Đảng, chứng tỏ mình là một người lính được sống trong thời đaị như thế này cảm thấy rất may mắn và vinh dự.
Sự giản dị mộc mạc sâu kín không bộc lộ ra ngoài của căn phòng trên gác hai gia đình sư trưởng đã chinh phục trái tim Ngô Đại Vượng. Bước khỏi ghế, anh muốn tìm một câu nói để biểu đạt sự kính nể từ đáy lòng của mình với Lưu Liên. Anh nghĩ tới những câu thường dùng nhất trên câu đối dán trước cửa ngày tết ở quê hương: Gia đình giản dị mộc mạc, là gia đình vẻ vang nhất, gia đình vẻ vang, là gia đình cách mạng nhất, phát huy truyền thống cách mạng, giành vinh quang lớn hơn, vân vân. Khi học tập truyền thống ở đại đội, anh vẫn còn nhớ những câu nói hay và những lời nhắc nhở có liên quan, ví dụ, “sức mạnh của truyền thống có thể xuyên qua năm tháng đi tới tương lai của loài người”. Ví dụ khác, “cảm động lòng người nhất là giản dị mộc mạc, giản dị mộc mạc nhất, cảm động lòng người nhất”. Ví dụ nữa: có lần chính trị viên đọc một câu trong bài xã luận: Một khi lãnh đạo của chúng ta có thể phát huy truyền thống , kế thừa và phát huy hơn nữa tinh thần cần kiệm chất phác của nhà hầm Diên An, sự nghiệp cách mạng của chúng ta sẽ trở nên đỏ rực như mặt trời, chiếu vào đâu, là ở đó sẽ bừng sáng, làm cho xã hôi loài người vĩnh viễn tắm trong ánh sáng và hy vọng. Ngô Đại Vượng xúc động bởi vô số những câu tốt đẹp ập đến trong chốc lát. Anh muốn buột mồm nói ra mấy câu, song lại cảm thấy những câu nói này dường như đọc trong văn bản còn được, chứ nói ra miệng thường ngày sẽ trở nên sống sượng, chua loét, như cơm chưa chín tới, như canh để thiu, không khéo còn bị người ta cho mình lẩm cẩm, mắc bệnh tâm thần. Nhất là trước mặt Lưu Liên, đây là lần đầu tiên anh lên gác hai, lần đầu tiên tỏ ra xúc động trước sự cần kiệm chất phác của chị trong buồng ngủ, lần đầu tiên bày tỏ sự kính nể cao cả của mình trước chị, anh không thể dùng những lời sáo rỗng, nói đại thường dùng trong văn chương. Anh phải tìm lời nói vàng ngọc chất phác nhất, chân thật nhất, cảm động lòng người` nhất của chính mình. Nhưng khi dời khỏi những câu nói viết trên tường, đăng trên báo,in trên sách, phát trên đài, bỗng chốc đầu anh trống rỗng, như quảng trường to rộng không bày một vật gì, khiến mặt anh chợt đỏ bừng, bởi không tìm được một câu thích hợp. Giữa hai môi chứa đầy lời mà không nói ra được câu nào, khiến đôi môi anh lúng túng và run rẩy. Lột tờ báo cũ khỏi mặt ghế, anh đặt ghế về chỗ cũ, xỏ giầy vào, đứng thẳng lưng, căng thẳng đến nỗi mồ hôi trên mặt vã ra như tắm.
Anh nghe thấy tiếng mồ hôi của mình rơi xuống đất, giống như giọt nước trên mái hiên cao hơn một trượng đập lên viên ngói dưới đất, giọt nọ tiếp giọt kia, kêu tý tách. Giữa lúc ấy, mồm anh bỗng buột ra một câu hỏi:
- Thưa dì Lưu, có việc gì không ạ? Không có việc gì, tôi xin được xuống gác.
Có vẻ buồn buồn, chị nói:
- Đừng gọi Liên là dì, hình như Liên đã già.
Anh cười hiền lành, định ngẩng lên nhìn chị, song lại tiện mồm nói:
- Gọi dì thân mật hơn.
Chị không cười. Nét mặt đứng đắn mà nghiêm túc, căng thẳng mà dịu dàng, chị nói với anh một câu rất ý vị:
- Đại Vượng, từ nay về sau, trước mặt thủ trưởng và người khác, Vượng có thể gọi Liên là dì, khi không có ai, Vượng có thể gọi Liên là chị.
Tiếng chị nhẹ nhàng, thân mật, giống như một người mẹ giầu vốn sống xã hội giặn con trai mình sắp sửa tham gia công tác cách mạng những điều cần chú ý khi bước vào cương vị công tác, lại giống như người chị gái quan tâm và phê bình cậu em ruột làm sai. Ngô Đại Vượng có vẻ cảm động bất ngờ, rất muốn lúc này thốt lên một tiếng chị Lưu Liên, bằng sự thông minh nhạy cảm để khỏi lỡ thời cơ, thất chặt quan hệ chị em, ghi vào trang sử cuộc đời của hai người. Nhưng xét đến cùng, Lưu Liên là phu nhân của sư trưởng, còn mình chỉ là lính cấp dưỡng kiêm công vụ, lính công vụ kiêm cấp dưỡng của gia đình sư trưởng. Đẳng cấp như một bức trường thành chắn ngang giữa hai người, sự cách biệt như lầu son gác tía cao ngất ở đô thị lớn với ngôi nhà tranh nhỏ bé ở thôn quê miền núi, khiến anh cho dù có tài năng tày trời, có thể đọc thuộc lòng quyển sách của Mao chủ tịch không sót một chữ, có thể trong một phút nấu xong mười món thức ăn một món canh, vừa ngon lành, vừa đẹp mắt, anh cũng không thể gọi ra mấy chữ chị Lưu Liên được.
Cặp môi anh không còn run nữa, không biết nó đã cứng lại và rát bỏng từ bao giờ, giống như bất thình lình húp phải một hớp canh nóng. Anh không thốt lên hai tiếng chị Lưu. Anh không có gan và dũng khí goị lên hai tiếng ấy. Anh đành phải căm giận và coi khinh sự nhút nhát và yếu hèn của mình. Bằng sự trong trắng và lòng chân thành mang ơn chịu đức, anh lại ngẩng lên nhìn vợ sư trưởng, chị Lưu Liên của anh, hy vọng trong ánh mắt của mình, truyền sang chị sự xúc động và lòng kính nể của bản thân đối với chị.
Anh từ từ ngẩng đầu lên.
Đồng thời với một tiếng nổ phát ra từ trái tim, trước mắt anh như lướt qua một dải cầu vồng, bỗng chốc anh không dám tin, dải cầu vồng nhìn thấy chính là vợ sư trưởng, chính là chị Lưu Liên của anh.
ánh đèn sáng trắng như ban ngày.
Trong buồng yên tĩnh tới mức nghe rõ tiếng tia sáng va vào vật thể. Trong doanh trại dưới nhà gác bên ngoài, tiếng bước chân đi tuần của lính gác êm nhẹ mà rõ mồn một, y như có ai đó đang ngâm lời thơ “Nhớ Tần Nga . Lâu Sơn Quan”của Mao chủ tịch giữa đồng không mông quạnh xa xa. Trong cảnh tượng như thế, Ngô Đại Vượng vô tình quay đầu lại. Quay đầu lại, anh bỗng dưng sững sờ.
Sững sờ như Từ hải chết đứng, không biết làm thế nào.
Anh nhìn thấy Lưu Liên đặt quyển sách lên đầu giường. Trên người chị chỉ mặc mỗi chiếc váy ngủ lụa hoa màu lam hồng. Bởi vì là váy ngủ, nên lỏng lẻo và rộng thùng thình, lúc nào cũng sẵn sàng tụt khỏi người. Anh lơ mơ nhớ ra, khi lên gác không thấy chị mặc váy ngủ. Bởi vì không bật điện, bóng tối trùm khắp nhà, vì vậy anh tin chắc Lưu Liên đã mặc váy từ trước, mà trong chốc lát anh đã không phát hiện hoặc nhìn thấy trong bóng hoàng hôn. Lúc này đèn bật sáng, quay đầu lại đương nhiên anh cũng đã phát hiện, đã nhìn thấy. Khỏi cần nói, riêng việc Lưu Liên mặc váy ngủ, chị cũng không xuất hiện trước mặt anh như một dải cầu vồng. Xét đến cùng, anh cũng là tiểu đội trưởng lâu năm đã lấy vợ, là một người hiếm có trong đại đội cảnh vệ, đã nhìn thấy đàn bà thật sự, mà vợ anh còn là con một của gia đình cán bộ công xã, là con em cán bộ nông thôn miền núi. Sở dĩ giống như một dải cầu vồng lướt qua trước mặt anh, là bởi vì trời oi bức, không biết Lưu Liên bật chiếc quạt điện có tuốc năng ở đầu giường từ khi nào. Chiếc quạt điện đầu lắc la lắc lư, mỗi lần gió thổi đến, lại hất tung chiếc váy của Lưu Liên, gió lùa trong váy từ chân lên cổ. Miệng váy hất lên chí ít cũng rộng một thước rưỡi. Mỗi lần váy hất lên, cặp giò của chị lại hở ra, vừa trắng nõn, vừa thon dài, lại nổi lên từng thớ thịt nây nây trên đùi. Nói một cách thực sự cầu thị, đây là lần đầu tiên trong đời, Ngô Đại Vượng trông thấy đàn bà mặc váy ngủ, đúng là có một mùi thơm dầu hoa quế của đàn bà rất cuốn hút, từ dưới váy thoang thoảng bay ra, lan toả khắp nhà, chất dần lên, không những chẹt cổ khó thở, mà lòng bàn tay còn toá mồ hôi. Mười ngón tay anh đâm thừa, không biết để vào đâu, đành phải buông thõng hai bên chân. Bởi vì thừa, tay anh run run, kìm không nổi, mồ hôi từ lòng bàn tay chảy loang ra hai tay. Chỉ liếc nhìn thân chị một cái, một dải cầu vồng đã lướt qua trước mắt anh. Con ngươi như bùng cháy, nhãn cầu bị thiêu nóng. Nhưng khi lướt nhanh ánh mắt, anh lại nhìn thấy miệng váy ở ngực căng phồng bởi gió từ dưới hất lên. Chỗ váy ở ngực căng phồng, khi đuôi mắt anh mất cảnh giác đã vô tình nhìn thấy cặp vú, vừa trắng vừa to, ngồn ngộn và tròn như vòng tròn com pa, giống như chiếc bánh bao hấp, vừa nở vừa xốp sư trưởng thích ăn nhất do anh nhào bột tốt nhất và giữ độ lửa tốt nhất. Sư trưởng là người miền nam. Lưu Liên cũng là người miền nam. Cả hai đều gọi bánh bao hấp là màn thầu. Ngô Đại Vượng nhìn thấy già nửa vú Lưu Liên lộ ra, anh liền nghĩ ngay đến chiếc màn thầu vừa to vừa nở mình hấp, bỗng dưng rạo rực muốn thò tay bóp. Nhưng xét cho cùng, anh là con nhà được học hành tử tế, lại trở thành con người có lý tưởng trong quân đội, con người phấn đấu cao thượng, con người được sư trưởng và tổ chức coi trọng và tin cậy, con người lập chí suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Rút cuộc, giống như nhớ mình là ai, họ tên gì, anh nhớ kỹ mình chỉ là lính công vụ kiêm cấp dưỡng trong gia đình sư trưởng, chứ không phải con, hay cháu của sư trưởng, không phải em trai, hay em họ của Lưu Liên. Anh biết mình nên làm gì, nên nói gì, không nên làm gì, hoặc không nên nói gì. Lý trí tới tấp dội xuống đầu anh như mưa đá, tan ra lạnh giá, dội vào trái tim nóng bỏng của anh. Đây là buồng ngủ gác hai nhà sư trưởng. Trong buồng ngủ, vợ ông mặc áo xống gì, hở chỗ nào, không hở chỗ nào vốn là chuyện thường tình. Vợ mình vừa cưới hơn một tháng, chẳng phải cũng đã từng mặc mỗi chiếc xi líp, hai vú để thỗn thện đi đi lại lại trong buồng ngủ tự nhiên như đi trên đường phố đó sao?Đàn bà trước mặt đàn ông, không có linh hồn không cao thượng. Đàn ông trước mặt đàn bà, chỉ có tư tưởng không lành mạnh. Với suy nghĩ tỉnh táo mà sáng ngời cách mạng, chỉ trong nháy mắt, Ngô Đại Vượng đã gạt được ý nghĩ dâm tà hoang đường cảm tính của giai cấp tư sản, cứu linh hồn mình suýt nữa lao đầu vào vách đá. Tỏ ra bình tĩnh, ánh mắt anh lướt khỏi thân Lưu Liên, giống như ánh mắt chim ưng lướt qua mặt nước không có gì mới lạ, nhìn vào cuốn “Tuyển tập Mao Trạch Đông”chị đã từng dở và hỏi:
- Thưa dì, còn việc gì không ạ?
Nét mặt Lưu Liên lại một lần nữa buồn buồn. Cầm quyển sách anh đang nhìn chằm chằm, chị quăng sang một bên, lạnh lùng hỏi:
- Ngô Đại Vượng, làm việc trong nhà thủ trưởng, điều quan trọng nhất cần phải nhớ là gì?
Anh trả lời:
- Việc không nên nói không nói,việc không nên làm không làm.
Chị hỏi:
- Tôn chỉ là gì?
Anh đáp:
- Vì thủ trưởng và người trong gia đình thủ trưởng phục vụ, chính là vì nhân dân phục vụ.
- Thông minh lắm!
Nét mặt căng cứng vì không vui của chị đã thư dãn trở lại. Vắt váy ngủ bị gió thổi tung che đùi, giống như chị gái, chị hỏi anh:
- Vượng có biết Liên hơn Vượng bao nhiêu tuổi?
Anh đáp:
- Không biết.
- Liên hơn Vượng năm tuổi - Chị nói - Theo Vượng, Vượng nên gọi Liên là chị hay là dì? - Không chờ anh trả lời, chị lại tiện tay cầm chiếc khăn vuông ở đầu giường đưa cho anh, giục lau mồ hôi - Liên có ăn thịt Vượng đâu, Vượng đã coi Liên là vợ của sư trưởng, vậy Vượng phải trả lời Liên như trả lời câu hỏi của sư trưởng.
Anh cầm khăn vuông chị đưa lau mồ hôi.
- Vượng lấy vợ chưa? - Chị hỏi.
- Rồi ạ - Anh đáp.
- Năm nào? - Chị hỏi.
- Ba năm trước - Anh đáp.
- Có con chưa?- Chị hỏi.
- Sinh năm kia - Anh đáp - Cách đây ba tháng, lúc tôi về thăm nhà, chẳng phải dì đã mua cho cháu một bộ quần áo trẻ con, dì quên rồi sao?
Chị ngừng một lát, y như cổ đột nhiên bị tắc nghẹn, sau đó chị nói tiếp:
- Bây giờ Vượng đừng gọi Liên là dì. Liên là chị Vượng, chị Vượng đang hỏi Vượng.
Anh lại ngước lên nhìn chị.
Chị hỏi:
- Lý tưởng lớn nhất của Vượng là gì?
Anh đáp:
- Thực hiện chủ nghĩa cộng sản, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa.
Chị cười nhạt, nụ cười giống như một hòn than hồng gói trong lớp băng mỏng. Sau đó chị vênh mặt, lại nhấn mạnh câu vừa nói:
- Liên là chị Vượng, Liên hỏi Vượng điều gì Vượng phải nói thật lòng.
- Vâng - Anh đáp.
- Lý tưởng lớn nhất của Vượng là gì?- Chị hỏi.
- Đề bạt cán bộ, chuyển hộ khẩu vợ con lên thành phố theo quân đội - Anh đáp.
- Vượng thích vợ mình chứ?- Chị hỏi.
- Rất khó nói thích hay không thích, đã lấy rồi, người ta là vợ mình, mình phải suốt đời nghĩ cho người ta.- Anh đáp.
- Vậy là vẫn thích chứ. - Chị nói.
Hai người đều im lặng. Hãy để sự im lặng trùm lên ngôi nhà giống như chiếc lều bạt quân đội trùm lên đầu hai người. Chiếc quạt điện luôn luôn thổi gió vào Lưu Liên. Ngô Đại Vượng nóng toát mồ hôi, không biết vì thời tiết, hay là do căng thẳng. Anh cảm thấy mồ hôi từ đầu chảy xuống mắt vừa xót vừa cay, y như tra nước muối vào mắt. Anh biết chị đang chằm chằm nhìn mặt mình, còn anh chỉ dám nhìn tấm ga xanh màu nước trải giường và chiếc màn tuyn treo lơ lửng. Thời gian trôi chậm chạp như con bò già kéo cỗ xe cọc cạch. Mãi đến lúc không thể nhịn nổi, anh mới đánh bạo thử hỏi:
- Dì còn hỏi điều gì nữa không?
Mặt lạnh như tiền, chị đáp:
- Không hỏi nữa.
- Vậy, tôi xuống gác được chưa?
- Xuống đi. - Chị đáp.
Nhưng khi anh quay người xuống gác, vừa ra đến cửa, chị đã gọi giật lại, hỏi một câu lạ lùng không hiểu nổi:
- Nói thật với Liên xem nào, ngày nào đi ngủ Vượng cũng tắm phải không?
Quay lại ngạc nhiên nhìn chị, anh trả lời:
- Tắm. Khi ở đại đội tân binh, chính trị viên của chúng tôi là người miền nam, ai không tắm, chính trị viên không cho lên giường ngủ.
- Ngày nào cũng tắm phải không? - Chị hỏi.
- Ngày nào cũng tắm.- Anh trả lời.
Chị giục:
- Vượng đi đi. Nhớ đấy, tấm biển vì nhân dân phục vụ không ở trên bàn ăn, là Liên gọi Vượng lên gác hai có việc.
Ngô Đại Vượng đi xuống gác một như chạy trốn. Xuống đến nơi, việc đầu tiên anh phải làm là vào bếp, mở vòi nước máy xoè xoè, rửa khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi.